Thursday, March 28, 2013

Nhảy Dù tái chiếm Thành Nội Huế, Mậu Thân 1968


Bài dịch được chuyển dịch từ chương năm “Help for the Citadel” trong quyển sách The Siege at Hue của tác giả George C. Smith. Đây là một trong năm quyển sách của người Hoa Kỳ viết về trận chiến Tết Mậu Thân tại Huế. Tác giả nguyên là Đại Uý cố vấn về truyền tin cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh, ông là người đã có mặt tại cả hai nơi, hữu ngạn và tả ngạn trong trận chiến Huế. Tám ngày đầu của trận chiến, tác giả nằm trong cơ quan MACV, phân bộ Huế bên hữu ngạn sông Hương, đến ngày thứ chín, ông được trực thăng vận vào thành Mang Cá, nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh của Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng, Đại Uý Lục Quân George C. Smith có mặt trong thành Mang Cá cho đến hết cuộc chiến Huế.

Khác với những tác giả khác chỉ chú trọng đến quân Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, George C. Smith đã dành riêng hai chương để nói về người lính Việt Nam Cộng Hòa trong trận chiến Huế, chương thứ năm và chương thứ mười ba “Credit the ARVN”. Người dịch xin chuyển dịch sang Việt ngữ chương năm để vinh danh những người lính Nhảy Dù và lính Thiết Giáp đã anh dũng hy sinh năm 1968 trong trận đánh ngay làng An Hòa, cửa ngõ vào Thành Nội Huế. Không pháo binh dọn đường, không phi cơ yểm trợ, các người lính thuộc hai Tiểu đoàn 2 và 7 Dù vẫn dũng cảm xung phong tuy biết rằng quân số địch có cả trung đoàn, đợt đầu tiên bị bắn ngã nhưng rồi đợt sau và đợt sau nữa vẫn không ngừng xung phong vì lính Dù biết nơi thành Mang Cá, Tướng Trưởng đang chờ “bắt tay” họ, những người lính Nhảy Dù Việt Nam.

Đại Uý Ty Cobb có một nhiệm vụ rất quan trọng và cần phải hoàn tất cho ngày 29 tháng Giêng, đó là “chôm” một ít thức ăn Mỹ cho các người bạn Nhảy Dù của ông đang chuẩn bị đón tết vào ngày mai. Đại Uý Cobb không có họ hàng gì với danh thủ khúc côn cầu Ty Cobb, chỉ là người trùng tên, ông là viên cố vấn trưởng cho Tiểu Đoàn 2 Dù hiện đang tạm đóng quân tại Quảng Điền phía bắc Huế, cách căn cứ 17 khoảng mười lăm cây số về hướng đông. Cobb lấy chiếc xe Jeep và một chiếc xe Dodge chạy ngõ sau căn cứ 17 ra quốc lộ 1 rồi chạy ngang qua thành phố Huế để về Phú Bài.


Quốc lộ 1 tràn ngập xe nhà binh và các xe nghỉ lễ, ngoài ra không có gì khác lạ hơn, di chuyển ngang qua thành phố, Đại Uý Cobb cảm được Huế đẹp và thanh bình. Là cư dân của thành phố Sparta, tiểu bang New Jersey, Cobb cũng là viên sĩ quan liên lạc Nhảy Dù cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh trước đó hai tháng, nay ông được thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 2 Dù. Cobb vượt qua các người dân với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt Tại sao họ không vui được chứ? Hầu hết mọi người được về lại nhà cho lễ Tết.


 
Tuy đã đến Huế nhiều lần, Cobb vẫn luôn ngạc nhiên về kích thước thẳng đứng của Thành Nội mỗi khi ông nhìn thấy nó từ phía xa. Kiến trúc Thành Nội giống như nhảy thẳng vào người khi ta tiến gần đến nó, Thành Nội nổi trội hơn các tòa cao ốc ở phía ngoài thành phố, nó nổi cao lên như tòa lâu đài to lớn thời trung cổ

Khi hai chiếc xe tiến tới gần cây cầu chính của thành phố (cầu Trường Tiền) trên sông Hương, Cobb nghĩ đến cuộc hành quân vào tuần trước. Tiểu Đoàn 2 Dù được trực thăng vận vào một khu vực nằm ở hướng tây cách Huế khoảng tám cây số để tìm kiếm sự hoạt động của cộng quân.


