Monday, April 8, 2013

Sự nghiệp cựu thủ tướng Thatcher

 
Bà Margaret Thatcher, người mới qua đời vì đột quỵ, là một trong những nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.
Di sản của bà đã ảnh hưởng sâu sắc tới chính sách của những người kế nhiệm bà thuộc cả đảng Bảo thủ và đảng Lao động, trong khi cách tiếp cận cấp tiến và đôi khi đối đầu của bà đã định hình khoảng thời gian 11-năm cầm quyền của bà tại số 10 Phố Downing.

Tuy nhiên việc bà khước từ có sự đồng thuận chính trị làm cho bà trở thành một nhân vật gây chia rẽ và sự chống đối các chính sách của bà và phong cách điều hành chính phủ của bà cuối cùng đã dẫn đến cuộc phản kháng ngay chính bên trong đảng bà và tình trạng bất ổn trên đường phố.

Ảnh hưởng của người cha

Bà Margaret Hilda Thatcher sinh ngày 13 tháng 10 năm 1925 ở Grantham, Lincolnshire, con gái ông Alfred Roberts, một người bán tạp hóa, và vợ ông, bà Beatrice.
Cha bà, một linh mục dòng Methodist và là ủy viên hội đồng địa phương, đã có một ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống và các chính sách mà bà sẽ áp dụng.
Bà học ngành khoa học tự nhiên tại Somerville College, Oxford, và là người phụ nữ thứ ba trở thành Chủ tịch Hiệp hội Đại học Oxford của Đảng Bảo thủ.
Sau khi tốt nghiệp, bà chuyển đến Colchester làm việc cho một công ty nhựa và tham gia Đảng Bảo thủ địa phương.
Năm 1949, bà là ứng cử viên của Đảng Bảo thủ giành ghế của Dartford ở Kent nhưng đã không thành công trong cuộc tổng tuyển cử năm 1950 và 1951.
Tuy nhiên, bà đã gây thiệt hại đáng kể cho đảng lao động và là ứng cử viên trẻ tuổi nhất, thu hút rất nhiều chú ý của giới truyền thông.
Năm 1951, bà kết hôn với một doanh nhân đã ly dị vợ, ông Denis Thatcher, và bắt đầu chuẩn bị thi lấy chứng chỉ luật sư tranh tụng và bà đủ điều kiện là một luật sư vào năm 1953, cũng là năm bà sinh đôi một trai, một gái, Mark và Carol.
Bà trúng cử vào Quốc hội giành ghế ở Finchley vốn thường thuộc về đảng Bảo thủ tại cuộc tổng tuyển cử 1959.
Trong vòng hai năm, bà được bổ nhiệm là thứ trưởng, và sau thất bại của Đảng Bảo thủ năm 1964, bà được bổ nhiệm vị trí nội các của đảng đối lập.

'Người cướp sữa'

Khi Sir Alec Douglas-Home từ chức khỏi vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, bà Thatcher đã bỏ phiếu cho ông Ted Heath trong cuộc bầu lãnh đạo đảng năm 1965 và phần thưởng cho bà là vị trí người phát ngôn về nhà đất.
Bà vận động mạnh mẽ cho quyền của người thuê nhà hội đồng thành phố được mua nhà của họ và là người thường xuyên chỉ trích chính sách thuế cao của đảng Lao động.
Khi ông Ted Heath là Thủ tướng vào năm 1970, bà được vào nội các nắm giữ chức vụ Bộ trưởng giáo dục với chỉ thị thực hiện cắt giảm chi tiêu trong bộ mình.
Một trong những việc để làm được điều đó là việc thu hồi sữa vốn là miễn phí ở trường giành cho trẻ em từ 7 đến 11 tuổi, dẫn đến các cuộc tấn công gay gắt từ lao động và chiến dịch báo chí gọi bà là "Margaret Thatcher, người cướp sữa".
Bản thân bà đã tranh luận trong nội các chống lại việc bỏ sữa miễn phí.
Là một trong số ít phụ nữ có tham vọng chính trị, nên không tránh khỏi người ta nói tới chuyện bà có thể, một ngày nào đó, trở thành Thủ tướng. Tương tự như báo chí đã từng đồn đoán xung quanh Bộ trưởng Lao động Shirley Williams.
Bà Margaret Thatcher đã bác bỏ suy nghĩ đó. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, bà nói rằng bà không tin sẽ có một nữ Thủ tướng vào thời của bà.
Chính phủ của ông Heath đã chẳng kéo dài được bao lâu. Bị đánh tơi tả do cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, chính phủ buộc phải áp dụng một tuần ba ngày làm việc và phải đối mặt với cuộc đình công thợ mỏ, chính quyền của ông Edward Heath cuối cùng sụp đổ vào tháng Hai năm 1974.

