Monday, February 11, 2013

Trung Cộng tuyên bố chủ quyền "hòn đảo vô hình"


Trong bài viết đăng trên Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Phóng viên Bill Hayton nói lỗi dịch thuật khoảng tám thập niên trước khiến một hòn đảo không tồn tại đã trở thành lãnh thổ phía cực nam của Trung Quốc.
BBC tiếng Việt xin giới thiệu cùng quý vị.
Đâu là "điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc"? Đó là một câu hỏi gây tranh cãi và câu trả lời ít nhất gây tranh cãi nhất có thể là đảo Hải Nam.
Thế nhưng điểm cực nam chính thức thậm chí còn vươn xa hơn nữa, kéo xuống phía nam như James Shoal (Bãi ngầm James), cách bờ biển Borneo khoảng 100 km.
Điều gây ngạc nhiên hơn là lãnh thổ này thực ra là vô hình. Không có gì ở đó cả, trừ khi quý vị có thiết bị lặn.
Bãi ngầm James nằm dưới mặt biển 22 mét. Tuy nhiên, sự bất tiện này không ngăn cản các tàu của hải quân Trung Quốc thỉnh thoảng đến thăm bãi này để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc tại đây.

'Lỗi dịch thuật'
Làm thế nào mà nhà nước Trung Quốc lại xem nơi đây là lãnh thổ cực nam của họ?
Tôi đã nghiên cứu chủ đề này bấy lâu nay trong lúc viết một cuốn sách về Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Câu trả lời dường như rất có thể là kết quả của một lỗi dịch thuật.
Trong những năm 1930, Trung Quốc đã đắm chìm trong làn sóng dân tộc tộc chủ nghĩa.

"Ủy ban Kiểm tra Bản đồ Đất và Biển chỉ đơn giản là sao chép các bảng biểu của Anh Quốc sẵn có lúc đó và đổi tên của các hòn đảo để nghe cho có âm Trung Quốc"
Thực trạng xâm chiếm của cường quốc phương Tây và đế quốc Nhật Bản, cũng như việc Trung hoa Dân Quốc không làm được gì nhiều trước sức mạnh của ngoại bang gây ra làn sóng phẫn nộ trong dân và ngay cả trong chính quyền.
Năm 1933, họ lập ra "Ủy ban Kiểm tra Bản đồ Đất và Biển" để chính thức liệt kê, mô tả và vẽ bản đồ tất cả các vùng lãnh thổ Trung Quốc. Đó là một nỗ lực để khẳng định chủ quyền đối với lãnh thổ rộng lớn của mình.
Vấn đề chính ủy ban phải đối mặt, ít nhất là tại Biển Nam Trung Hoa, là họ không có phương tiện để thực sự khảo sát bất kỳ khu vực nào nhằm tuyên bố chủ quyền.
Thay vào đó, ủy ban này chỉ đơn giản là sao chép các bảng biểu của Anh Quốc sẵn có lúc đó và đổi tên của các hòn đảo để nghe cho có âm Trung Quốc.
Chúng ta biết họ đã làm điều này vì bản đồ của ủy ban có khoảng 20 lỗi vốn xuất hiện trên bản đồ của Anh – những nơi mà sau này có điều kiện khảo sát tốt hơn cho thấy rằng các đảo từng liệt kê không hề tồn tại.
Ủy ban đã đặt tên Trung Quốc cho một số đảo tại quần đảo Trường Sa.
North Danger Reef được gọi là Bãi Bắc Hiểm, Antelope Reef được gọi là Bãi Linh Dương. Các tên khác đã được phiên âm như vậy và James Shoal trở thành Bãi Tăng Mẫu. Và có vẻ là lỗi dịch thuật nằm ở chỗ này.
Nhưng làm thế nào để dịch từ "shoal" (bãi ngầm)? Đây là một từ trong hải dương học có nghĩa là một khu vực biển nông có sóng "tràn lên".
Thủy thủ sẽ thấy một khu vực lạ vì có lẫn cả nước và đá ở giữa đại dương và biết khu vực này nông, do đó nguy hiểm. James Shoal là một trong nhiều bãi như vậy tại quần đảo Trường Sa.
Nhưng ủy ban dường như không hiểu thuật ngữ oái oăm trong tiếng Anh vì họ dịch “Shoal” là "Bãi" như kiểu bãi biển hoặc bãi cát, là nơi nhô hẳn lên trên mặt nước.
Ủy ban này, vốn không bao giờ đến thăm khu vực, dường như đã tuyên bố James Shoal/Bãi Tăng Mẫu là một vùng đất và do đó là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

'Đường lưỡi bò'


Việt Nam phản đối đường lãnh thổ "lưỡi bò" của Trung Quốc tại Biển Đông.

