Monday, December 10, 2012

Phản cách mạng chưa ?

Hãy xem Cựu đại tá CS, nhà văn Phạm Đình Trọng viết lại chyện ngày hôm qua để thấy : bọn phản cách mạng, phản dân hại nước đã hiện diện ngay trước mắt chúng ta.
 


Phạm Đình Trọng.

Tối thứ bảy thường tôi nghỉ ngơi xem truyền hình trực tiếp bóng đá Anh. Tối thứ bảy 8.12.2012 có trận đấu của đội Arsenal, đội bóng mà tôi ủng hộ nhưng tôi cũng không quan tâm đến bóng đá nữa, cả tối nghỉ ngơi hiếm hoi đó tôi tìm giấy, bút màu viết khẩu hiệu HOÀNG SA TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM cho cuộc biểu tình sáng mai.

Viết xong khẩu hiệu thì có điện thoại của anh Kha Lương Ngãi, một người tôi rất kính trọng, hẹn sáng mai, 7 giờ 30 gặp nhau ở quán phở gà đường Nguyễn Du nhìn sang Bưu điện thành phố để từ đó ra nơi biểu tình, Nhà Hát Lớn. Nghe điện thoại của anh Ngãi rồi tôi gọi cho anh Lê Phú Khải, hẹn 7 giờ sáng mai gặp nhau ở bến xe buýt cạnh cây xăng đường Cộng Hòa, cùng đến chỗ hẹn với anh Kha Lương Ngãi. Từ năm 2004, khi đang là phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, tờ báo của thành ủy Sài Gòn, anh Kha Lương Ngãi đã có đơn xin ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam. Bí thư thành ủy trực tiếp gặp gỡ khuyên rút đơn nhưng anh Ngãi vẫn dứt khoát ra khỏi đảng khi đã có 38 tuổi đảng và xin về nghỉ hưu trí khi mới 58 tuổi đời.

Sáng chủ nhật 9.12.2012, 6 giờ 50 tôi vừa bước ra khỏi cửa, ông Tuấn, trên sở công an thành phố, người đã nhiều lần lấy tư cách an ninh gặp tôi, làm việc với tôi, tước đoạt quyền công dân của tôi, cùng cả chục người nữa, công an thì mặc đồ dân sự, dân phòng mặc đồng phục có logo dân phòng ở cánh tay, mỗi người một xe máy xô đến bảo tôi dừng lại nói chuyện. Tôi bảo không có chuyện gì để nói với các anh rồi lách qua đầu xe của họ mà đi. Dù tôi đi trên vỉa hè, họ vẫn lao đầu xe chắn trước mặt tôi.

Tôi nhận ra cậu công an trẻ tên Phước đã áp giải tôi từ Tòa án Sài Gòn về công an phường Bến Thành rồi lại áp giải tôi từ công an phường Bến Thành về tận nhà tôi hôm tôi đi dự phiên tòa xử câu lạc bộ Nhà báo Tự do ngày 24 tháng chín, năm 2012. Tôi dừng lại bảo Phước: Bác rất quí Phước, bác bảo Phước về đi đừng theo bọn họ làm việc đê tiện là tước quyền công dân của bác, không cho bác đi biểu tình chống Tàu xâm lược. Bác già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa. Bác giữ nước cũng để cho các cháu. Phước im lặng và vẫn bám theo tôi.

Ông dân phòng đứng tuổi mặt xám xịt, tối sầm, vẻ hung hăng nhất trong đám dân phòng luôn lao xe vào chặn tôi, bảo tôi dừng lại nói chuyện. Tôi chỉ ông ta: Anh không có tư cách gì nói chuyện với tôi. Từ đó tôi mới không thấy bộ mặt tối sầm, xám xịt chặn trước tôi nữa.

Trên đường phố, cả một đám chục chiếc xe máy bám quanh tôi làm nhiều người chú ý. Đến chỗ đông người, tôi dừng lại, chỉ vào đám người công cụ, nói to: Các anh có còn là người Việt Nam không? Giặc Tàu cướp hết biển, hết đảo của ta rồi mà các anh còn ngăn chặn dân không cho dân đi biểu tình chống Tàu xâm lược là sao? Mỗi tháng các anh nhận cả chục triệu đồng lương từ tiền thuế của dân  để các anh làm việc tước đoạt quyền công dân của người dân à?

Bộ mặt công cụ tối sầm của ông dân phòng đứng tuổi không còn hung hăng lập công với công an chặn bước tôi nữa thì lại đến bộ mặt còn nguyên màu đồng ruộng của ông Tuấn, công an cấp thành phố. Chiếc xe máy của ông Tuấn cứ ép tôi, chặn tôi sát sạt.

Bực quá, tôi đẩy đầu xe ra và vỗ vào mũ bảo hiểm trên đầu Tuấn, quát: Tuấn, anh đang làm việc phạm pháp đấy! Đừng làm việc phạm pháp đó nữa, để tôi đi. Ông công an cấp thành phố liền lu loa: A, anh đánh vào đầu tôi! Có mọi người làm chứng, anh vừa đánh tôi. Anh phải vào đồn công an giải quyết việc anh hành hung tôi. Kinh ngạc thấy ông công an cấp thành phố và cấp hàm ông ta mang phải là cấp tá lại giở trò bẩn vu khống, tôi bảo: Tôi làm sao đánh được anh. Đánh phải có vết tích chứ. Ông công an Tuấn tiếp tục vở diễn: Ối! Ối! Tôi đau đầu quá! Anh đánh vào đầu tôi chấn thương rồi. Anh phải vào đồn công an giải quyết việc anh đánh tôi. Tôi gạt đầu xe ra để đi, ông công an cấp thành phố lại lao xe vào trước mặt tôi và lải nhải kêu đau đầu. Thật là trò bẩn thỉu, đê tiện!

