Trong khoảng thời gian gần đây, tác giả may mắn có dịp gặp vị Chỉ Huy Trưởng cuộc hành quân Trần Hưng Đạo 48 (THĐ48) là HQ Đại Tá Nguyễn Văn May.
Ngoài ra tác giả cũng đã trao đổi điện thư với HQ Trung Tá Vũ Quốc Công nguyên Hạm Trưởng HQ 07 và HQ Trung Úy Trương Văn Liêm tác giả bài viết “Tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5 và Hoàng Sa 19 tháng 1-1974” để tìm hiểu thêm chi tiết.
Thêm vào đó, HQ Thiếu Tá Nguyễn Chí Cần đã gởi cho tác giả bức hình chụp trong lần công tác Trường Sa xác nhận ngày và đơn vị Địa Phương Quân đổ bộ lên đảo Song Tử Tây.
Dựa trên những lời bổ túc của Đại Tá May, các điện thư, hình ảnh và các tài liệu liên hệ xác nhận sự tham dự của HQ5 trong cuộc hành quân THĐ48 (tài liệu do TĐS/HK dịch lại từ bản tin của Việt Nam Thông Tấn Xã ngày 23 tháng 2 năm 1974 không có tên HQ5) (1), tác giả xin viết lại bài này một cách đầy đủ hơn và được đăng dưới đây.
-------------------------------------------
Lời mở đầu: Sau ngày 20 tháng 1-1974, quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc về Trung Cộng.
Đã biết trước thái độ không can dự về mặt quân sự lẫn nhân đạo của người bạn đồng minh Hoa Kỳ, tuy vậy, ngày 22 tháng 1, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn gởi thơ cho Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon yêu cầu “ hết lòng hỗ trợ về vật chất và chánh trị cần thiết “, nhưng bức thơ này đã không được Hoa Kỳ ưu tiên phúc đáp.
Lo ngại về việc TC có thể tiến chiếm Trường Sa sau khi đã cũng cố Hoàng Sa (2) (cũng như lần khai hỏa ở Hoàng Sa, không cần hội ý trước với Hoa Kỳ), Tổng Thống Thiệu đã làm cho Hoa Kỳ sững sốt khi vào ngày 30 tháng 1-1974 ( 10 ngày sau khi mất Hoàng Sa), ông đã ra lịnh cho Hải quân VNCH mở cuộc hành quân THĐ48 trực chỉ Trường Sa đổ quân chiếm đóng thêm 5 đảo (3).
Cuộc hành quân này đã chứng tỏ cho thế giới thấy là mặc dù đã chịu đựng tổn thất trong trận hải chiến Hoàng Sa và với các chiến hạm có khả năng hoạt động viễn duyên hầu hết đều cũ kỷ, chậm chạp, vũ khí lỗi thời nhưng Hải quân VNCH đã chứng tỏ vẫn còn đủ khả năng để cũng cố chủ quyền quốc gia Việt Nam ở Trường Sa và ngang nhiên thách thức Trung Cộng nếu chúng có ý định tiến chiếm Trường Sa.
Trong ấn bản”Conway’s All the world Fighting Ships 1947-1982 – Part II ấn hành năm 1983” đã viết về Hải quân VNCH như sau :”HQVNCH đã chứng tỏ sự dũng cảm trong tháng 1-1974. Trung Cộng đưa một tiểu đoàn xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa cách 225 hải lý về hướng Đông Viêt Nam, nhưng cường quốc Cộng Sản đã phải trả gíá với 2 chiến hạm bị đánh chìm và 2 chiếc chiếc khác bị thiệt hại nặng bù lại một chiến hạm Việt Nam bị chìm (có 23 người sống sót đã được thương thuyền Hòa Lan cứu vớt).
Mười ngày sau đó chiến hạm Viêt Nam đã đổ quân lên quần đảo Trường Sa vài trăm hải lý về hướng Nam để ngăn ngừa bị cưỡng chiếm”
Mặc dù đây là một quyết định rất mạo hiểm của Tổng Thống Thiệu, nhưng chính quyết định này của ông đã nới rộng chủ quyền của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa và đã khiến TC hoản lại ý định bành trướng đế quốc của họ xuống Trường Sa cho đến năm 1988.
