Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim về Katyn của đạo diễn lớn Andrzej Wajda, người có cha bị thủ tiêu tại Katyn, vừa mới công chiếu tại Ba Lan đã được coi là một sự kiện vô cùng lớn lao và được công chúng nước này chờ đón từ lâu. Bởi lẽ, sự bi thảm của Katyn qua những thước phim đã có tác động rất mạnh mẽ, không chỉ tới những thế hệ đứng tuổi từng có nhiều mất mát trong chiến tranh mà còn tới cả lớp trẻ có nhu cầu tìm hiểu và trực diện với lịch sử.
Dựa theo những tư liệu quốc tế khá đầy đủ đã được công bố, loạt bài sau của NCTG hy vọng đem lại cho độc giả sự thật lịch sử trong tội ác diệt chủng và chống nhận loại này (mà cho đến nay, Liên bang Nga - kế thừa "di sản" của Liên Xô - vẫn không chịu thừa nhận, chỉ coi là một tội "bình thường" thời chiến tranh).
Katyn - nghĩa trang của các anh hùng Ba Lan hy sinh trong chiến tranh
Toàn cảnh
Thảm sát Katyn là tên gọi của vụ giết người hàng loạt, được thực hiện bởi Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) chiểu theo quyết định ra ngày 5-3-1940 của Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đối với khoảng 15 ngàn tù binh Ba Lan, đa phần là sĩ quan dự bị và sĩ quan từ cấp tá trở lên, khi đó bị giam tại các trại tù trên lãnh thổ Liên Xô và bị coi là những thành phần "không thể giáo dục".
Nạn nhân của vụ thảm sát được chôn trong các nấm mồ tập thể tại Katyn (gần Smolensk), Mednoye (gần Tvar) và các khu rừng ở Pyatykhatky (ngoại ô Kharkov). Vụ thảm sát và việc xóa bỏ dấu vết các nạn nhân đã được thực hiện một cách tuyệt mật, nhưng ngay từ năm 1943, những ngôi mộ tập thể đầu tiên đã bị phía Đức phát hiện trong các khu rừng ở vùng Katyn, nơi quân đội Đệ tam Đế chế chiếm đóng. Chính bởi vậy, địa điểm này - Katyn - đã được cả thế giới gắn liền với vụ thảm sát. Hiện tại, việc sát hại 7 ngàn người (trong số đó có 1 ngàn sĩ quan cao cấp Ba Lan) bị Liên Xô giam giữ (mà không được hưởng quy chế tù binh) trong các nhà tù ở miền Tây Ukraina và Belarus cũng được gắn với cái tên Katyn.
Theo nhận định của Viện Ký ức Quốc gia - Tổng ủy ban Điều tra các tội ác của nước Đức Hitler và Liên Xô đối với dân tộc Ba Lan (Instytut Pamięci Narodowej – Główna Komisja Badania Zbrodni Hitlerowskich i Sowieckich Przeciwko Narodowi Polskiemu), một cơ quan có thẩm quyền của viện kiểm sát, vì tính chất giết người hàng loạt, những cuộc thảm sát này thích hợp để quy vào tội ác chống nhân loại, cũng như, do sự vi phạm thô bạo Công ước Geneva [đối với tù binh], phải liệt chúng vào hàng những tội ác chiến tranh trầm trọng và không bao giờ hết thời hiệu. Quyết định này, cho đến nay, không được Liên bang Nga công nhận. Trong một chừng mực nào đó, lý do vì phía Nga lo ngại rằng thân nhân, gia đình của các nạn nhân bị giết hại có thể đòi nhà nước Nga bồi thường. Ngoài ra, rất đáng kể ở một điểm nhìn khác: không thể viện cớ "hết thời hiệu" để tha bổng thủ phạm đã gây ra những tội ác chống nhân loại và những tội ác chiến tranh.
Những số liệu trong loạt bài này được công bố trên cơ sở các thông cáo khả tín, như "Ośrodka KARTA – Indeks represjonowanych", được công bố năm 2002 dưới sự chỉ đạo của các giáo sư St. Ciesielski, W. Materski và A. Paczkowski.
