Toàn bộ cột kèo được làm bằng gỗ
lim, trạm khắc rồng phượng tinh xảo… Hơn 100 năm qua ngôi nhà của Bá
Bính, nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo của cố nhà văn
Nam Cao, vẫn rất vững chãi.
Ngôi nhà Bá Bính, nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. |
Men theo con đường nhỏ bên bờ đê
sông Châu, ngôi nhà Bá Bính nằm cuối xóm 11, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân,
tỉnh Hà Nam (xưa kia gọi là làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, phủ Lý Nhân, Hà
Nam). Tọa lạc trên mảnh đất rộng hơn 900 m2, ngoảnh theo hướng Đông
Nam, ngôi nhà khá thoáng đãng và khô ráo.
Nhiều năm qua, cụ Trần Bá Huấn (80
tuổi, xóm 11, xã Hòa Hậu) luôn tìm tòi và ghi chép những câu chuyện về
ngôi nhà đặc biệt này. Theo cụ Huấn, tồn tại hơn một thế kỷ, ngôi nhà Bá
Bính chỉ bạc màu chứ không hề hư hại. Nhà có 3 gian theo truyền thống
người Việt Nam. Bốn hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim to ôm cả 2 tay
mới hết. Chân cột kê đá tảng là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu.
Toàn bộ cột, kèo của ngôi nhà được
chạm khắc hình rồng, phượng rất tinh xảo. Trên nóc có khắc dòng chữ Nho
nói về thời gian làm ngôi nhà. Cửa nhà là loại ghép bức bàn, ngoài hiên
có một hàng dãi để chống mưa nắng.
Chỉ tay lên bức tường trải qua bao
mưa gió vẫn rắn chắc, cụ Huấn cho biết, toàn bộ hồ gắn kết xây tường nhà
được làm từ mật mía, muối, vôi, vỏ cây và một số phụ gia. Gạch dùng xây
tường và lát nền được nung bằng rơm nên dù qua thời gian, tường vẫn
không hề bong tróc. Mái nhà lợp duy nhất loại ngói ta theo kiểu bít đốc
đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Toàn bộ cột, kèo trong nhà làm bằng gỗ lim nên rất vững chãi. |
Bà Trần Thị Hựu, cháu dâu của Bá
Bính, cho biết mái ngói chưa hề được thay mới viên nào suốt từ khi xây
dựng cho đến bây giờ. Bà Hựu được chồng là cụ Trần Duy Thảo (cháu nội Bá
Bính) kể lại trước khi đem ngói lợp thì thợ dùng nước mù hóng đặc ngâm
ngói nhiều giờ rồi đem phơi khô. Tiếp theo người ta lấy lần lượt 2 viên
ngói gõ vào nhau nếu viên nào rạn nứt hoặc vỡ thì bị loại. Để lấy ngói
tốt lợp ngôi nhà này nhân công đã phải đốt hàng vạn viên.
Xưa kia ngôi nhà này có nhiều thứ rất đáng giá như tranh, ảnh, hoành phi, câu đối cổ…, nhưng bị bán và mối mọt hết.
Dẫn khách vào tham quan, cụ Huấn kể
ngôi nhà có tới 7 đời chủ sở hữu, trong đó có một lần suýt bị xẻ gỗ và
một lần bị giặc Pháp đốt, nhưng được kịp thời dập tắt. Chủ nhân đầu tiên
là cụ Cựu Hanh, lái buôn giàu có nhất vùng thời bấy giờ. Cụ Cựu Hanh
thuê một tốp thợ mộc hơn 20 người ở Cao Đà (phủ Lý Nhân thời bấy giờ)
làm ròng rã gần một năm trời mới xong ngôi nhà.
Cụ Hanh mất đi người thừa kế lại
ngôi nhà là con trai Trần Duy Xầm. Cụ Xầm sau đó để lại cho con là Cựu
Cát. Là người chơi bời, rượu chè nên Cựu Cát nhiều lần vay tiền ngụy
viên Bắc Kỳ Bá Bính (tên thật là Trần Duy Bính, mất năm 1946). Bá Bính
được cố nhà văn Nam Cao tiết lộ là nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác
phẩm Chí Phèo.
