Sau 3 năm trúng thầu, dự án chợ Kim Nỗ vẫn trong tình trạng dở dang
Nội dung nổi bật:
+ Phóng viên VOV điều tra ra sự thật về vụ tham nhũng lớn liên quan đến Dự án Chợ Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.
+ Một nhà thầu không có năng lực nhưng vẫn chắc chắn trúng thầu do đã lo lót mọi chuyện.
Loạt phóng sự điều tra này còn cho thấy một thực tế: Vì sao Việt Nam
nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn nhưng vẫn gặp phải cái nhìn
quan ngại từ phía nhà đầu tư ở nước ngoài?Bài 1: Không có năng lực vẫn chắc chắn thắng thầu
Chứng cứ khó chối bỏTrong quá trình hợp tác, phát hiện đối tác liên tục có hành vi phạm pháp, ông Nguyễn Văn Toàn, doanh nhân định cư tại Nhật Bản, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Đầu tư Toàn Thắng (Cty Toàn Thắng), đã có đơn tố cáo gửi Báo VOV.
Để có được bằng chứng, ông Toàn đồng ý để phóng viên VOV đóng vai người của Cty Toàn Thắng tham gia các buổi làm việc giữa ông Toàn với ông Khúc Duy Thành, Giám đốc Cty CP Xây dựng & Đầu tư Thái Thịnh (Cty Thái Thịnh) – Chủ dự án Chợ Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Có hai lần, phóng viên VOV còn vào vai “Ủy viên HĐQT doanh nghiệp Nhật Bản”, “bay từ Nhật Bản về”, cùng với ông Toàn trực tiếp đàm phán với ông Thành về quá trình hợp tác kinh doanh Chợ Kim Nỗ.
Khi có nhiều bằng chứng là các băng ghi hình thể hiện nội dung tương đối thống nhất về hành vi phạm pháp với số tiền rất lớn của ông Thành qua 4 buổi làm việc với đối tác ở nước ngoài, phóng viên VOV cùng nhiều báo khác chính thức làm việc với ông Thành vào ngày 5/7/2013.
Sau phút ngạc nhiên đến mức suýt rơi điện thoại đang cầm trên tay, ông Thành đã bình tĩnh nghe đầy đủ nội dung các câu hỏi mà phóng viên đặt ra về tính xác thực của nội dung 4 buổi làm việc trước đó. Tuy nhiên, ông Thành không hề bác bỏ một nội dung nào, mà chỉ nói: “Các anh chơi không đẹp”, “Nội dung thì chỉ có thế, không có gì phải nhắc lại”, đồng thời xin số điện thoại của phóng viên để tiện liên hệ.
Tiếp tục xác minh, củng cố chứng cứ về những “tiết lộ” động trời của ông Thành qua 4 buổi làm việc, nhóm phóng viên đã làm việc với nhiều cơ quan chức năng và các cá nhân liên quan trên địa bàn huyện Đông Anh vào những ngày sau đó.
Khu chợ tạm trong thời gian triển khai dự án chợ Kim Nỗ theo chủ trương của TP.Hà Nội
Từ người thợ mộc thành ông chủ dự án
Ông Khúc Duy Thành tự bạch: “Bản thân em học hành cũng chẳng thành đạt cho lắm, nhưng em được cái là may mắn. Em có làm dự án bao giờ đâu. Đầu tiên, đi bộ đội về làm thợ hàn xì, là công nhân cơ khí, sau làm thợ mộc, rồi xoay sang làm thợ xây dựng. Mấy năm làm thì được bên quân đội, công an khu vực giúp đỡ mình. Lúc đầu vốn không có, chỉ xây dựng vài công trình như nhà cấp 4, vài bức tường rào, hay cái bếp, rồi có lúc cũng nhận được cái nhà to to”.
