Wednesday, December 19, 2012

Ngày Tận thế từ góc nhìn của khoa học Thiên văn

 
RFI : Xin chào nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu. Ngày 21/12/2012 được nhiều người cho là ngày Tận thế, xin ông cho biết suy nghĩ của ông về quan niệm này. 
Nguyễn Quang Riệu : Lịch người Maya sẽ kết thúc vào ngày 21/12/2012 khiến nhiều người nghĩ đó là dấu hiệu ngày tận thế. Ở Bắc Bán cầu, ngày 21/12 là ngày đông chí, thời điểm khởi đầu mùa đông có ngày ngắn nhất và đêm dài nhất trong năm.
Vào thời điểm này ở Bắc Bán cầu, mặt trời ở vị trí thấp trên hoàng đạo. Mỗi năm cũng trong thời gian này, mặt trời trong quá trình di chuyển trên hoàng đạo đột nhập vào hướng chòm sao Nhân Mã (Sagittarius) và đồng thời thẳng hàng với vùng trung tâm Ngân Hà.
Căn cứ vào những hiện tượng thiên nhiên, các nhà tiên tri cho rằng, vì nhân của Ngân Hà là một lỗ đen khổng lồ nặng bằng hàng triệu lần mặt trời, nên có lực hấp dẫn đủ mạnh để làm tiêu tan cả trái đất. Tuy nhiên, việc hệ Mặt Trời di chuyển vào hướng vùng trung tâm Ngân Hà xảy ra tuần hoàn hàng năm mà không gây tai hại cho nhân loại trên trái đất. Điều đáng chú ý là toàn bộ hệ mặt trời trong đó có trái đất cách trung tâm Ngân Hà và lỗ đen những 25.000 năm ánh sáng (250 triệu tỷ km). Chúng ta biết rằng, ở khoảng cách cực kỳ lớn như vậy thì tác động của lực hút hấp dẫn của lỗ đen đối với trái đất yếu vô cùng.

