Sự tuyệt diệt của một nền văn minh
Những ngày này, người dân khắp nơi trên thế giới bàn tán xôn sao về
ngày tận thế 21/12/2012. Nhiều người trong chúng ta nghe nói đến ngày
tận thế này nhưng ít người biết nguồn gốc của nó.
Ngày tận thế trên có
nguồn gốc từ một nền văn minh phát triển rực rỡ ở châu Mỹ-nền văn minh
Maya. Theo lịch Maya-thông điệp được các nhà khảo cổ học dịch lại-thì
trái đất sẽ tận thế vào ngày 21/12/2012. Thông điệp trên được toàn cầu
chú ý vì nó đến từ một dân tộc có số phận huyền bí.
Cách đây 3.000 năm-thời điểm mà hầu hết dân tộc khác trên trái đất
còn mông muội, ăn lông ở lỗ-người Maya đã là một dân tộc có nền văn minh
chói sáng, nền văn minh Maya đạt một trình độ cao không những về lĩnh
vực xây dựng nhà nước mà còn phát triển rực rỡ cả lĩnh vực kiến trúc,
toán học, thiên văn học và tính toán thời gian. Họ đã xây được nhiều đền
đài, lăng tẩm,… bằng đá rực rỡ và vĩ đại. Nền văn minh Maya lên tới
đỉnh cao rồi đột nhiên biến mất, không để lại một lời lý giải. Ngày nay,
chính các sân chơi bóng, lâu đài đá và kim tự tháp bậc thang là những
nhân chứng câm lặng cho đỉnh cao phát triển của xã hội Maya. Câm lặng
bởi chưa ai lý giải nổi tại sao người Maya đột nhiên biến mất như lặn
vào bóng đêm. Câu hỏi về một nền văn minh cho đến thế kỷ 8 đạt dân số 15
triệu lại có thể ra đi mà không để lại một lời "trăng trối" vẫn luôn
bức xúc.
Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, giới khoa học mới dám quả
quyết một phần nguyên nhân sự diệt vong là từ điều kiện sống tự
nhiên-như thiên tai, khí hậu-khi đã dần "giải mã" được những thông điệp
Maya. Song cũng phải đợi đến cuối năm 1994, khi khoảng 80% các con chữ
được hiểu nghĩa tường tận thì các nhà nghiên cứu mới ngỡ ngàng trước
đống hoang tàn của một tượng đài sụp đổ. Họ không biến mất trong một
cuộc động đất khủng khiếp, không chết đói vì tàn phá rừng già nhiệt đới
hay vì dịch bệnh, cũng chẳng bị một nền văn minh khác tiêu diệt. Sự thật
đơn giản hơn nhiều: Chính người Maya tự đưa nhau đến chỗ diệt vong. Đây
là một quá trình đau đớn và chậm chạp, bởi không chỉ chết tại chiến
tranh, người Maya còn chết vì đói.
Suy tưởng đến dân tộc ta:
Tìm hiểu sự diệt vong nền văn minh Maya tôi thường ngậm ngùi cho số
phận một dân tộc. Trong đầu tôi luôn băn khoăn câu hỏi: tại sao một nền
văn minh rực rỡ có dân số đến 15 triệu người lại cùng nhau đi vào diệt
vong mà không tránh khỏi? Lẽ nào trong từng đó con người lại không có ai
thông minh nhận ra vấn đề mà dân tộc mình, cộng đồng mình gặp phải?
Nỗi băn khoăn của tôi được giải đáp một phần khi tôi tham gia phong
trào con đường Việt Nam. Một phong trào ôn hòa tranh đấu vì quyền con
người. Chúng ta đều biết những người khởi xướng nó như anh Trần Huỳnh
Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định đều bị tù đày-người đã ra tù,
người còn đang tiếp tục. Cách đây 5 năm, các anh là những trí thức,
doanh nhân thành đạt, các anh đã chấp nhận hy sinh lợi ích của mình để
làm “kẻ báo bão” cho dân tộc. Tin về cơn bão khủng khiếp sắp đến của các
anh không những không được lắng nghe mà các anh còn bị cầm tù, bị tiêu
tan gia sản sự nghiệp, thân nhân khốn khổ. Tôi xúc động khi chứng kiến
anh Long chăm sóc mẹ bị bệnh ung thư giai đoạn cuối quá ốm yếu gầy gò;
còn gia đình anh Thức thì vô cùng khó khăn khi một mình vợ anh nuôi hai
con. Công ty OCI mà hai anh gầy dựng có giá thị trường 600 tỷ đồng bị
tan nát.
Hiện nay ai cũng biết hậu quả của cơn bão khi nó đến: nợ xấu hàng
chục tỷ USD, hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, bất động sản đóng
băng, chứng khoán tan vỡ, hàng chục doanh nhân phát điên hoặc tự vẫn,
lạm phát tăng vọt, dân tình khốn khổ, trộm cướp hoàng hành,…. Và cơn bão
vẫn còn tiếp tục, ngày càng tăng mức tàn phá nền kinh tế, chưa có dấu
hiệu chấm dứt.
Đó chưa phải là đoạn kết của bi kịch-khi mà những người dũng cảm, có
trí tuệ, có lương tâm lên tiếng hòng tìm ra lối thoát còn bị sách nhiễu,
cầm tù. Như một qui luật của cuộc sống, ai cũng phải vì mình, vì gia
đình mình trước-người cầm quyền, kẻ thừa hành cũng không thoát được qui
luật đó. Với nguồn lực hùng hậu trong tay-chính xác nguồn lực này đến từ
hàng triệu người dân ngày ngày đóng thuế-nhà cầm quyền không tiếc để
chi cho công an có mặt khắp mọi nơi. Nơi nào không dùng luật được thì họ
dùng gọng kiềm sinh nhai để siết lên cuộc sống người lên tiếng, hoặc
thân nhân họ. Tất yếu là làm người trước hết phải thương yêu lo lắng cho
gia đình mình, rõ ràng chúng ta không thể “bao đồng” chuyện thiên hạ
khi mà những người thương yêu gần mình còn cực khổ. Chính điều này làm
cho người lên tiếng cực kỳ hiếm hoi và họ như những kẻ lạc lõng. Trong
khi dòng đời ngoài kia-hàng triệu con người-cũng vì mình, vì gia đình
mình trước tiên mà thờ ơ hoặc câm nín trước vấn đề của cuộc sống.
Tình hình trên có nghĩa là gì? Có nghĩa là chúng ta đang cột chân
nhau cùng chết! Hôm nay tôi mới biết rằng: sự kiện một nền văn minh, một
dân tộc cùng nắm tay nhau đi vào chỗ tiêu vong là điều hoàn toàn có
thể.
No comments:
Post a Comment