Wednesday, May 29, 2013

Ra Trường Sa mới hiểu VN chưa có một ngày hòa bình

Cần phải tổ chức thêm nhiều chuyến thăm Trường Sa, tuyên truyền mạnh mẽ cho người dân biết tình hình ở vùng biển đầu sóng ngọn gió, đang bị sức ép dữ dội từ âm mưu xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Đó là cảm nhận của, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt.Vừa đi thăm quần đảo Trường Sa về, ông đã vui lòng trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.


RFI : Kính chào ông Nguyễn Văn Mỹ. Thưa ông, qua chuyến đi vừa rồi ông có những cảm nghĩ như thế nào ?

Ông Nguyễn Văn Mỹ : Vừa rồi đi Trường Sa thì có rất nhiều việc để nói. Trước khi đi thì náo nức, cảm giác rất lạ và có một chút hồi hộp. Hành trình suốt 10 ngày lênh đênh trên Biển Đông mình có rất nhiều cảm nhận, từ thực tế không chỉ của Trường Sa mà cả Hoàng Sa, về cũng trăn trở suy nghĩ. Có cả niềm vui, cả ray rứt và cả nỗi buồn.

Nỗi buồn đầu tiên là mình biết rõ thực tế của Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa thì Trung Quốc đã chiếm toàn bộ. Như vậy về Hoàng Sa thì không còn gì để bàn cãi nữa, mặc dù Việt Nam có tổ chức chính quyền huyện đảo Trường Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng, nhưng mà đó chỉ là huyện ảo thôi.
Còn Trường Sa thì cũng không như chúng tôi nghĩ. Khi đi mình cứ tưởng đơn giản là của Việt Nam. Nhưng mà Trường Sa hiện nay thì có quân đội của 5 nước đang chiếm đóng ở trên đó. Sớm nhất là Đài Loan, chiếm đảo Ba Bình – đảo lớn nhất ở Trường Sa. Việt Nam chiếm giữ nhiều đảo nhất : 24 đảo, tiếp theo là Philippines 9 đảo, Malaysia 7 đảo, Trung Quốc 7 đảo.
Toàn bộ Trường Sa có khoảng 100 đảo lớn nhỏ, trong đó có 36 đảo nổi, tức là đảo có đất. Còn lại đa phần là đảo chìm, tức là khi thủy triều xuống thì mới nổi đá lên. Chưa kể những bãi đá ngầm, tức là những bãi mà tàu chạy qua không được, mình không thấy nó nhô lên khỏi mặt nước – những rạn san hô và bãi đá ngầm.
Năm nước đang có quân đội chiếm đóng. Riêng Brunei thì không có quân chiếm đóng nhưng cũng đang có yêu sách về Trường Sa. Quần đảo Trường Sa cách Philippines khoảng 230 hải lý, cách Cam Ranh của Việt Nam và Malaysia khoảng 245 hải lý, và cách Trung Quốc 558 hải lý, cách Đài Loan 813 hải lý. Rất xa !
Mặc dù diện tích chưa tới 6 km vuông, nhưng trong số 5 quân đội đang chiếm giữ Trường Sa thì có 4 sân bay của 4 nước. Đó là Đài Loan, Việt Nam, Philippines và Malaysia. Có một điều ngạc nhiên là Malaysia mới chiếm các đảo ở Trường Sa vào năm 1983. Thủ tướng Badawi từng đến thăm Trường Sa vào năm 2009, và Malaysia có cả cơ sở làm du lịch trên đảo của họ.
Còn Trung Quốc thì họ chiếm từ năm 1988 rồi gây sự, sau đó tới năm 1995 và 2005 họ vẫn tiếp tục chiếm những đảo chìm. Bởi vì là đảo chìm cho nên Trung Quốc chưa thể làm sân bay được. Quân đội các nước khác dù có chiếm đóng nhưng mà lâu nay cũng chỉ đấu tranh trên bàn ngoại giao. Chỉ có Trung Quốc là nghênh ngang nhất !
