Monday, February 18, 2013

Loại bỏ bộ môn vật tại Thế vận hội, một quyết định khó hiểu


Ủy ban Olympic Quốc tế CIO hôm 12/2 đã gây bất ngờ và khó hiểu khi quyết định loại môn vật, một môn thể thao có lịch sử lâu đời nhất của phong trào Olympic, ra khỏi chương trình thi đấu của Thế vận hội Olympic mùa hè 2020.
Việc bị xếp ra bên lề Olympic như vậy đã là một đòn đánh mạnh vào môn thể thao cổ xưa nhất lịch sử. Quyết định của CIO đang vấp phải phản đối dữ dội của dư luận thể thao.
Theo như thông lệ đã thành truyền thống, sau mỗi kỳ Thế vận hội mùa hè, tiểu ban kỹ thuật của CIO họp lại để rà soát lại các môn thi đấu chính thức cho các kỳ Thế vận hội tiếp theo. Tiểu ban có nhiệm vụ chọn trong 26 môn thi đấu trong kỳ thế vận trước, môn nào sẽ bị loại bỏ để nhường chỗ cho một môn thi đấu mới.
Các tiêu chí lựa chọn khá đa dạng và phức tạp, nhưng chủ yếu dựa trên tính đại chúng, tính phổ cập của môn thi đấu đó…Một số môn thể thao được cho là không thể đụng đến như bơi lội và điền kinh. Cuộc lựa chọn hôm 12/2 vừa rồi tại Lausanne Thụy Sĩ, tiểu ban kỹ thuật đã đưa ra danh sách gồm năm môn : vật, hockey trên cỏ, canoe-kayak, taekowndo và năm môn phối hợp hiện đại, để bỏ phiếu loại một môn.
Sau nhiều vòng bỏ phiếu kín, kết quả cuối cùng thật bất ngờ, môn vật, gồm cả hai nội dung tự do và cổ điển, đều bị loại. CIO không giải thích rõ ràng về lý do của mình, nhưng ngay lập tức khuyến nghị này đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt trong giới thể thao.
Vật là môn thể thao biểu tượng của Thế vận hội Olympic, xuất hiện hàng trăm năm trước Công nguyên và năm 1896 đã xuất hiện trong các cuộc thi đấu của thế vận hội hiện đại.
Về mặt chính thức thì môn thi đấu đối kháng khởi thủy của Olympic này vẫn chưa bị gạt ra khỏi cuộc chơi. Nhưng môn vật sẽ phải nộp lại đơn xin ứng cử lại bên cạnh các môn thể thao mới xin dự tuyển vào chương trình thi đấu Olympic gồm môn squash, leo vách núi, Karaté, Wushu, baseball, wakeboard (lướt sóng có dù) và các nội dung của môn roller.
Tất cả các môn thể thao nói trên sẽ phải thuyết phục Ủy ban Olympic Quốc tế tại cuộc họp toàn thể dự kiến diễn ra vào tháng Chín tới tại Buenos Aires. Tại Cuộc họp này, CIO cũng sẽ chọn thành phố đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020 trong số các ứng viên Istanbul, Madrid và Tokyo, đồng thời ra quyết định bổ sung 3 trong 8 môn nói trên để vào 25 môn thi đấu được giữ lại làm nòng cốt chương trình.
Quyết định của CIO đã làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong dư luận thể thao đặc biệt trong làng võ vật. Liên đoàn vật thế giới, đang có ý định cải tiến các nội dung thi đấu sao cho môn vật trở thành môn thi đấu hiện đại, đã hoàn toàn bất ngờ trước quyết định của Ủy ban Olympic Quốc tế, nhất là với liên đoàn không có mấy môn thể thao có được tính phổ cập như môn vật.
Cho dù chưa có quyết định cuối cùng bị đẩy ra khỏi hệ Olympic việc bị đưa ra xét vớt cùng với các môn thể thao khác đã là một đòn khá nặng nề vào môn thể thao lâu đời vốn vẫn chỉ trông chờ 4 năm 1 lần vào các kỳ Thế vận hội để tiếp cận gần hơn với công chúng. Đây không chỉ là một cảnh báo nặng nề, mà hình ảnh và số phận của môn thể thao này đang bị đe dọa thực sự. Tiếp tục đấu tranh, đó làm khẩu hiệu chung của làng vật thế giới lúc này. Một bản kiến nghị cũng như nhiều họat động truyền thông đã được dự kiến tung ra trong những ngày tới.
Nhân sự kiện này Thể thao Chủ nhật có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Minh, chuyên gia về thể thao Olympic tại Việt Nam :