Vừa là chính trị gia vừa là nội trợ

Cựu Thủ tướng Anh, Margaret Thatcher
Bà Thatcher là trong số ít phụ nữ có tham vọng chính trị

Bà Thatcher giữ vị trí Bộ trưởng môi trường của đảng đối lập. Năm 1975, tức giận trước những gì bà nhìn nhận là sự thay đổi ngược hẳn lại của ông Heath về chính sách kinh tế của đảng bảo thủ, bà đã đứng ra tranh cử chống lại ông vào chức lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Khi bà đi vào văn phòng của ông Heath và nói với ông về quyết định của mình, ông đã thậm chí không buồn ngửng lên. "Bà sẽ thua ", ông nói. "Xin chào."
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, bà đã đánh bại ông Heath ngày ở vòng bầu cử đầu tiên, buộc ông phải từ chức, và bà đã loại ông Willie Whitelaw ở vòng hai để trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một đảng chính trị lớn của Anh.
Bà nhanh để lại dấu ấn của mình. Một bài phát biểu vào năm 1976 chỉ trích chính sách đàn áp của Liên Xô đã dẫn đến một tờ báo Nga mệnh danh bà là "Lady Iron," – Bà Đầm Thép - một điều đã đem lại niềm vui cá nhân lớn cho bà.
Với cương vị của một người nội trợ vừa là một chính trị gia, người hiểu lạm phát có nghĩa như thế nào đối với các gia đình bình thường, bà thách thức quyền lực của nghiệp đoàn mà những cuộc đình công của họ gần như diễn ra liên tục vào thời điểm vẫn được gọi là "mùa đông của sự bất mãn" vào năm 1979.
Khi chính phủ của ông Callaghan chao đảo, đảng Bảo thủ tung ra một chiến dịch dùng áp phích vận động cho thấy một dòng người được cho là những người thất nghiệp đứng xếp hang bên dưới dòng chữ "Lao động không làm việc/không có tác dụng".
Ông Jim Callaghan mất một lá phiếu tín nhiệm vào ngày 28 năm 1979. Quan điểm của bà được nhiều cử tri ưa thích và năm 1979 đảng Bảo thủ thăng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.

Chính sách tiền tệ

Là thủ tướng, bà quyết tâm sử đổi chính sách tài chính của đất nước bằng cách giảm bớt vai trò của nhà nước và thúc đẩy thị trường tự do.
Cắt giảm lạm phát là trọng tâm của chính phủ và một ngân sách cấp tiến về thuế và cắt giảm được áp dụng.
Hàng triệu những người trước đây đã có ít hoặc không có cổ phần trong nền kinh tế nay nhận thấy họ có thể sở hữu ngôi nhà mình đang ở và mua cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước trước đây.
Chính sách tiền tệ mới làm cho thành phố London trở thành một trong những trung tâm tài chính sôi động và thành công nhất trên thế giới.
Sản xuất theo kiểu cũ, mà các nhà chỉ trích phàn nàn là đang tạo ra một vùng đất hoang công nghiệp, ngày càng đi xuống dốc trước nhu cầu tạo ra một nước Anh mới có tính cạnh tranh hơn. Thất nghiệp tăng lên tới trên 3.000.000 người.
Đã có tình trạng bất ổn đáng kể trong số đảng viên đảng Bảo thủ và, cùng với các cuộc bạo loạn ở một số khu vực trong thành phố, có thể thấy áp lực đòi bà Margaret Thatcher để sửa đổi các chính sách của mình.
Thế nhưng Thủ tướng Thatcher đã từ chối không chịu khuất phục. Bà nói tại một đại hội đảng vào năm 1980: "Với những người đang nín thở chờ đợi câu cửa miệng được ưa thích trên các phương tiện truyền thông, U-turn – Quay ngược lại, tôi chỉ có một điều để nói: Qu‎ý vị quay ngược lại nếu muốn ... nhưng người phụ nữ này sẽ không thay đổi."