Bá Bính thời bấy giờ giữ 3 chức vụ
quan trọng, gồm ngụy viên Bắc Kỳ, chánh tổng và lý trưởng. Chức ngụy
viên Bắc Kỳ tương đương với đại biểu Quốc hội ngày nay, vì vậy ông được
phong hàng Bá, là Bá Bính. “Hồi đó Bá Bính làm quan to nên nhiều người
đi hầu, đất của ông ta rộng gần nửa làng Đại Hoàng. Ngôi nhà này được Bá
Bính mua lại để làm nhà thờ”, cụ Huấn kể.
Bá Bính mất đi để lại gia sản cho
con là Trần Duy Tảo hay còn gọi là Binh Tảo. Bản tính nghiện rượu nên
những đồ đạc trong nhà Binh Tảo đều mang đi cầm cố và bán sạch. Căn nhà
là tài sản quý giá nhất cũng bị Binh Tảo rao bán. Cụ Cai Hậu sau đó mua
ngôi nhà với giá 4.500 đồng (khoảng 20 cây vàng thời bấy giờ).
Chủ nhân tiếp theo của ngôi nhà là
ông Trần Hữu Hòa, cháu cụ Cai Hậu. Đến năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam quyết
định lưu giữ ngôi nhà này nên đã thương thảo với bà Trần Thị Sâm (vợ ông
Hòa) để mua lại với giá 700 triệu đồng. Trải qua nhiều đời chủ, nhưng
kiến trúc ngôi nhà còn khá nguyên vẹn, tất cả được giữ nguyên cho đến
hôm nay.
Chỉ vào cột lim chính giữa ngôi
nhà, cụ Huấn kể: “Trong một lần thực dân Pháp mở đợt càn quét, dân làng
chạy đi sơ tán hết. Lúc nấy giờ tôi và một người bạn tên Huỳnh sau khi
cài bom xong cùng nhau trốn dưới hầm gần nhà Bá Bính. Lúc giặc càn tới
thấy ngôi nhà toàn gỗ lim nên chúng bôi dầu đốt nhà. Đúng lúc bấy giờ có
kèn báo hiệu rút quân. Chúng tôi lên khỏi hầm thì thấy cột nhà đang
cháy. Hai anh em vội vã lấy xô múc nước nên kịp thời dập tắt”.
Theo cụ Huấn, không chỉ ngôi nhà
này “thoát chết” lần đó mà lần “thoát nạn” thứ hai khi đang thuộc quyền
sở hữu của Binh Tảo, tức con trai Bá Bính. “Thời bấy giờ Binh Tảo nghiện
ngập rượu chè, lúc túng quẫn đã rao bán ngôi nhà này và người hỏi mua
là ông Trần Thế Lễ. Ông Lễ ngỏ ý mua không phải để ở mà ông để mắt tới
16 cây cột bằng lim xẻ lấy gỗ. Rất may sau đó ngôi nhà được cụ Cai Hậu
mua lại nên thoát được án tử”, cụ Huấn cho hay.
Nói về công trình kiến trúc này,
ông Trần Đức Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hậu cho biết, năm 2007, Sở
Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã mua lại và quyết định lưu giữ
ngôi nhà “Bá Kiến” để góp phần nghiên cứu sự nghiệp của nhà văn Nam
Cao.
“Ngôi nhà này mang dấu ấn kiến trúc
vô cùng độc đáo. Sau khi đựợc Sở Văn hóa bàn giao, chúng tôi đã giao
cho một cán bộ phụ trách quản lý đồng thời hướng dẫn mỗi khi khách vào
tham quan. Thời gian gần đây, một số hạng mục được địa phương tu bổ, lau
dọn sạch sẽ để khu di tích luôn giữ được những giá trị vốn có”, ông
Tuyến nói thêm.
Lối vào ngôi nhà Chánh Bính ở xóm 11, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. |
Ngôi nhà được xây khoảng năm 1910, trải qua hơn 100 năm vẫn rất vững chắc. |
Các cột gỗ.... |
...đến cánh cửa đều được làm bằng gỗ lim. |
Trên nóc nhà có dòng chữ Nho. |
Các cột kèo được chạm khắc tinh xảo. |
Ngoài hiên có một hàng dãi để chống mưa nắng. |
Mái nhà lợp duy nhất loại ngói ta theo kiểu bít đốc đến nay vẫn còn nguyên vẹn. |
Cột lim chính giữa ngôi nhà từng bị thực dân Pháp bôi dầu đốt, nhưng được cụ Huấn và một người bạn dập tắt kịp thời. |
VNExpress
No comments:
Post a Comment