Mỗi năm một lần ngày Tết lại đến, nhưng lạ một điều là không ai chán
Tết cả. Giàu hay nghèo, thành thị hay thôn quê cứ Tết đến là mọi nhà lại
hăm hở, rạo rực chờ đợi Tết như chờ người thân ở xa về, như chờ một tin
vui sẽ khiến cả nhà thay đổi.
Tâm lý Tết hàng ngàn năm hình như bất di bất dịch ngoại trừ cách thức
đón Tết có phôi pha với thời gian…Mặc Lâm có cuộc mạn đàm với TS Nguyễn
Xuân Diện về những thay đổi này.
Nét đậm của Tết xưa không còn nữa
Mặc Lâm : Thưa Tiến Sĩ, vậy là chúng ta lại đón Tết như
nhiều chục năm qua, tuy nhiên có điều nhiều người nhận thấy rất rõ là
lúc gần đây khi mà thời đại @ lấn sâu vào đời sống thì cách thưởng thức
cũng như mua sắm Tết của nhiều gia đình đã thay đổi, Tiến Sĩ có chia sẻ
với nhận xét này hay không?
TS Nguyễn Xuân Diện : Phải nói rằng những năm gần đây tâm lý
của người Việt về một cái Tết cổ truyền không còn được nguyên vẹn như
thời trước nữa. Đưa đến sự thay đổi đó có rất nhiều nguyên nhân, nào là
người ta không trông chờ một cái Tết để được ăn tết giống như ngày xưa,
bởi vì những món ăn, cửa hàng, siêu thị, các thứ thực phẩm cũng nhiều
hơn, và người ta không còn chờ đợi Tết để được ăn như mọi khi.
Hai nữa người ta không có nhu cầu tha thiết lắm về việc thăm nom như
mọi khi, bởi vì bây giờ các phương tiện về liên lạc đã rất phát triển.
Người ta có thể nhìn thấy nhau, nói chuyện với nhau cả nửa vòng trái
đất. Nông thôn bây giờ gần như nhà nào cũng có một hoặc hai điện thoại
để có thể liên hệ với nhau, cho nên người ta có thể gặp nhau ngay trong
một giây lát. Rồi những con đường mới được mở ra khiến giao thông được
thuận lợi. Thay vì những cô gái đi lấy chồng hàng năm trời mới được về
quê mẹ, thì bây giờ họ đến thăm mẹ được nhiều hơn, siêng năng hơn, v.v.
Cuộc sống gấp gáp, quyết liệt và nhộn nhịp bây giờ làm cho người ta
đầu tắt mặt tối và chỉ còn nghĩ đến công việc buôn bán làm ăn, cho nên
Tết đến rất là bất chợt.
Mặc Lâm : Cách đây không lâu thời gian mà người ta chuẩn bị
cho ngày Tết rất dài, có khi cả tháng trời, còn bây giờ thì chuẩn bị
Tết có còn như ngày xưa nữa hay không, thưa ông?
TS Nguyễn Xuân Diện : Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam
nói chung không còn lo lắng nhiều cho cái Tết một hai tháng như mọi khi
nữa, mà bây giờ cũng đã đỡ hơn nhiều so với ngày xưa, vì vậy cho nên
tâm lý chờ đợi Tết nó không còn được như ngày xưa. Những nét văn hóa cổ
truyền, truyền thống Tết nó cũng phôi pha theo tháng năm.
TS Nguyễn Xuân Diện : Trước đây người Bắc thường chú trọng vào
việc ăn Tết, còn người Nam thì chú trọng vào việc chơi Tết. Người Miền
Bắc chú trọng việc ăn Tết bởi vì nhu cầu về thực phẩm đối với người Miền
Bắc rất cao, và ngày Tết lạnh thì nhu cầu về ăn uống lại cao hơn so với
các mùa khác. Trong khi đó Miền Nam thời tiết ngay trong dịp Tết vẫn
nóng bức cho nên người ta không chú trọng nhiều đến chuyện ăn, mà người
ta chú trọng đến chuyện chơi.
Thế nhưng gần đây Hà Nội lại chú trọng tới chuyện chơi Tết. Nhiều gia
đình, nhiều nhóm bạn người ta sắp xếp lịch ngày Tết không ở trong thành
phố nữa mà đi chơi, đi lên các vùng rừng núi Tây-Bắc, Đông-Bắc. Đi ra
biển, hoặc đi vào Vũng Tàu, Nha Trang, Sài Gòn, hoặc thậm chí đi du lịch
nước ngoài trong dịp Tết. Người ta đưa cả gia đình đi. Đến như vậy thì
thấy rằng nhu cầu về ăn và chơi trong dịp Tết không còn như ngày xưa
nữa.
Nhưng cũng không nên quá lo lắng vì sự biến dạng phôi phai, mặc dù có
một số không nhỏ có tâm lý ngày Tết là một dịp để người ta tính đến
chuyện làm ăn. Ngay cả trong quà Tết người ta biếu thủ trưởng rồi các
sếp thì ở trong đấy cũng đầy những mưu toan và cầu mong một điều lợi lộc
trong những món quà Tết. Không còn là tinh thần nữa mà nó thuần túy là
một cuộc đánh đổi.