Chiến tranh Falklands

Cựu Thủ tướng Anh, Margaret Thatcher, và Tổng thống Mỹ, Ronald Reagan
Bà Thatcher coi Tổng thống Reagan là một đối tác chính trị thân thiết

Tới cuối năm 1981, đánh giá về mức ưa chuộng đối với bà Thatcher đã giảm xuống còn 25%, mức thấp nhất được ghi nhận đối với bất kỳ Thủ tướng nào cho đến thời điểm đó, nhưng kinh tế đã có thay chuyển biến.
Đầu năm 1982 nền kinh tế bắt đầu hồi phục, và cùng với nó là vị thế của Thủ tướng trong cử tri.
Bà được ưa chuộng nhiều nhất vào tháng 4 năm 1982 do phản ứng có tính quyết định của bà trước cuộc xâm chiếm của Argentina vào quần đảo Falkland thuộc Anh Quốc.
Thủ tướng Thatcher ngay lập tức gửi một lực lượng đặc nhiệm hải quân tới và các đảo đã được giành lại vào ngày 14 tháng 6 khi lực lượng Argentina đầu hàng.
Chiến thắng ở Falklands, cùng với tình trạng lộn xộn trong Đảng Lao động, khi đó do ông Michael Foot lãnh đạo, đã đảm bảo đảng Bảo thủ thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 1983.

Nhiệm kỳ thứ ba

Mùa xuân năm sau, nghiệp đoàn thợ mỏ đình công toàn quốc. Bà Thatcher không lùi bước. Và không giống với chính phủ của ông Edward Heath phải đương đầu năm 1973, chính phủ đã dự trữ sẵn than tại các nhà máy điện để chuẩn bị trước các cuộc đình công.
Đã xảy ra đụng độ tàn bạo giữa những người đình công và cảnh sát, nhưng các cuộc đình công cuối cùng đã bị sụp đổ vào tháng Ba. Nhiều cộng đồng khai thác mỏ đã không bao giờ hồi phục lại được từ cuộc tranh chấp đó và nó càng đẩy nhanh sự suy thoái của ngành công nghiệp than.
Ở Bắc Ireland, bà Thatcher đàn áp các cuộc đình công tuyệt thực của IRA (Đội quân Cộng hòa Ailen), và ách tiếp cận cứng rắn của bà làm ngay cả những người theo chủ nghĩa dân tộc trung dung cũgn phải tức giận và các nhà chỉ trích nói rằng nó đã đẩy nhiều người Công giáo trẻ tuổi tới con đường bạo lực.
Mặc dù bà cố gắng xoa dịu căng thẳng giáo phái, đề nghị để chính phủ Cộng hòa Ailen ở Dublin có một vai trò nhưng nỗ lực hòa bình vẫn sụp đổ do sự chống đối mạnh mẽ của phe thân Anh.
Vào tháng 10 năm 1984, một quả bom IRA đã phát nổ trong khách sạn nơi diễn ra Đại hội đảng Bảo thủ ở thành phố Brighton. Năm người thiệt mạng và nhiều người khác, trong đó có Bộ trưởng nội các Norman Tebbit, bị thương nặng.