“Chúng tôi tìm thấy một hang động lớn được đào sâu vào trong một ngọn đồi. Trong hang đầy cả những vật dụng mới toanh, hầu như tất cả còn nằm trong thùng gỗ,” Đại Uý Cobb kể lại nhiều năm sau. “Chúng tôi tìm thấy vài chục khẩu súng máy, sáu khẩu cối 60 ly, hai mươi bảy khẩu súng trường SKS có gắn lưỡi lê, dụng cụ giải phẫu, và ba tấn gạo. Đây phải là bộ chỉ huy trung đoàn.”


Cái họ không tìm thấy là quân địch.


“Đây lại là một điều tốt bởi vì quân số của họ đông hơn chúng tôi nhiều,” Đại Uý Cobb nói. “Tôi nghĩ là nhiều người trong bọn họ đã có mặt trong Huế cải trang làm thường dân và đang dò xét thành phố.”


Cả một kho súng và vật liệu được mang về thành Mang Cá, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Những tuần lễ sau đó, rất nhiều súng và những vật dụng tịch thu này được dùng để chống trả lại quân địch khi chúng tấn công Thành Nội.


“Nhìn lại việc ấy, tôi nghĩ tịch thu hầm vũ khí có lẽ đã giúp cho quân phòng thủ tại Huế thoát khỏi cuộc tấn công đầu của địch,” Đại Uý Cobb nói. “Có lẽ chúng tôi góp phần vào việc giúp họ giữ chặt việc phòng thủ.”


Đaị Uý Cobb ngưng ngang những suy nghĩ về hầm vũ khí của địch trên đường đến Phú Bài. Khi mà những nhân viên tình báo trong Sư Đoàn 1 Bộ Binh không nghĩ nhiều cho lắm về việc tìm thấy kho tàng địch, Cobb cũng không lo cho lắm về quân địch đang tổ chức một trận chiến lớn trong khu vực, bên cạnh đó ông có một nhiệm vụ quan trọng cần phải hoàn tất trong ngày cho riêng ông.


Đoàn xe vào trong căn cứ Phú Bài và Đại Uý Cobb cố gắng mang được càng nhiều thức ăn mà ông đã cố gắng trả giá cho. Thực phẩm gồm có 60 cân anh đường vì người Việt thích đồ ngọt, 10 cân anh cà phê, hai thùng hộp trái đào, nhiều hộp thịt bò hộp, và hai hộp bánh, đường trở về hướng bắc tuy chậm nhưng yên ổn.


Ngày hôm sau, Đại Uý Cobb và Thiếu Tá Thạch, tiểu đoàn trưởng đến thăm và mang thực phẩm chia đều cho cả bốn đại đội. Vào buổi trưa, tại bộ chỉ huy tiểu đoàn có một buổi tiệc ăn mừng tết, tiệc kéo dài cho đến tối. Vào lúc 12 giờ đêm, một vài người lính bắn vài tràng đạn M-16, những người khác đốt những phong pháo đón mừng giao thừa. Rồi tất cả trở nên lặng im.


Đại Uý Jack Chase cũng có một nhiệm vụ giống như vậy vào ngày trước Tết. Chase sống ở thành phố Jericho, tiểu bang Vermont, ông là cố vấn cho Chi Đoàn 3/7 Thiết Kỵ đóng phía ngoài căn cứ 17 tây bắc Huế.


“Tôi lấy được một số đồ bổ sung thường có C-ration trong đó,” Chase nói. “Những người lính thích kẹo và chewing-gum nhưng họ lại không cần đồ cạo mặt, họ thích nhổ râu hơn.”


Chi Đoàn 3/7 vừa thay người chỉ huy, Trung Uý Trần Văn Minh thay Đại Uý Nguyễn Văn Thi được một tháng, ông vẫn còn chưa thích ứng với đơn vị mới.


“Thi rất được các người lính kính nể,” Chase cho biết. “Ông ta chỉ thua Thượng Đế chừng một hay hai bậc trong khi Minh chỉ mới hành quân với đơn vị lần đầu tiên, ông ấy phải chứng minh cho các người lính biết mình ngon lành.”


Chi đoàn tổ chức tiệc ăn mừng Tết vào buổi trưa với những nghi lễ và trao đổi quà cáp cho nhau. Trung Uý Minh tặng cho Đại Uý Chase cuốn album để hình bằng sơn mài mà cho đến giờ Đại Uý Chase vẫn còn tưng tiu nâng giữ. Trên bàn đầy những thức ăn cổ truyền và những món lạ khác, và nhất là đầy những tiếng cười vui vẻ và tình bạn thắm thiết.