Ngoài chuyện đường lưỡi bò mà mọi người đều biết rồi, trong hải trình mà chúng tôi đi Trường Sa thì gặp tàu hải giám Trung Quốc nghênh ngang trên Biển Đông. Nó chạy cách tàu mình khoảng vài cây số, và mình cũng phải dè chừng, tránh cái động thái mà người ta gọi là khiêu khích. Hành động của Trung Quốc là hết sức ngang ngược, làm cho các thành viên trong đoàn rất khó chịu.
Thật ra đường của họ, họ vẫn đi, đường mình, mình vẫn chạy. Chỉ có điều một số chỉ huy trên tàu yêu cầu anh em mình không được ra lố nhố đứng ngoài tàu, có thể tạo cớ khiêu khích nó. Mà tôi cũng chẳng biết là khiêu khích cái gì ! Bởi vì anh em mình chỉ ra chụp hình, rồi xem mặt mũi cái tàu nó như thế nào thôi. Tàu màu trắng, to lắm ! Chắc chắn mặc dù mang tiếng hải giám nhưng nó trang bị vũ khí hạng nặng ở trên đó.
RFI : Bên cạnh đó ông còn những cảm nhận nào khác ?
Khi đi Trường Sa thì tôi cảm nhận ra một điều. Thật ra lâu nay chúng ta giáo dục cho lớp trẻ về biển đảo chưa rõ lắm. Mà ngoài hai từ rất là chính xác « đất nước », « Tổ quốc », thì người ta hay dùng từ « giang sơn » và « non sông » hay là « sơn hà ». Thì như vậy chỉ có núi và sông thôi, mà không có biển đảo. Cho nên tôi nghĩ rằng có lẽ phải dùng chính xác là Tổ quốc Việt Nam, đất nước Việt Nam bao gồm cả lãnh thổ và biển đảo.
Một điều tôi cảm nhận nữa là trước đây tại sao có tình trạng 5 nước cùng chiếm giữ da beo như vậy. Là bởi vì lâu nay chúng ta chưa quan tâm cái điều đó lắm, cho nên những đảo đó bỏ hoang thì các nước họ ra họ chiếm thôi !
Tất cả lực lượng của 5 nước chủ yếu là quân sự, chỉ có một số dân. Dân đông nhất trên Trường Sa là của Philippines, khoảng chừng 240 người. Sau đó là của Việt Nam, khoảng gần 200 người. Mỗi nước đều có một đơn vị hành chính trên Trường Sa.
RFI : Tình hình ở những đảo Việt Nam đang đóng như thế nào thưa ông ?
Tôi có lên thăm các đảo mà Việt Nam đang đóng thì thấy lực lượng quân sự, rồi có cả dân sự. Tất cả đều sẵn sàng chiến đấu, và trong tâm thế phòng thủ thôi. Ở Trường Sa thì các đảo nổi thì chúng ta xem được, rồi có các đảo chìm, bãi cạn, và bên cạnh đó có khái niệm nhà giàn.
Lên đảo thì mình thấy ngoài lính đảo còn có dân. Trên đảo chính Trường Sa thì chúng tôi thấy có cả trường học, chùa, nhà văn hóa, rồi cũng có một cái nhà khách. Đến thăm các đảo, thì thấy anh em luôn sẵn sàng chiến đấu, và họ rất là lạc quan. Ở chỗ nào họ cũng tăng gia sản xuất, tận dụng từng khoảnh không gian. Ở trên nhà giàn họ cũng trồng được rau, từ những loại rau dền, mồng tơi, rau sam, rau muống cho tới lá mơ…Và đặc biệt trên nhà giàn DK14 tôi gặp một cành mai có nguyên một bông mai nở rất đẹp, mặc dù bây giờ là tháng Năm, tức là nở muộn rồi.
Những đảo của Việt Nam thì mình có phần nào yên tâm. Nhưng cái lo lắng nhất hiện nay – tôi nhắc lại, Trường Sa có quân đội của 5 nước đang chiếm giữ, và trong đó thì cái đáng sợ nhất, liên tục bành trướng, hung hăng, là Trung Quốc. Cụ thể là ngày 16/5 vừa qua thì Trung Quốc xua 32 tàu đánh cá tràn xuống Trường Sa. Họ vừa nghênh ngang đánh cá, vừa cấm các nước khác đánh cá, trong khi Trường Sa là của mình. Tình hình khá phức tạp, dù mình nói là của mình, nhưng để xác định chủ quyền thì hoàn toàn không đơn giản chút nào cả.
