Hôm nay,
24/01/2013, Tân Hoa Xã ra thông báo bác bỏ các tin đồn về việc lãnh đạo
Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đi phẫu thuật thẩm mỹ để có hình thức giống
với ông nội Kim Nhật Thành, người sáng lập Bắc Triều Tiên. Nhiều nhà
bình luận cho rằng Kim Jong-un chăm chút ngoại hình giống với ông nội là
nhằm để củng cố uy tín của mình trong dân chúng.
Theo hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, nguồn gốc của
tin đồn về việc lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã đi giải phẫu thẩm mỹ ít nhất
sáu lần là xuất phát từ một chương trình của kênh truyền hình Shenzhen
TV, thuộc tập đoàn truyền thông Thẩm Quyến, có trụ sở tại Quảng Đông.
Tân Hoa Xã ghi nhận, trong những ngày gần đây, tin đồn này đã khiến
nhiều người quan tâm. Hãng thông tấn Trung Quốc đã liên lạc với nhiều
thông tín viên tại Bình Nhưỡng để xác minh. Cuối cùng, hãng tin chính
thức của nhà nước Trung Quốc đã xác nhận rằng các lời đồn đại kể trên là "không có cơ sở".
Du Baiyu, một trong các thông tín viên, khẳng định rằng cách ăn mặc
và để tóc của Kim Jong-un "vốn không thay đổi từ lâu. (…) Bên cạnh đó,
lãnh đạo Bình Nhưỡng không chỉ giống ông nội, mà còn giống cả cha, Kim
Jong-il nữa".
Kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, thừa kế cha mình, vào cuối năm
2011, nhiều bình luận cho rằng ông ta giống với người ông nội Kim Nhật
Thành (1912-1994) và cha đẻ, Kim Jong-il (1941-2011). Các nhà quan sát
đặc biệt ghi nhận : Nhân vật thứ ba trong "triều đại cộng sản Bắc Triều
Tiên" rất giống với người ông nội thời trẻ, với cùng một hình thể, một
kiểu tóc, một bộ quần áo đại cán mầu sẫm theo kiểu Mao.
Chính sự giống nhau về hình thức với cha và ông, được chăm chút rất
cẩn thận này của Kim Jong-un, theo nhiều nhà nghiên cứu, là nhằm để củng
cố uy tín trong dân chúng của lãnh đạo trẻ nhằm tăng cường quyền lực.
Cuối tháng 11/2012, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc
Nhân dân nhật báo đã bị hớ, khi đăng bài dẫn lại thông tin của The Onion
(Củ hành) - một tờ báo trào phúng của Mỹ -, ca ngợi lãnh đạo Bắc Triều
Tiên Kim Jong-un như là "người đàn ông sexy nhất năm 2012".
Quả là, mù quáng tin theo và thực hư lẫn lộn là một thực trạng của
nền truyền thông chính thức của Trung Quốc, nơi chế độ luôn nỗ lực duy
trì quyền phân phối và kiểm soát các thông tin.
No comments:
Post a Comment