“Họ làm thịt một con trâu,” Chase nhớ lại. “Hồi tưởng lại, đó là miếng thịt dai nhất và khó nuốt nhất mà tôi đã ăn.”


Đêm hôm ấy, tất cả mọi người đi ngủ với cái bao tử dầy đặc và trái tim hạnh phúc.


Một trong những nhiệm vụ chính trong ngày Tết của Đại Uý Chuck Jackson là lo cho Tiểu Đoàn 7 Dù có đủ rượu cho buổi tiệc tết.


“Rượu được chọn là Black Label scotch,” Jackson nói. “Nhưng chúng tôi uống Red Label trong cái ly cối. Rượu Hennessy cognac cũng rất được ưa chuộng.”


Tiểu Đoàn 7 Dù chỉ mới chuyển tới An Lỗ cách căn cứ 17 vài cây số chừng một hay hai ngày trước tết vì lý do an ninh và đóng rải rác phía ngoại ô. Đại Uý Jackson từ thành phố Macungie, tiểu bang Pennsylvania đi với Thiếu Tá Ngọc chúc tết bốn đại đội, ông thử nhiều món ăn trong mỗi đại đội.


“Tôi không thích thức ăn Việt Nam cho lắm, rất là khó nuốt trôi miệng khi miếng thịt còn dính chút lông heo,” Jackson nói. “Nhưng tôi thích ăn những miếng bánh vuông nhỏ mà lúc ban đầu tôi nghĩ là kẹo ngào đường được gói trong những lá dừa, ăn ngon miệng lắm, sau này tôi biết được nó là những miếng thịt heo sống được để cho lên men mà người Việt gọi là nem chua.”


Jackson, giống như Cobb và Chase lên giường ngủ không nghĩ rằng một cuộc chiến lớn với quân địch đang gần kề. Gần sáu giờ sau, định mạng sẽ mang ba đơn vị lại với nhau cho cuộc chiến đẫm máu chống lại lực lượng to lớn của quân địch ngăn chận không cho họ tiến vào Thành Nội, nơi mà họ được kêu gọi đến gấp để cứu Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 đang bị địch bao vây.


Tướng Trưởng gọi viện binh lúc 4 giờ 30 sáng, sau khi kêu gọi Trung Đoàn 3 Bộ Binh và Thiết Đoàn 7 Kỵ Binh tập hợp với ông tại Thành Nội, ông xin lệnh cho phép Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 1 Dù (gồm ba tiểu đoàn 2,7 và 9) được nằm dưới quyền hành quân của ông. Sau khi được sự chấp thuận từ cấp trên, cả ba đơn vị được báo động di chuyển về Huế. Tiểu Đoàn 9 Dù và Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ đang bị quân địch tấn công bộ chiến trong phạm vi đóng quân của họ tại Quảng Trị, cách phía bắc Huế khoảng năm mươi cây số, họ không thi hành lệnh được cho đến khi họ phải hoàn tất một vài sự việc cấp thời.


“Chúng tôi nhận cú phôn vào khoảng 4 giờ 30 sáng,” 3/7 Chase nói. “Chúng tôi không bị địch tấn công và nghĩ chắc không phải việc lớn lao cho lắm, chúng tôi chỉ chuẩn bị cho ba ngày hành quân.


Tám cây số bắc căn cứ 17, Tiểu Đoàn 7 Dù bị đánh thức bởi đạn cối pháo kích lúc 3 giờ sáng. Một tiếng rưỡi sau, lệnh cho giao tiếp với 3/7 Thiết Kỵ tiến về Huế để “giúp làm giảm bớt áp lực cho lính Sư Đoàn 1”


Hai đơn vị gặp nhau tại căn cứ cây số 17 và dấn mình xuống quốc lộ 1 thẳng về Huế lúc 9 giờ 20 sáng. Mặt trời sáng tỏa và Chi Đoàn 3/7 dẫn đầu, ba trăm bảy mươi lăm người lính Tiểu Đoàn 7 Dù dàn mỏng đội hình, hai đại đội di chuyển hai bên quốc lộ. Con đường rầy xe lửa nằm song song quốc lộ về hướng tây ở sườn phải, rất nhiều người lính bỏ nón sắt xuống và đội chiếc mũ đỏ quen thuộc lên đầu.