Một điều ray rứt nữa, là trong khi nhân dân Trung Quốc tin rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của họ, khi tôi đi làm việc với một số đơn vị Trung Quốc tại Quảng Châu và Hải Nam thì các cơ quan hành chính, sau lưng các sếp đều có bản đồ Biển Đông và đường lưỡi bò rất rõ. Nhưng ở Việt Nam, điều này chúng ta làm rất hời hợt. Thậm chí như bản thân chúng tôi từ thực tế Trường Sa về chúng tôi mới biết thực trạng, chứ lâu nay thì mình biết không chính xác và cũng không rõ ràng. (Điều làm chúng tôi rất lo lắng là, có thể mình kiên nhẫn, nhẫn nhục nhưng mà Trung Quốc có thể nói là mình càng nhịn nó càng lấn tới).
RFI : Phương tiện tuần tra trên biển của Việt Nam như thế nào ? Các tàu hải giám Trung Quốc hùng hậu như vậy, còn phía Việt Nam được biết đã có cảnh sát biển ở Trường Sa ?
Tại vì Biển Đông tất nhiên là rất rộng, và lâu lâu mình mới gặp một cái tàu, cho nên thật ra dùng tàu quân sự mà đi kiểm soát thì cũng không phải đơn giản đâu. Riêng lượng tàu của Việt Nam thì chưa thể bằng lượng tàu Trung Quốc tràn ra trên Biển Đông ngày càng nhiều hơn.
Tôi nghĩ chủ trương của Nhà nước là hết sức kềm chế, kiên quyết không nổ súng gây sự trước. Hai bên thì như thế, nhưng rồi thì cũng tìm cách vừa có vẻ như giương oai diễu võ nhưng bên này cũng kềm chế bên kia để tránh có thể xảy ra đụng độ. Còn lực lượng cảnh sát biển của ta cũng có, tôi bắt gặp cả anh em bộ đội đặc công trên tàu.
RFI : Tổ chức những chuyến đi Trường Sa như vậy có khó khăn lắm không thưa ông ?
Có thể nói là bây giờ Trường Sa, Hoàng Sa là một cái gì rất là thiêng liêng của người Việt rồi. Đặc biệt là những người còn thao thức với vận mệnh đất nước, với chủ quyền lãnh thổ thì có thể nói họ rất là hào hứng.
Thật ra tôi đi Trường Sa không phải với tư cách doanh nghiệp du lịch, mà với tư cách là Câu lạc bộ truyền thống của Thành Đoàn, vì trước đây tôi là cán bộ của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Anh em đề nghị là đi khảo sát tour, và cố gắng khi về có cách gì đó để tổ chức tour.
Chuyến đi để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng, bởi vì tôi cũng là cựu chiến binh, tôi hiểu những gian khổ của người lính. Cho nên khi mà đi ra Trường Sa thì mình cảm được chuyện đó. Sài Gòn và các thành phố ở trong đất liền thì tạm yên ổn, nhưng mà ở Trường Sa thì anh em xa nhà vẫn cầm chắc tay súng bảo vệ biên cương và sẵn sàng chiến đấu. Tình hình có những lúc rất là căng. Mình nghĩ là chiến tranh rất khó xảy ra, nhưng không thể nói trước được điều gì cả.
Một điều nữa là trước đó tôi đã từng đi Trung Quốc nhiều lần, tôi cảm nhận rằng thật ra người Trung Quốc họ cũng không thích chiến tranh. Nhân dân Trung Quốc thì họ cũng không muốn gây sự với ai, trừ một số tướng lĩnh diều hâu, những người mà theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, được sự khuyến khích của một vài lãnh đạo, cho nên họ mới như thế.
Và ra Trường Sa thì mình hiểu một điều là, như vậy đất nước Việt Nam vẫn chưa hề có hòa bình ! Tức là một phần vẫn trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu, và ở đó có thể là cái chết vẫn rình rập.
