Monday, July 1, 2013

Người lính Mỹ trả xương tay bộ đội CSVN


Bác sỹ quân y Hoa Kỳ Sam Axelrad, người cắt bỏ cánh tay người lính Bắc Việt Nguyễn Quang Hùng để cứu ông khỏi chết vì nhiễm trùng, trao lại cánh tay sau gần 50 năm.

Ông Hùng bị thương ở tay sau khi rơi vào ổ mai phục của quân Mỹ cách An Khê, nơi ông sinh sống, khoảng 75 km hồi năm 1966.
Sau khi lao xuống suối để tránh đạn và lánh nạn trong ba ngày, quân Mỹ tìm thấy ông và đưa về bệnh viện dã chiến.
Bác sỹ Axelrad nói khi tới bệnh viện cánh tay ông Hùng đã ngả màu tím và ông phải chặt tay người bộ đội cộng sản để cứu ông khỏi chết vì nhiễm trùng.
Cả vị bác sỹ và người lính Bắc Việt khi đó đều mới 27 tuổi.
Các đồng nghiệp của ông Axelrad đã luộc cánh tay, gỡ thịt khỏi xương, dùng giây nối xương lại với nhau và đưa cho ông Axelrad, người mang về Hoa Kỳ khi rời quân ngũ.
Ông Axelrad nói với BBC: "[Lúc đầu] tôi cất nó trong nhà kho và vài năm gần đây tôi để nó trên bàn làm việc."
Vị bác sỹ kể lại quá trình tìm lại người lính Bắc Việt năm xưa:
"Tôi không chắc là ông ấy sống sót. Khi tôi mở vali quân đội của tôi ra sau hơn 35 năm, những gì tôi nhìn thấy làm tôi choáng váng.
"Trong đó có các tài liệu, các loại giấy tờ và khoảng 200 phim nhựa và khi tôi xem lại tôi thấy ảnh ông Hùng trong đó.
"Lúc ấy tôi đã quyết định sẽ trở lại Việt Nam. Tôi biết ông Hùng quê gốc ở Hà Nội và tôi thử tìm gia đình ông ấy.
"Hóa ra ông ấy không rời An Khê, một quyết định đúng đắn, và ông cùng gia đình có cuộc sống tốt đẹp. Tôi có cảm giác tôi là một phần của gia đình ông ấy và gia đình ông ấy cũng là gia đình tôi."
Nói về cuộc gặp hôm 1/7, ông Axelrad nói:
"Gặp ông [Hùng] là một khoảnh khắc rất đặc biệt đối với tôi.
"Ông ấy rất mừng khi tôi mang cánh tay trở lại và nhất là ông ấy mừng khi gặp tôi.
"Khi tôi bước lên các bậc thềm nhà, chúng tôi nhìn nhau và ôm chầm lấy nhau như anh em. Tôi rất mừng gặp lại ông [Hùng]."

Thi thể trọn vẹn

Bản thân ông Hùng nói ông rất hài lòng khi đoàn tụ với cánh tay của mình và khi qua đời sẽ được chôn cất với thi thể trọn vẹn.
Ông cũng nói ông sẽ dùng xương tay làm bằng chứng để được nhận trợ cấp thương tật.
Ông nói: "Tất cả giấy tờ quân đội của tôi bị mất nên không được coi là thương binh. Tôi hy vọng rằng xương tay này sẽ giúp tôi có được hỗ trợ của nhà nước cho cựu chiến binh."

"Xương tay của tôi là bằng chứng về đóng góp của tôi trong chiến tranh. Tôi sẽ giữ nó trong nhà, để trong tủ kính.
"Tôi sẽ nói với mọi người đến thăm nhà rằng 'Đấy, tôi đã đi lính."
Khoảng ba triệu binh lính và thường dân Việt Nam chết và khoảng 58,000 lính Mỹ bỏ mạng trong cuộc chiến kết thúc cách đây 38 năm.
Theo báo chí Mỹ, ông Hùng, năm nay 73 tuổi, bị trúng đạn trong một trận đánh vào tháng 10/1966 cách An Khê chừng 75 km.
Sau khi bơi xuôi dòng sông để tránh đạn, ông trú ẩn trong một kho gạo ba ngày và bị quân Mỹ bắt, đưa bằng trực thăng về bệnh viện Phú Cát, Bình Định.
Người Mỹ đã không giết ông như ông tưởng mà còn cứu ông bằng cuộc phẫu thuật khi tay bị nhiễm trùng.
Ông Hùng được giữ lại bệnh viện tám tháng, sau đó làm việc phụ giúp cho sáu bác sỹ Mỹ và sau chiến tranh đã làm nghề trợ giúp y tế tư nhân tại An Khê.

BBC

No comments:

Post a Comment