Điều tất yếu nó phải đến
Mặc Lâm : Bên cạnh những hối hả của cuộc sống hiện đại mà
chúng ta vừa nói tới không biết thanh niên ngày nay họ có những thú vui
gì khác lạ hay có tính chất văn hóa trong ba ngày Tết hay không, thưa
ông?
TS Nguyễn Xuân Diện : Phải nói là người dân bây giờ, nhất là
thanh niên, đang có một khuynh hướng tìm lại những vẻ đẹp của văn hoá
ngày xưa. Ngày Tết họ đi về những làng cổ, về những vùng rừng núi hoang
sơ ở Tây-Bắc, Đông-Bắc, hoặc là họ đi ra vùng biển. Những lễ hội dân
gian ở các địa phương vẫn rất được đám đông thanh niên kể cả ở thành phố
quan tâm.
Tôi nghĩ rằng khi xã hội bị đẩy lên đến mức một cái Tết biến dạng,
đổi chác, bán mua, mặc cả, và một xã hội nhốn nháo đầy bất trắc, và cuộc
sống của người dân mà niềm tin bị phôi phai, rạn vỡ, thì người ta sẽ
tìm về với lại phong cảnh nguyên sơ, những làng quê thôn dã. Những đền
chùa là nơi có những tín ngưỡng của người nông dân Việt Nam. Những nhà
thờ là nơi có niềm tin tôn giáo. Người ta sẽ tìm thấy một niềm an nhiên,
một niềm tin hay một sự nâng đỡ.
Rồi đến một lúc nào đó tâm lý của người Việt Nam khi ăn chơi hay
thưởng ngoạn cái Tết sẽ không còn giống như lối cổ nữa, tuy vẫn còn giữ
được những nét truyền thống. Tôi cho rằng đấy là điều mà chúng ta cũng
không nên quá lo lắng, vì đây là điều tất yếu nó phải đến.
Mặc Lâm : Gần đây có ý kiến cho rằng nên ăn theo Tết Tây
tức là Tết Dương lịch cho khỏi tốn kém tới hai lần tết trong một năm.
Bên cạnh đó yếu tố Trung Quốc cũng khiến nhiều người đồng tình với đề
nghị này, là một người nghiên cứu Hán Nôm Tiến Sĩ nhận thấy đề nghị bỏ
Tết Nguyên Đán có khả thi và hợp lý hay không?
TS Nguyễn Xuân Diện : Tôi có biết một ý kiến là không nên ăn
Tết Nguyên Đán nữa mà chúng ta hãy ăn Tết Dương Lịch theo như các nước
trên thế giới. Ở đây có nhiều vấn đề lắm. Như Nhật Bản chẳng hạn, Nhật
Bản ăn Tết vào đúng cái Tết Dương Lịch, một cái Tết linh thiêng, rộn
ràng và rất là thú vị. Có ý kiến nói rằng ta cần phải ăn Tết Dương Lịch
để không ăn Tết Âm Lịch theo Trung Quốc. Ở đây ta biết âm lịch là lịch
theo mặt trăng, Việt Nam và Trung Quốc đều dùng lịch đó, nhưng các nhà
lịch pháp của ta đã chứng minh được rằng lịch mặt trăng, tức âm lịch của
ta có khác với Trung Quốc chứ không phải là trùng lặp hoàn toàn. Đó là
cái thứ nhất.
Thứ hai nữa là ngày Tết Nguyên Đán thì “nguyên” là cái đầu tiên và
“đán” là ánh mặt trời mới mọc. Nguyên đán là ngày đầu tiên nhìn thấy mặt
trời mọc lên thế là thành Ngày Nguyên Đán. Sở dĩ tại sao chúng ta không
nên bỏ Tết Âm Lịch là vì Tết là ngày bắt đầu một năm âm lịch, và một
năm chia làm 24 tiết khí. Cái tiết đầu tiên là tiết nguyên đán, mà bây
giờ ta gọi là Tết Nguyên Đán. Nó là một chu kỳ của nông vụ và cũng là
một chu kỳ thời tiết, một chu kỳ của các sinh hoạt của nông thôn của
người nông dân trên khắp nước Việt Nam. Nhịp thời gian và nhịp của mùa
nó đi như vậy ứng với thời gian lúc nông nhàn nhất và người ta kết thúc
một mùa vụ và có thời gian rảnh rỗi để lo các công việc cho tết nhất.
Chúng ta vẫn có thể ăn Tết Dương Lịch nhưng mà Tết Âm Lịch thì thật
khó bỏ lắm. Tết Âm Lịch gắn với tập quán, gắn với nông vụ, mùa màng,
thời tiết và nó cũng gắn với biết bao nhiêu thứ đã đi vào tiềm thức của
người ta rồi. Cho nên theo tôi thì không nên bỏ Tết Âm Lịch, rất là
không nên.
Chỉ có điều là chúng ta sẽ điều chỉnh nó, và nếu muốn điều chỉnh nó
thì phải cả xã hội và cũng không thể dùng bằng mệnh lệnh hành chính hay
là các văn bản của Bộ VH-TT-DL, hay là các nghị định của chính phủ để có
thể thay đổi được, mà phải thay đổi bằng cuộc vận động lớn, một cuộc
can thiệp gì đó đối với cái Tết Nguyên Đán cổ truyền.
Mặc Lâm : Xin cám ơn TS Nguyễn Xuân Diện.
No comments:
Post a Comment