Người lính vẫn còn rất thiếu thốn. Ví dụ như là thiếu nước. Nước thì phải sử dụng các nguồn nước mưa, gom lại và xài rất là dè xẻn. Rồi thiếu rau, bởi vì có nước đâu mà trồng rau. Những đảo chìm thì không có nước – những đảo như là những cái nhà nổi lên giữa biển, nhưng mà nó sát mặt nước. Còn cái nhà giàn nằm lơ lửng ở trên trời thì lại càng khó khăn nữa ! Cho nên anh em vẫn rất thiếu thốn, gian khổ. Nếu không đi thì mình không thể nào cảm được.
Trong đoàn đi có rất nhiều người, nhân sĩ, trí thức, đủ thành phần cả, vì tôi đi cái đoàn đó là của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thì tất cả đều có cùng tiếng nói chung là thề dứt khoát là không để mất thêm đảo nào của Trường Sa. Bởi vì nhiều lý do nên chúng ta cũng đã mất khá nhiều đảo. Mà bây giờ đòi lại thì phải nói rằng hết sức khó khăn. Chỉ mong là làm sao đừng có đổ máu tiếp tục nữa.
Trung Quốc họ vẫn kêu gào là cùng khai thác. Một mặt họ kêu như thế nhưng một mặt họ lại uy hiếp. Thứ hai là cũng không thể khai thác chung với Trung Quốc được. Họ đưa những giàn hiện đại đến, họ chơi một phát là bao nhiêu tấn dầu, còn mình là mình khai thác cò con. Dứt khoát là riêng đối với Trung Quốc thì phải cẩn thận, chứ còn từ hồi nào tới giờ họ chuyên uy hiếp các nước nhỏ. Và với Việt Nam thì có quá nhiều bài học rồi.
Trở lại đất liền thì tôi mong muốn làm sao phải đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền về biển đảo. Tôi có đề nghị với Bộ tư lệnh Hải quân và lãnh đạo thành phố tổ chức cho người dân được đi ra du lịch. Nhưng mà các anh ấy bảo rằng thật ra hiện nay chưa thể làm được. Năm 2004, Tổng cục Du lịch từng tổ chức một đoàn các doanh nghiệp lữ hành qua đó khảo sát, thì sau đó Trung Quốc phản đối quyết liệt. Và hình như mình sợ Trung Quốc cho nên mình im luôn !
Thì tôi bảo rằng nếu chưa tổ chức đi du lịch để tránh tạo cớ cho Trung Quốc gây sự, thì mình có thể nói chúng tôi đưa người dân Việt Nam đi ra thăm bộ đội, thăm nhân dân ở trên quần đảo Trường Sa của chúng tôi. Hiện nay hàng năm đều tổ chức nhiều đoàn đi ra thăm, tặng quà, hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho quân dân Trường Sa.
RFI : Theo ông thì nên tổ chức nhiều chuyến thăm Trường Sa nữa phải không ạ ?
Lâu nay thì chỉ có cán bộ được mời. Tôi nghĩ là có thể tổ chức cho nhân dân với danh nghĩa là đi thăm, và anh em sẵn sàng đóng một khoản tiền để đi, mặc dù hơi lớn. Chi phí đi ra Trường Sa hiện nay là khá lớn, bởi vì tôi đi hôm đó là đi từ Cát Lái ra Vũng Tàu, rồi bắt đầu từ Vũng Tàu mới đi ngược ra Trường Sa. Cho nên nếu đi từ Cam Ranh thì sẽ gần hơn. Và nếu là tàu cứu hộ thì chi phí lớn lắm. Nhưng mà chúng tôi nghĩ rằng nhiều anh em sẵn sàng bỏ tiền ra.
Tôi có nói với lãnh đạo quân chủng Hải quân cũng như Thành ủy là chúng tôi sẵn sàng tổ chức cái tour này, và toàn bộ tiền thu được sẽ gởi vào Quỹ Vì Trường Sa thân yêu. Ngoài việc mở rộng giáo dục tuyên truyền về biển đảo, và nên nói rõ ràng thực tế chứ cũng không nên né tránh. Có sao mình nói vậy thôi, chứ mình cứ né tránh, lơ lửng người ta lại càng dễ suy diễn, người ta đồn thổi những tin không tốt.