* * *
Thi hành lịnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ngày 30 tháng 1-1974 (chỉ 10 ngày sau trận hải chiến với hải quân Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa 19-1-1974) Hải quân VNCH đã phát động cuộc hành quân trực chỉ Trường Sa để cũng cố chủ quyền và mở rộng sự kiểm soát của Việt Nam trong khu vực này.
Mục đích của cuộc hành quân là thiết lập sự hiện diện của VNCH trên các hòn đảo chưa bị chiếm đóng.
Vị chỉ huy truởng hành quân đã nhận chỉ thị là không nên có hành động thù nghịch đối với bất cứ lực lượng nào khác có thể có mặt trong vùng và không được đổ quân lên bất cứ đảo nào đã bị chiếm đóng từ trước.
1.-Tình trạng quần đảo Trường Sa.
Cho đến tháng 1-1974, ngoài Việt Nam còn có Đài Loan và Phi Luật Tân đã chiếm cứ một số đảo sau đây trong quần đảo Trường Sa:
- Đài Loan (Trung Hoa Quốc Gia): đảo Ba Bình hay Thái Bình (Itu Aba) là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa.
Tháng 1-1946, THQG tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa
Tháng 12-1946 Đài Loan với danh nghĩa đại diện Đồng minh đã gởi một toán hải quân lên tiếp thu đảo Ba Bình từ tay Nhật Bản (3) (theo tài liệu của BNG/HK thì vào tháng 12-1945).
Ngày 1 tháng 12-1947, Đài Loan loan báo đã tiêu chuẩn hóa tên các đảo lớn, nhỏ, các bãi đá ngầm và bãi cạn trong quần đảoTrường Sa.
Tháng 7-1971, Đài Loan tăng cường quân số trên đảo Ba Bình lên đến khoảng 500 người (lực lượng trú đóng thuộc Thủy Quân Lục Chiến).
- Phi Luật Tân: năm 1967, Phi đã đưa người lên các đảo để giúp cho việc duy trì các trạm trợ giúp hải hành. Sau khi phản đối Đài Loan đưa thêm quân lên đảo Thái Bình, khoảng vài ngày sau đó cũng trong tháng 7-1971, Phi đổ quân chiếm 5 đảo là Song Tử Đông (Northeast Cay - Parola island), đảo Thị Tứ (Thitu Island - Pagasa island), đảo Loại Tá (Loaita island – Kota island), đảo Vĩnh Viễn (Nanshan island – Lawak island) đảo Dừa (West York island – Likas island) (4). Trong số này ba đảo Song Tử Đông, Thị Tứ và Loại Tá đã được Hải Quân VHCH dựng bia chủ quyền trong tháng 5 năm 1963.
Hiện tại khoảng một Đại đội TQLC Phi Luật Tân với đầy đủ cấp số đang trú đóng 5 đảo nêu trên.(5)
- Việt Nam Cộng Hòa: chiếm cứ đảo Nam Yết từ tháng 7-1973, có 64 Địa Phương Quân trú đóng trên đảo.
2.- Hành quân Trần Hưng Đạo 48.
Chiến dịch này được đặt tên Trần Hưng Đạo 48, do Hải quân chỉ huy. Chỉ Huy Trưởng cuộc hành quân là HQ/ Đại Tá Nguyễn Văn May* (ông đang là CHT Hải Đội Tuần Duyên -Hải Đội I- thuộc BTL/Hạm Đội). Bộ chỉ huy hành quân đặt trên HQ07.
