Đáy trách nhiệm quan chức luôn là đỉnh phẫn uất của nhân dân.
Giết sống!
Mùa
mưa lũ 2013, người dân nghèo Đắc Lắc lại có thêm một bằng chứng không
cần che giấu về cái đáy mà họ đang phải đối mặt. Cú xả lũ vào vùng trũng
lòng dân của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vào giữa tháng 9/2013 là
một chứng thực mang tính bất chấp như thế.
Vụ
việc nhẫn tâm này xảy ra tại địa bàn xã Cư K'bang, huyện Ea Súp, nơi có
đến 11 người mất tích trong khi đi làm rẫy tại vùng giáp ranh với xã Ia
Lơi. Theo tường thuật của báo Lao Động, trong số người mất tích, lực
lượng cứu hộ chỉ tìm thấy thi thể một người chết treo trên ngọn cây,
nhưng do nước chảy xiết nên vẫn chưa đưa được vào bờ.
Thống
kê chưa đầy đủ cho thấy tại huyện Ea H'leo có 91 ngôi nhà bị ngập, 14
nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 3 nhà bị sập do mưa lũ. Nguyên nhân chủ yếu
do việc xả lũ hồ chứa nước thị trấn Ea Đrăng.
Một
lần nữa trong không ít lần từ nhiều năm qua, vô cảm quan chức đã dồn
tình cảnh dân chúng xuống những gì mà kịch tác gia vô sản Marxim Gorki
đã thẳng thừng lột tả trong vở “Dưới đáy” của ông vào đêm trước Cách
mạng tháng Mười Nga.
“Dưới đáy” ở Việt Nam cũng
là đêm không ngủ. Không một quan chức nào từ cấp địa phương đến ấp
trung ương lại thuộc về số nạn nhân chỉ trong phút chốc đã bị mất toàn
bộ tài sản nhỏ nhoi và miếng ăn còn sót lại, cũng đã không một hành động
nào được các “đầy tớ” làm sáng tỏ cho những cái chết trong quá khứ để
tránh thoát những cái chết vừa mới xảy ra.
“Vô
cảm” xem ra vẫn là từ ngữ nhẹ nhàng và lịch sự mà báo giới và dư luận
dành để mô tả về quan chức thời nay. Phú Yên những năm trước đã là một
điển hình về sự vô lương tâm chưa hề có đáy. Liên tiếp những cú xả lũ
của Thủy điện sông Hinh và Thủy điện sông Ba Hạ đã làm cho gần hết Tuy
Hòa ngập chìm trong biển nước. Một người đàn ông bị lật xuồng và một
người phụ nữ khác bị lũ cuốn trôi. Nhưng đau đớn đến tận cùng là những
nạn nhân tuổi còn đi học đã bị lũ cuốn phăng tuổi xuân khi dắt xe qua
cầu.
Khi nước lũ rút, hàng xóm tìm thấy thi thể
ba người cùng một gia đình quấn chặt lấy nhau bằng dây. Thì ra trong
phút lâm chung, những người hấp hối vẫn không muốn bị mất xác nhau.
Những
nén nhang và tiếng khóc thảm thiết của người dân huyện Đồng Xuân ở Phú
Yên vẫn còn đó. Chết mà không biết vì sao sinh mạng lại bị kết thúc đột
ngột đến thế, cũng không biết kẻ nào đã cướp đi đời mình mà không một
lời tạ tội.
Tội ác!
Tất
nhiên, EVN và nhà chức trách địa phương luôn có lý do để bao biện cho
hậu quả kinh khủng trên, với điều thường được viện dẫn là do “hoàn cảnh
khách quan bão lũ” mà khiến việc xả lũ là không tránh khỏi, nếu không
muốn làm ảnh hưởng đến tính mạng của hàng ngàn hộ dân trong vùng trũng.
Tuy
thế, cũng như nhiều lần lũ hồ thủy điện bị xả đột ngột vào dân như
trước đây, nhiều người dân Đắc Lắc cho biết đã không nhận được bất kỳ
thông báo sơ tán, di dời nào từ cấp chính quyền địa phương.