Hiện nay bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền như vậy, thì phải tổ chức cho một số anh em có điều kiện được đi ra thăm quần đảo Trường Sa, để họ được mục sở thị, họ về kể lại. Chứ còn bây giờ nhiều khi dân chưa được đi mà chỉ một số cán bộ được đi thôi. Thậm chí rất nhiều cán bộ muốn đi cũng chưa được đi, như vậy rất là tiếc.
Chỉ cần mỗi năm mình cho ra được vài đoàn thì số này họ sẽ về lan tỏa ra. Có trải nghiệm thực tế, tai nghe mắt thấy về họ sẽ cho người khác biết. Và tôi nghĩ rằng không nên chậm trễ nữa. Làm càng sớm càng tốt !
Tôi hỏi một số người thì có khi họ cũng không biết là Trường Sa nằm ở đâu. Cái bi kịch hiện nay là rất nhiều ấn phẩm Việt Nam, kể cả những ấn phẩm Việt Nam ở nước ngoài quên mất quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hoặc là tô quần đảo Hoàng Sa màu khác, coi như không phải là của mình. Những cái điều khá nguy hiểm, mặc dù nhỏ nhưng mà gây hệ quả.
RFI : Còn về thái độ trước những hành động xâm lấn của Bắc Kinh, lúc nãy ông có nói lên nỗi lo là càng nhẫn nhịn thì Trung Quốc càng lấn tới ?
Cần phải có thái độ mạnh mẽ hơn. Họ chiếm Hoàng Sa của mình rồi họ nghênh ngang đưa khách du lịch ra. Trong khi đảo của mình, đất của mình thì mình lại không dám đưa khách ra. Đó là điều mà tôi ray rứt. Về mình cũng suy nghĩ mà thật ra tôi biết là Nhà nước sẽ có đối sách, có cách xử lý của riêng họ, nhưng mà mình cũng chưa hiểu hết được, cho nên mình vẫn băn khoăn, vẫn lo.
Tôi đang sợ là không khéo cứ cái đà này thì Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn khác. Đảo thì bây giờ gần như hết rồi, nhưng có thể một số bãi cạn Trung Quốc nó sẽ bành trướng, rồi nó làm khó dễ nữa, như đã từng làm trong ngày 16/5 vừa qua. Và tôi nhắc lại, phản đối của Nhà nước Việt Nam hết sức là yếu ớt. Chưa kể một số hành động khác, nhiều khi mình vô tình tạo cho người ta suy diễn là mình nhượng bộ Trung Quốc.
Cái thực trạng rối ren hiện nay ở Trường Sa, tôi nghĩ rằng một phần nào có trách nhiệm của Nhà nước chúng ta. Lâu nay nhiều khi chúng ta không thật sự quan tâm – do nhiều thứ, có thể khách quan là do khó khăn, rồi bị phân tán, và có cái chủ quan là chưa quan tâm. Chứ nếu chúng ta đưa quân ra chiếm giữ tất cả các đảo thì làm sao mà mấy ông khác chiếm được. Đặc biệt là Malaysia, tôi nhắc lại, họ mới chiếm được từ năm 1983 tới nay thôi.
Tôi nghĩ rằng nhân dân cũng mong muốn Nhà nước có thái độ mạnh mẽ hơn. Nếu không hơn thì ít nhất phải bằng Philippines, và mình sẽ góp chung tiếng nói. Chứ nếu không, mình là nước trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nhất của sự bành trướng, uy hiếp của Trung Quốc, mà lại để cho Trung Quốc càng lấn tới như vậy thì đánh mất sự ủng hộ của bè bạn. Kể cả những nước muốn ủng hộ mình, nhưng người ta thấy mình không quyết liệt thì người ta cũng không nhiệt tình lắm.
Một điều nữa là chắc chắn phải đưa chuyện này ra quốc tế, để tránh rơi vào cái bẫy của Trung Quốc – cứ yêu cầu giải quyết song phương. Không song phương được !
RFI : Xin chân thành cám ơn ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh.

No comments:

Post a Comment