Về Dự án Chợ Kim Nỗ, ông Thành nói: “Em phải cố gắng lắm để làm bằng được dự án này. Vào đầu năm 2007, có ông anh ở huyện bàn với em, tới đây huyện Đông Anh sẽ phát triển theo hướng xã hội hóa đầu tư Chợ Kim Nỗ. Lúc đó cũng vui nhưng cũng lo, không biết làm thế nào và tiền ở đâu ra? Bao nhiêu vấn đề lúc đó đặt ra, rồi sau đó em đến bàn với anh Toàn…”.
Và hơn 1 năm sau, ngày 19/6/2009, ông Thành thành lập Cty CP Xây dựng & Đầu tư Thái Thịnh (Cty Thái Thịnh) do ông làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Ngày 11/9/2009, ông Thành ký “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với Cty Toàn Thắng do ông Nguyễn Văn Toàn làm Chủ tịch HĐQT, ông Đỗ Quý Dương làm Giám đốc Cty đại diện ở Việt Nam.
Hợp đồng có nội dung: “Góp vốn, hợp tác đầu tư để xây dựng và quản lý, khai thác kinh doanh Chợ Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tỷ lệ góp vốn đầu tư: Cty Toàn Thắng 60%; Cty Thái Thịnh 40%. Trong quá trình thực hiện mọi vấn đề liên quan đến việc triển khai dự án, Cty Thái Thịnh phải có trách nhiệm thông báo cho Cty Toàn Thắng biết để cùng bàn bạc và xử lý cũng như việc góp vốn”.
Chắc chắn trúng thầu
Để thuyết phục được Cty Toàn Thắng ký hợp đồng góp 60% vốn vào dự án, ông Thành đã nhiều lần khẳng định chắc chắn sẽ thắng thầu, bởi ông đã xây dựng được mối quan hệ với chính quyền xã Kim Nỗ và huyện Đông Anh.
Bằng chứng làm ông Toàn bị thuyết phục nhất về sự chắc chắn thắng thầu của Cty Thái Thịnh là ngay từ khi chưa tổ chức đấu thầu, ông Thành cho biết, đã biết rõ các mốc giới, diện tích của Dự án Chợ Kim Nỗ từ đâu đến đâu, rồi tiến hành cho xây tường bao quanh khu đất của dự án.
Chính vì thế, ngay sau khi ký Hợp đồng hợp tác, theo đúng cam kết về tỷ lệ góp vốn, ông Toàn đã phải chuyển ngay cho Cty Thái Thịnh 690 triệu đồng, tương đương 60% chi phí xây tường rào mà ông Thành nói Cty Thái Thịnh đã bỏ ra để xây tường rào, dù 7 tháng sau, Dự án mới được đưa ra đấu thầu.
Tuy nhiên, sau đó ông Toàn vẫn băn khoăn bởi ông Thành tiếp tục yêu cầu Cty Toàn Thắng phải tiếp tục đầu tư những khoản tiền không hợp pháp và không hợp lý. Trong khi đó, tại Quyết định số 3328/QĐ-UBND, ngày 22/8/2007, do Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Phí Thái Bình ký, ghi rõ điều kiện, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án là phải: “Có tư cách pháp nhân; Có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp; Có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại; Có tiềm lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh khai thác chợ…”.
Theo chính lời ông Thành và căn cứ vào hồ sơ, thì Cty Thái Thịnh mới thành lập hơn 1 năm, Dự án Chợ Kim Nỗ là dự án đầu tiên Cty tham gia, năng lực chuyên môn không có, vốn liếng cũng không, phải chèo kéo Cty Toàn Thắng tham gia góp vốn tới 60%.
Nhưng kết quả lại đúng như lời khẳng định của ông Thành, ngày 19/7/2010, Cty Thái Thịnh đã chính thức trúng thầu Dự án Chợ Kim Nỗ, có diện tích 7.906m2 và tổng dự toán trên 30 tỷ đồng.
“Quân xanh, quân đỏ”
Sáng ngày 25/6/2013, tại trụ sở Cty Toàn Thắng, cùng với sự có mặt của ông Toàn, phóng viên VOV đóng vai là một thành viên HĐQT mới từ Nhật về, muốn nghe lại toàn bộ quá trình thực hiện và tham gia đấu thầu Dự án Chợ Kim Nỗ.