Mặt trời, tuy cũng sắp trải qua một thời kỳ hoạt động tối đa với chu kỳ 11 năm, sẽ chỉ phun ra những hạt vật chất chủ yếu làm nhiễu hệ thống vô tuyến viễn thông, chứ không có ảnh hưởng đến đời sống con người trên bề mặt trái đất.
Còn có những lý do khác đưa ra để tiên đoán ngày tận thế như sự tồn tại của một thiên thạch có khả năng đâm vào trái đất. Các nhà thiên văn thường xuyên quan sát bầu trời để phát hiện những thiên thể có thể va chạm với trái đất. Hiện nay, họ không thấy có thiên thể nào đâm vào trái đất ngày 21 tháng 12 này.
Một nguyên nhân nữa được đề xuất, để giải thích về ngày tận thế, là : Trục từ trường lưỡng cực của trái đất có khả năng đảo ngược, cực bắc từ trường trở thành cực nam và ngược lại. Tuy nhiên, cứ sau khoảng một trăm nghìn năm, sự đảo ngược cực từ trường mới có thể xảy ra. Quá trình đảo ngược cực từ trường cũng không phải là đột ngột mà kéo dài hàng nghìn năm. Dù sao, hiện tượng này cũng không có ảnh hưởng đến sự sống trên trái đất. Dựa vào những thông tin trên, chúng ta hãy tin rằng tận thế sẽ không xảy ra ngày 21/12.
Tranh Đại hồng thủy của Francis Danby (1840)
RFI : Tại sao tin đồn ngày tận thế ngày 21/12 lại thu hút quan tâm của nhiều người ?
Nguyễn Quang Riệu : Đây không phải là lần đầu mà các nhà tiên tri tiên đoán ngày tận thế, tuy không có thảm hoạ gì đã thực sự xẩy ra. Lý do mà nhiều người tin vào ngày tận thế là được dựa trên thuật chiêm tinh, hoặc những hiện tượng trong thiên nhiên mà họ tưởng là có tác động đến sự kiện tiên đoán. Lần này, sự tiên đoán chủ yếu phát sinh từ cách lý giải bộ lịch cuả nền văn minh cổ đại Maya, một bộ tộc thổ dân ở vùng Trung Mỹ.
Tin đồn tận thế 21/12 thu hút sự chú ý của nhiều người có thể là do nền văn minh Maya có uy tín trong lịch sử và vì là một nền văn mình có tầm hiểu biết cao trong lĩnh vực thiên văn và tính toán lịch với những công trình kiến trúc xây đền đài và kim tự tháp. Khoa học hiện đại, đặc biệt ngành thiên văn cũng công bố nhiều thông tin về những sự kiện trong vũ trụ cho nên các nhà tiên tri dựa thêm vào đó để tiên đoán ngày tận thế.
Trên phương diện khoa học thì đúng là trái đất sẽ không tồn tại được mãi mãi. Trước hết, hệ Mặt Trời chỉ có tuổi thọ 10 tỷ năm và hiện mặt trời đang ở tuổi trung niên. Trong vòng 5 tỷ năm nữa, mặt trời sẽ trở thành ngôi sao khổng lồ, vì nó sẽ phồng lên rất nhiều, khí quyển của mặt trời khi đó sẽ bao trùm cả trái đất. Dù nhiệt độ mặt trời sẽ giảm đi trong quá trình giãn nở, nhưng vẫn ở mức cao khoảng 3.000 độ nên vẫn đủ nóng để thiêu hủy sự sống trên trái đất.
Một sự kiện thiên nhiên khác cũng có thể xẩy ra là thiên hà Tiên Nữ đang tiến về phía Ngân Hà với tốc độ khoảng 700.000 km/giờ. Trong vòng 4 tỷ năm nữa, thiên hà Tiên Nữ sẽ đâm vào Ngân Hà và ảnh hưởng đến số phận hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, những thiên tai này xảy ra trong tương lai quá xa xôi, nên chưa phải là mối lo ngại trước mắt đối với nhân loại.
Niềm tin tâm linh : một thế giới cũ bị hủy diệt, một thế giới mới hoàn thiện hơn ra đời
Theo nhà sử học Luc Mary, tác giả cuốn « Le mythe de la fin du monde, de l’Antiquité à 2012 » (Huyền thoại về ngày Tận thế, từ thời cổ đại đến 2012), ngày 21/12/2012 chỉ là một trong 183 tiên đoán về ngày Tận thế của nhân loại, kể từ khi đế chế La Mã sụp đổ. Lần gần đây nhất là năm 2008, khi hai nhà vật lý thiên văn dự báo lỗ đen sẽ nuốt chửng trái đất. Còn dịp được coi là tận thế thứ 184 sắp tới sẽ rơi vào ngày 10/04/2014, theo học thuyết bí truyền Kabbalah của người Do Thái. Tuy nhiên, nhà sử học cũng thừa nhận rằng, chưa có một lời tiên tri về ngày Tận thế nào lại được truyền thông phổ biến rộng rãi như lời tiên tri Maya, điều này có thể là do sự phát triển của internet, cũng như các sự kiện nghệ thuật như bộ phim Năm 2012. Ngày « Tận thế » theo lịch Maya sẽ còn được ghi nhớ vì vậy.
Trái bom nguyên tử thả xuống Nagasaki ngày 09/08/1945
Reuters
Còn theo nhà nghiên cứu về các phong trào tôn giáo mới Jean-François Mayer, niềm tin vào ngày Tận thế đã được truyền bá rộng rãi với sự phát triển của trào lưu tâm linh New Age. Bản thân trong trào lưu này, cũng có nhiều cách hiểu khác nhau về điều được gọi là ngày "Tận thế". Có người cho đây thực sự là một ngày tai họa kinh hoàng, nhưng có người lại cho rằng đây chỉ là một thời điểm trong cả một thời kỳ chuyển tiếp kéo dài hàng chục năm, sang một kỷ nguyên mới tốt đẹp hơn nhiều.
Cũng theo ông Jean-François Mayer, điều quan trọng hơn trong các thông điệp về ngày Tận thế không phải là sự hủy diệt của « một thế giới », mà là sự ra đời của « một thế giới mới », mang lại niềm hy vọng, một thế giới phục sinh, hoàn thiện và tốt đẹp hơn rất nhiều… Điều này ngược lại với những nguy cơ diệt vong của nhân loại hoàn toàn mang tính thế tục của thế kỷ XX, với sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân. Tác giả cuốn « Huyền thoại về ngày Tận thế, từ thời cổ đại đến 2012 » nhận xét, tiên tri về ngày Tận thế đã có ngay từ thưở bình minh của nhân loại và theo một số truyền thống như trong quan niệm của Kinh thánh, huyền thoại về ngày Tận thế, với cơn Đại hồng thủy, còn là huyền thoại về sự ra đời của một nhân loại mới. Ngày Tận thế theo nhãn quan này rõ ràng mang tính hai mặt : sự phá hủy một thế giới cũ và sự nổi lên của một thế giới mới. Còn trên thực tế, môi trường vũ trụ là hết sức khắc nghiệt, sinh giới trên trái đất đã từng trải qua nhiều thời kỳ có thể sánh với ngày Tận thế, ví dụ như đợt hủy diệt cách đây 65 triệu năm, khi một thiên thạch khổng lồ rơi xuống vùng đất thuộc Mêhicô ngày nay, khiến hơn 70% sinh vật bị diệt vong, trong đó có các loài khủng long.
Trở lại với lời tiên tri Maya, theo nhà thiên văn học Fabrice Mottez, lịch của người Maya mang tính chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài hơn 5.000 năm, và hiện nay chúng ta ở vào thời điểm cuối chu kỳ thứ năm theo lịch Maya. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trên thực tế không có hiện tượng mang tính tận thế nào xảy ra vào các thời điểm cuối của bốn chu kỳ trước. Và chính người Maya cũng đã không tiên đoán được sự tiêu vong của nền văn minh của bản thân họ, không tiên đoán được sự xâm lược của các conquistadors người Tây Ban Nha. Niềm tin vào ngày Tận thế theo tiên tri của người Maya chỉ là một giải thích mang tính sai lạc của hậu thế.
Những đe dọa nhãn tiền đối với sự sống trên Trái Đất
Nguyễn Quang Riệu : Ngoài những thiên tai có thể xảy ra trong tương lai xa hàng tỷ năm, chúng ta cũng phải kể đến khả năng thiên thạch va chạm với Trái Đất. Hành tinh chúng ta ra đời cùng thời với các hành tinh khác trong hệ mặt trời cách đây ngót 5 tỷ năm. Quá trình hình thành hệ mặt trời để lại những mảnh vụn dưới dạng thiên thạch kích cỡ lớn bé khác nhau.
Hiện nay, các nhà thiên văn chỉ phát hiện được một thiên thạch đặt tên là Toutatis có kích thước khoảng 4 km, tức là khá lớn, có khả năng đâm vào trái đất. Tuy nhiên, kết quả quan sát mới nhất cho thấy thiên thạch Toutatis lần này chỉ lướt qua trái đất ở khoảng cách 7 triệu km, tương đương với 18 lần khoảng cách của Mặt trăng nên không có ảnh hưởng gì đến trái đất hiện nay.
Trái đất cũng có thể bị hủy hoại bởi loài người. Sự biến đổi khí hậu do khí thải công nghiệp gây ra cũng làm tổn thương trái đất và sự sống trở nên khó khăn. 