Một mình ra xe buýt, tôi sẽ không thể lên được xe. Từ bến xe buýt đến nhà anh Lê Phú Khải, chỉ một đoạn ngắn, tôi liền đến thẳng nhà anh Lê Phú Khải, may ra anh Khải chưa ra khỏi nhà. Có thêm anh Khải, tôi sẽ có thêm sức mạnh. Không may cho tôi, anh Khải đã đi rồi. Qua điện thoại, anh Khải bảo đang trên xe buýt đến trung tâm thành phố. Tôi đành ở lại nhà anh Khải ngồi nói chuyện với chị Thuận vợ anh Khải. Bên ngoài cánh cổng sắt nhà anh Lê Phú Khải, đám người ngăn cản không cho tôi đi biểu tình chia làm hai tốp, một tốp năm công an mặc dân sự và một tốp năm, sáu dân phòng chốt ở hai ngả đường vào nhà anh Khải. Trong tốp công an, ngoài ông Tuấn cấp thành phố, tôi còn nhận ra ông Sầm, công an quận Tân Bình. Để theo dõi cuộc biểu tình ở Hà Nội, tôi gọi cho anh Nguyễn Quang A. Hóa ra tình cảnh của anh Quang A ở Hà Nội cũng giống như tình cảnh của tôi. Anh Quang A đang đi trên đường và cũng có đám công cụ quây quanh, cản đường không cho anh Quang A đi.

Hơn 10 giờ 30, anh Lê Phú Khải về, kể chuyện cuộc biểu tình thành công bất ngờ. Trước Nhà Hát Lớn xen giữa những sắc áo công an, những tốp người đứng ngơ ngác nhìn nhau, dò xét, chờ đợi. Lê Phú Khải mũ phớt, áo sơ mi trắng lốp, quần đen, giầy đen như một quí ông phong lưu, nhàn tản đến trước Nhà Hát Lớn. Một thanh niên mặt sáng sủa, đẹp trai nhìn Lê Phú Khải ngập ngừng hỏi: Bác đi biểu tình à? Tưởng là tên công an chìm gây sự, Lê Phú Khải trừng mắt hỏi lại: Đi biểu tình thì đã làm sao? Anh thanh niên mừng rỡ reo lên: A, thế là bác cũng đi biểu tình. Anh liền lấy trong người ra lá cờ đỏ tung lên. Như pháo hiệu đã nổ, những người đang tản mác quanh Nhà Hát Lớn liền tung cờ, giơ biểu ngữ giấu trong người ra dồn về trước Nhà Hát Lớn. Giữa những lớp sóng của lòng yêu nước, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm đọc lời Tuyên bố mít tinh, nhà báo Lưu Trọng Văn, con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư liên tục thét vang: Tổ Quốc trên hết! Những tiếng hô dồn dập: Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam! Phản đối Trung Quốc xâm lược!
Nhà báo Lê Phú Khải (đội mũ), người cạnh bên phải áo cộc tay là Bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm (cựu thủ lĩnh sinh viên chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước 1975). Photo: on the net.

Thấy những con sóng của lòng yêu nước đang dâng cao, người đàn ông đứng cạnh Lê Phú Khải liền ra lệnh cho những công an đang bủa vây những người biểu tình: Chia cắt ra! Lê Phú Khải liền vặn hỏi: Chia cắt cái gì? Trả lời: Đây không phải việc của anh.

Không hiểu sao, những chiến sĩ công an trẻ không quyết liệt thực hiện mệnh lệnh chia cắt khối người biểu tình. Không bị chia cắt nhưng khối người biểu tình không thể di chuyển được, đi về hướng nào cũng bị các lực lượng chống biểu tình được chính quyền huy động quá đông đảo ngăn chặn.

Cuộc mít tinh của người dân Sài Gòn phản đối hành động gây hấn dồn dập mới diễn ra của nhà cầm quyền Trung Quốc với Việt Nam đã bị chính quyền Sài Gòn ngăn chặn, phong tỏa quyết liệt. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, cuộc mít tinh tuy chỉ diễn ra ở Nhà Hát Lớn trong thời gian ngắn ngủi cũng là thắng lợi của ý chí bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của những trái tim Việt Nam yêu nước.

Vẫn đội hình đông đảo buổi sáng bám theo tôi khi tôi từ nhà anh Lê Phú Khải trở về. Tôi vào nhà, họ còn chốt ở gần nhà tôi hơn một tiếng sau, đến xế trưa.

Thật buồn cho cách ứng xử của nhà nước với người dân có nỗi lòng đau đáu với nước và thật cám cảnh cho người dân Việt Nam sống trong xã hội cộng sản độc tài đến quyền yêu nước cũng không có, người dân thành bơ vơ, ăn nhờ ở đậu ngay trên chính quê hương đất nước mình.○


* Tác giả là cựu đại tá, nhà văn Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã công khai ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2009, hiện sinh sống tại Sài Gòn.
Danoan Blog

No comments:

Post a Comment