Tuesday, August 21, 2012

"Bầu Kiên" bị bắt


Ông Nguyễn Đức Kiên, người thường được gọi là 'Bầu Kiên', Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Cổ phần Thương mại Á châu (ACB), vừa bị bắt chiều hôm 20/8, theo báo chí trong nước.

Báo Tuổi Trẻ TP HCM đưa tin "ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ để điều tra về một số sai phạm liên quan đến hoạt động kinh tế của ông này".

Được biết việc bắt ông Kiên được cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện vào chiều thứ Hai 20/8, và ngay buổi tối, nhà ông tại Hà Nội đã bị khám xét, công an thu giữ một số 'tài liệu liên quan đến hành vi đang bị điều tra' của ông.

Thông tin Bầu Kiên, sinh năm 1964, bị bắt đang làm chấn động dư luận trong nước, không chỉ bởi vì ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực tài chính.

Ngoài vị trí ở ACB, được cho là từng có nhiều quyền lực hơn cả Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Kiên còn nắm nhiều cổ phần tại các ngân hàng lớn khác như Eximbank, Kiên Long, Vietbank, Đại Á và Techcombank.

Riêng tại ACB, ông và gia đình giữ số cổ phiếu nhiều hơn Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trần Mộng Hùng và thân nhân.

Về danh chính ngôn thuận, ông Kiên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần mang tên Tập đoàn tài chính Á Châu.

Ông cũng đầu tư vào một vài lĩnh vực khác như du lịch, may mặc.

Ông là thành viên hội đồng quản trị của hai công ty du lịch lớn là Du lịch Chợ Lớn và Du lịch Thiên Minh.

'Không ai tin là chuyện cá nhân'

Ngay sau khi tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt được tung ra, cổ phiếu của các công ty trên sàn giao dịch HNX30 giảm đồng loạt.

Trang tin CafeF đưa tin hai ngân hàng có liên quan ông Kiên là ACB dư bán sàn một triệu cổ phiếu, EIB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank) dư bán sàn hai triệu cổ phiếu.

Trang này cho biết cả HNX-Index và VN-Index đều giảm mạnh, "toàn thị trường có 170 mã giảm giá".

Bình luận ngay sau khi có tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, một chuyên gia kinh tế đề nghị giấu tên nói: "Ở Hà Nội không ai tin rằng việc Nguyễn Đức Kiên bị bắt chỉ liên quan đến hoạt động của cá nhân ông ấy như Công an đã chính thức tuyên bố và VTV1 trưa 21/8 đã nhấn mạnh khi đưa tin".

"Dư luận phần nhiều cho rằng đây là một mắt xích quan trọng đột phá vào hệ thống mafia tài chính của Việt Nam mà ông Kiên là một đầu mối quan trọng."

Chuyên gia này cho hay cũng đang có phỏng đoán vụ này có liên quan đến việc thực hiện phê bình và tự phê bình, chỉnh đốn Đảng đang diễn ra.

"Được biết có một số vụ, việc phải tiếp tục làm rõ và cuối tháng Tám này sẽ có cuộc họp của Bộ Chính trị để chốt lại các vấn đề cần được làm rõ đó. Có những giả định về mối liên hệ có thể có giữa hai sự kiện này."

Theo ông, nếu vậy "thì có thể hy vọng đây là một bước khởi đầu cho sự cải cách bộ máy, thể chế rất cấp bách tại Việt Nam hiện nay".

Bầu bóng đá

Bầu Kiên còn được biết qua vai trò của mình trong lĩnh vực nhiều tiền nhưng cũng gây nhiều tranh cãi là bóng đá.

Ông là sáng lập viên Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và cổ súy cho các thay đổi mạnh trong điều hành các giải bóng đá Việt Nam.

Dư luận cũng nói nhiều tới liên quan của ông với các nhóm lợi ích với ảnh hưởng trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.

Có cáo buộc ông có quan hệ thân cận với một số lãnh đạo cấp cao ở trong nước.

Việc ông mời đích danh Thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, cố vấn an ninh và tôn giáo cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, làm cố vấn cho VPF hồi cuối năm ngoái đã gây nhiều đồn đoán.

Đầu năm nay, báo Thể thao 24h đưa tin ông Nguyễn Đức Kiên cùng một số lãnh đạo VPF ăn tối với Thủ tướng suốt ba tiếng đồng hồ và sau đó 'lật ngược tình thế' trong cuộc chiến bản quyền Giải Bóng đá quốc gia với Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) cùng Tập đoàn truyền thông An Viên (AVG).

Bản tin của báo này nhanh chóng bị can thiệp phải gỡ bỏ.

Báo Thể thao 24h sau đó phải cải chính và xin chịu kỷ luật sau khi đăng thông tin 'bịa đặt' về bữa ăn tối nói trên.

BBC

No comments:

Post a Comment