Saturday, April 13, 2013

Những ngày cuối cùng ở tư lệnh quân đoàn II của tướng Phạm Văn Phú



*Tình hình mặt trận Khánh Hòa-Ninh Thuận
Sau khi chiếm Tuy Hòa và các quận tỉnh Phú Yên vào rạng sáng ngày2 tháng 4/1975, Cộng quân gia tăng áp lực tại mặt trận KhánhHòa-Ninh Thuận. Vào thời gian này, lực lượng chủ lực của Quân đoàn 2 chỉ còn trông cậy vào 2 tiểu đoàn vừa tái chỉnh trang củaSư đoàn 23 Bộ binh và một 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 40 thuộc Sư đoàn 22 Bộ binh (đơn vị của Trung đoàn 40 có mặt tại Khánh Hòa tư trước tháng 4/1975), 2 tiểu đoàn Biệt động quân. Các tiểu đoàn nói trên chỉ còn khoảng 2/3 số quân sĩ tại hàng.

Cũng như nhiều thành phố khác tại Quân khu 2 (Vùng 2), trong suốt thời gian từ cuối tháng 3 đến những ngày đầu tháng 4, Nha Trang không tránh được sự hỗn loạn, nhốn nháo. Trong ngày 2 tháng4/1975, không có lực lượng nào có đủ sức duy trì trật tự cả an ninh trong thành phố. Theo tài liệu của Đại Tướng Cao Văn Viên thì Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 vẫn tiếp tục hoạt động tại Nha Trang đến hết ngày 2/4/1975. Tuy nhiên theo hồi ký của Thiếu tá Phạm Huấn, sĩ quan báo chí của Tư lệnh Quân đoàn 2, thì tối ngày1/4/1975, Tướng Phú và một số sĩ quan đã ngủ lại tại bộ chỉ huy của một tiểu đoàn Địa phương quân phòng thủ căn cứ Không quân ởPhan Rang. Trong hai ngày đầu của tháng 4/1975, trận chiến đã diễn ra tại một số nơi trong địa phận tỉnh Khánh Hòa, Cộng quân bắt đầu pháo kích vào một số doanh trại quân đội gần Nha Trang.
Rạng sáng ngày 3/4/1975, Cộng quân bắt đầu tung quân tiến chiếm Nha Trang, 7 giờ sáng cùng ngày Bộ Tổng tham mưu ở Sài Gòn nhận được báo cáo là Cộng quân đã kiểm soát thành phố Nha Trang. Cùng thời gian này, thành phố Cam Ranh cũng bắt đầu di tản. Tại Ninh Thuận, gần một nửa số tiểu đoàn Địa phương quân tỉnh NinhThuận đã triệt thoái khỏi vị trí phòng thủ. Tuy nhiên nhờ có các tiểu đoàn Nhảy Dù đương phòng ngự gần Phan Rang nên Cộng quân không mở được những cuộc tấn công vào thị xã này.

* Những giờ cuối cùng của Tư lệnh Quân đoàn 2
Những giờ cuối cùng của Thiếu Tướng Phú tại Nha Trang đầy bi tráng. Trong nhật ký hành quân mang sang Mỹ được và được phổ biến trong cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Thiếu tá Phạm Huấn – sĩ quan Báo chí-đã ghi lại một số sự kiện xảy ra cho vị tư lệnh Quân đoàn 2 với nội dung được tóm lược như sau:
5 giờ 50 chiều ngày 1/4/1975, Thiếu tướng Phú vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 Không quân ở Nha Trang, nhưng vị tư lệnh Sư đoàn này đi vắng. Ôngphải ngồi ngồi đợi, 20 phút sau thì Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Oánh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Không quân và Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Lượng, Tư lệnh Sư đoàn 2 Không quân, bước vào. Lúc bấygiờ , Thiếu tướng Phú ngồi ở chiếc ghế sát bàn của Tư lệnh của Sư đoàn 2 Không quân. Tướng Lượng và Tướng Oánh thấy Thiếu tướng Phú không chào hỏi và tới ngồi ở bàn khác đối diện. Thấy thái độ và cách xử sự khác thường của vị tư lệnh Sư đoàn 2 Không quân, một trong 2 sư đoàn Không quân thống thuộc quyền điều động của bộ tư lệnh Quânđoàn 2, Thiếu tướng Phú hơi ngạc nhiên nhưng rồi ông chợt hiểu. Ông hỏiTướng Lượng:
-Có chuyện gì xảy ra?
Chuẩn tướng Lượng không trả lời, mặt lầm lì. Còn Chuẩn Tướng Oánh, vớigiọng từ tốn, lễ độ nói với Thiếu tướng Phú:
-Tôi muốn thưa với Thiếu tướng tôi được chỉ định làm Tư lệnh Mặt trận Nha Trang, vì Quân đoàn 2 không còn nữa. 
Tướng Phú mặt biếnsắc, hỏi dồn:
-Lệnh ai? Anh nhận lệnh ai?
Tướng Oánh vẫn điềm đạm, chậm rãi nói:
 -Thưa Thiếu tướng, lệnh của Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam, của Trung tướng Đồng Văn Khuyên từ Sài Gòn.
Nghe Tướng Oánh trình bày, Tướng Phú cảm thấy danh dự bị tổn thương, vì theo tổ chức quân đội, người có quyền ra lệnh cho ông là Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng, còn Trung tướng Khuyên là Tham mưu trưởng, không có quyền ra lệnh cho các Tư lệnh Quân đoàn, về vai vế và quyền hạn thì Tư lệnh quân đoàn và Tư lệnh quân chủng chỉ xếp sau Tổng tham mưu trưởng. 18 giờ 40 Tướng Phú dùng điện thoại tại văn phòng Tướng Lượng để gọi về Sài Gòn gặp trung Tướng Khuyên. Ngay từ câu đầu tiên, Tướng Phú đã hét lên trong ống liên hợp:
-Trung tướng hỏi tôi đi đâu à? Tôi bay chỉ huy.
Sau một hồi tranh cải, Tướng Phú nói lớn:
-Tôi là Tư lệnh Quân đoàn. Đi đâu, đó là quyền của tôi. TrungTướng Thuần (Chỉ huy trưởng trường Hạ sĩ quan) cùng đi trên máy bay chỉ huy của tôi mấy tiếng đồng hồ, nhưng tôi không cần trungTướng phải tin. Và tôi cũng không phải trình Trung tướng.
19 giờ 45 phút cùng ngày, Tướng Phú ra trực thăng bay về Phan Rang. Khi ông vừa ngồi lên xe Jeep để ra bãi đậu trực thăng, thì một sự việc bất ngờ xảy ra. Một xe chở đầy lính và vũ khí phóng tới, một Thiếu tá Không quân nhẩy xuống nói lớn:
-Tại sao, tại sao, các ông là Tướng lại bỏ lính chạy. Ai phòng thủ căn cứ này.
Khi đó, Thiếu tá Huấn cùng đi với Tướng Phú, đã ngồi đè lên người Tướng Phú, và chĩa khẩu AR 18 về phía người sĩ quan này và nói:”Anh không được vô lễ, ông Tướng Tư lệnh Quân đoàn không có nhiệm vụ phải phòng thủ căn cứ Không quân”. Cuối cùng thì mọi việc êm xuôi, Tướng Phú hiểu được sự phẫn nộ của vị sĩ quan Không quân và những người lính đi cùng.


* Quân đoàn 2 bàn giao phần lãnh thổ còn lại cho Quân đoàn 3.
Đêm 1 tháng 4/1975, Thiếu tướng Phú nằm dưới chân núi, trên một cái giường bố, tại ban chỉ huy của một tiểu đoàn Địa phương quân Ninh Thuận, phòng thủ căn cứ Phan Rang. 1 giờ 45 trưa ngày 2 tháng 1/1975, Tướng Phú bay đến ngọn đồi “Lầu Ông Hoàng” ở Phan Thiết chờ Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh phó Quân đoàn 3, để thảo luận về việc bàn giao phần lãnh thổ còn lại của Quân đoàn 2  & Quân khu 2 được lệnh sát nhập vào Quân đoàn 3.
Theo kế hoạch,Quân đoàn 3 chính thức phụ trách tuyến Ninh Thuận-Bình Thuận từ ngày 3/4/1975. Vào giờ này, Bộ Tham mưu của Thiếu tướng Phú chỉ còn lại Thiếu tá Vinh,chánh văn phòng; Thiếu tá Hóa, tùy viên; Thiếu tá Huấn, sĩ quan báo chí và Đại tá Đức, Quyền Tư lệnh Sư đoàn 23BB.
Đúng 2 giờ 12 phút chiều cùng ngày, Thiếu tá Hóa trình với Tướng Phú là trực thăng của Tướng Hiếu sắp đáp xuống. Khi Thiếu tá Hóa vừa quay gót, Thiếu Tướng Phú rút khẩu súng ngắn ra khỏi vỏ, nhưng tiếng hét thất thanh của Đại tá Đức vang lên: “ThiếuTướng!”, ngay sau đó, khẩu súng trên tay Tướng Phú bị Đại tá Đức gạt bắn xuống đất. Tướng Phú không chết trong ngày 2 tháng4/1975, nhưng 28 ngày sau ông đã tự sát tại Sài Gòn.

* Cuộc hội ngộ cuối cùng của hai vị Tư lệnh Quân đoàn:
Cũng theo nhật ký của Thiếu tá Huấn, trước đó vào 5 giờ chiều ngày 30 tháng 3/1975, Tướng Phú đã bay ra Cam Ranh, để cùng với Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, Tư lệnh Hải quân Vùng hai duyên hải, đi trên một soái hạm chỉ huy ra vùng biển ngoài Cam Ranh để đónTrung tướng Trưởng đang bị bệnh nằm trên tàu HQ 404 từ Cam Ranh vào (Tướng Trưởng đã phải bơi từ bờ để ra tàu hải quân đậu ngoài biển). Trên tàu lúc này có rất đông chiến binh Thủy quân Lục chiến từ Quân khu 1 vào. Tướng Phú và Phó Đề đốc Minh phải khó lắm mớilách xuống được chỗ Tướng Trưởng nằm dưỡng bệnh.
Theo ghi nhận của Thiếu tá Huấn, có mặt vào giờ phút đó, thì lúc này TướngTrưởng thở thoi thóp nhờ bình nước biển. Quanh Trung tướng Trưởng có Chuẩn Tướng Nguyễn Đức Khánh, Tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân (Đà Nẵng), Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, Tỉnh trưởng Thừa Thiên. Tướng Phú ghé sát tai Tướng Trưởng hỏi hai lần, nhưng sắc diện Tướng Trưởng không thay đổi. Nhưng rồi có một giây Tướng Trưởng ngước nhìn lên. Đôi mắt như muốn bật máu vì uất ức. Chi tiết về cuộc gặp gở này cũng đã được Hải quân Trung tá Nguyễn Đại Nhơn, hạm trưởng HQ 404 kể lại trong một bài viết phổ biến vào năm 1995. Có một điểm khác biệt về mốc thời gian là tài liệu của Trung tá Nhơn thì lại ghi là cuộc gặp gở giữa Tướng Phú và Tướng Trưởng diễn ra vào tối ngày 1/4/1975, (nhật ký của Thiếu tá Huấn ghi là 5 giờ chiều 30/3/1975, như đã trình bày ở trên). Trong khi đó theo lời kể của một số sĩ quan đi theo Tướng Trưởng, HQ 404 rời Đà Nẵng ngày29/3/1975 và đến chiều ngày 30/3/1975 thì đã vào vùng biển ở ngoài Cam Ranh.
Theo lời của Trung tá Nguyễn Đại Nhơn, Hạm trưởng HQ 404, tối ngày 1/4/1975, Tướng Phú đã đi tàu nhỏ cập vào chiến hạm để lên tàu thăm và nói chuyện với Tướng Trưởng. Tình cờ khi vào phònglấy hồ sơ, ông Nhơn đã nghe câu nói của Tướng Phú: “Dù sao đi nữa tôi cũng còn vài tiểu khu ở đây với tôi chiến đấu”. Cũng cần ghi nhận rằng Tướng Phú đã có một thời gian làm việc chung với Tướng Trưởng : năm 1967, khi còn là đại tá, ông là Tư lệnh phó Sư đoàn 1 do Tướng Trưởng làm tư lệnh; năm 1972, khi Trung tướng Trưởng là Tưlệnh Quân đoàn 1 thì Tướng Phú là Tư lệnh Sư đoàn 1 thuộc Quânđoàn này). Cuộc gặp gỡ của hai vị tư lệnh Quân đoàn diễn ra đúng 10 phút. Sau đó, Thiếu tướng Phú đứng nghiêm chào từ biệt Trung tướng Trưởng. Rồi ông bước nhanh ra khỏi căn phòng nhỏ của chiến hạm, những sự kiện bi tráng chờ đợi ông, người hùng Điện Biên Phủ năm nào!

Vương Hồng Anh

No comments:

Post a Comment