RFI: Xin chào chuyên gia thể thao Olympic Nguyễn Hồng Minh, như ông đã biết, trong tuần, Ủy ban Olympic Quốc tế đã có một quyết định gây nhiều tranh cãi, tức loại môn vật ra khỏi chương trình thi đấu của Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2020. Xin ông cho biết ý kiến của ông về vấn đề này, điều gì có thể lý giải cho một quyết định như vậy ?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Trước hết, tôi cũng như khá đông đảo những người theo dõi thể thao ở Việt Nam đã nhận được tin này và đã nghe cách giải thích của ông Jaques Rogger Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế về vấn đề này. Tôi nghĩ trong lời giải thích đó chưa thỏa đáng. Ông vẫn kêu gọi các vận động viên trên toàn thế giới vẫn cứ yên tâm tập luyện ở Olympic Rio de Janeiro 2016. Đây cũng là một cái thông tin, đúng như ông Chủ tịch nói, là hết sức khó khăn. Như thế có nghĩa là Ủy ban Olympic Quốc tế cũng có thể hình dung ra được việc tiến đến loại bỏ môn vật ra khỏi chương trình thi đấu Olympic là không đơn giản.
Tôi cho là tất cả nhũng người yêu mến thể thao đều biết vật là môn thể thao xuất hiện từ thời Olympic cổ đại, trong các Olympic cổ đại từ thời kỳ Hy Lạp. Sau đó nữa, môn vật là của Olympic hiện đại. Năm 1908 vật đã trở thành môn thi đấu chính thức trong chương trình Olympic hiện đại và chúng ta cũng biết được rằng trên thế giới Liên đoàn Vật nghiệp dư quốc tế (FILA) đã ra đời từ năm 1912 và cho đến bấy giờ quãng độ gần 150 là thành viên.
Như vậy tức là vật là môn phổ biến trên khắp các lục địa và đã có một lịch sử lâu dài và đã có sự đóng góp cho sự phát triển của thể thao thế giới. Do vậy, chính tôi cũng chưa hiểu lý do vì làm sao mà cần phải loại bỏ vật ra khỏi Olympic. Đây là một môn truyền thống, là một môn đã ổn định lâu dài. Chính vì vậy cho nên chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau trong lĩnh vực này và không được sự đồng tình ủng hộ của những người yêu mến môn vật, nhất là ở các quốc gia đã có một thời kỳ lâu dài phát triển môn vật, đẩy nó lên trình độ cao của quốc tế
RFI: Môn vật có giá trị thế nào đối với phong trào Olympic hiện đại ?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Bây giờ chúng ta trở lại lịch sử thì biết vật là một môn thi đấu đối kháng có tác dụng rèn luyện sức mạnh và phục vụ cho công việc huấn luyện binh sĩ chiến đấu cũng như là huấn luyện thế hệ trẻ nâng cao sức mạnh thể chất. Trong thời kỳ cổ đại nó là một môn huấn luyện, cùng với sự ra đời của một số môn võ thuật khác, nó góp phần vào củng cố lực lượng quân đội và tăng cường sức mạnh quân đội của các nước.
Nhưng đây là ý nghĩa về thời chiến, còn ý nghĩa về mặt văn hóa, nó nêu cao truyền thống thượng võ của loài người, nêu cao truyền thống văn hóa là trong quá trình phát triển lao động và sản xuất vật là một môn thể thao tượng trưng cho sự xuất hiện lâu đời của giáo dục thể chất của con người. Đó cũng là một hoạt động văn hóa trong tất cả các lễ hội thời cổ đại cho đến bây giờ. Khi xã hội hiện đại phát triển và phong trào Olympic hiện đại phát triển thì vật đóng góp rất nhiều vào việc thúc đẩy quá trình luyện tập và phát triển môn vật trên toàn thế giới.
Chúng ta biết là trong điều lệ Olympic có quy định, một môn thể thao được đưa vào chương trình Olympic thì phải ít nhất có 75 nước của ba châu lục tập luyện và thi đấu, có từ 5 đến 7 lần giải vô địch thế giới, trước khi đưa vào chương trình thi đấu Olympic. Thế mà vật đã trở thành môn thể thao của Olympic từ năm 1908 và như tôi nói ở trên thì Liên đoàn vật Thế giới ra đời từ năm 1912 và đã tổ chức ngay giải vô địch thế giới từ năm 1912 tới giờ.