Năm 1947, những người vẽ bản đồ của Trung Quốc đã rà soát lại chủ đề biên giới biển của Trung Quốc, phác ra điều được biết tới như "đường chữ U".
Có vẻ như họ nhìn vào danh sách các tên Trung Quốc, cho rằng Bãi Tăng Mẫu nằm trên mặt nước và đã gộp bãi này vào trong phạm vi đường chữ U. Một hòn đảo không tồn tại đã trở thành lãnh thổ cực nam của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong quá trình song song cùng một khoảng thời gian này, chính phủ Trung Quốc đã đặt các tên mới cho những vùng lãnh thổ ngoài biển. Quần đảo Trường Sa đã được gọi là Nam Quý và James Shoal được thay đổi cách gọi từ một bãi cạn thành một bãi san hô.
Có lẽ, vào thời gian này, nhà chức trách đã nhận ra sai lầm của mình. Tuy nhiên Bãi san hô Tăng Mẫu vẫn được coi là vùng lãnh thổ chính thức tại cực nam của Trung Quốc.
Tới thời điểm này, các lỗi dịch thuật đã trở thành một thực tế, cấu thành tranh chấp lãnh thổ cho các nước trong khu vực cho 80 năm sau. 
Đây là một thực tế còn hơn cả dữ kiện lịch sử. Bãi ngầm James là phép thử xem liệu Bắc Kinh có thực sự cam kết với các quy định của luật pháp quốc tế ở Biển Nam Trung Hoa hay không.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, không một quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền cho lãnh thổ bị ngập nước trừ phi nó nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ. Bãi James nằm cách lãnh thổ không có tranh chấp của Trung Quốc hơn 1.000 km.
Tháng trước, chính phủ Philippines tuyên bố sẽ tìm kiếm một phán quyết từ tòa án quốc tế về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền biển có tương thích với các công ước của Liên Hiệp Quốc hay không.
Bãi James sẽ là một ví dụ rõ ràng về một tuyên bố không tương thích. Có lẽ nay là thời điểm tốt cho Bắc Kinh để họ xem xét lại là làm thế nào từ lúc đầu họ đã tuyên bố chủ quyền cho một vùng lãnh thổ ngập nước.
Ông Bill Hayton đang viết một cuốn sách về Biển Đông, theo dự kiến sẽ xuất bản vào cuối năm nay. Tác giả gần đây bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam để dự một hội nghị về Biển Đông.

 Bill Hayton  (BBC)

-------------------------------------------------------------

Bộ Công An CSVN cấm nhà báo Anh nhập cảnh

Việt Nam là đất nước cấm cửa các tác giả vì những gì họ viết ra. 

Phóng viên Bill Hayton tại Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội khi còn là phóng viên BBC
Phóng viên Bill Hayton tại Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội khi còn là phóng viên BBC

Tôi biết điều này vì nó vừa xảy ra với tôi.
Cách đây hai tháng Học viện Ngoại giao mời tôi tới tham dự hội nghị thường niên về Biển Đông (dự kiến khai mạc 19/11 tại TPHCM).
Nay tôi đã từ bỏ hoàn toàn cố gắng tham dự.
Đây là sự thất vọng lớn vì nghị trình hội thảo rất hấp dẫn và nó đáng ra sẽ là cơ hội để hiểu đúng đắn quan điểm của Việt Nam về tranh chấp trên Biển Đông.
Nhưng giờ cuốn sách tôi viết về các tranh chấp này với các phỏng vấn ở Philippines, Singapore, Thái Lan cũng như ở Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời gian tới, sẽ không có cái nhìn của Việt Nam.
Tất cả chỉ vì Bộ Công an.
Tôi và một số người khác trong hai tháng qua đã gửi nhiều thư điện tử cũng như gọi điện thoại về vấn đề visa nhưng kết quả vẫn như lúc khởi đầu.
Trong tuần gần đây nhất, Học viện Ngoại giao đã cố gắng tìm giải pháp và trong vài ngày qua Đại sứ quán Anh ở Hà Nội cũng cố gắng giúp đỡ.
Và hôm nay có xác nhận là Bộ Công an đã từ chối cấp visa.

