Một cuộc điều tra lớn trên phạm vi quốc tế thu
thập được nhiều tư liệu tài chính rò rỉ cho thấy thân nhân
của giới lãnh đạo Trung Quốc nắm trong tay nhiều công ty hoạt
động ở các 'thiên đường thuế'.
Tài liệu mật nằm trong 2,5 triệu files mà Liên hiệp Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) tổng hợp được hé lộ nhiều nhân vật quyền thế trong hệ thống chính trị Trung Quốc đã lập ra các công ty và tài khoản đặt tại Cook Islands hoặc British Virgin Islands là những nơi bị coi là có điều kiện trốn thuế dễ dàng.
Cáo buộc rửa tiền của các “Thái tử Đảng” Trung Quốc, đặc biệt là ở British Virgin Islands đã đặt ra câu hỏi có hay không những quốc gia có thể chế chính trị giống Bắc Kinh theo gót chân họ.
Điểm đáng chú ý là trong danh sách đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) mà Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Việt Nam công bố, British Virgin Islands, nơi bị cho là điểm rửa tiền chính của Thái tử Đảng TQ, cũng chính là nơi đã đầu tư vào Việt Nam 15 tỷ USD, tính đến cuối năm 2012.
Nếu tính thêm nơi thứ hai là Cayman Island thì tổng số tiền đầu tư vào Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau lên tới 23 tỷ và nếu tính tất cả các hòn đảo nhỏ, lên tới 30 tỷ USD, tương đương 14% tổng FDI vào Việt Nam tính tới cuối 2012.
“Việc rửa tiền, hoặc trốn thuế ở các hòn đảo nhỏ là vấn đề nhiều nước đang gặp phải kể cả Mỹ”, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên gia thống kê của Liên Hợp Quốc nhận định.
Trong email gửi cho BBC, Tiến sĩ Việt mô tả về sự khác biệt của điều mà ông gọi là “cách cò con và cách đại gia”.
'Hóa đơn dịch vụ'
Cùng các đảo Bermuda, Cayman
Islands, Anguilla, Montserrat và Turks và Caicos Islands đã ký các thỏa
thuận vào tháng Năm 2013 theo đó chia sẻ thông tin thuế với Anh, Đức, Ý
và Tây Ban Nha.
“Từ Việt Nam, ngoài cách xách tiền bằng vali, cách chuyển được làm phổ biến là đầu tư vào bất động sản, rồi đem bán và chuyển chính thức sang nước ngoài, khi đã định cư được một người trong gia đình ở nước ngoài. Đi du học rồi cưới người bản xứ là cách định cư người ra nước ngoài.
“Cách làm này là cách làm cò con”, ông Việt nhận định.
Tiến sĩ Việt mô tả cách làm lớn của các đại gia là mở công ty ở British Virgin Island hay Caymans Islands.
“Các đại gia sẽ không cần chuyển tiền lậu ra nước ngoài, vì có thể bị bắt, mà mở công ty. Khi công ty đã được mở ở British Virgin Island hay Caymans Island, công ty của họ chỉ cần gửi hóa đơn tính dịch vụ phí một công ty ở Việt Nam.
“Đồng tiền đen (tham nhũng) ở Việt Nam theo đó sẽ được chuyển ra ngoài một cách hợp pháp.
“Các công ty này khi có đủ tiền thì lại đầu tư lại vào Việt Nam, tức là đưa tài sản ngược lại Việt Nam, hợp pháp hóa toàn bộ số tiền tham nhũng.
“Với tài sản có sẵn, họ lại thu mua các công ty nhà nước được cổ phần hóa (với giá rẻ mạt), điều đã xảy ra ở Nga và Trung Quốc”, Tiến sĩ Việt bình luận.
Trong một email gửi Giáo sư Trần Hữu Dũng tại Hoa Kỳ, ông Việt được dẫn lời nói “Nếu ông Nguyễn Phú Trọng muốn chống tham nhũng thì ông ấy cần bỏ tiền thuê thám tử phương tây điều tra các tên tuổi Việt Nam đã đăng ký ở British Virgin Islands”.
Quốc hội Việt Nam vào 18/06/2012 ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.
Ngày 04/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền (hiệu lực 10/10/2013) qui định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền.
Nghị định này nói NHNN phải phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan khác kể cả việc giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm soát nhân dân tối cao trong công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.
Hiện chưa rõ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống tham nhũng của Bộ Chính trị có vai trò gì trong hoạt động phòng chống rửa tiền.
Tuy nhiên thông báo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, được Phó trưởng ban Nguyễn Bá Thanh ký ban hành hôm 8/1 nói Ban này trong năm 2014 sẽ giám sát Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn ngừa tiêu cực tại một số ngân hàng.
BBC
No comments:
Post a Comment