Môn vật không chỉ phát triển ở một số nơi xuất phát như Hy Lạp, La Mã hay Pháp, Nga… Bây giờ vật được phổ biến trên khắp tất cả các châu lục trên thế giới và nó đều có mặt ở tất cả các đại hội thể thao của các khu vực, thí dụ như Sea Games, Asiad và Olympic. Tất cả các châu lục đều có giải vô địch, rồi giải vô địch thế giới, giải vô địch liên lục địa… Rất nhiều các giải đấu vật đã phát triển từ một thế kỷ qua. Vì thế tôi cho rằng đấy là một môn thể thao có truyền thống và đóng góp rất lớn cho sự phát triển của phong trào Olympic và thể thao thế giới.
Tôi có nghe một số các bình luận rằng trong thời gian tới có thể Ủy ban Olympic Quốc tế sẽ xem xét đưa một số môn thể thao khác vào trong chương trình Olympic. Ví dụ như môn Wushu hay như môn Karaté. Trở lại lịch sử, tôi cũng chứng kiến là vào sau Olympic ở Athene 2004, Ủy ban Olympic đã có ý định loại bỏ môn taekowndo ra khỏi chương trình thi đấu.
Những người làm taekowndo toàn thế giới khi đó đã tập hợp nhau lại tổ chức giải vô địch thế giới taekowndo ở Madrid năm 2006. Vào năm đó, toàn bộ những người làm taekowndo trên thế giới tiếp tục kiến nghị với Ủy ban Olympic là cần phải duy trì môn taekwondo trong hệ thống thi đấu Olympic.
Chúng ta biết taekowdo mới được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic vào năm 2000 ở Sidney, mà năm 2004 người ta đã muốn bỏ taekowndo. Vậy bây giờ, môn vật có truyền thống trên một thế kỷ, thì tôi chắc chắn quyết định đó sẽ gặp phải sự phản kháng dữ dội từ Liên đoàn Vật thế giới và toàn thể các nước trên thế giới. Hiện nay Uỷ ban Olympic chịu sức ép đó là rất nhiều môn thể thao muốn được đưa vào chương trình Olympic, nhưng người ta chỉ mốn duy trì vào quãng trên dưới 30 môn, mặt khác họ nghiên cứu, họ hạn chế số lượng môn thi đấu, số nội dung thi đấu của một môn.
Ví dụ như taekowndo tiếp tục được đồng ý cho thi đấu, nhưng mà chỉ có 8 bộ huy chương, bốn bộ cho nam, bốn bộ cho nữ. Trong khi chương trình thi đấu taekowndo có thể lên tới 18 nội dung. Vậy thì cũng có thể trong một tương lai, người ta sẽ bỏ bớt một số nội dung của vật. Chúng tôi nghĩ, họ không có khả năng nhất quyết loại vật ra khỏi chương trình thi đấu vào năm 2020 được. Chắc chắn đó là một xu hướng.
RFI: Một số ý kiến cho rằng vật bị loại là do không có sự vận động hành lang, đây là môn thể thao không có đủ sức nặng kinh tế và sức hấp dẫn truyền thông ?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Theo tôi tất cả những lý do đó đều không hợp lý. Mặc dù thế kỷ 21 này, thể thao bị thương mại hóa rất nhiều. Nhưng bản thân các chương trình thi đấu của Olympic thì cũng không nhiều môn có thể giải quyết vấn đề hiệu quả kinh tế. Có chăng thì có boxing, bóng đá, rồi một số môn điền kinh hay một vài môn khác như quần vợt, cầu lông… Xu thế nó là như thế.
Tuy nhiên mục tiêu của phong trào Olympic không phải là lợi nhuận mặc dù những biện pháp để tiến hành phải thúc đẩy lợi nhuận kinh tế. Tôi cho rằng ở đây có một trong những nguyên nhân, đó là số lượng các môn trong chương trình bị hạn chế, vì vậy xu thế vận động để đưa một số môn mới vào thì cần phải tính tóan loại bỏ một số môn cũ.
Tôi có đọc một tài liệu có nói rằng, trong thế kỷ 21, người ta khuyến khích những môn thể thao mang lại cảm hứng sáng tạo nghệ thuật và loại bớt các môn bạo lực. Ngay những chuyện như thế thì về mặt sức mạnh và độ đối kháng kịch liệt, thì vật cũng không bằng boxing. Vật cũng có đối kháng, nhưng tính chất đối khác của các môn võ khác không kém phần quyết liệt, ví dụ như judo, như taekowndo.
Cho nên tôi cho rằng nhưng lý do mà người ta nêu ở trên là không có sức thuyết phục. Tôi vẫn tin rằng dư luận thể thao toàn thế giới sẽ không ủng hộ việc loại môn vật ra khỏi chương trình Olympic.
RFI: Xin cảm ơn chuyên gia Olympic Nguyễn Hồng Minh.

1 comment:

  1. Tận hưởng cảm giác phiêu cùng các môn thể thao bằng các tài khoản dùng thử ibet888

    ReplyDelete