Vậy trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai – chính quyền địa phương hay EVN?
Giờ
đây, sau tất cả những hậu quả khó tha thứ, giới quan chức mới như nén
cười để bàn thảo với nhau về cái được gọi là “cần có quy chế phối hợp
trong việc xả lũ”.
Nhưng sau hàng loạt vụ xả lũ
như một cách giết sống người dân, vẫn không có bất kỳ một quan chức nào
bị đưa ra truy tố và xét xử. Mọi việc vẫn treo nguyên vẹn ở đó, hệt như
dòng lũ trắng luôn treo lơ lửng trên đầu người dân vùng rốn lũ.
Tội
ác đã đến từ cấp độ không chỉ vô cảm, mà còn hơn thế nhiều, rất nhiều.
Trước khi xả lũ vào vùng trũng nhân dân, Tập đoàn EVN đã từng bị xem là
một trong những cái rốn “cặn bã” nhất của khối doanh nghiệp độc quyền và
đặc lợi ở Việt Nam. Suốt trong những năm 2007-2008, doanh nghiệp được
xem là “cậu ấm hư hỏng” nhưng cũng là đứa con cưng của Bộ Công thương đã
làm nên một một kỷ lục ghê gớm về số lỗ do đầu tư trái ngành vào bất
động sản, chứng khoán, để vào năm 2013, một báo cáo của cơ quan chức
năng mới cho biết số lỗ còn treo mà EVN bị nhấn chìm trong đó lên tới
hơn 34.000 tỷ đồng, tương đương với hàng trăm ngàn ngôi nhà tình nghĩa.
Cũng
từ khi trở thành “nạn nhân” của đầu tư trái ngành, EVN đã hóa thân như
một trong những tác nhân ghê gớm nhất trút lỗ lên đầu người dân, với các
chiến dịch tăng giá điện được tiến hành không ngưng nghỉ, liên tiếp gây
sức ép lên đời sống dân sinh cùng kích động lạm phát. Dư luận cũng dội
lên một nghi ngờ rất lớn là cơ quan chủ quản của tập đoàn này – Bộ Công
thương – cũng đã không ít lần “đi đêm” cho những đợt tăng giá làm khốn
đốn dân tình.
Một lần nữa, giới báo chí phải
thổn thức về điều được gọi là “trách nhiệm” của EVN với câu hỏi cay
đắng: liệu EVN có nghĩa vụ gì đối với việc bồi thường về những tài sản
bị phá hoại của người dân trong đợt xả lũ đột ngột và gây chết người
thảm thương vừa qua ở Đắc Lắc? Và nếu trách nhiệm ấy được thực thi, liệu
tập đoàn này có lấy đó làm cái cớ để một lần nữa “bù lỗ vào dân” như đã
từng hành xử không nương tay trong mấy năm qua?
Những
năm qua, không một tiếng nói có trách nhiệm và đủ tự trọng nào được cất
lên từ Bộ Công thương, Bộ Tài chính hay Chính phủ để kềm giữ hành động
đổ lỗ lên đầu người dân của EVN. Thói vô lương tâm của quan chức vẫn
luôn dẫn tới vô số trác táng trên bàn tiệc và những cuộc chơi bất tận
thâu đêm, bất kể cảnh khốn cùng và bất chấp lời nguyền rủa từ những kẻ
đóng thuế bất hạnh.
Kết án!
Với
nhiều người dân và cả những công chức vẫn thê thiết trong thói quen cam
chịu, âu đó cũng là bi kịch của một đất nước kém phát triển. Phát triển
càng tụt hậu, đạo đức càng lụn bại thì càng khó có chuyện chịu trách
nhiệm hành chính về những hậu quả đã quá đủ để kết tội hình sự.