Tại cuộc làm việc, ông Toàn nêu rõ: Trong thời gian hợp tác, Cty Toàn Thắng đã nhiều lần có công văn, điện thoại và trực tiếp làm việc, đặt vấn đề góp vốn theo thỏa thuận. Tuy nhiên, do Cty Thái Thịnh đòi phải trả trước phần chi phí ngoài, trong đó có chi phí quan hệ, bôi trơn mà ông Toàn cho là bất hợp pháp và không hợp lý, nên việc góp vốn bị dừng lại.
Còn ông Thành thì hy vọng lần này đối tác nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư cho dự án đang dở dang (thực tế sau 3 năm vẫn gần như chưa triển khai được gì nhiều) nên đã cởi mở hết lòng.
Ông Thành lại khoe có mối quan hệ rất gắn bó rất sâu sắc với chính quyền địa phương, nói rõ từng tên, từng thành phần chức vụ cán bộ xã, cán bộ huyện, ai là người giúp đỡ, giúp như thế nào, “lại quả” ra sao và vì sao ông chắc chắn sẽ trúng thầu 100%.
Ông Thành kể rất chi tiết đã bàn với cán bộ huyện và xã, rồi “quân xanh, quân đỏ” đều là người do ông Thành “dựng” lên. Ông Thành cho biết: “Có 5 đơn vị tham gia đấu thầu, trong đó có Cty Thái Thịnh, còn 4 đơn vị khác là do em bàn với họ. Theo Luật Đấu thầu, mỗi đơn vị tham gia phải “bỏ” ra 1 tỷ. Mà họ chỉ giúp mình tham gia đấu thầu thôi, còn tiền mình phải ứng cho họ chứ…”.
Theo ông Toàn, ông rất muốn tham gia đầu tư, nhưng phải làm đúng pháp luật, vì thế ông chỉ chuyển cho ông Thành 1,5 tỷ để đóng cái suất của Cty Thái Thịnh, và từ chối việc tạm ứng 4 tỷ cho 4 đơn vị tham gia đấu thầu.
Vì ông Toàn không ứng 4 tỷ đồng đóng thay cho 4 đơn vị “quân xanh” nên ông Thành kêu khổ, phải tự chạy vạy.
Ông Thành kể: “Tiền tỷ nhà em lấy đâu ra. Em phải thế chấp nhà mà vẫn không đủ. Trong một ngày, một đêm vợ chồng em phải lo bằng được, kể cả đi vay lãi cao 10 đến 15%. Em phải chấp nhận để có 4 tỷ chuyển vào tài khoản cho 4 Cty kia. Lúc đó em khẳng định với anh Toàn chắc chắn là sẽ trúng thầu, vì em đã bàn rất kỹ và thống nhất với chính quyền rồi. “Quân xanh, quân đỏ” đều là của mình cả. Cán bộ xã, cán bộ huyện em đều Ok rồi. Thế mà anh ấy không tin em…”.
Cũng lời ông Thành: “Chờ trúng thầu lâu quá, em có ý định bỏ cuộc vì 2 lý do. Một là, đã đóng hơn 1 tỷ đồng, trót ném tiền “bôi trơn” cứ tồm tộp như ném đất xuống sông. Hai là, cũng không biết thế nào cho vừa để được dự án này. Mà có được thì lấy tiền đâu ra vài chục tỷ để đầu tư tiếp? Lúc bấy giờ em đã nhảy sang lĩnh vực xây dựng đâu…”.
Kết thúc câu chuyện, ông Thành mời chúng tôi tham quan khu vực dự án. Tất cả vẫn ngổn ngang. Phần chính của khu chợ chưa hề được xây dựng mét vuông nào; các hộ kinh doanh vẫn bày bán những mặt hàng trên nền chợ cũ; có 37/80 ki-ốt đã xây, thực tế là những ngôi nhà liền kề 2,5 tầng theo kiểu nhà ở cho từng hộ gia đình. Nhìn chung, sau 3 năm trúng thầu, ông Thành mới thực hiện được khoảng 25 – 30% khối lượng công trình.
