Sunday, January 27, 2013

Các cán bộ Trung Cộng tìm cách triệt hạ nhau


Trong số ra tuần này, nhìn về châu Á, tuần san Courrier International dành bài chạy tựa : "Gián điệp đầy tường", trích dẫn lại bài viết của tờ Nam Phương Nhân vật Tuần báo tại Quảng Châu. Bài viết phản ánh một thực tế đang rất phổ biến tại Trung Quốc : Các quan chức theo dõi nhau bằng cách đặt lén máy ghi âm hoặc ghi hình.

Bài viết dựa vào câu chuyện ghi nhận từ cuộc nói chuyện với một người chuyên rà tìm các thiết bị thu âm hay ghi hình lén. Người ngày tên là Tề Hồng, và cuộc gặp gỡ diễn ra tại thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông. Tề Hồng bắt đầu câu chuyện bằng một thông tin đầy ấn tượng. Chỉ trong năm 2011, anh đã rà tìm được đến 300 dụng cụ ghi âm hoặc ghi hình trong các xe phục vụ đi lại của các quan chức, văn phòng làm việc hay thậm chí là phòng ngủ của họ.
Tề Hồng cho biết, nguyên nhân mà các quan chức tìm đến anh tựu chung lại là như sau : Để đề phòng đồng nghiệp hay đối thủ cạnh tranh, đề phòng cấp trên cho đặt máy theo dõi, theo dõi để tìm điểm yếu của cấp trên, hay thậm chí là để đối phó lại chiến thuật ghen tuông của vợ nhà. Có tuần, Tề Hồng thực hiện đến 40 cuộc dò tìm cho khách hàng.
Bài viết còn cho biết, theo lời của một quan chức tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc, ở địa phương này, việc nghe lén là khá phổ biến, và người thực hiện là các cán bộ Nhà nước, họ theo dõi nhau để dò tìm sai phạm của nhau nhằm thanh trừng nhau.
Việc nghe lén đôi khi là do người trong cuộc cố tình gài bẫy. Chẳng hạn, một quan chức muốn lật một quan chức khác, nên lập kế cho người tin cậy giả vờ tìm đến quan chức nọ để xin xỏ công việc và để đút lót tiền. Nếu quan chức bị nhắm đến mà nhận tiền thì tức là đã sập bẫy đối phương. Bài viết dẫn ra trường hợp một cán bộ Nhà nước chỉ nhận tiền hối lộ có một lần, nhưng do bị đối phương gài, nên đã phải ngồi tù.
Việc theo dõi không chỉ được thực hiện bởi người đối địch, mà bởi những người thân hay người cùng băng nhóm. Bởi người thân thì chẳng hạn như vợ của các quan chức cho đặt máy theo dõi chồng mình để đề phòng quí ông bí mật lập "phòng nhì".
Nói về phản ứng của các quí ông, Tề Hồng kể lại, khi bị phát hiện thì có người còn không kìm chế được, đã lớn tiếng chửi rủa đối thủ chính trị bị nghi là thủ phạm cho đặt máy hoặc chửi thủ hạ bị nghi là đã "đâm dao từ sau lưng" họ, có khi là phản ứng bằng cách lo sợ ra mặt. Thế nhưng, khi dò tìm không có máy, thì các quan chức cũng lại phập phồng lo sợ và luôn sống trong nghi ngờ.

Bàn việc lớn trong hồ bơi!
Hiện tượng theo dõi nhau bằng máy ghi âm, ghi hình lén đã trở nên phổ biến đến mức, mà ngay cả người làm nghề dò tìm như Tề Hồng cũng từng phát hiện rằng, chính anh ta đã bị đặt máy ghi âm theo dõi. Hậu quả của hiện tượng này, đó là con người luôn sống trong đề phòng, lo sợ, lúc nào cũng cảm thấy bị theo dõi.
Sự nghi kị lẫn nhau lên đến mức mà, theo lời một quan chức được bài viết trích dẫn, các cuộc thương thảo quan trọng có khuynh hướng đi vào nhà tắm: Để đề phòng, người trong cuộc hẹn nhau đến những địa điểm tắm công cộng. Chưa hết, theo quan chức này, khi người ta gặp nhau, chào nhau bằng cách ôm thân mật, đó không hẳn là để biểu hiện sự thân ái, mà còn để nhân cơ hội đó tìm xem trên người đối phương có máy móc gì không.

RFI

No comments:

Post a Comment