Nguồn tin từ BTL/HQ cho hay Lực lượng đặc nhiệm gồm có một Tuần dương hạm (CG Cutter)-HQ5, một Hộ tống hạm (PCE)-HQ07 chở theo 17 Địa phương quân để thay thế cho các quân nhân quá nhiệm kỳ trên đảo Nam Yết (theo Hạm Trưởng HQ07 thì ông chỉ đưa toán ĐPQ lên đảo, không có tiếp nhận toán lính đáo hạn kỳ) và một Hải vận hạm (LSM)-HQ405 (6) chở theo 119 Địa phương quân thuộc tỉnh Phước Tuy với nhiệm vụ đổ quân lên 5 đảo dự trù sẽ chiếm cứ.
Nhưng theo Đại Tá May thì lực lượng hành quân xuất phát từ Vũng Tàu sáng ngày 30 tháng 1 năm 1074 chỉ có hai chiến hạm là HQ07, HQ 405 và ĐPQ. Vài ngày sau, vào đầu tháng 2, Tuần dương hạm (TDH) Trần Bình Trọng-HQ5 đang công tác Vùng I Duyên hải nhận được lịnh trực chỉ Trường Sa để tăng cường {HQ tham dự trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1-1974, về Đà Nẵng ngày 20-1-1974 được sửa chửa khẩn cấp, đến ngày 22-1-1974 (mùng một Tết) nhận lịnh công tác ra khơi tìm kiếm các chiến sĩ đào thoát mặc dù chiến hạm còn trong tình trạng thiếu thốn, dụng cụ hư hại không được thay thế, các lỗ hổng chỉ được vá lại tạm thời... }.
HQ07 và HQ405 đến địa diểm vào khoảng 00.40 giờ sáng ngày 1 tháng 2 và nhận lịnh chuẩn bị đổ quân vào lúc 0700 giờ. Công tác dự trù hoàn tất trong vòng vài ngày, nhưng vì thời tiết xấu, biển động và thủy triều xuống thấp nên việc đổ quân và quân cụ lên các đảo đã bị trì hoãn và kéo dài khoảng gần một tuần.
Theo kế hoạch hành quân, Hải quân đã cho đổ bộ từ 20 đến 40 Địa phương quân lên các đảo sau đây :
- đảo Trường Sa (Spratly island)
- đảo Sinh Tồn (Sin Cowe island)
- đảo Song Tử Tây (Southwest Cay)
- đảo Sơn Ca (Sand Cay island)
Riêng đảo An Bang (Amboyna Cay) vì quá nhỏ (rộng khoảng 2 hectares) và cao hơn mặt biển độ 1m, nên giới chức thẩm quyền đã quyết định không đưa lính lên chiếm cứ đảo. Tuy nhiên đảo này vẫn được xem là một phần của lãnh thổ Việt Nam.
Mỗi đơn vị trú đóng trên đảo được cung cấp 2 chiếc xuồng, một số lều, giường ngũ, vũ khí cá nhân và một số dụng cụ để săn bắt hải sản quanh đảo dùng cho thức ăn hàng ngày.
Lực lượng bộ binh trú đóng ở Trường Sa thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 371 Địa phương quân tỉnh Phước Tuy. Bộ chỉ huy đặt căn cứ trên đảo Nam Yết do Trung Úy Đoàn Cận Tiêm chỉ huy.
Tất cả đều xung phong tình nguyện để bảo vệ quê hương trước âm mưu xâm lăng của giặc thù Trung Cộng.
Trong lúc hành quân đã không có sự va chạm nào với các lực lượng ngoại quốc mặc dù có hai chiến hạm của Đài Loan hiện diện trong vùng.
Theo HQ Đại Tá Nguyễn Văn May thì HQ07 do HQ Trung Tá Vũ Quốc Công làm Hạm Trưởng đã phát giác sự có mặt của 2 chiến hạm Đài Loan đang tiến về đảo Ba Bình (Itu Aba), một chiếc là Khu trục hạm (Destroyer –DD loại này lớn hơn loại DE) và chiếc kia là Dương vận hạm (LST).
Vì hai chiến hạm Đài Loan không có thái độ thù nghịch nên vị Chỉ huy trưởng hành quân đã không ra lịnh cho các chiến hạm vào nhiệm sở tác chiến.