Đến chiều ngày 25/6/2013, ông Thành mời chúng tôi về trụ sở Cty Thái Thịnh và bố trí máy chiếu màn ảnh rộng giới thiệu quy mô dự án cùng với hệ thống camera đang theo dõi hoạt động công trường Chợ Kim Nỗ cách trụ sở chừng 25km.
Ông Thành còn khoe, rồi trình chiếu một dự án xây dựng chợ ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có quy mô gần gấp đôi Chợ Kim Nỗ, và nói: “Nếu muốn đầu tư em sẽ “bắn” sang cho các anh toàn bộ dự án này, ngon hơn, lớn hơn và tiền “bôi trơn – lót bi” cũng ít hơn nhiều so với Chợ Kim Nỗ. Em sắp “nhảy” vào một dự án mới cũng trên địa bàn huyện Đông Anh, cách Chợ Kim Nỗ không xa… Quan hệ có hết rồi, cách làm cũng Ok rồi, chỉ tội không có tiền thôi. Các anh ở nước ngoài có tiền, nếu phối hợp là em Ok hết”.
Kết thúc buổi làm việc, ông Thành cho biết, nếu Cty Toàn Thắng muốn toàn quyền đầu tư, kinh doanh Dự án Chợ Kim Nỗ thì đưa cho ông 80 tỷ đồng; còn nếu tiếp tục cùng đầu tư thì phải chấp nhận nộp các khoản tiền, kể cả tiền “bôi trơn” các quan chức để trúng thầu dự án, theo đúng tỷ lệ 60/40.
“Cái bẫy” Hợp đồng hợp tác
Ngày 21/8/2013, làm việc với Ban Quản lý Dự án huyện Đông Anh, phóng viên VOV được biết, trước khi tham gia đấu thầu Dự án Chợ Kim Nỗ, Cty Thái Thịnh còn ký một “Hợp đồng hợp tác kinh doanh – góp vốn đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác ba chợ” với một doanh nghiệp có tên là Cty TNHH Xây dựng Hải Âu (Cty Hải Âu) tại TP. Bắc Giang. Hợp đồng này có trong Hồ sơ dự thầu, cũng có tỷ lệ góp vốn như hợp đồng ký với Cty Toàn Thắng: Cty Hải Âu góp 60%, Cty Thái Thịnh góp 40%.
Ông Nguyễn Văn Toàn đã vô cùng ngạc nhiên khi biết thông tin này. Chỉ đến lúc này ông Toàn mới ngớ ra khi hiểu rằng Hợp đồng hợp tác cùng góp vốn đầu tư để xây dựng và quản lý, khai thác kinh doanh Chợ Kim Nỗ, được ký giữa 2 Cty với tỷ lệ góp vốn của Cty Toàn Thắng chiếm tới 60% nhưng không được ông Thành đưa vào hồ sơ dự thầu Dự án Chợ Kim Nỗ.
Có nghĩa là Cty Toàn Thắng không có danh nghĩa pháp lý gì đối với Dự án Chợ Kim Nỗ. Trên thực tế, trong quá trình triển khai dự án, Cty Thái Thịnh đã tự ý quyết định và đưa ra yêu cầu các khoản chi phí, dù là bất hợp pháp, để bắt Cty Toàn Thắng phải chấp nhận, nếu không thì dọa sẽ chấm dứt hợp đồng.
Đến đây, dấu hiệu lừa đảo doanh nhân định cư ở nước ngoài trong hoạt động đầu tư Dự án Chợ Kim Nỗ của ông Khuất Duy Thành đã rõ. Tất nhiên, hành vi phạm pháp của ông Thành không chỉ có thế.
VOV
No comments:
Post a Comment