Tướng Giáp và tác giả ngay sau lúc Đại Hội VI bế mạc tại Hội truờng Ba Đình, tháng 12/1986.
Trong dịp đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi yên nghỉ cuối cùng,
tôi kể lại câu chuyện dưới đây xảy ra vào một thời điểm gay go, ngỡ
ngàng nhất trong cuộc đời của ông, khi Đại hội đảng lần thứ VI vừa bế
mạc, với một kết thúc hết sức bất ngờ, do bàn tay thao túng của ông Sáu
Thọ, một nhân vật cực kỳ thâm hiểm trên chính trường Việt Nam. Đại hội
VI do đó cũng được gọi là «Đại hội của Anh Sáu ». Thêm một bằng chứng về
một chế độ toàn trị cá nhân.
Tại Đại hội VI họp cuối năm 1986, tình hình đất nước cực kỳ căng thẳng.
Sau sự kiện đánh chiếm Campuchia cuối năm 1978 và chiến tranh với Trung
Quốc đầu năm 1979, đất nước bị cô lập, cấm vận ngặt ngèo. Liên Xô trải
qua sóng gió Perestroika (Đổi mới) và Glasnost (Minh bạch), phong trào
Cộng sản quốc tế phân hóa trầm trọng, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức có
phong trào đối lập. Ở Việt Nam nền kinh tế lụn bại, cuộc sống nghiệt
ngã. Tình hình xã hội nặng nề dội vào trong đảng.
Đại Hội VI họp từ ngày 14/12/1986. Tổng Bí thư Lê Duẩn mới mất tháng
6/1986. Tổng Bí thư cũ Trường Chinh được giao chức quyền Tổng Bí thư đọc
Báo cáo chính trị. Ông được nhìn nhận có tư duy khá mới mẻ, chịu đổi
mới thật sự. Cương lĩnh đổi mới được ghi đậm trong các văn kiện dự thảo
và trong Báo cáo chính trị. Đại hội đảng các tỉnh thành, các ngành cũng
như các đoàn đại biểu trong đại hội đều tán thành, nhất là nội dung
khuyến khích kinh doanh tư nhân, quyền tự do sáng tạo, chuyển mạnh sang
kinh tế thị trường, mở rộng lưu thông hàng hóa, từ bỏ tư duy cổ hủ bao
cấp, quan liêu.
Sang ngày 17/12 bàn về bầu cử nhân sự mới, thăm dò, lấy ý kiến ở các
tổ về những chức vụ cao nhất sắp tới: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ
tướng, Chủ tịch Quốc hội, các tổ bàn với nhau từ sáng, đến chiều, đa số
28 tổ đều đi đến phương án: chức Tổng Bí thư giao cho ông Trường Chinh
làm một thời gian rồi chuyển cho Nguyễn Văn Linh qua một Đại hội giữa
nhiệm kỳ; Chủ tịch nước: Phạm Văn Đồng (đang là Thủ tướng); Thủ tướng:
Võ Nguyên Giáp (đang là Phó thủ tướng). Đa số tin rằng phương án này là
thích hợp, là tối ưu lúc đó; ông Trường Chinh tỏ ra cởi mở, đổi mới, bộ
ba này có vẻ hợp nhau, trong sạch, có kiến thức, sẽ có thể mở ra một
thời kỳ mới.
Đêm hôm ấy, một cuộc thay đổi đột ngột xảy ra, như một cơn động đất. Khi
ông Nguyễn Khánh, phó thủ tướng, theo chỉ thị ông Trường Chinh đến báo
cáo tình hình trên đây với ông Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng
ban Tổ chức trung ương đảng, tại nhà riêng ở đường Nguyễn Cảnh Chân -
là biệt thự tư dinh của Hiệu trưởng trường Albert Sarraut cũ - ông Thọ
liền có ngay sáng kiến xoay chuyển tình thế. Lúc này ông Thọ đã xuống
sức, chớm ho khan, bắt đầu bị bệnh ung thư vòm họng. Theo ông Nguyễn
Khánh kể lại, ông Thọ không trao đổi với ai, giao cho ông Nguyễn Khánh
đến gặp ngay ông Trường Chinh và ông Phạm Văn Đồng truyền đạt ý kiến như
sau:
…Anh Trường Chinh tuổi đã cao gần 80 tuổi rồi, không nên nhận trách
nhiệm này quá nặng. Anh Đồng đã trên 80, càng không nên làm tiếp. Tôi
cũng xin rút khỏi Bộ Chính trị ngay sáng mai. Anh sang báo cáo với anh
Thận (Trường Chinh) với anh Tô (Phạm Văn Đồng) là nếu các anh đồng ý,
sáng mai anh Thận, anh Đồng và tôi, cả 3 người sẽ xin nhận trách nhiệm
là Cố vấn của Ban chấp hành trung ương. Nếu không vậy sẽ bị người ta cho
là tham quyền cố vị.