1. Những sự kiện sơ bộ - Tù binh Ba Lan tại Liên Xô
Nạn nhân của vụ thảm sát Katyn là những sĩ quan Ba Lan bảo vệ tổ quốc ở vùng phía Đông, khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ vào tháng 9-1939. Không hề tuyên chiến, Liên Xô đã cùng nước Đức Quốc xã tấn công lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan.
Nạn nhân của vụ thảm sát Katyn là những sĩ quan Ba Lan bảo vệ tổ quốc ở vùng phía Đông, khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ vào tháng 9-1939. Không hề tuyên chiến, Liên Xô đã cùng nước Đức Quốc xã tấn công lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan.
Phù hợp với những điều khoản của Hiệp ước Molotov–Ribbentrop [Hiệp ước Bất tương xâm giữa Đức và Liên bang Xô viết] được Stalin và Hitler ký trước đó nhằm xâm lăng Ba Lan, Phần Lan, Lithuania, Latvia và Estonia, trong khi quân đội Đức phát-xít đưa quân vào Ba Lan từ phía Tây, chỉ vài ngày sau, 17-9-1939, Hồng quân tràn vào Ba Lan từ phía Đông.
Áp-phích cổ động của Liên Xô được lan truyền tại Ukraina, tả cảnh lính Hồng quân "xử lý" các sĩ quan của quân đội Ba Lan
Cả từ hai hướng, cùng quân đội, các lực lượng mật vụ [chính trị] cũng đột nhập vào lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan: phía Tây là Gestapo (Đức), phía Đông là NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ), tiền thân của KGB (Cục An ninh Quốc gia) - và bắt tay vào việc "lập lại trật tự". Điều này đồng nghĩa với việc thiết lập hàng loạt hệ thống các trại mang danh "trại lao động", "trại tù", "Gulag", hay "trại tập trung", trong thực tế là những trại tử thần. Trong các trại này, cơ quan mật vụ chính trị Đức và Liên Xô đều lựa chọn những người sẵn sàng hợp tác hoặc có thể lực tốt, có khả năng làm công việc chân tay nặng nhọc, và giam họ tách biệt với những người còn lại. Cho đến ngày 15-3-1940, các sĩ quan Ba Lan bất hợp tác với Liên Xô, hoặc bị coi là không đủ sức để lao động khổ sai, bị chuyển đến ba trại đặc biệt ở vùng Ostashkov, Kozielsk và Starobilsk. Tổng cộng, có chừng 15 ngàn người - trong số đó có hai sĩ quan mang quân hàm tướng - bị chở đến các trại; các tù binh này không hề được hưởng những quy chế ghi trong Công ước Geneva [đối với tù binh].
Trong một khoảng thời gian rất dài, thế giới chỉ biết đến vậy; sau đó, mười mấy ngàn sĩ quan này đồng loạt "im hơi lặng tiếng" một cách bí mật, không có chút tin tức gì về họ. Các thân nhân không còn nhận được thư từ, hoặc thư viết trên loại bưu thiếp của trại (trước đó, cho dù bị kiểm duyệt, nhưng thư từ tù trại vẫn còn được gửi đi). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vợ và gia đình các sĩ quan Ba Lan thường quen biết nhau, thực tế này không nằm lâu trong vòng bí mật và càng ngày, càng có nhiều tổ chức kháng chiến Ba Lan bắt đầu tìm hiểu, điều tra trong vụ này - đặc biệt, những cuộc điều tra trở nên rất tích cực từ năm 1943. Có điều, chính quyền Xô-viết - từ đầu đến cuối - vẫn bác bỏ mọi giả thiết về trách nhiệm của họ.
Sau khi nước Đức Quốc xã tấn công Liên Xô năm 1941, Liên bang Xô-viết tìm cách coi đây là tội ác của phát-xít Đức. Sự thật trong vụ thảm sát Katyn - việc nhận định, thu thập tư liệu về các sự kiện lịch sử, cũng như nhận dạng các nạn nhân - chỉ được thực hiện sau khi Liên Xô sụp đổ.