Hạm Trưởng HQ07 đã viết về giai đoạn này như sau:”….. Đài Loan luôn có 1 Khu trục hạm (DD) túc trực tại cầu tầu ở phía nam đảo Ba Bình. Họ tăng cường thêm một Khu trục hạm (DD) và một Dương vận hạm (LST) trong thời gian hành quân THD48 triển khai. Chiến hạm này nhập vùng cùng ngày với HQ07. Trên mỗi khu trục hạm của Đài Loan đều có 1 trực thăng. Không thấy sự hiện diện của các loại phi cơ khác. Vào ngày TQLC Đài Loan tập trận, được nhân viên báo cáo, tôi lên Đài chỉ huy để quan sát thấy khoảng 6 chiếc thiết giáp lội nước đang từ bên trong chiếc LST (chiếc này thường ủi bãi Đông Nam của đảo Ba Bình) chạy ra vào đội hình hàng ngang tiến vào bãi. Lính gác báo cáo trước đó khoảng 15 phút đã có một đợt thiết giáp lên bờ và phân tán sau rặng cây. Do vậy tôi đoán là họ có ít nhất là 2 chi đội thiết giáp lội nước (amphibious tank) đồn trú trên đảo. Chúng tôi vừa quan sát, vừa đề phòng một cách kín đáo.
Trong thời gian bao vùng yểm trợ cho bộ binh trấn thủ đảo Trường Sa và đảo Sinh Tồn, HQ07 thường vào neo trong vịnh nhỏ nằm giữa Ba Bình và Sinh Tồn. Đôi bên(ta và Đài Loan) có liên lạc bằng quang hiệu và cờ, nhưng luôn giữ hòa khí (tất cả các súng đều được bao lại...). Tôi không còn nhớ "họ" và "ta" trao dổi những gì...”
Khoảng giữa tháng 2, BTL/HQ đã gởi thêm một số chiến hạm gồm có Tuần Dương Hạm (TDH) Phạm Ngũ Lão-HQ15, TDH Ngô Quyền-HQ17 và Yểm Trợ Hạm Mỹ Tho-HQ800 chở vật liệu và toán Công Binh Kiến Tạo để lo việc xây cất doanh trại cho các toán ĐPQ trú đớng trên các đảo ở Trường Sa.
Cuộc hành quân kéo dài khoảng gần một tháng và khi các chiến hạm ta rời vùng, chiếc LST của Đài Loan cũng hải hành về hướng Bắc, có lẽ trở về Đài Loan. Tuy nhiên HQ5 vẫn ở lại vùng hoạt động cho đến khoảng giữa tháng 4 mới được lịnh chấm dứt công tác trở về Sài Gòn (7)
(HQ Thiếu Tá Nguyễn Chí Cần đã cho phép tác giả xử dụng bức ảnh này)
Hình chụp bia lưu niệm trên đây đã chứng minh ngày, tháng và đơn vị Địa Phương Quân đổ bộ lên đảo Song Tử Tây
trong cuộc hành quân Trần Hưng Đạo 48 do Hải Quân tổ chức.
Không tìm thấy hình ảnh bia này trong các bức hình do CSVN phổ biến từ sau năm 1975.
Hình chụp bia lưu niệm trên đây đã chứng minh ngày, tháng và đơn vị Địa Phương Quân đổ bộ lên đảo Song Tử Tây
trong cuộc hành quân Trần Hưng Đạo 48 do Hải Quân tổ chức.
Không tìm thấy hình ảnh bia này trong các bức hình do CSVN phổ biến từ sau năm 1975.
Ghi chú:
- 1 hectare=10,000m2
* HQ Đại Tá Nguyễn Văn May tốt nghiệp khóa 5 SQHQ/NT năm 1955. Ông là vị Tư lịnh sau cùng của Vùng 5 Duyên Hải. Học tập cải tạo13 năm và đến định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1993.
*** Đây là đoạn email của HQ Trung Tá Vũ Quốc Công:
a.- Cây dừa ở phía Đông Nam đảo là đặc trưng của đảo Song Tử Tây. Trong hình, xa xa sát cây dừa là lô-cốt (blockhaus) do Pháp hay Nhật xây (Lô cốt nằm ở phía Nam Song Tử Tây).
b.- Khoảng 10;0 AM ngày 2/5/1975, khi dẫn lộ HQ 802 đi tị nạn, khi qua Song Tử Tây, tôi dùng hệ thống speaker thông báo cho anh em Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Bộ Binh và Không Quân mà tôi đón lên HQ 802 trong các ngày 28, 29, 30 tháng 4/1975 và bà con dân sự mà tôi vớt từ các ghe tàu đánh cá đủ loại để họ nhin đảo Song Tử Tây.
Lúc đó tôi nói: " Ở phía bên phải tàu là Đảo Song Tử Tây. Đảo là nơi có cây dừa nhô lên, chếch nghiêng về phía sau lái tàu. Đây là cơ hội cuối cùng để bà con nhìn VN lần cuối..." Mọi người chen nhau nhìn về Song Tử Tây... Tất cả đều sa nước mắt. Đó một kỷ niệm khó quên.
Tài liệu tham khảo:
(1) điện thư số 018391 ngày 23FEB74 của TĐS/HK tại Sài Gòn
“…the mission was carried out within operation Tran Hung Dao 48
launched early February,1974 with the participation of four patrol craft : Dong Da HQ 07, Tran Hung Dao HQ 01, Pham Ngu Lao HQ 15 and HQ 17 and a Landing Ship Tank (LST) My Tho
HQ 800…”
(2) -điện thư số 070943 ngày 23JAN1974 của BNG/HK “…chánh phủ VNCH cho là lực lượng Trung Cộng chiếm HS có thể sửa soạn tiến về quần đảo TS”
(3)- điện thư số 099386 ngày 08FEB74 của TĐS/HK tại Đài Bắc.
- Bài viết “Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam” của tác gỉả Lãng Hồ thì :”…Trung Hoa Dân Quốc cho quân chiếm đóng hai quần đảo vào ngày 7-1-1947, Chánh phủ Pháp vào ngày 13-1-1947 đã chính thức phản kháng với Trung Hoa Dân Quốc và tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam.” (trang 103 tập san Sử địa, số 29 từ tháng 1 đến tháng 3-1975)
- Lịnh đầu hàng do Đồng Minh yêu cầu Nhật Bản thi hành như sau : ”Các cấp chỉ huy cao cấp Nhật Bản và tất cả các lực lượng Hải, Lục, Không quân và lực lượng phụ thuộc trong phạm vi nước Trung Hoa (ngoại trừ Mãn Châu), Đài Loan và Đông Dương thuộc Pháp nằm ở hướng Bắc vĩ độ 16 Bắc sẽ đầu hàng Thống Chế Tưởng Giới Thạch – The senior Japanese commanders and all ground, sea, air and auxiliary forces within China, (excluding Manchuria), Formosa and French Indo-China North of 16 degrees North latitude, shall surrender to Generalissimo Chiang Kai-shek”
(4) - theo tài liệu cuả Lưu Văn Lợi chỉ có 4 đảo ( không có đảo Dừa –West York island)
- Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa&Trường Sa - Luận văn tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh cuả Sinh Viên Đinh Phan Cư, tháng 9-1972 (trích trong Hoangsa.org).
- điện thư số 078114 ngày 06FEB74 của TĐS/HK tại Manila
(5) điện thư số 098104 ngày 26JAN74 của TĐS /HK tại Manila
(6) “Hải chiến Hoàng Sa, HQ 5 Trần Bình Trọng” của HQ Thiếu Úy Phan Công Minh đăng trong www.hqvnch.net. viết là HQ 407.
- trong bài này có đề cập đến sự hiện diện của hai chiến hạm Đài Loan.
(7) “Soái hạm HQ 5 và trận hải chiến Hoàng Sa” Bùi Ngọc Nở,www.ubhoangsa.org
(Thềm Sơn Hà)
No comments:
Post a Comment