Monday, July 30, 2012

Mẹ của blogger nổi tiếng Tạ Phong Tần qua đời vì tự thiêu

Bản tin của AFP đề ngày 30/07/2012 cho biết bà Đặng Thị Kim Liêng, thân mẫu của nhà viết blog Tạ Phong Tần đã qua đời sau khi châm lửa tự thiêu trước trụ sở chính quyền thành phố Bạc Liêu. Tin trên rơi xuống vào lúc bà Tạ Phong Tần sắp phải ra tòa vì tội « tuyên truyền chống nhà nước » vào ngày 07/08.

Trả lời AFP, Linh mục Đinh Hữu Thoại, một người thân cận với gia đình bà Tạ Phong Tần cho biết bà Đặng Thị Kim Liêng, 64 tuổi, đã qua đời vào hôm nay 30/07 trong lúc đang được đưa từ bệnh viện Bạc Liêu về TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, bà Liêng đã châm lửa tự thiêu.

Trích dẫn lời luật sư Lê Quốc Quân, một nhà đấu tranh Công giáo, AFP cho biết bà Liêng trước khi qua đời đã tỏ ra rất lo lắng cho con gái trong phiên xử sắp tới và bà lo sợ không được gặp lại mặt con. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin khác thì bà Liêng tự thiêu vì gặp nhiều chuyện buồn phiền trong thời gian gần đây.

Bà Tạ Phong Tần bị đàn áp vì nói lên sự thật

Nhà bất đồng chính kiến Tạ Phong Tần, 43 tuổi bị bắt từ tháng 9/2011 và bị tố cáo « bóp méo sự thật, tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước ». Ngày 07/08/2012 sẽ mở ra phiên tòa xét xử bà Tạ Phong Tần cùng hai nhà viết Blog khác là Nguyễn Văn Hải, bút hiệu Điếu Cày và Phan Thanh Hải – tức Anhbasaigon. Cả ba nhân vật nói trên đều là thành viên « Câu lạc bộ các nhà báo tự do » được thành lập vào năm 2007.

Bà Tạ Phong Tần (DR)

Phía chính quyền Việt Nam chưa xác định tin trên với hãng thông tấn Pháp. 

Trả lời phỏng vấn RFI về phiên tòa xử nhà bất đồng chính kiến Tạ Phong Tần, bà Penelope Faulkner, phó chủ tịch Ủy ban Việt Nam vì nhân quyền, đưa ra một nhận định chung về trường hợp của bà Tạ Phong Tần, cũng như nhiều nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam :

"Tôi rất bị sốc, nhưng tôi không ngạc nhiên, vì có một không khí sợ hãi đè nặng lên những ai bày tỏ một lập trường hơi khác so với đảng Cộng sản Việt Nam. Việt Nam mở cửa rất nhanh về kinh tế, về công nghệ mới và truyền thông, nhưng (chính quyền) luôn kiểm soát chặt những gì liên quan đến tự do ngôn luận, đến đòi hỏi dân chủ và nhân quyền.

Bà Tạ Phong Tần bị đàn áp vì đã nói lên sự thật. Bà Tần nguyên là một sĩ quan công an, một đảng viên đảng Cộng sản. Tuy nhiên bà đã lập ra một trang blog, để nói về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, và yêu cầu (chính quyền) tôn trọng các quyền tự do của công dân.

Bà đã bị bắt kể từ tháng chín năm ngoái 2011 và đang đợi một phiên tòa, có thể kết án bà đến mức 20 năm tù, theo điều 88 Bộ luật Hình sự của Việt Nam. Bà Tạ Phong Tần tham gia vào nhóm Câu lạc bộ các Nhà báo Tự do Việt Nam, do một blogger có biệt danh là "Điếu Cày" đứng đầu.

Phiên tòa sắp tới xử bà Tạ Phong Tần cùng hai thành viên khác của Câu lạc bộ này : « Điếu Cày », tức Nguyễn Văn Hải và Phạm Thanh Hải hay « Anhbasaigon ». Phiên tòa xử ba thành viên Câu lạc bộ các Nhà báo Tự do Việt Nam bị hoãn lại hai lần, vì có sự phản đối của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhân ngày Tự do báo chí. Và lần thứ hai là do ngoại trưởng Hillary Clinton đã nêu ra cụ thể các trường hợp này.

Việc chính quyền rời vụ xử sang ngày 07/08/2012 là một điều vô sỉ, vì đây là thời điểm các nhà ngoại giao đi nghỉ hè, thêm vào đó tòa án đã thông báo với luật sư của « Điếu Cày » và Tạ Phong Tần rằng sẽ không có nhân chứng, và thân nhân của họ cũng không được đến dự phiên tòa.

Về vấn đề này Việt Nam hoàn toàn không minh bạch. Chúng tôi có một thống kê về 160 tù nhân lương tâm, là những người đã bày tỏ chính kiến một cách hòa bình. Từ đầu năm ngoái đến nay, có 45 nhà tranh đấu nhân quyền bị kết án, với tổng cộng 231 năm tù. Chúng tôi cho rằng có hàng trăm tù nhân như vậy, và có nhiều người còn chưa được đưa ra xét xử. Những người này bị bắt giam chỉ vì tội nói lên sự thật.

Tất cả những gì đụng đến quyền tự do ngôn luận khiến chế độ cộng sản tại Việt Nam tức giận, đặc biệt trong bối cảnh với internet, thông tin bùng nổ với tốc độ chóng mặt. Hiện tại ở Việt Nam, chính quyền đang xem xét một nghị định mới để hạn chế thông tin trên mạng. Bởi vì họ không thể cản trở được việc mọi người sử dụng internet cho kinh doanh, và cho việc mở cửa chế độ, nên đồng thời họ phải tìm mọi cách để kiểm soát internet và bắt bớ những người sử dụng (để đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền). Đây thực chất là một hoạt động nhằm làm cho người ta sợ hãi, để cản trở mọi người sử dụng internet để yêu cầu dân chủ, là điều mà mọi người Việt Nam đều mong muốn."

RFI

No comments:

Post a Comment