Tuesday, March 20, 2012

Khách Tây "sợ" phố cổ Hà Nội

Với nhiều người nước ngoài, ấn tượng ban đầu về phố cổ Hà Nội là nỗi sợ - sợ lạc vì phố phường nườm nượp người qua lại, xe cộ tràn ngập, dây điện chằng chịt và những cái tên phố cứ na ná nhau.

Ðặc điểm chung của phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng từ "Hàng", tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó, như: Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Thiếc, Hàng Chiếu… Phố nào cũng ồn ào, náo nhiệt cảnh mua bán, lao động như một làng nghề thu nhỏ.

Nhà văn Carol Howland đã viết trong cuốn sách Những con rồng trên mái nhà - một năm ở Việt Nam: “Đi bộ ở Hà Nội 36 phố phường giống như len lỏi tìm đường đi trong một bát mì. Mặc dù 7 thế kỷ đã đi qua, nhưng mỗi con phố dường như vẫn mang đậm nét của một làng nghề, nơi mà cuộc sống mang tính cộng đồng cao và nghề truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác".


Giờ cao điểm ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: CNNGO

Chantrelle Nielson, một người Mỹ đã sống gần một năm ở Hà Nội trong khu phố cổ, thì nhận xét: “Đường phố quá lộn xộn và tên thì lại rất khó nhớ. Mỗi khi đi bộ trong phố, tôi cảm thấy như phải cố gắng bơi trong một dòng sông chảy xiết”. Trong khi đó, Chris Anderson, một cựu phóng viên của CNNGO, lại cảm nhận: Ồn ào, đông đúc và dễ lạc là điểm nổi bật dễ nhận thấy nhất của phố cổ Hà Nội. Vì thế, để khám phá, nên đi lang thang không mục đích. Không điểm đến, không lộ trình được vạch sẵn. Chỉ đơn giản rẽ trái, rẽ phải hay đi thẳng.

Theo Chris Anderson, không có con đường nào được gọi là “ít được đi lại” ở đây. Tất cả các tuyến phố đều tràn ngập xe máy, ô tô, xe đạp và người đi bộ. Đừng chỉ tập trung vào bước chân, hãy nhìn sang hai phía và tận hưởng khoảnh khắc bạn đứng ở giữa phố với hàng tá xe cộ vây quanh.

"Hà Nội nóng nhất vào mùa hè, với nền nhiệt độ trung bình từ 30 đến 35 độ C và độ ẩm cao. Do vậy, khi đi bộ, bạn nhớ đem theo nhiều nước khi đi bộ để bù vào lượng mồ hôi toát ra. Với những người chịu được nóng, thì một ngày là khám phá hết phố cổ. Ngược lại, với người "dị ứng" nắng nóng, phải mất 2 ngày và mỗi ngày chỉ cần 4 tiếng. Tuy nhiên, lời khuyên tốt nhất là thăm phố cổ Hà Nội vào mùa thu và mùa xuân", Chris Anderson viết trên CNNGO.


Dây diện chằng chịt ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: CNNGO

Phố cổ dễ lạc thế, nhưng với những người đã có thời gian ở lại với Hà Nội, hay du lịch khám phá những nét hay, nét đẹp của nơi này, họ lại có cảm giác yêu mến và hiếu kỳ.

Martin Spice đã hào hứng kể lại hành trình khám phá mê cung phố cổ trên tờ Star của Malaysia: "Phố cổ Hà Nội là điểm đến lý tưởng với mọi du khách. Những con phố nhỏ, hẹp với các dòng phương tiện đi lại như thoi đưa nhưng vẫn hết sức “quyến rũ” du khách, nhờ điểm nhấn là các cửa hàng thủ công nối tiếp nhau... Và thật khó để diễn tả sự đổi thay diễn ra nếu không đi sâu vào phía trong các cửa hàng trên mỗi tuyến phố nhộn nhịp và bắt đầu khám phá. Mặt tiền các cửa hàng ở đây rất hẹp bởi người bán hàng phải chịu thuế theo chiều rộng của cửa hiệu. Một giải pháp tài chính “độc đáo” được đưa ra, đó là các tòa nhà thu hẹp về chiều ngang nhưng kéo dài về chiều dọc".

Về việc tại sao nhiều gia đình ở phố cổ sống quanh các sân nhỏ, trong những căn phòng nhỏ bé và nới đây lại đông đúc đến vậy? Martin Spice lý giải rằng, phố cổ Hà Nội có giá bất động sản cao ngất ngưởng, xấp xỉ với Tokyo hay New York. Qua nhiều thế hệ, tài sản được truyền lại, mỗi lần như vậy chúng lại bị chia nhỏ ra cho nhiều người hơn. Phần thừa kế mỗi người nhận được ngày càng ít hơn nhưng không ai muốn từ bỏ phần thừa kế của mình để đi nơi khác. Bởi vậy, dân số ngày càng tăng lên và không gian ngày một chật hẹp hơn.

Một số hình ảnh về phố cổ Hà Nội trên CNNGO:



















Yên Chi (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment