Thursday, April 4, 2013

Phản ứng về vấn đề biển Đông và những hệ lụy lịch sử



Vào ngày 7.5.1988, chưa đầy hai tháng sau kiện Gạc Ma, tướng Lê Đức Anh – bấy giờ là Bộ trưởng Quốc phòng VN có mặt tại Trường Sa nhân cuộc mít tinh kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân. Tại đây, ông đã đọc một bài diễn văn quan trọng. Đáng chú ý là một số đoạn trong bài diễn văn ca ngợi “sự giúp đỡ của TQ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và có hiệu quả. Nhân dân VN vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân TQ đã dành cho mình”.
Diễn văn tiếp tục khẳng định: “tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc VN những tội lỗi mà các triều đại phong kiến TQ đã gây đau khổ cho dân tộc VN suốt hàng ngàn năm đô hộ”. Ta cũng nhận thấy, mặc dù đoạn kết của bài diễn văn có nói đến các chiến sỹ hy sinh vì Tổ quốc nhưng không hề có một chữ nào trực tiếp nhắc đến 64 người lính VN vừa hy sinh trong nỗ lực bảo vệ đảo Gạc Ma ở Trường Sa.
Tất nhiên, chúng ta hiểu, phản ứng đó của tướng Lê Đức Anh là một thông điệp của VN gửi đến TQ và chắc rằng TQ sẽ nghiên cứu rất kỹ càng, tìm xem trong đó ẩn chứa cái gì. Người TQ là bậc thầy trong việc phát đi những thông điệp, tỷ như Nhân dân Nhật báo TQ bất ngờ đăng một tấm ảnh nhà báo Mỹ Edga Snow đứng bên cạnh Mao Trạch Đông trên lễ đài Thiên An Môn trong bối cảnh quan hệ hai nước đang diễn ra căng thẳng. Đáng tiếc (cho TQ) là Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã bỏ qua tín hiệu này vì có lẽ họ đã không thể nhận ra được sự tinh tế của hành động đó.
Một điều cần lưu ý, phản ứng của VN trước sự khiêu khích của TQ ngày 14.3.1988 tại Trường Sa chưa hẳn là một phản ứng tức khắc, nghĩa là vẫn còn có thời gian lựa chọn. Một phản ứng tức khắc bao giờ cũng là việc khó khăn hơn. “Lúc đó, phía ta cũng có nhiều ý kiến khác nhau về quyết định đánh hay không đánh. Bản thân chỉ huy trưởng Giáp Văn Cương muốn đánh, nhưng cuối cùng chúng ta đã quyết định đấu tranh bằng pháp lý để bảo vệ chủ quyền” (theo Thượng tá Hoàng Hoan).
Phản ứng “đấu tranh bằng pháp lý” của VN dẫn đến một hệ lụy lịch sử: những người lính VN (chỉ còn cách) nắm tay nhau làm thành một “vòng tròn bất tử” nhưng cũng không thể bảo vệ được Gạc Ma. Trong tình huống đó, đối diện với quân TQ hung hãn và tàn ác, những người lính anh dũng của VN có thể làm gì hơn là phải chấp nhận hy sinh?
Còn đây là một phản ứng khác của VNCH. Khi nhận được báo cáo về sự khiêu khích của tàu TQ ở khu vực Hoàng Sa, Tổng thống Thiệu phản ứng rất nhanh chóng, quả đoán, kiên quyết: “tìm cách ôn hòa mời các chiến hạm TQ ra khỏi lãnh hải VN. Nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này. Nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ VNCH”. Phản ứng của Tổng thống Thiệu dẫn đến một hệ lụy lịch sử – hải quân VNCH chấp nhận giao chiến với hải quân TQ để bảo vệ Hoàng Sa trước sự gây hấn liên tục và xâm lăng của họ. Dù rằng kết cục sau trận hải chiến là toàn bộ Hoàng Sa rơi vào tay TQ nhưng ý nghĩa lịch sử của trận đánh, tinh thần dám đánh, tính cách anh hùng, lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người lính VN đã làm cả thế giới tôn trọng và lịch sử sẽ còn ghi nhớ mãi.
Thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều phản ứng của VN về vấn đề biển Đông, nói chung hầu hết không phải là những phản ứng nhanh chóng, trong khi không ít những tình huống cần phải có phản ứng ngay. Ngược lại, người ta cho rằng nhiều phản ứng của VN lại quá chậm. Sự kiện mới đây, một tàu cá VN bị quân TQ bắn cháy ngày 20.3.2013, mãi tới năm ngày sau (25.3.2013), VN mới có phản ứng. Lập tức, ngày hôm sau, Hồng Lỗi – người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ đáp trả với sự xuyên tạc vừa xấc xược, vừa ngạo mạn. Ông ta không hiểu rằng, vấn đề bi đát của TQ không phải là sự thật đương đầu với sự dối trá mà là sự thật đương đầu với sự thật.
