Bang giao giữa Pháp và Ðức lâu nay vẫn là trung tâm cho hoạt động của Liên hiệp châu Âu. Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo bảo thủ là Thủ tướng Ðức Angela Merkel và cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã hợp tác với nhau trong việc thực hiện các quyết định cho khu vực euro vào lúc khu vực lao đao để vượt qua các vụ khủng hoảng kinh tế.
Nhưng vào năm 2012, ông Francois Hollande tả khuynh đã lên nắm quyền ở Pháp, nêu ra nghi vấn về mối quan hệ Pháp Ðức. Thông tín viên Selah Hennessy tìm hiểu sự kiện này có thể tác động ra sao đến châu Âu trong năm 2013
Khi Liên hiệp châu Âu được trao giải Nobel Hòa bình hồi đầu tháng này, Thủ tướng Ðức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đứng cạnh nhau trong một dấu hiệu đoàn kết được sự ca ngợi của Chủ tịch Uỷ ban Nobel Thorbjoun Jagland. Ông Jagland nói:
“Sự hiện diện hôm nay ở đây của Thủ tướng Ðức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Holland khiến ngày này đặc biệt mang tính biểu tượng.”
Nhưng sự biểu dương tình đoàn kết đó che giấu các chia rẽ ngày càng tăng giữa hai nhà lãnh đạo nhiều thế lực nhất châu Âu.
Ông Philip Whyte thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu ở London nói các chính trị gia cơ bản không đồng ý về điều gì là tốt cho khu vực euro. Ông nhận định;
“Ông Hollande là một người của phe tả. Bà Angela Merkel là một phụ nữ thuộc cánh hữu. Ông Hollande có các viễn kiến rất khác về hướng đi tới của khu vực euro, và trong đó có một số xung đột và căng thẳng, đã được đưa vào bên trong mối bang giao Pháp Ðức trong 6 tháng vừa qua.”
Thủ tướng Merkel đứng đầu nền kinh tế mạnh nhất châu Au và đã thúc đẩy mạnh đòi áp dụng kỷ luật tài chính và các biện pháp kiệm ước gay gắt khắp châu Âu.
Nhưng kiệm ước ngày càng không được lòng dân ở một số quốc gia sử dụng đồng euro, với các vụ biểu tình thường xuyên và lan rộng khắp.
Thất nghiệp tràn lan và các quốc gia trong suốt Liên hiệp đã rơi vào tình trạng suy thoái 2 con số.
Nay ngày càng nhiều các chính trị gia và kinh tế gia nói rằng kiệm ước mà không kích hoạt đã đưa các nền kinh tế đi sai đường.
Về phần mình, ông Hollande lên nắm quyền với cuộc vận động đòi làm giảm nhẹ chiến dịch kiệm ước và chuyển trọng điểm trở lại kế hoạch kích hoạt kinh tế.
Ông cũng không đồng ý với bà Merkel về các thay đổi cơ chế như hòa nhập tài chính và có thể thiết lập một liên hiệp ngân hàng Âu châu.
Các xung đột có phần chắc gây ra những vấn đề liên tục, như nhận xét của ông Whyte:
“Theo tôi, các quan hệ sẽ vẫn mấp mô. Ông Francois Holland sẽ bớt cam kết hơn với việc thúc đẩy các cải cách kinh tế vi mô so với ý muốn của bà Angela Merkel. Ông sẽ vẫn mang nhiều tham vọng hơn là Ðức khi nói đến vấn đề khai triển những thứ như liên hiệp ngân hàng để họ tiếp tục chương trình đã theo đuổi, nhưng mọi sự sẽ khó khăn.”
Một số chuyên gia phân tích e rằng tiến bộ bên trong khu vực euro sẽ bị gián đoạn nếu Pháp và Ðức không có cùng quan điểm.
Bà Leila Talani, một chuyên gia về châu Âu tại trường đại học King’s ở London, nhận định:
“Bất cứ quyết định nào có tầm quan trọng nào đó đối với tiến trình hòa nhập Âu châu đều được thực hiện giữa Pháp và Ðức, do đó rõ ràng sự kiện này còn có rất nhiều hậu quả đối với việc giải quyết vụ khủng hoảng nữa.”
Nhưng bà nói các bất đồng này có thể sẽ không kéo dài.
Ðức sẽ có một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2013. Ðảng lớn thứ nhì của Ðức là đảng Dân chủ Xã hội đang về sau trong các cuộc thăm dò nhưng cũng có cơ hội thắng.
Như ông Hollande, ứng cử viên của đảng này, ông Peer Steinbruk, đã lên tiếng ủng hộ việc nới lỏng chính sách kiệm ước và phối hợp khối nợ của châu Âu.
Bà Talani nói hai ông Hollande và Steinbruck cùng nhau có thể mang lại một sự biến chuyển thực sự trong chính sách của khối euro:
“Nếu họ có cùng các mục tiêu, thì các mục tiêu đó có phần chắc sẽ đạt được nhờ các nước Âu châu và tôi cũng nghĩ rằng điều đó sẽ trấn an cho các thị trường.”
Và rút cục thì chính các thị trường là mục tiêu mà Pháp và Ðức cần phải xoa diụ -- và chính các thị trường có tác động lớn nhất đối với các quyết định về chính sách.
No comments:
Post a Comment