Trùm mật vụ NKVD Lavrenty Beria
2. Quyết định về việc thủ tiêu các tù binh
Ngày 5-3-1940, dân ủy Bộ Nội vụ Liên Xô (NKVD) Lavrenty Beria gửi một danh sách mang mã số 794/Б (794/B) cho Stalin. Trong đó, người gửi đưa ra nhận định rằng các tù binh Ba Lan tại miền Tây Ukraina và Belorussia (14.736 người, 97% là Ba Lan), cũng như những tù nhân đang bị giam trong tù (18.632 người, trong đó có 1.207 sĩ quan quân đội, tổng cộng 57% là người Ba Lan) „đều là những kẻ thù bất cộng đái thiên của chính quyền Xô-viết, và không hề có chút hy vọng gì về việc cải tạo chúng”, vì vậy cho rằng cần thiết phải:
- Tử hình 14.700 tù binh và 11.000 tù nhân (mà không cần phải thông báo cho người bị bắt, không cần phải đưa ra cáo trạng cho họ, cũng như không cần phải có quyết định về việc chấm dứt điều tra và công bố cáo trạng),
- Ủy nhiệm 3 người sau để xem xét vụ này: Vsevolod Merkulov (khả năng là Stalin đã viết tay tên nhân vật này, sau khi xóa tên Beria), Bogdan Kobulov và Leonid Bashtakov.
Danh sách mang mã số 794/Б của Beria gởi Stalin
Danh sách trên được thông qua bởi 4 chữ ký của Stalin, Kliment Voroshilov, Vyacheslav Molotov và Anastas Mikoyan, kèm ghi chú sau: Mikhail Kalinin - đồng ý; và Lazar Kaganovich - đồng ý. Tương ứng với danh sách này, cùng ngày, Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã đưa ra quyết định số P13/144, có nội dung giống hệ với những gì Beria đã diễn đạt (ngoại trừ các con số).
Ngày 14-3, tại phòng làm việc của Kobulov, chủ nhiệm Tổng cục Kinh tế của NKVD, một cuộc họp đã diễn ra với sự có mặt của mười mấy người. Đó là lãnh đạo và các trợ tá của NKVD các tỉnh Smolensk, Kalinin và Kharkov, cùng tư lệnh quân đội tỉnh. Ngày 22-3, những người này được trao nhiệm vụ thủ tiêu các tù binh. Cùng ngày, Beria ra chỉ thị số 00350 “về việc sơ tán các nhà tù của Cộng hòa XHCN Ukraina và Cộng hòa XHCN Belorussia”. Tại các nhà tù này, đại đa số tù nhân là sĩ quan hoặc cảnh sát Ba Lan. Ngày 1-4, những danh sách đầu tiên được gửi từ Moscow: các chỉ thị liên quan tới trại giam ở vùng Ostashkov, tổng cộng 343 cái tên. Đây là khởi điểm của “chiến dịch sơ tán nhà tù và trại giam”.
3. Lý do của quyết định
Động cơ thúc đẩy quyết định kể trên đến nay vẫn là đề tài của những suy đoán lô-gích, bởi lẽ trong số những kẻ trực tiếp đưa ra quyết định, không một ai công bố các lý do và cũng không ai để lại những ghi chép khả tín.
Một số giả thuyết cho rằng đây là sự trả thù cá nhân của Stalin cho thất bại của ông ta trong cuộc chiến [với Ba Lan] năm 1920, tuy nhiên, điều này bị nhiều người nghi hoặc. Theo những ý kiến thông thường nhất, lý do rất đơn giản: Liên Xô muốn cướp đi sức mạnh lãnh đạo của dân tộc Ba Lan, đó là tầng lớp trí thức ưu tú nhất và đại diện chính là những sĩ quan – đa phần là sĩ quan dự bị - bị sát hại.
Một số ý kiến khác thì cho rằng Liên Xô muốn “làm sạch” hậu phương trước cuộc chiến tranh dự tính sẽ nổ ra với nước Đức sau đó. Có thể giải thích việc những tư liệu quan trọng nhất - những bằng chứng buộc tội nặng nề nhất - được lưu trữ như là một chính sách có ý thức của Stalin, đặt cơ sở trên nguyên tắc trách nhiệm tập thể và “cùng chịu trận”. Đây là ý kiến của nhiều người, trong đó, có GS Jerzy Pomianowski, ký giả nổi tiếng, một chuyên gia Nga học lừng danh.
No comments:
Post a Comment