Người
ta vẫn không thể quên hậu sự Bộ trưởng Giao thông Hàn Quốc đã phải từ
chức chỉ sau vụ một cây cầu bị sập, hoặc Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản
phải ra đi sau một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một trường học… Ở
nhiều quốc gia phát triển, người ta luôn chứng kiến người dân sẵn lòng
biểu tình để biểu thị sự phẫn nộ chính đáng trước những chính sách bất
hợp lý và hậu quả xã hội mà giới quan chức gây ra. Vào đầu năm 2013,
cuộc xuống đường của hàng chục ngàn người dân thủ đô Sophia ở Bulgaria
phản kháng hành động tăng giá điện của hai tập đoàn điện lực tư nhân đã
khiến chính Thủ tướng của quốc gia này phải nghẹn lòng từ chức.
Nhưng
với Việt Nam, vẫn chưa có một cuộc biểu thị phẫn uất tương xứng với quá
nhiều hậu quả khủng khiếp về kinh tế và dân sinh, và vẫn còn lâu mới có
được “văn hóa từ chức”. Tất cả vẫn đang bị kìm nén bởi chính những đạo
luật về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình có lẽ còn lâu mới
được đẻ muộn bởi bà mẹ Hiến pháp.
Ở một đất
nước được xem là “đang trên đường phát triển” như Việt Nam, người ta vẫn
cố nén lòng nhẫn nhịn không thể hiểu nổi và còn chưa hồi kết. Tâm thế
trầm cảm trùm mền không thể diễn tả ấy lại vẫn lắng đọng trong vô số
hiện tồn ngổn ngang và vẫn ngày đêm hành hạ lương tâm của những người
còn rơi rớt lương tâm.
Nhưng cũng bởi chính tâm
lý cam phận như thế của đại đa số người dân mà trong não trạng của
những nhóm lợi ích đặc quyền và đặc lợi, ngay cả lương tâm cũng là một
thứ có thể “ăn” được. Đó cũng là lời cảm thán chẳng đặng đừng mới đây
của bà Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch nước – về chuyện “Ăn của dân không
chừa thứ gì”, cho dù cách đây không lâu chính khách xót xa này còn
giương cao khẩu hiệu “Dân chủ nước ta gấp vạn lần tư bản”.
Xót
xa thực chất phải cộng hưởng với cùng khổ không lối thoát. Dân chủ
không phải và không thể là những từ ngữ mị dân xen giả dối, mà phải bắt
nguồn từ chính miếng cơm manh áo của dân nghèo – điều mà tiền nhân của
những người cộng sản là Hồ Chí Minh đã sống và làm đúng như thế, nhưng
lớp hậu bối xem ra lại quá bất cẩn, giáo điều và giả tạo trong việc “học
tập và làm theo” tấm gương của ông.
Không thể
nói khác hơn, những vụ việc vô lương tâm của EVN và ngành thủy điện đang
đẩy trách nhiệm của giới quan chức xuống một cái đáy chưa tận cùng,
đồng thời thúc tình cảm phẫn nộ của các nạn nhân lên đến cận đỉnh điểm.
Hiện tình, cái được giới quan chức khối nội chính xem là “điểm nổ” chắc
chắn đã tiến xa hơn nhiều so với khái niệm “điểm nóng” trước đây, biến
hình tâm trạng người dân vào một cơn lũ mới với lưu lượng không thể tính
được từ động lượng phẫn nộ, mà mức đỉnh của nó có thể dâng vượt mặt của
giới chức chính quyền trong một tâm thế không còn gì để mất.
Không
thể nói khác hơn, một trong một số ít việc còn lại để hy vọng lấy lại
những gì đã mất là phải mổ xẻ đến tận cùng hành vi bị coi là tội ác của
EVN đối với nhân dân.
Không cần và không còn
thời gian để bàn về “quy chế phối hợp xả lũ” nữa. Mưa lũ vẫn đang và vẫn
sẽ tiếp diễn, ập xuống từ trên trời nhưng cũng sẽ dội lên từ lòng đất.
Sẽ còn những cái chết, nhiều sinh mạng bị đánh cắp và đánh cướp.
Phải có án cho những kẻ gây án!
Phạm Chí Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho BoxitVN.
No comments:
Post a Comment