Phân tích chuỗi các sự kiện, chúng ta có thể hiểu các phản ứng của VN về vấn đề biển Đông. Nhìn chung, các phản ứng đó thường khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của VN trên biển Đông, tiếp đó phản đối hành động của TQ, sau cùng là nêu một số yêu cầu hoặc đề nghị với TQ. Ngôn ngữ, ý tứ, giọng điệu thường giống nhau, trong khi các sự kiện liên tiếp diễn ra và tính chất, mức độ, quy mô của các sự kiện ngày càng nghiêm trọng. Liệu ai có thể đoán biết được những phản ứng đó sẽ dẫn đến những hệ lụy lịch sử gì? Người TQ, như đã nói ở trên, là bậc thầy của những thông điệp, họ sẽ nghiên cứu rất kỹ phản ứng của VN để vạch ra chiến lược của mình. Đó là điều rất hiển nhiên.
“Mỹ họ sẽ nghiên cứu rất kỹ đấy” – lời của Hồ Chí Minh chỉ thị cho ông Nguyễn Minh Vỹ – người sau này tham gia cuộc hòa đàm Pari và một Tiểu ban có nhiệm vụ soạn thảo một bản Tuyên bố vào thời gian Hoa Kỳ đưa nhiều quân vào Nam VN lập Bộ chỉ huy quân sự và cũng là thời điểm Mặt trân Dân tộc giải phóng miền Nam VN ra đời. Ông Vỹ và Tiểu ban soạn thảo đã cân nhắc từng câu từng chữ hết sức chặt chẽ khi soạn thảo bản Tuyên bố. Chẳng hạn, tố cáo Hoa Kỳ “tăng cường chiến tranh” hay “mở rộng chiến tranh”? Hành động của Hoa Kỳ là “uy hiếp” hay “uy hiếp trực tiếp” toàn vẹn lãnh thổ VNDCCH? Đối với cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam thì “hoan nghênh” hay “biểu dương ca ngợi”? Đấu tranh theo “tinh thần cương lĩnh” hay “cương lĩnh” của Mặt trận? Đối với miền Bắc thì kêu gọi “ủng hộ” hay “tích cực ủng hộ” để làm “thất bại” hay “đánh bại” âm mưu của Hoa Kỳ? Dự thảo của bản Tuyên bố được Hồ Chí Minh xem xét, sửa chữa rất kỹ, sau đó còn chuyển cho các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng có ý kiến. Đó quả thật là những phản ứng lịch sử.
Hai năm sau, “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” nổi tiếng xẩy ra. Quốc hội Hoa Kỳ, với số phiếu tuyệt đối, nhất trí thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, cho phép Tổng thống Johnson, với tư cách là Tổng Tư lệnh quân đội, “thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm đánh lui mọi hành động tấn công vũ trang chống các lực lượng Hoa Kỳ và ngăn ngừa những hành động xâm lăng khác”.
“Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” là một bước ngoặt có ý nghĩa rất lớn, liên quan đến cuộc chiến VN. Bấy giờ, ý định của các nhà lãnh đạo Bắc VN là hạn chế chiến tranh ở miền Nam, không để lan ra miền Bắc.
Cuộc đụng độ ngày 2.8 là rất rõ ràng. Theo tướng Hoàng Nghĩa Khánh, vào ngày 2.8.1964, khi hải quân báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu có khu trục hạm Mỹ đi vào hải phận VN và xin chỉ thị. Trực chỉ huy là tướng Trần Quý Hai trả lời: “Ủa! Cách xử trí như thế nào à? Tàu địch vào hải phận của ta thì phải đánh chứ còn chờ gì nữa”. Thật là đơn giản, nhanh chóng và rõ ràng. Theo Huy Đức, tác giả Quyền Bính – Bên Thắng Cuộc cho biết “Trần Quý Hai nói là đã báo cáo Bộ Chính trị trước khi ra lệnh nhưng kiên quyết không nói cụ thể báo cáo ai. Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải kỷ luật. Trong khi, Văn Tiến Dũng nói, “mình không đánh nó thì nó cũng sẽ đánh mình, bản chất đế quốc là thế”. Cuối cùng Trần Quý Hai nhận kỷ luật cho dù ai cũng biết phía sau lệnh này là ai”.
Còn cái gọi là cuộc tiến công ngày 4.8 thì đến nay vẫn còn tranh cãi. Mặc dù các thủy thủ Hoa Kỳ báo cáo có tổng cộng 22 quả ngư lôi phóng về phía họ và ít nhất ba tàu Bắc VN bị bắn trúng trong một trận giao tranh kéo dài 4 giờ, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng nào ? Trận đánh diễn ra trong một đêm tối trời, không có trăng sao và sấm chớp đầy trong khu vực. Người ta cho rằng dường như các tàu khu trục đã hành động như những kẻ thần hồn nát thần tính. Mc Namara nói, có thể lúc ấy, Mỹ có hai phán đoán sai lầm nghiêm trọng.
Từ trong lịch sử, chúng ta thấy, phản ứng về các sự kiện liên quan đến biển Đông của VN rất khác nhau, tùy thuộc tính chất của sự kiện, phẩm chất người lãnh đạo, chỉ huy, tùy thuộc vào hoàn cảnh, tình huống và vì vậy, nó dẫn đến những hệ lụy lịch sử khác nhau. Tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh luôn luôn đúng trong mọi trường hợp. Nhưng vấn đề ở chỗ, cái “bất biến” của VN hiện nay là gì? Đó chính là chủ quyền quốc gia, là hòa bình nhưng phải là hòa bình trong độc lập, tự do. Và đó cũng là danh dự VN!

Blog Lê Mai

No comments:

Post a Comment