Còn nhân sự mới tôi đề nghị anh Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư, anh Võ Chí Công làm Chủ tịch nước, anh Phạm Hùng làm Thủ tướng. Đây là phương án thích hợp nhất. Cứ thế mà làm…
.
Sáng hôm sau 18/12 trong ngày cuối cùng bầu nhân sự của Đại hội, quả
nhiên ông Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư, 3 ông Trường Chinh,
Phạm Văn Đồng, và Lê Đức Thọ được bầu làm Cố vấn trung ương. Và sau đó
nữa, ông Võ Chí Công làm Chủ tịch nước, ông Phạm Hùng làm Thủ tướng.
Câu chuyện trên đây ông Nguyễn Khánh chính thức kể tỷ mỷ vào năm 1988
cho cả ban có trách nhiệm viết hồi ký cho ông Trường Chinh, gồm có các
ông Nguyễn Vịnh (Viện trưởng Marx - Lenin), Đặng Xuân Kỳ, các nhà báo Lê
Bá Thuyên, Lê Điền và tôi. Ban này mới kịp phác qua dàn bài thì ông
Trường Chinh mất vào tháng 9/1988, thọ 81 tuổi. Việc viết tiểu sử không
đặt ra nữa.
Khi sang Pháp, tôi lại có dịp gặp lại anh bạn nhà báo và nhà làm phim
Pháp Jérôme Canapa, từng nhiều lần gặp tướng Giáp ở Hà Nội. Jérôme là
con ông Jean Kanapa, từng là ủy viên Bộ chính trị đảng CS Pháp. Vốn rất
thân thiết với cả gia đình tướng Giáp, Jérôme đã được phép sớm đi qua
đường mòn Hồ Chí Minh từ đầu đến cuối để quay phim, chụp ảnh. Jérôme kể
rằng khi Đại hội VI diễn ra, vào ngày giáp cuối 17/12, anh ta nhận được
điện thoại từ Hà Nội cho biết tin mừng «Bác Giáp sắp là 1 trong 3 nhà
lãnh đạo cao nhất, cụ thể sẽ là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng », «C’est
acquis!» (Xong xuôi rồ!). Không ngờ ngày hôm sau 18/12 tin từ Hà Nội
truyền đi khác hẳn.
Đây là sự kiện mang kịch tính lớn nhất, làm sững sờ, ngao ngán không ít
đại biểu dự Đại hội VI. Vài hôm sau đó rất nhiều đại biểu phản ứng, mỉa
mai gọi Đại hội VI là «Đại hội của ông Sáu», vì Sáu Búa hay Sáu Thọ, anh
Sáu, là tên thường gọi của nhà mưu sỹ Lê Đức Thọ.
Thật xứng danh là Nhà tổ chức đầy quyền uy và phép lạ, là Trưởng ban Tổ
chức trung ương lâu năm nhất, ban phát mọi chức tước cao nhất của triều
đình CS Việt Nam gần nửa thế kỷ, còn sắp xếp cho ngôi thứ của các triều
đình CS ở Lào và Campuchia. Việc đưa các ông Pen Sôvan, Heng Samrin, Hun
Xen … lên hay xuống từ tay ông Sáu thể hiện rõ điều ấy.
Ngay sau khi Đại hội VI kết thúc, tại hội trường Ba Đình, Tướng Giáp gặp
tôi; tôi hiểu ông vừa trải qua một cơn sốc lớn, có lẽ một cơn sốc lớn
nhất trong đời ông, vì tối qua nhiều khách ghé nhà ông rất khuya để chúc
mừng, hôm nay nhiều người cũng bị hẫng. Ông cố gượng cười cho tôi biết
sáng nay ông rút tên khỏi danh sách đề cử Ban Chấp hành trung ương. Tôi
ái ngại cho ông, ông tâm sự một câu: «Mình nghỉ hưu thôi, để cho anh em
trẻ lên, cậu Tín ạ». Bức ảnh chụp đúng vào lúc ấy, tôi giữ làm kỷ niệm,
lúc ấy ông 75 tuổi. 25 năm đã qua. Niềm cay đắng dạo ấy chắc đã nguôi
ngoai với thời gian, ông nuốt vào lòng, không muốn ai nhắc đến nữa.
Nhưng đây là lịch sử.
Tất nhiên nếu như bộ ba Trường Chinh - Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp
không bị ông Sáu Búa phá vỡ thì không chắc những Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê
Khả Phiêu, Trần Đức Lương, và sau đó là những Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn
Dũng, Nguyễn Phú Trọng…có dịp tung hoành, vùng vẫy. Nhất là bước ngoặt
tệ hại chui vào «cái bẫy Bắc Thuộc» từ sự kiện Thành Đô cuối năm 1991 do
2 nhân vật Đỗ Mười và Lê Đức Anh dẫn dắt một cách nhẹ dạ, biết đâu đã
có thể tránh được. Lịch sử thăng trầm qua những mối quan hệ ngẫu nhiên
mà tất yếu.
Bùi Tín (Cựu tổng biên tập báo Nhân Dân)
VOA
No comments:
Post a Comment