'Phản bội với một nụ cười'

Cựu Thủ tướng Anh, Margaret Thatcher
 Bà được một tờ báo Nga mệnh danh là Bà Đầm Thép vì các chính sách của bà

Nó đã gây ra những cuộc bạo động đường phố tồi tệ nhất mà người ta còn nhớ được.
Bà Thatcher đã dễ dàng thắng trong một cuộc thách thức vai trò lãnh đạo của bà từ một người đảng viên ít biết đến vào năm 1989 nhưng nó là một dấu hiệu về sự bất mãn ngày càng tăng giữa các nghị sĩ đảng bảo thủ trước chính sách của bà.
Trở về từ một hội nghị thượng đỉnh châu Âu đầy chia rẽ bà đã thẳng thắn chống lại các đối tác châu Âu của mình, từ chối không chấp nhận bất cứ gia tăng quyền lực nào của châu Âu và đã khiến nhiều đồng nghiệp tức giận.
Sir Geoffrey Howe, bất mãn vì bị đẩy ra khỏi chức vụ Ngoại trưởng, đã nắm cơ hội và thách thức bà ở cương vị lãnh đạo đảng.
Ngày hôm sau, ông Michael Heseltine cũng tham gia cuộc tranh tài. Chỉ thiếu hai phiếu để có thể ngăn cuộc bỏ phiếu không phải sang vòng hai, bà Margaret Thatcher tuyên bố bà sẽ tiếp tục cuộc chiến.
Được một số đồng nghiệp thân cận "những người đàn ông trong những bộ comple màu ghi" nổi tiếng nói cho biết bà sẽ thua, bà dùng cuộc họp nội các tuyên bố từ chức. Sau này bà nói lại một cách cay đắng: "Đó là sự phản bội với nụ cười trên môi."
Ông John Major được bầu làm người kế nhiệm và bà Margaret Thatcher rời khỏi chính trường vào năm 1992 khi đảng Bảo thủ, mgược với mọi dự đoán, đã một lần nữa trở lại nắm quyền.

Những năm tháng sau


Bà trở thành quí tộc với danh hiệu Nam tước Thatcher của Kesteven ở Quận Lincolnshire, và được tặng Order of the Garter vaof năm 1995.
Bà viết hai cuốn hồi ký trong khi vẫn hoạt động chính trị, vận động chống lại Hiệp ước Maastricht và lên án chính sách Serbia thanh trừng sắc tộc ở Bosnia.
Bà công khai ủng hộ ông William Hague vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ năm 1997.
Bà bị buộc phải giảm bớt các hoạt động của mình trong năm 2001 khi sức khỏe của bà bắt đầu xấu đi. Sau một loạt các cơn đột quỵ nhỏ, các bác sĩ của bà khuyên bà không nên xuất hiện và phát biểu trước công chúng và bà trông ngày càng yếu đi.
Việc bà bị mất trí nhớ được cô con gái bà, Carol, tiết lộ năm 2008.
Khi ông Denis chồng bà - người bà mô tả là "điểm tựa" - qua đời năm 2003 ở tuổi 88, bà đã nói về ông với những tình cảm thật cảm động.
"Là thủ tướng là một nghề cô đơn. Ở một nghĩa nào đó, nó nên như thế - bạn không thể lãnh đạo từ một đám đông. Nhưng với Denis ở bên tôi chưa bao giờ cô đơn cả. Thật là một con người, một người chồng, một người bạn..."
Một năm sau đó, cô sang Mỹ để dự tang lễ và tạm biệt đối tác chính trị của mình, Ronald Reagan, vào tháng 6 năm 2004..

Di sản

Ít chính trị gia có thể thể hiện vai trò thống lĩnh như vậy trong nhiệm kỳ của mình và ít chính trị gia đã thu hút tình cảm ủng hộ và chống đối tới như vậy.
Đối với những người phản đối bà thì bà là chính trị gia đã đặt thị trường tự do trên hết và đã sẵn sàng cho phép những người khác phải trả giá cho chính sách của bà về tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và bất ổn xã hội.
Những người ủng hộ bà ca ngợi bà đã đẩy lùi tiền tuyến của một nhà nước quá tải, làm giảm ảnh hưởng của giới lãnh đạo công đoàn và khôi phục lại vị thế của nước Anh trên thế giới.
Trên hết, bà là, và đó là một điều hiếm có, một chính trị gia có niềm tin, sẵn sàng đứng bảo vệ những niềm tin đó.
Niềm tin vững chắc của bà rằng sự tin tưởng sâu sắc không bao giờ nên bị nhân nhượng bởi sự đồng thuận – đó là sức mạnh và cũng là điểm yếu lớn nhất của bà.

BBC

No comments:

Post a Comment