Tuesday, December 4, 2012

Oằn mình trong cơn sốt giá

 
Từ cuối năm 2011, khi sơn sốt giá ùa vào mọi ngõ ngách phố phường, len lỏi vào từng cuốn sổ chi tiêu gia đình chật hẹp, nhất là người lao động, không ít chuyện bất ổn nảy sinh. Xin kể vài mẩu chuyện có liên quan đến dịch sốt đại trà mà các nhà quản lí kinh tế Việt Nam hoàn toàn bó tay bất lực, vì không thể tìm nổi phương thuốc chữa trị nào vì tham nhũng, dốt nát, bất tài và lừa đảo khiến hàng chục Ngân hàng phải đóng cửa, 200 ngàn doanh nghiệp phá sản, công nhân nông dân thất nghiệp dài dài. Xưa ông bà mình nói “dân bất ly hương” còn ngày nay khi đảng liếm cái lưỡi quái vật vào từng mảnh đất của dân thì người dân hết đất sống chỉ biết tràn ra ngoài Hà Nội làm cửu vạn, buôn bán hoa quả hoặc “bán trôn nuôi miệng”. Hễ bàn tay tham lam của các đồng chí “ếch” thò vào túi tiền của người dân ở đâu thì đói khổ, lo lắng hiện ra ở đấy.
 

1. Bệnh "chảy máu vàng":

Từ trong nước, cậu cháu ruột gọi điện thoại cho tôi:

- Thím xem thế nào chứ, cháu thấy dạo này chú ăn uống tằn tiện quá, lần nào từ Hòa Bình xuống, biết chú ở một mình, cháu cũng ghé vào thăm rồi ngủ lại qua đêm mà thấy chú cứ lọ mọ: “Cơm cơm trộn canh” đến khổ. Đến sinh viên nghèo xa gia đình như chúng cháu, quanh năm mì tôm thay cơm, cũng có bữa phải cải thiện, đổi bữa, chứ không thể...trường kỳ mãi như thế.

 - Chết, tôi nghe mà không tin vào tai mình. Thế kỷ 21 rồi, hội nhập toàn cầu, vào WTO cả nửa thập kỷ rồi. Bản thân “ông ấy” còn là giáo viên trường điểm, lương có đến nỗi nào đâu. Hơn khối người trong xã hội, lại chỉ có một thân một mình.Vì thế ông ấy có phải chia xẻ đồng lương ít ỏi còm cõi nào của Việt Nam cho con đâu, sao lạ vậy? Hơn 30 năm dạy học, đến giờ phút này vẫn “ăn cơm rau vật nhau với trẻ” sao? Hay là...vật với cô gái trẻ đẹp nào để đến nỗi bị bóc lột đến mức không còn đồng xu dính túi?

Chờ đến tối ông xã mới “bán cháo phổi” xong thì qúa muộn, tôi vội gọi điện thoại hỏi giật giọng:

 - Anh sao thế? Thấy Toàn nói anh không được khỏe vì ăn uống tằn tiện qúa, chỉ “cơm cơm trộn canh đã nhiều hôm rồi, bữa ăn chẳng đổi thay gì”(1)

Đang giờ giải lao, anh ngán ngẩm đáp:

- Thì được một bữa cơm người thì mất mười bữa cơm nhà chứ sao. Con về nghỉ hè ba tháng, đưa cả bạn trai ở Pháp về.Mới đầu cũng nghĩ chỉ tốn ít thôi, ai ngờ giá cả tăng chóng mặt, thành thử mắc bệnh chảy máu vàng trầm trọng qúa.

Ngỡ anh ăn nhiều thực phẩm của trung quốc bị ngộ độc nên da vàng, máu vàng

Tôi vội hỏi:

- Chảy máu vàng à? Có phải đi bác sĩ không? Bình thường chỉ có nước mô mới có màu vàng chứ máu sao lại biến từ đỏ sang vàng được? Hay là gan, thận có vấn đề?