Cách Huế khoảng năm cây số, con đường sắt thu nhỏ lại chỉ còn cách quốc lộ khoảng một trăm thước làm cho các người lính Mũ Đỏ phải di chuyển qua tay mặt một chút để dễ kiểm soát phía bên kia đường xe lửa. Lúc gần 12 giờ trưa, khi Thành Nội nằm trong tầm mắt thì chiếc APC (thiết vận xa M-113) dẫn đầu bị trúng hỏa tiễn RPG, đạn trong xe phát nổ làm chết tám người lính. Đoàn xe dừng lại ngay bên đường.


“Viên đạn bắn từ khoảng giữa quốc lộ và con đường rầy xe lửa, quân địch chờ chiếc APC đến ngay họ, khoảng chừng mười lăm thước rồi khai hỏa,” Chase nói. “Anh sẽ không bao giờ nghĩ người nào lại nằm núp trong vị trí đó, nhưng họ chỉ cần một ít lùm tre bao che mà thôi.”


Đoàn xe nhìn trong sự kinh hoàng trong khi chiếc APC lại nổ bùng lần thứ hai, không một ai có thể lại gần chiếc thiết vận xa để giúp những người lính còn kẹt trong xe. Khi một chiếc APC khác đến gần để nhìn cho rõ hơn, chiếc này cũng bị ăn hỏa tiễn địch. Nhiều người lính nhảy ra khỏi xe và tìm chổ nấp, những chiếc APC còn lại đồng loại khai hỏa đại liên 50 ly và 30 ly vào hai bên đường.


“Khi chúng tôi đến được chiếc APC đầu, thân xác còn lại của những người lính không đầy chiếc nón sắt,” Chase cho biết.


Ngay khi chiếc APC thứ nhì trúng đạn địch, đại đội đầu bên sườn trái của Tiểu Đoàn 7 Dù cũng bị cộng quân bắn vào từ ngay một nghĩa trang lớn trước mặt. Sau khi Trung Uý Minh liên lạc với Tiểu Đoàn 7 Dù, đội hình chiến đấu sẽ được thi hành như thế này, Tiểu Đoàn 7 Dù sẽ xung phong thẳng vào nghĩa trang trong khi các chiếc APC vì không thể di chuyển trong nghĩa trang sẽ bắn yểm trợ.


Quân địch chờ cho các người lính Dù vào tới giữa nghĩa trang thì khai hỏa bắn gục toán quân đi đầu với súng máy, súng cá nhân và đạn súng cối. Rồi thì sự việc lại tệ hại hơn.


“Một trăm năm mươi người lính xung phong ngang qua nghĩa trang và sau khi họ di chuyển được khoảng hơn hai trăm thước thì không còn bóng dáng người nào đứng vững được,” Chase nói lại khi quan sát cuộc xung phong này từ chiếc APC ngay quốc lộ. “Tôi có thể nhìn thấy họ ngã gục từng người một, giống như anh tưởng tượng chiến trận xảy ra trong thời nội chiến vậy.”


Jackson bị choáng váng và kích động khi đứng quan sát tại bộ chỉ huy tiểu đoàn, ông nhớ lại, “Thật là một ngày buồn thảm.”


Vào sáng sớm, Tiểu Đoàn 2 Dù được báo động chuẩn bị cho trách nhiệm trong Huế, trong thời gian di chuyển đến căn cứ cây số 17, tiểu đoàn phải nhổ hai chốt địch và cộng quân cũng giật sập một cây cầu trên đường di chuyển. Lúc 12 giờ trưa tiểu đoàn với quân số ba trăm năm mươi người lính đến được căn cứ cây số 17.


“Không một ai biết được việc gì đang xảy ra tại Huế. Chúng tôi không rõ sự việc nghiêm trọng đến độ nào,” Cobb nói. “Chúng tôi chỉ được nghe rằng họ cần sự giúp đở và cuộc hành quân sẽ ngắn hạn.”


Lúc 2 giờ trưa, sau khi “kiếm” được vài chiếc xe nhà binh, tiểu đoàn rời căn cứ. Hầu hết mọi người đều trang bị nhẹ vì được cho biết đây là cuộc hành quân ngắn hạn.


“Vật tôi nhìn thấy đầu tiên khi đến gần Huế là một đống quân dụng nằm bên vệ đường,” Cobb nói. “Đống quân dụng này được thu lại từ những người lính bị thương và tử trận trước đó. Tôi linh cảm được hôm nay sẽ là một ngày xấu, tôi vội chụp lấy vài trái lựu đạn với ý nghĩ mình sẽ cần đến chúng.”


