Friday, April 5, 2013

Hỏi đáp Y học: Trúng gió và cạo gió


Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Thính giả Kiệt Nguyễn, ở New Orleans, bang Louisiana, gởi email đến câu hỏi như sau:

“Kính thưa bác sĩ

Khi tôi còn ở Việt Nam trước đây, mỗi khi ớn lạnh, khó chịu trong người thì người lớn nói là ‘trúng gió’ và mang ra ‘cạo gió’, ngủ qua đêm rồi hôm sau thức dậy, phần lớn là thấy khỏe khoắn trở lại.

Xin hỏi Bác sĩ:

1.    ‘Cạo gió’ ít nhiều chữa được ‘trúng gió’ phải không?
2.    Cạo gió không được chấp nhận trong tây y có phải không?

Kính nhờ Bác sĩ giải thích cho."


Bác sĩ Hồ Văn Hiền giải thích:

(Cold, syncope and coin rubbing)

Trúng gió

Chúng ta nói ” trúng gió”, giống như người Trung Hoa giải thích lắm chuyện bệnh tật bằng chữ "phong". Phong là gió, và trong chữ "phong" (với nghĩa là “ bệnh phong, bệnh điên cuồng” theo Đào Duy Anh) cũng có chữ 'phong" là gió trong đó. Một từ chúng ta thường nghe "thượng mã phong" ( death during sex) cũng có thể nói nôm na là "trúng gió lúc trên lưng ngựa".


Có lẽ gần với khái niệm gió gây ra bệnh của chúng ta, người tây phương cũng nghi trong không khí có gì đem đến gây ra bệnh. Ví dụ chúng ta biết là bệnh sốt rét do muỗi cắn chích vào cơ thể ký sinh trùng Plasmodium nhiễm vào máu rồi sinh sôi nẩy nở, phá huỷ các tế bào hồng cầu trong máu chúng ta. Nhưng đó là nhờ các khám phá mới đây. Hippocrates (460-370 TTC), ông thầy của tây y, mô tả “miasma” như là những khí độc bay từ dưới đất lên, gây ra bệnh nóng sốt, lạnh run, bệnh mà chúng ta bây giờ gọi là bệnh sốt rét mà tiếng Anh gọi là malaria. Malaria do gốc tiếng Ý có nghĩa là "không khí xấu" (mal+aria), tương tự như khi chúng ta nói "sơn lam chướng khí".


Nó như vậy để thấy, đông với tây cũng có nhiều chỗ gặp nhau trong y khoa.

Nguyên nhân có thể gây "trúng gió."

Về vấn đề "trúng gió" thì cũng phức tạp như vậy. Thường chúng ta gặp một người bề ngoài đang mạnh khoẻ đột nhiên chóng mặt, "xây xẩm", méo mặt, hay té xỉu, bất tỉnh nhân sự, thì chúng ta nói "trúng gió".


Tất nhiên, có thể là


- Tim đập loạn nhịp (arrhythmia) làm máu không lên kịp tới đầu, cơn đau tim đột ngột (heart attack), tai biến mạch máu não


- Thường hơn cả là chỉ vì bệnh nhân bị syncope, ngất xỉu tạm thời và giây, do hệ thần kinh đối giao cảm hoạt động quá nhiều, tim đập chậm lại, mạch máu dãn nở ra, áp huyết hạ xuống. Nằm xuống, máu lên đầu lại đầy đủ, khoẻ lại như thường.


-  Tuy nhiên có nhiều trường hợp mà người ta chứng minh là "gió" là thủ phạm đích thực. Ví dụ có trường hợp bệnh nhân dị ứng với protein con ngựa, bệnh nhân chỉ đến gần con ngựa, hay trong gió có "mùi” của nó, và bị phản vệ (anaphylactic reaction), ngất xỉu, shock.Cũng như vậy, người dị ứng với đậu phộng có thể phản ứng chỉ vì người bên cạnh mở gói đậu phộng ra ăn, gió bay "hơi" đậu phộng qua. Cho nên trên máy bay, người ta không dọn món ăn có đậu phộng nữa.


Mề đay do lạnh (cold urticaria)


Ngoài ra, một số người bị ứng mề đay với lạnh (cold urticaria). Những người này có thể bị mề đay ngứa lúc ra ngoài thời tiết lạnh, gió lạnh, lúc chảy mồ hôi, gió thổi bốc hơi nước mồ hôi làm da lạnh, lúc ăn nước đá, cà rem. Mở tủ lạnh, ngăn đóng đá cũng có thể gây triệu chứng. Nguy hiểm nhất là, nếu nhảy vào hồ tắm lạnh đột ngột, họ có thể bị shock phản vệ (tụt huyết áp, hypotension) và chết nếu không cứu kịp thời.


Định bệnh:
đặt nước đá trên một vùng da nhỏ, để 4-5 phút. Lấy ra, đợi 10 phút xem mề đay có nổi lên hay không.

Chữa trị:
chất kháng histamin cyproheptadin (*trước đây hay dùng để trẻ em ăn ngon miệng, lên cân).

Về vấn đề cạo gió ở Mỹ


Cạo gió phổ biến ở Việt Nam, Thái Lan, Cambodia, Indonesia. Người Hoa dùng muỗng sành để cạo da, gọi là "quat sha", hoặc "spoon scratching".


"Cao gio" hay "coin rubbing”, “coining” đã trở thành quen thuộc với y giới Mỹ sau mấy chục năm tiếp xúc với người Việt và nhờ sự hướng dẫn của bác sĩ Việt. Một số người Việt đến Mỹ đầu tiên đã khổ sở vì cạo gió nhất là cho con cái. Người Mỹ tưởng đây là những vết bầm do cha mẹ hành hạ ["child abuse"] con cái, khiến có người bị ra tòa oan, có người tự tử vì bị truy tố nhục nhã (1995) [1]. Y giới Mỹ để ý thấy vì những hiểu lầm này và vì thái độ họ công kích cạo gió của người Việt, bệnh nhân tị nạn có thể nghi ngờ y khoa Mỹ và không chịu dùng các phương tiện y tế Mỹ.

Sau đó trong y văn Mỹ đã xuất hiện nhiều khảo cứu về lợi hay hại cũng như về "ý thức hệ" đằng sau thủ thuật cạo gió.

Hiện nay, thủ thuật này được y giới Mỹ không khuyến khích nhưng không chê bai vì cho rằng vô hại,”mặc dù vết cạo gió giống như những vết thương do chấn thương gây ra” (Yeatman, G. W. JAMA, 1980 [2]). Y giới Mỹ hiện nay cũng cố gắng học tập y khoa văn hoá ( cultural medicine) để "thông cảm" những lối chữa bệnh "sắc tộc" (ethnic medicine) nếu được chứng minh là không gây tai hại gì. Nói chung, các bác sĩ ở Mỹ cũng đã cố gắng tìm hiểu cái nhìn của chúng ta, và nghĩ rằng chúng ta cạo gió trong mục đích điều hoà âm dương (yin-yang), nóng lạnh. Họ cũng biết chúng ta cho là "có gió, bệnh nhiều" lúc thấy vết cạo có bầm nhiều và cạo gió không có nghĩa là từ chối thuốc men tây y, mà là một hình thức kết hợp Đông và Tây Y. [3]


Kết luận:

Với cái nhìn của một bác sĩ tây y:

- Tôi nghĩ cạo gió cũng có những ích lợi thực tiễn: giảm bớt dùng thuốc giảm đau, thuốc cảm, có thể đắt tiền mà không cẩn thiết, đôi khi có hại. Như acetaminophen có thể hại gan, aspirin, ibuprofen có thể gây chảy máu bao tử, ruột.


- Làm cho người bệnh có cảm giác tự làm chủ sức khoẻ mình (patient empowerment)


- Giúp cơ bắp thư giãn, máu lưu thông tốt hơn.


- Một số thuốc dùng cạo gió có chất salicylate đi qua da, được hấp thụ và có tác dụng dược học;


- Long não (camphor) dùng trong dầu cạo gió có thể có tác dụng nâng áp huyết trong những trường hợp áp huyết thấp (hypotension), chóng mặt, ngất xỉu. (tuy nhiên, nếu dùng thuốc nhiều quá, thuốc hấp thụ có thể gây độc)


- Lúc cạo gió, giác hơi, coi chừng cồn, thuốc cạo gió có thể bốc cháy, một trường hợp phỏng nặng lúc cạo gió đã được ghi nhận trong y văn


- Đa số bệnh "cảm cúm" tự nó sẽ khỏi, không nên nghĩ phải cạo gió mới hết


- Bệnh nặng, đáng kể, phải đi khám bác sĩ.


- Đối với trẻ con, nếu bệnh tới mức cha mẹ lo lắng, theo luật định người thân phải cho em bé được giới chuyên môn y khoa chuyên nghiệp săn sóc


- Nếu phụ huynh cảm thấy y giới nơi mình ở không "thân thiện" (friendly) với các loại chữa bệnh "sắc tộc" như cạo gió, nên tránh, vì như đã nói có lẽ không có trường hợp nào vì thiếu cạo gió mà bệnh trở nên quá nặng.


Chúc quý vị thính giả may mắn.


Bác sĩ Hồ Văn Hiền


[1]Leung A. K. C. Photo Essay: Factitious dermatitis.
http://69.167.169.64/content/photo-essay-factitious-dermatitis
[2]” Although mimicking the lesions of trauma, it is not a harmful procedure, and no complications are known. A survey of 50 Vietnamese living in the United States since 1975 and 1976 has shown marked distrust of American Physicians, owing largely to actual or perceived criticism of cao gío. Acceptance of cao gío as a valid cultural practice will facilitate compliance and adequate medical follow-up.”
[3] Pich Lan. Cao gio (Coin rubbing or Coining)
http://healthpsych.psy.vanderbilt.edu/CAOGIO.htm


(VOA)

No comments:

Post a Comment