Friday, August 10, 2012

Huy Chương Olympic Là Phương Tiện Tuyên Truyền Của Chế Độ Độc Tài



Tính đến ngày 31 tháng 7, nghĩa là sau khi Olympic London 2012 khai mạc được 5 ngày, đoàn lực sĩ của Bắc Triều Tiên đã làm một chuyện phi thường đạt được 3 huy chương vàng, một huy chương đồng, xếp hạng thứ tư trong bảng vàng chỉ sau Trung quốc, Mỹ và Pháp, trên Hàn quốc và Nhật Bản. Câu nói đầu tiên khi trả lời phỏng vấn của vận động viên Om Yun Choi (huy chương vàng, kỷ lục thế giới môn cử tạ hạng cân 56kg) cũng như các lực sĩ khác là ‘’Nhờ ơn của cố lãnh tụ vĩ đại Kim Chính Nhật và lãnh đạo Kim Chính Ân tôi mới có được thành tích như ngày hôm nay’’. Câu này cũng giống như câu Nhờ ơn Bác và Đảng mà trước đây người dân Việt Nam sống dưới chế độ Cộng sản thường sử dụng, nay thì chẳng mấy ai dùng vì nói ra thấy ngượng miệng.




Với thành tích như vậy, trong những ngày qua báo đài ở Bắc Hàn mượt sức tuyên truyền thoải mái mà chẳng sợ bị cho là nói láo, có điều tuyên truyền quá lố khiến người nghe cảm thấy chói tai đến phát ghét. Chẳng hạn như tuyên truyền rằng nhờ vào sự lãnh đạo anh minh của cha già dân tộc Kim Nhật Thành, của tướng quân Kim Chính Nhật và tân lãnh tụ Kim Chính Ân đất nước mới được phát triển vượt bực về mọi mặt, đã đưa ngành thể thao, thể dục quốc gia lên đỉnh cao thế giới, chuyện chiếm huy chương nhất nhì thế giới trong các mùa Olympic không còn là điều ước mơ, chỉ cần thêm một thập niên nữa sẽ trở thành hiện thực.

Một số tổ chức, hội đoàn thiên tả ở Hàn quốc đã lấy thành tích này để đề cao xã hội chủ nghĩa miền Bắc, vượt hơn hẵn miền Bắc nhờ vào sự lãnh đạo anh minh của ba đời dòng họ Kim. Còn tờ báo của hội Triều Tiên yêu nước tại Nhật còn bình luận thêm rằng "nhìn bề ngoài thì thấy xã hội Nam Hàn và Nhật Bản phát triển, nhưng đó là những phát triển không đồng điều, kẻ giàu thì quá giàu còn người nghèo thì vô số, trong khi đó đất nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thân yêu của chúng ta mọi người điều có hạnh phúc gần như ngang nhau, có thế mới sánh vai được với các cường quốc thế giới mà kết quả thành tích thi đấu trong mấy ngày qua tại Olympic London là một trường hợp điển hình."

Đài phát thanh Tự do cho Bắc Hàn do những người tị nạn thành lập ở Seoul đã điện thoại phỏng vấn một số người ở miền Bắc để hỏi cảm tưởng, phần đông điều trả lời rằng vừa vui vừa buồn: "Vui là khi thấy vận động viên của mình đoạt huy chương, nhưng buồn là nhà nước lợi dụng những chiếc huy chương đó để tuyên truyền tốt cho chế độ, trong khi thực tế thì đại đa số người dân còn đói meo, chẳng có miếng cơm bỏ miệng, thì những câu sẽ văn minh, tiến bộ ngang với các cường quốc chỉ là ảo tưởng. Lụt lội đang lớn thế mà nhà nước vẫn bắt dân phải lội lụt đến trụ sở phường, xã để xem TV cổ vũ cho gà nhà, muốn ở nhà canh lụt cũng không được, khổ lắm qúy vị ơi."

Cũng theo đài phát thanh này thì ở Bắc Hàn khi khám phá ra một thiếu nhi nào đó có tài năng về thể thao thì nhà nước cho vào trường Thiếu niên Thể dục ở địa phương, nếu thành tích ưu tú sẽ được đưa lên học viện Thể dục Trung ương ở thủ đô Bình Nhưỡng huấn luyện tiếp hầu trở thành vận động viên quốc gia. Gọi là cho vào học cũng đúng mà bắt buộc cũng chẳng sai vì chẳng có cha mẹ nào dám chống lại lịnh nhà nước, hơn nữa trong hoàn cảnh gia đình nghèo đói mà bớt đi một miệng ăn là điều tốt. Chương trình huấn luyện rất khắc nghiệt, ít học viên nào theo nổi, nếu bị loại thì đương nhiên phải trở về quê lao động; nhưng khổ nổi phần đông số người bị đuổi đều mang thương tật do bị bắt phải tập luyện quá sức, không còn sức làm việc phụ giúp gia đình, thế mà vẫn không được một sự trợ cấp nào của nhà nước. Đối với các vận động viên đoạt huy chương vàng thì khi về nước được trao tặng huân chương ‘’Anh Hùng Danh dự Tối cao’’, được cấp nhà, cấp xe hơi và nhiều ưu đãi khác. Nhưng nếu tranh giải mà thua thì bị hạ tầng công tác là chuyện thường tình, bởi vậy tất cả vận động viên, tuyển thủ quốc gia Bắc Triều Tiên khi ra tranh tài đều quyết ăn thua đủ bất chấp tinh thần thể thao khiến người xem mất thiện cảm. Nếu hiểu rõ tâm trạng của họ thì đáng thương hơn là chỉ trích.

Theo các quan sát viên về bình luận gia về tình hình bán đảo Triều Tiên thì năm nay chính quyền Bình Nhưỡng kỷ niệm lớn sinh nhật 100 năm của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Tân lãnh tụ Kim Chính Ân lấy năm 2012 làm khởi điểm cho việc đưa Bắc Triều Tiên lên thành một quốc gia cường thịnh, nên các huy chương Olympic London mà các vận động viên Bắc Hàn đoạt được có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính quyền Bình Nhưỡng về mặt tuyên truyền chứ thực tế thì có đoạt thêm vài chục huy chương nữa cũng chẳng thế nào cường thịnh nổi nếu thể chế độc tài vẫn còn ngự trị. Chẳng ai còn tin vào những lời tuyên truyền này nữa, nhưng sự tuyên truyền đó sẽ giúp cho các tổ chức thiên tả ở Hàn quốc hay hội Người Triều Tiên tại Nhật có thêm chuyện để ca tụng chế độ Bắc Triều Tiên, cái đó mới tội nghiệp cho người dân Bắc Hàn. Đây là điều đáng trách.

Ngô Quãng (CTM)

No comments:

Post a Comment