Vụ sóng thần làm nổ lò phản ứng điện nguyên tử Fukushima cũng gây ra thảm họa có thể coi là một "tiểu hồng thủy”. Một năm sau, những đống vật liệu rác rưởi của thảm họa sóng thần còn trôi dạt tới tận bờ bên kia Thái Bình Dương, vùng bờ biển California. Nhân loại có khả năng khống chế được những thảm họa nhân tạo bằng cách sử dụng những loại năng lượng sạch, vừa an toàn vừa không tạo ra hiệu ứng nhà kính.
Dù sao, đa số nhân dân toàn cầu dường như vẫn bình tĩnh và tò mò đợi ngày được coi là ngày tận thế. Cũng như tác giả những tiểu thuyết chương hồi ngày xưa, chúng ta có thể tạm kết luận là “hạ hồi sẽ phân giải”.
Một điểm chung của các tiên tri về ngày Tận thế được nhiều nhà nghiên cứu công nhận, đó là : Niềm tin rằng có một biến cố kinh hoàng như vậy « nuôi dưỡng » nỗi sợ hãi của con người trước những gì không lường được, trước một tương lai bất định... Nỗi sợ hãi này cũng có thể là một phương cách nhằm giúp cho con người tự soi xét lại mình và có biện pháp tự vệ tốt hơn. 


Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI mới đây, nhà địa lý học Alain Musset (chuyên gia về Nam Mỹ và là tác giả cuốn « Le syndrome de babylone »/Hội chứng Babylone), nhắc đến cuốn tiểu thuyết The Sheep Look Up (tạm dịch là « Bầy cừu mù quáng »). Cuốn truyện khoa học – giả tưởng của John Brunner, ra đời năm 1972, đã vẽ ra ngày tận thế của nhân loại đương đại với những tai họa sinh thái, do môi trường bị ô nhiễm và hủy hoại.
RFI xin chân thành cảm ơn nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu và nhà báo Việt Tiến đã dành thời gian cho tạp chí hôm nay, xin cảm ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình. Xin chúc quý vị mùa Giáng sinh hạnh phúc và bình an, những ngày hội lễ cuối năm đầm ấm, vui tươi. 

RFI

No comments:

Post a Comment