Tiểu Đoàn 2 Dù sẽ xung phong tấn công vào quân địch, họ sẽ đánh vào bên sườn địch. Tiểu đoàn phó và viên cố vấn phó đại đội, Đại Uý Donald C. Erbes cùng xung phong với đại đội đầu tiên.


“Chúng tôi chạy chưa đến một trăm thước thì viên tiểu đoàn phó bị viên đạn AK-47 bắn ngay cái nón sắt làm ông bị hy sinh ngay tức khắc,” Erbes nhớ lại.


Tuy bị giao động, Đại Uý Erbes vẫn mang xác người tiểu đoàn phó vào sau một ngôi mộ và hối thúc các người lính tiếp tục tấn công. Đại đội kế tiếp với tiểu đoàn trưởng và Đại Uý Cobb cũng đồng loại xung phong tiếp tục cuộc tấn công.


“Một sự việc tức cười khi chạy băng ngang nghĩa trang,” Cobb nói. “Tôi nghĩ Đại Uý Cobb bị tiêu tùng rồi. Tôi ở phía sau đại đội đầu khoảng một trăm thước và trong khi chạy, tôi thấy một làn khói trắng và rồi trái đạn cối 60 ly rơi giữa hai chân tôi, may mắn là đất ruộng lại mềm, trái đạn chui sâu vào lòng đất. Việc kế tiếp tôi biết được là tôi nhào lộn một vòng trên không trung rồi rơi xuống đất bằng hai chân. Chỉ trừ một chút hoảng hồn và một mảnh nhỏ miểng cối trên mũi, tôi không bị gì khác hơn, tôi liền nhìn bộ chỉ huy tiểu đoàn, mọi người lại đang cười tôi. Giữa chiến trận và nhiều người chung quanh đang ngã gục, mọi người lại nhìn và cười tôi, không biết làm gì khác hơn, tôi chỉ biết cười theo.”


Cùng lúc ấy, Đại Uý Erbes cố gắng liên lạc xin pháo binh yểm trợ nhưng không liên lạc được với ai, ông cũng cố gắng gọi Sư Đoàn 1 Không Kỵ xin mấy chiếc trực thăng hỏa lực, sau cùng ông liên lạc được một chiếc trực thăng hỏa lực đang bay trên vùng nhờ chiếc này đến giúp.


“Viên phi công trực thăng cho biết sẽ bay một vòng định vị trí quân bạn trước,” Erbes nói. “Rồi anh ta lại bị bắn rơi. Đó là chiếc trực thăng hỏa lực cuối cùng tôi thấy được trong thời gian tôi ở Huế.”


Các đơn vị được lệnh đóng quân đêm chờ sáng mai sẽ vào Thành Nội, xác các người lính tử trận và thương binh được gom lại, những người lính lo nghỉ ngơi và canh gác đêm.


“Rất nhiều tên địch bị chúng tôi giết bận đồ thường dân làm tôi đoán sẽ dễ dàng cho chúng đột nhập vào thành phố,” Chase nói. “Một việc khác tôi để ý là chúng không cần lấy vũ khí và đạn dược của chúng tôi. Việc này làm tôi tin tưởng bọn chúng đã có sẵn tất cả những gì chúng cần. Bọn chúng đã không cần vũ khí của chúng tôi, bọn chúng đến Huế được trang bị đầy đủ với những vật dụng mà chúng muốn mang theo.”


Phải gần đến nửa đêm mọi người mới nghĩ đến việc phải ngủ một chút. Cobb, Erbes và Jackson nằm trong khu nghĩa trang nhưng rất khó cho họ chợp mắt được.


“Trời thật lạnh và nhiều tiếng động vẫn tiếp diễn chung quanh,” Cobb nói. “Tôi nghĩ đến việc chúng tôi có thể dùng ba lô cá nhân mà chúng tôi đã bỏ lại căn cứ 17. Tôi run mình vì lạnh cả đêm.”


Vào sau nửa đêm, Jackson nói, ông nghĩ, ông nghe một người nào đó nổ máy chiếc APC bị hỏng đang nằm gần quốc lộ.


“Tôi nghĩ quân địch sẽ lấy chiếc APC và dùng nó để tiêu diệt chúng tôi,” Jackson nói. “Chúng tôi thật là không cần điều đó.”


Erbes, dân thành phố Gainesville, tiểu bang Florida, nói ông nhớ hàng chục chất nổ đã nổ vang trong Thành Nội đêm ấy. Ông cho rằng quân địch đã cho nổ tung những gì chúng chiếm vừa được.


Mọi việc lại trở nên nhẹ nhàng vào sáng ngày hôm sau, 1 tháng Hai, đoàn quân tiếp viện đã liên lạc được với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1, bộ tư lệnh cho biết sẽ gởi một trung đội Hắc Báo dẫn đường cho Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm Dù vào một cổng thành đã được giữ an toàn. Đoàn quân dưới sự hướng dẫn của những người lính Hắc Báo dọn sạch hướng đông dọc theo bờ thành tây bắc mang theo các người chết và bị thương với họ. Chỉ có những tay súng bắn sẻ của quân địch theo quấy rối, trên đường di chuyển những người lính ăn thức ăn mà họ có thể tìm được, vào giữa trưa, họ vào tới Thành Nội.


Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm Dù báo cáo thương vong: 40 hy sinh, 91 bị thương, thiệt hại nặng nhất là phía Tiểu Đoàn 7 Dù. Họ giết chết 270 tên địch, tịch thu 71 cây súng cá nhân, 25 súng cộng đồng, bắt sống 5 tên địch. Đại Uý Chase báo chi đoàn của ông bị mất 4 chiếc APC trên tổng số 12 chiếc. Nhìn vào các gương mặt của những người lính trong thành Mang Cá, Đại Uý Cobb nói ông có thể biết có chuyện rất to lớn đang xảy ra.


“Mọi người nhìn rất sợ hãi,” Cobb nói. “Một viên cố vấn Hoa Kỳ tiến đến tôi và cho biết tình hình rất nguy biến.”


Chỉ sau hai giờ có mặt trong thành Mang Cá, cả ba đơn vị được mang lên tuyến đầu mở rộng thêm chu vi phòng thủ cho bộ tư lệnh.


Có lẽ chuyến du hành anh dũng vào Thành Nội là do Tiểu Đoàn 1/3 Bộ Binh, tiểu đoàn này bị quân địch chận đánh và bao vây cách đông Huế nhiều cây số. Đại Uý Phan Ngọc Lương, tiểu đoàn trưởng ra trường Võ Bị Đà Lạt năm 1960, ông là một trong những sĩ quan trong giàn sĩ quan xuất sắc của Tướng Trưởng. Lương là một quân nhân kỷ luật, điều khiển tiểu đoàn với bàn tay sắt. Không hài lòng với sự bê bối của một số lính trong tiểu đoàn, ông cho cả tiểu đoàn hành quân tảo thanh địch vào buổi tối ngày 30 tháng Giêng trong ý định trừng phạt lính ông.


“Chúng tôi đi ngay vào cái đuôi của một tiểu đoàn Việt cộng và đối mặt đánh nhau với bọn chúng,” Đại Uý Lương nói. “Và chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi chỉ còn lại khoảng ba băng đạn cho mỗi người lính, quân địch lại bao vây, chúng tôi phải rời khỏi nơi đó.”


Thiếu Tá Lục Quân Gary Webb, cố vấn tiểu đoàn liên lạc được với vài chiếc trực thăng hỏa lực vào lúc sáng sớm, các chiếc trực thăng bắn bao che cho tiểu đoàn thoát khỏi vòng vây quân địch và họ tiếp tục chiến đấu xa tới phía đông bờ biển Ba Làng. Tại nơi đó, Webb gọi trực thăng đến tiếp tế và di tản thương binh.


“Chúng tôi tiêu diệt hơn 100 tên địch và tịch thu rất nhiều vũ khí, nhiều đến nổi chúng tôi không thể mang theo hết,” Lương nói, và sau đó ông cho biết quân bạn hy sinh 15 người, 33 người khác bị thương.


Sau khi được tiếp tế, tiểu đoàn di chuyển qua nhiều chốt địch vào ngày hôm sau và cuối cùng đến được Ba Làng. Tại đây, tiểu đoàn lên ba chiếc thuyền hải quân Việt Nam chạy lên sông Hương và vào được thành Mang Cá vào lúc 3 giờ trưa. Đơn vị lập tức được giao một khu vực dọc theo bờ thành tây bắc. Thiếu Tá Webb đã là cố vấn cho một đơn vị người Thượng trong một nhiệm kỳ trước đó, sau này được tưởng thưởng một trong những huy chương cao quý nhất của quân đội Hoa Kỳ, Distinguished Service Arward.


Những đơn vị khác vào được thành Mang Cá trong ngày 1 tháng Hai là hai đại đội của 4/2 Bộ Binh, họ được trực thăng vận vào Thành Nội từ căn cứ của họ ở Đông Hà, gần vùng phi quân sự. Đơn vị này đến nơi lúc 3 giờ chiều và được dàn quân ngay khu đông nam thành phố dọc theo bờ thành đông bắc, quân số còn lại của tiểu đoàn cùng với một đại đội của 1/1 Bộ Binh đến thành Mang Cá vào ngày hôm sau. Cũng vào đến thành Mang Cá vào ngày 2 tháng Hai là Tiểu Đoàn 9 Dù, tiểu đoàn chạm nặng với quân địch tại phía bắc Quảng Trị. Tiểu Đoàn 9 được trực thăng Hoa Kỳ vận chuyển vào Huế đóng chung với hai tiểu đoàn 2 và 7 Dù để giúp lấy lại phi trường Tây Lộc.


Tiểu Đoàn 9 Dù chỉ mới vào đóng trong các trại binh tạm thời tại Quảng Trị một ngày trước tết. Hầu hết sáu trăm năm mươi người lính của tiểu đoàn giống như hai tiểu đoàn bạn 2 và 7 Dù đều thất vọng khi biết không được về Sài Gòn ăn tết, nhưng họ cam chịu số phận của họ và cố gắng làm cho tình trạng được tốt hơn.


“Tôi nhớ chắc rằng chúng tôi đã không ăn tết nhiều lắm,” Đại Uý Dick Blair, cố vấn trưởng Tiểu Đoàn 9 Dù nói. “Tôi nhớ có một vài người lính bận đồ múa lân và họ múa lân ngay trên đường phố, nhưng chúng tôi đã không có buổi tiệc ăn mừng tết. Mọi người đi ngủ sớm vào tối ngày 30 tháng Giêng.”


Một phần của Quảng Trị là thành phố “tường” giống như Huế nhưng nhỏ hơn, thành phố nằm trên quốc lộ 1 cách tây bắc Huế khoảng năm mươi cây số, trong này có bộ chỉ huy Trung Đoàn 1 Bộ Binh và Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ, nó cũng là nơi đặt cơ quan MACV, Toán Cố Vấn số 4.


Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 9 Dù cùng hai đại đội nằm trong thành phố Quảng Trị, đại đội thứ ba đóng phía nam thành phố, đại đội thứ tư nằm ở phía bắc thành phố, Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ đóng phía tây cách khoảng một cây số.


Vào buổi tối đêm 30 tháng Giêng, hai Trung Sĩ cố vấn Tiểu Đoàn 9 Dù, Mike Smith, dân thành phố Dahlonega, tiểu bang Georgia và John Church, hai người bạn thân từ hồi còn ở với Sư Đoàn 82 Dù gặp nhau ở câu lạc bộ hạ sĩ quan trong Quảng Trị cho vài chai bia. Hai viên cố vấn hồi tưởng lại những ngày xưa cũ và cụng vài ly và uống một hai chai bia để ăn mừng tết Việt Nam, đó cũng là lần cuối Smith nhìn thấy Church còn sống.


Lúc 3 giờ sáng ngày 31 tháng Giêng, Thiếu Tá Nguyễn Thế Nhã cho người đánh thức Đại Uý Blair và báo cho ông sẵn sàng vì quân địch đang tấn công vào thành phố.


“Việc đầu tiên tôi làm là gọi máy cho Trung Sĩ Church đang ở với đại đội nằm phía bắc thành phố, tôi không liên lạc được với anh ấy và biết chắc một việc xấu đang xảy ra,” Blair nói.


Quân Bắc Việt di chuyển trong bóng đêm và ngay trong sương mù dầy đặc đi ngay vào đại đội nơi Church đang ở và xóa sạch đại đội này. Quân Nhảy Dù có 40 người hy sinh và 65 bị thương. Church là một trong những người lính bị tử thương.


Đại Uý Blair, dân thành phố Centerville, tiểu bang Virginia để máy liên lạc nội bộ tiểu đoàn và ông nghe được việc điều quân của đại đội này. Một trong những điều ông nghe được là viên đại đội trưởng nói với lính đại đội không cần dùng súng nữa, dùng lựu đạn thanh toán địch. Viên đại đội trưởng này cũng yêu cầu pháo binh bắn ngay vào vị trí đại đội nhưng không được chấp thuận vì quá nguy hiểm.


Quân địch lại không đụng vào Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ, chúng đi ngay sát phía bắc chỗ đóng quân của chi đoàn. Đại Uý Jim Zimmerman, cố vấn chi đoàn đang ở trong cơ quan MACV nằm trong Cổ Thành khi quân địch tấn công. Trong vòng một giờ đồng hồ sau, một chiếc APC được gởi đến và viên cố vấn này có mặt ngay trong trận chiến.


Hơn hai giờ đầu, quân Bắc Việt pháo khoảng 200 viên đạn cối vào thành phố, làm cho mọi người phải kiếm chổ trú ẩn. Khi trận pháo kích giảm đi, Thiếu Tá Nhã và Đại Uý Blair leo lên nóc một tòa cao ốc để quan sát cho rõ ràng hơn. Khi sương mù vừa tan, họ trông thấy quân địch bận đồ xanh rời khỏi cánh rừng và bắt đầu di chuyển vào thành phố.


Đại Uý Blair xoay người sang và hỏi Thiếu Tá Nhã sẽ làm gì?


“Chúng ta sẽ tấn công,” Blair cho biết Nhã đã nói với ông ta. “Lính Nhảy Dù không chết khi chiến đấu trong hố cá nhân. Họ chỉ hy sinh khi xung phong tấn công thẳng vào quân địch.”


Vậy đó, Tiểu Đoàn 9 Dù làm đúng việc đó, đại đội có viên cố vấn Smith xung phong thẳng vào quân địch, vậy mà quân địch với quân số đông gấp bội lại bỏ chạy. Về sau, cùng trong ngày, trực thăng hỏa lực trực thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ bay đến vùng giao tranh và bắt đầu bắn xuống những vật và những gì họ trông thấy được, kể cả quân bạn.


“Tôi nhìn lên các chiếc trực thăng hỏa lực và khi ấy họ lại bay về hướng chúng tôi. Tôi la to bảo mọi người nằm xuống đất,” Smith cho biết. “Hầu hết những người lính ngồi vào trong hố cá nhân hay núp trong chiến hào. Thật là rởn óc. Tôi vào máy và gọi cho Đại Uý Blair xem thử ông có thể bảo họ ngưng bắn, nhưng bọn họ vẫn tiếp tục bắn xuống.”


Tiểu Đoàn 9 Dù với sự giúp sức của Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ đánh tan các cuộc tấn công của quân địch trong ngày 31 tháng Giêng. Buổi tối hôm đó, quân địch tuy đã có hai trung đoàn đánh Quảng Trị lại gởi thêm viện binh đến từ hướng tây cho lần tấn công cuối cùng. Khi bọn chúng tiến vào ngay một nghĩa trang rộng lớn phía ngoài thành phố, Blair gọi máy liên lạc với các phi cơ Hỏa Long mà các tay lính tác chiến Hoa Kỳ gọi là “Con Rồng Phun Lửa” vì tiếng kêu như hú vang lên từ những khẩu súng máy trong phi cơ.


“Chúng tôi chơi Hỏa Long vào bọn chúng suốt đêm,” Smith nói, “Và khi bình minh vừa đến, có quá nhiều thân xác và các phần thân thể con người nằm đầy trong khu nghĩa trang bao trùm lên cả mặt đất. Tôi không biết có bao nhiêu tên địch bị chúng tôi giết chết. Tôi không bao giờ đếm xác bọn chúng.”


Khi tình hình đã tạm ổn định trong ngày 2 tháng Hai, Tiểu Đoàn 9 Dù giao việc bảo vệ thành phố cho Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ, họ lo việc vào Huế. Các chiếc Sea Knights chia làm hai đợt vận chuyển tiểu đoàn vào Thành Nội Huế, đến chiều tối thì toàn bộ tiểu đoàn vào đến Huế. Tướng Trưởng lập tức gởi họ đến khu vực phía tây thành phố, nơi họ sẽ giúp chiếm lại phi trường Tây Lộc.


Phải cần đến bốn ngày sau thì Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ mới rời Quảng Trị để về Huế. Sau một tuần lễ giao tranh, đôi khi phải đánh từng nhà một trong Cổ Thành, Quảng Trị được tuyên bố giải tỏa. Quân đội miền Nam cho biết họ tiêu diệt được 1,450 quân địch, tịch thu 485 vũ khí.


Nguyễn Văn Phúc
Bản dịch được đăng trên Đặc San Mũ Đỏ số Xuân 63, 2011

No comments:

Post a Comment