Trong
buổi làm việc với tỉnh ủy Vĩnh Phúc ngày 25/02 vừa qua, tổng bí thư Đảng
Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rằng những ý kiến đòi
bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, đòi tam quyền phân lập, phi
chính trị hóa quân đội, việc đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể,
có thể được quy là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu như trên trong khuôn khổ một
cuộc họp nội bộ của Đảng, nhưng phát biểu đó lại được phát trong chương
trình thời sự của đài truyền hình VTV1 tối hôm đó, rồi sau đó được phổ
biến rộng rãi trên mạng.
Trong bối cảnh mà chính quyền đang kêu gọi người dân đóng góp ý kiến
về bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, thậm chí còn nói là không có điều gì
cấm kỵ, kể cả Điều 4 Hiến pháp, phát biểu nói trên của tổng bí thư đảng
đã gặp nhiều chỉ trích.
Ngoài nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, phóng viên “Gia đình và Xã hội”, đã
phản bác và bị sa thải, nhà báo Võ Văn Tạo cũng đã có bài viết tựa đề “
Giữ Điều 4 mới chính là suy thoái đạo đức, thưa ông Tổng bí thư!”.
Trong bài này, ông Võ Văn Tạo viết :” Muốn duy trì điều 4 trong Hiến
pháp, ông Trọng muốn giữ độc quyền đảng trị, thực chất chỉ cốt duy trì
quyền uy chính trị và đặc quyền đặc lợi vật chất cho những đảng viên có
chức quyền biến chất.”
Về phần giáo sư Hoàng Xuân Phú cũng viết trên trang blog của ông một
bài phản bác phát biểu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đăc biệt là câu
ông Trọng nói: “ Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì
đó là cái gì?”, một câu mà giáo sư Phú cho là có tính chất “miệt thị”,
là một điều “trầm trọng”, nhất là vì Hiến pháp 1992 của Việt Nam có ghi
rõ là: “ Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền
được thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp
luật”.
Trong hội thảo về “Tác nghiệp báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân
về các dự thảo chính sách”, diễn ra ngày hôm nay, vụ nhà báo Nguyễn Đắc
Kiên bị sa thải do chỉ trích tổng bí thư đã trở thành chủ đề nóng. Phát
biểu tại hội thảo này, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng phát biểu của ông
Nguyễn Phú Trọng ở Vĩnh Phúc hết sức “phi lý” và nhà báo Nguyễn Đắc
Kiên đã có bài phản bác rất chặt chẽ, nên đã bị trả đủa bằng cách sa
thải. Ông Nguyễn Quang A kêu gọi giới báo chí Việt Nam phải lên tiếng
bảo vệ cho đồng nghiệp của mình.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, về mặt pháp lý, ông Nguyễn Phú Trọng
bình đẳng với những công dân khác và ông Nguyễn Quang A cho rằng với
phát biểu như trên, tổng bí thư đảng đang “cản trở” quyền góp ý của dân
được ghi rất rõ trong Điều 4 hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật.
Thật ra thì tại Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu với tư
cách lãnh đạo đảng với các đảng viên địa phương, chứ không phải nói
chuyện với nhân dân. Nhưng phát biểu nói trên phản ánh một điều, đó là
tuy kêu gọi người dân góp ý bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhưng
ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận những ý
kiến đi ngược lại với quan điểm chính thống, nhất là những ý kiến đòi
xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng được quy định trong Điều 4.
Ông Trọng đã kêu gọi các đồng chí của ông phải “lãnh đạo” việc góp ý
kiến về Hiến pháp, bởi lẽ ngày càng có nhiều người, kể cả một số nguời
trong hàng ngũ Đảng, nhân dịp này đòi phải trả lại quyền phúc quyết Hiến
pháp cho dân, đòi tam quyền phân lập để tránh lạm dụng quyền lực, thậm
chí gián tiếp đòi đa đảng.
Trong những ngày qua, báo chí chính thức của Việt Nam cũng đã liên
tục đăng những bài viết để phản bác những ý kiến đòi bỏ Điều 4 Hiến
pháp, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là “hợp lý,
hợp tình”.
No comments:
Post a Comment