Chỉ vì cuốn sách?
Lý do duy nhất mà Bộ Công an có thể có để cấm tôi là họ không thích cuốn sách tôi viết cách đây hai năm về Việt Nam, cuốn 'Vietnam: rising dragon' (Việt Nam: con rồng trỗi dậy).
Đây là lý do duy nhất.
Vì tôi không có liên hệ với các tổ chức bất đồng chính kiến, tôi chưa từng có âm mưu lật đổ Nhà nước hay Đảng Cộng sản Việt Nam và tôi cũng chưa bao giờ vi phạm quy định xuất nhập cảnh.
Dĩ nhiên khi tôi là phóng viên BBC ở Hà Nội cách đây sáu năm, tôi thường xuyên vi phạm Luật Báo chí - nhưng mọi phóng viên nước ngoài ở Việt Nam đều vi phạm Luật Báo chí gần như hàng ngày.
Không phóng viên nước ngoài nào có thể hoạt động ở Việt Nam trong khuôn khổ các giới hạn hà khắc của Luật Báo chí.
Luật này yêu cầu mọi nhà báo nước ngoài phải báo trước với chính quyền năm ngày trước khi làm bất cứ động tác gì cho nghề báo, mọi cuộc phỏng vấn, điện thoại, mọi thư xin thông tin.
Tất nhiên điều đó là không thể thực hiện được, hạn chót đây cũng là bất khả thi. Vì vậy, mọi nhà báo nước ngoài tự nhiên cứ phải 'phạm luật' và chính quyền cũng nhắm mắt làm ngơ, cho đến khi nào phóng viên nước ngoài viết điều gì mà Bộ Công ai không hài lòng.
Đây là một trong những lý do Việt Nam nằm ở cuối các danh sách xếp hạng tự do báo chí.
Nhưng các nhà báo nước ngoài khác lại không bị cấm nhập cảnh cho dù phạm Luật Báo chí.


Nhà báo Bill Hayton từng hoạt động tại Việt Nam

Vậy tại sao tôi lại là mối đe dọa đối với Bộ Công an? Liệu Bộ Công an có nghĩ rằng cuốn sách của tôi có thể hỏng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Đó là cuốn sách phản ánh Việt Nam hiện đại một cách trung thực, công bằng và chừng mực.
Nó bao gồm cả khen và chê, kể lại trung thực về hoạt động của hệ thống chính trị, cách Đảng duy trì quyền lực và họ quan hệ với thế giới bên ngoài ra sao?
Có rất ít điều trong sách có thể coi là mới với người Việt Nam bởi họ biết rõ hầu hết những điều tôi viết.
Tôi nghĩ tội của tôi là đã công khai các điều này bằng tiếng Anh để các chính phủ nước ngoài và các nhà tài trợ có thể đọc được.
Cuốn sách được nhiều người đón đọc. Ít nhất một trường đại học ở Mỹ khuyến cáo các sinh viên nghiên cứu về Đông Nam Á đọc sách này.
Chưa ai nói với tôi về bất cứ sai sót hay điều không chính xác nào và cũng không ai nói sách không công bằng hay thiên lệch.
Có lẽ đây là lý do sách không được phép in tại Việt Nam.
Có lẽ đây cũng là lý do mà giờ tôi bị cấm vào Việt Nam.
Dường như Bộ Công an coi viết sự thật về Việt Nam đương đại là một tội.
Và chuyện tôi viết bài này sẽ chỉ làm cho cái nhìn của Bộ Công an đối với tôi càng thêm thiếu thiện cảm.
Nhưng điều quan trọng là mọi người biết tới hành động ngăn cản tự do ngôn luận và cản trở việc công bố quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông của Bộ Công an.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Bill Hayton trong vai trò tác giả và nhà nghiên cứu về Việt Nam. BBC Tiếng Việt đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở London và nhận được bình luận rằng bài viết có "nội dung thiếu khách quan" và "không có lợi cho quan hệ Anh-Việt". 

BBC

No comments:

Post a Comment