Saturday, February 16, 2013

Thoát tù Bắc Việt


Bốn mươi năm trước vào tháng Hai này, 40 tù nhân chiến tranh Mỹ đầu tiên lên chiếc máy bay C-141A từ sân bay Gia Lâm để hồi hương.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, 591 tù nhân Mỹ được trả về đất mẹ, trong đó có chín người từ Lào, ba người từ Trung Quốc và 69 người từ miền Nam Việt Nam.
Tù nhân Mỹ, từ binh nhì tới cấp đại tá, đều mặc đồng phục màu xám do Việt Cộng cấp trước khi ra tù.
Theo thông tin từ trang web bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, trong số này có Chỉ huy hải quân Everett Alvarez Jr., phi công Mỹ đầu tiên bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam và cũng là tù nhân bị giam giữ lâu nhất, 8 năm rưỡi tù đày.
Những chuyến bay đó, lính Mỹ gọi là "Taxi Hà Nội".

‘Người tù của miền Bắc Việt Nam’

Bài viết trên trang mạng của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trích lời kể của sử gia Andrew H.Lipps trong cuốn Chiến dịch Hồi hương: Sự trở về của tù nhân chiến tranh từ Việt Nam:
“Tưởng tượng xem anh bị cùm trong một cái lồng; lởn vởn quanh cái lồng đó là mùi cứt đái; tưởng tượng xem thức ăn anh nhận được là đống thối rữa đầy côn trùng mà chỉ ăn được vài miếng thôi cũng là may lắm;
“Tưởng tượng xem nếu cuộc đời anh có thể bị lấy đi bất cứ khi nào; tưởng tượng xem ngày nào anh cũng bị tra tấn tinh thần, và các hình thức tra tấn thể xác không phải để làm tan xương anh mà nhắm tới tinh thần.
“Đó là cái giá khi làm tù nhân của miền Bắc Việt Nam,” sử gia Lipps viết.
 "Hầu như không có người cụt chân, cụt tay trong số tù binh trở về vì người Bắc Việt Nam không điều trị thuốc men cho những người bị thương nặng – họ không muốn mất thời gian." (John McCain)  


Theo lời kể của John McCain cũng thuộc nhóm tù binh Mỹ được thả sau Hiệp định Paris, nay là thượng nghị sỹ, ông và nhiều tù binh khác từng bị Việt Cộng tra tấn hai tiếng một lần, kể cả khi bị kiết lỵ nặng, cùng với chỗ chân tay gẫy do rơi máy bay đã nhiễm trùng ung lên.
Ông McCain kể hồi tháng 05/1973 trên US News: “Hầu như không có người cụt chân, cụt tay trong số tù binh trở về vì người Bắc Việt Nam không điều trị thuốc men cho những người bị thương nặng – họ không muốn mất thời gian.
“Chỉ vì một lý do, từ cuộc sống của chúng ta ở Mỹ tới sự bẩn thỉu, bụi bặm và nhiễm trùng, cũng đã rất khó để ai đó sống sót.”
Ông cũng nói, bác sỹ của Việt Cộng tới bắt mạch ông trong tù và nói “đã quá muộn rồi”, và chỉ cho chuyển ông tới bệnh viện khi phát hiện ông là con trai của vị tướng lớn.

‘Chúa phù hộ nước Mỹ’

Các nhóm hỗ trợ y tế được sắp xếp trên mỗi máy bay để chăm sóc tù nhân chiến tranh trong hai tiếng rưỡi bay từ Việt Nam tới điểm dừng đầu tiên là Philippines, theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.



Kỹ thuật viên không quân James R.Cook, giơ tay chào cờ Mỹ khi được cáng lên chiếc máy bay C-141A ở sân bay Gia Lâm
Số binh lính khỏe mạnh hơn thì ngồi hút thuốc lá Mỹ, và tranh thủ cập nhật thông tin xã hội như phong trào giải phóng phụ nữ, xu hướng thời trang...
“Mọi thứ bỗng nhiên như thiên đường,” Đại úy không quân Larry Chesley kể lại, người đã trải qua bẩy năm trong Hỏa Lò, vốn được gọi là "Hanoi Hilton".
“Khi cánh cửa chiếc C-141 khép lại, nước mắt tràn ra trên khuôn mặt của tất cả mọi người trên chuyến bay.”
Lúc đó truyền thông quốc tế cho rằng, lính Mỹ được "mồi" trước để nói câu “Chúa phù hộ nước Mỹ”, song trung úy không quân Carlyle “Smitty” Haris, bị giam gần tám năm ở miền Bắc Việt Nam, gạt đi, “thông điệp duy nhất của tôi là Chúa phù hộ nước Mỹ”, vì tin vào Chúa và đất nước là nền tảng tinh thần duy nhất cho mỗi người tù.
Sau khi được khám sức khỏe và nhồi đầy bít tết, kem và các loại thức ăn của Mỹ khác ở căn cứ không quân Clark Air Base ở Philippines, nhóm cựu tù binh được phát quân phục mới để lên chuyến bay về nhà.
Người đầu tiên bước ra khỏi chiếc máy bay đậu trên đường băng nước Mỹ, là Đại tá hải quân James Stockdale, người sau này thành ứng viên chức phó tổng thống Hoa Kỳ.
Buổi lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào cuối tháng 05/2013 ở Thư viện Tổng thống Richard Nixon nhằm tái hiện lại buổi tiệc ông Richard Nixon đãi cựu tù binh ở tòa Bạch Ốc năm 1973.

BBC

No comments:

Post a Comment