- Khổ qúa! anh gắt: - Làm nhà văn, sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa bao nhiêu năm mà còn không hiểu câu ấy, cứ suy diễn lung tung. Ý anh muốn nói là vì liên tục thết đãi chàng rể tương lai, để làm vui lòng con gái trong điều kiện giá cả tăng vèo vèo nên mình cứ “truất ngựa truy phong” mãi hết veo tiền chứ sao

 - Trời đất! Tôi rên lên: - Đúng là “cá chuối đắm đuối vì con”, chỉ vì phận làm cha anh phải trổ tài nấu nướng, trong điều kiện giá cả leo thang đến chóng mặt, không phải “năm anh em trên một chiếc xe tăng”, gồm “xăng dầu, điện, gas, thực phẩm” mà “gi gỉ gì gi cái gì cũng đắt” nên “năm anh em” trên chiếc xe này đâm đầu vào đâu là người dân lãnh đủ. Trong khi ông bà bảo “Được một bữa cơm người mất mười bữa cơm nhà”, huống hồ 3 tháng trời ròng rã, 90 ngày, 270 bữa, nhân lên thành 2700 bữa, làm gì chả mắc bệnh... chảy máu vàng?

Nhưng con đi cả tháng rồi cơ mà, sao anh ăn uống đạm bạc qua loa như thế, làm sao đủ sức khỏe? Tôi thắc mắc:

- Ôi! anh gạt đi: - Anh là cái thằng nhà quê, sinh ra trong lũy tre làng, lại ở nơi vùng chiêm trũng, “sống ngâm da, chết ngâm xương” quanh năm rau cháo, sắn khoai, đã chết đói bao giờ đâu. Bây giờ có cơm ăn là tốt rồi, em lo gì?

- Thế lương anh đâu? Chả lẽ 4 triệu bạc mà triền miên trong cảnh...cơm cơm trộn canh sao? Trong khi gạo mới hơn 20 nghìn một ký, một tháng giỏi lắm anh ăn hết 500 nghìn tiền gạo chứ mấy?

- Không tính thế được em ơi, còn tiền điện thoại, nước, xăng xe đi dạy, đám cười, đám khóc cùng thiên hạ rồi mỗi tháng cũng phải về quê một lần trong khi phải trả nợ một nửa rồi, còn 2 triệu, đành phải ăn dé ăn dè cho qua bữa chứ.

Đầu dây tôi nghẹn họng không nói nổi câu nào, lặng nghe anh nói mà lòng rưng rưng chực khóc, vì với mức trả nợ 2 triệu đồng một tháng, sau ba năm con gái tôi mới có thể về thăm nhà được, và khi ấy, biết đâu, anh đã lên chức bố vợ phải... mếu rồi?

Thấy tôi im lặng anh tiếp tục dòng suy nghĩ của mình:

- Vì thế hết giờ dạy học là anh đảo qua chợ mua rau muống hoặc rau lang, mồng tơi, rau cải v.v, xào với tí hành khô, mỡ, cho thêm nước vào làm canh rồi khuấy một thìa mắm tôm vào thay prôtít, là xong

- Chết chết! anh ăn còn khổ hơn thời bao cấp, khi em ở nhà, phải múc óc ra mà xơi, cũng đâu có để cho anh phải khổ sở đến vậy?

- Quan trọng gì đâu em, người Việt Nam ăn để sống, đâu đã được sống để ăn như người Mỹ. Vì thế cơm xới ra, để cho bay hơi cho nguội bớt đi, khoắng vài cọng rau ăn vã rồi chan nước canh vào lùa 3 miếng là hết. Cứ chén thẳng cẳng 3 bát như thế là xong một bữa. Một ngày chỉ nấu một lần vào buổi chiều, sáng ra thì tranh thủ rang cơm ăn đi dạy, còn hai bữa còn lại thì không phải “nước mắm đại dương và nước canh toàn quốc”(2) là được rồi, có gì mà bày vẽ như các nước Tư Bản "giãy chết"?

Tôi cười mà lòng đắng đót, buốt từ trong gan ruột buốt ra
 

2. Đậu Phụ là chính, mì chính là phụ …

Buồn tình, tôi gọi điện thoại về cho cô học trò ở thị trấn Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, biết tôi quan tâm đến vấn đề giá cả, nó kể: “Cô ơi, nhà em hôm nào cũng chỉ chỏng trơ một đĩa đậu phụ rán, dăm quả cà, bát nước chấm điểm hành, nước rau luộc trong vắt và đĩa cải bắp to ngồn ngộn trước mặt thôi, quanh năm chả thịt gà cá mú cua ốc gì đâu
Đầu dây giọng tôi ái ngại:

- Giáo viên thời buổi kinh tế thị trường này, còn ai phải “ăn cơm rau vật nhau với trẻ đâu” mà em để chồng con ăn uống đạm bạc thế, toàn những lao động trẻ, khoẻ cả
Nó rơm rớm nước mắt:

- Cô ơi, lương giáo viên cấp II trường huyện bọn em, gần hai chục năm đứng lớp đến nay chỉ vẻn vẹn hơn 3 triệu đồng một tháng, cơ quan chồng em lại thất nghiệp vì phá sản, hết việc, em thay vai trò của chị ấy. Ngoài con mình, còn cả hai con chồng nữa, chỉ riêng việc kiếm tiền cho ba bố con làm vốn cũng phải thế chấp nhà cửa, mỗi tháng trả lãi nuôi nhân viên ngân hàng nông nghiệp huyện cả triệu bạc rồi, nếu không ăn uống theo kiểu này: Đậu phụ là chính, mì chính là phụ, bọn em kiếm đâu ra, nhất là trong thời điểm hiện tại giá cả tăng chóng mặt như vậy - 2.500đồng một mớ rau cải xanh, 5000 đồng một cân rau cần cô ạ. 6.000đ một cái súp lơ bé xíu như nắm tay trẻ em, mà cả nhà: Con anh, con tôi, con chúng ta - 6 miệng ăn liền, làm sao thả nổi được? Vì thế 6 tháng nay rồi, mỗi lần phải ra chợ, sà vào hàng rau em lại nhớ câu thơ của nhà văn Khuất Quang Thuỵ, ca ngợi sự "đổi mới" từ thời điểm 1986:

"Em có nghe thời cuộc
 Run trong từng cọng rau,
Đói nghèo và dung tục,
Nhận chìm bao thanh cao"

- Thôi, thôi, tôi cười, đúng là cô giáo dạy văn có khác: - Hơi một tí là ho ra thơ, thở ra văn. Cô bây giờ …mất dạy và …vô lương rồi, sống nhờ chính phủ Mỹ thôi

- Không phải, (nó đánh trống lảng), em chỉ cố cho gia đình em không lâm vào cảnh bị "nhận chìm" thôi. Cô nghe em đọc tiếp này:

“Hoa nở chẳng vì đâu,
Khi vàng con mắt đói,
Bởi xóm làng thương nhau,
Bếp mỗi chiều vẫn khói…".

Tuy đạm bạc thế này, mỗi bữa cũng xơi hết cả vài chục nghìn tiền rau, đậu, mắm muối, tương cà đấy, cô tưởng à? Cứ có cái mà bỏ vào nồi, có cớ mà "nổi lửa lên em", “bếp sáng, chiều vẫn khói”, để vợ chồng, con cái yên ổn bên nhau … đạm bạc, rau muối qua bữa như thế này là tốt chán ra rồi. Cả triệu triệu người dân khác từ Hà Nội đến thôn quê, hễ động đến chi tiêu, từ xăng, gạo, rau quả, đồ dùng, vật dụng gì là kêu trời, la oai oái, chửi cha cả ông Đảng và ông nhà nước lên kia. Họp chó gì mà họp lắm thế, trong khi tội trạng đã rành rành ra còn cố ngồi bệt ăn vạ, tranh công đổ tội, gọi chệch tên tội đồ của dân tộc là đồng chí Ếch, với lươn... Có mà cố tình phình bụng, phình mang tai, nuốt chửng cả ngân sách ít ỏi của người dân, sau khi đã tham nhũng, bóc lột, hút máu, hút mủ dân chán chê ra thì có ấy?

Đến lượt tôi nở nụ cười… hình bình hành cáo lỗi, tạm biệt, vì số “tài khoản” trong “ngân hàng tình cảm” dành cho những người thân quen ở Việt Nam còn dài...

Tắt máy nghe rồi, trong tai tôi còn văng vẳng những lời của cô học sinh, mượn lời của nhà cách mạng Phan Chu Trinh chửi thực dân Pháp, để nhại lại cho tôi nghe sau kỳ họp thứ 6 của Đảng Cộng Sản vừa rồi:

Lũ ếch nhái sắm dù sơn kiệu
Bọn sâu bọ đục khoét dân ta
Đảng ta là của Trung hoa
Mồ cha giày xéo, gà nhà đá nhau…



Sacramento 26-11-2012
(Sinh nhật lần thứ 52)
Trần Khải Thanh Thuỷ
__________________________________________________________________

(1) Nhại lời bài hát: "Quảng bình quê ta ơi": Khoan khoan hò khoan đã nhiều năm rồi, quê ta nay đổi thay rồi..."hò lơ hó lơ...
(2) Canh toàn nước và muối trắng.(thơ Lê Đức Thọ(tức Sáu Búa ) tả bữa ăn của các anh bộ đội cụ hồ)
(3) Bắc Cạn nói lái theo kiểu dân gian Việt Nam là bán c...

No comments:

Post a Comment