Năm 2013 chứng kiến nhiều đảng viên cộng sản cao cấp tuyên bố rời bỏ lý tưởng của mình. Nhân ngày sinh nhật đảng cộng sản VN 3/2, Kính Hòa xin điểm lại vài sự kiện bỏ đảng trong năm qua cùng những thông điệp đầu năm của lãnh đạo đảng về đảng của mình.
Nội lực và niềm tin của đảng có còn không?
Đến hẹn lại lên, ngày 3/2 năm nào cũng tưng bừng cờ hoa trên mọi nẻo đường của nước Việt Nam để mừng sinh nhật một đảng chính trị duy nhất nắm quyền từ hàng chục năm nay, đảng cộng sản Việt Nam. Trong bài phỏng vấn dành cho thông tấn xã nhà nước trước thềm năm mới âm lịch mang tựa đề: “Nội lực và niềm tin,” Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam nhắn gửi với các đồng chí của ông về cái gọi là mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm ảnh hưởng đến các đảng viên cộng sản như sau:
“Trong khi mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân; những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...”
Không thấy ông Trọng định nghĩa về hai mặt trái phải của thị trường là như thế nào, nhưng quả là năm Quý Tỵ 2013 có nhiều đảng viên cộng sản không còn chung tư tưởng và tình cảm với đảng như ông Trọng mong muốn nữa. Trong một bài trả lời phỏng vấn đài RFA, ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập tại Việt Nam nói về sinh hoạt đảng và số lượng đảng viên hiện nay như sau:
Chỉ vài năm gần đây, có báo cáo của một số cơ quan Đảng thừa nhận khoảng 30% số đảng viên về hưu không sinh hoạt đảng.
Ở một góc độ khác, nhận định của giới quan sát và phân tích chính trị độc lập là có phần trái ngược và khác biệt lớn so với các báo cáo của đảng. Tức là có đến ít nhất 50% số đảng viên về hưu không sinh hoạt đảng, 30% đảng viên đã nhận thức về hiện trạng quá nhiều bất cập, mâu thuẫn và cả xung đột xã hội. Về việc lãnh đạo đảng xa rời thực tế, yếu kém trong công tác điều hành chính quyền - tỷ lệ này phải lên đến ít nhất 70% theo dư luận.
Hiện tượng rời bỏ đảng
Bản thân ông Phạm Chí Dũng là một đảng viên cộng sản, và trong những ngày cuối năm Quí Tỵ ông chính thức tuyên bố rời đảng cộng sản. Trước đó, một đảng viên cộng sản thâm niên và nổi tiếng hơn là ông Lê Hiếu Đằng cũng tuyên bố rời bỏ chủ nghĩa cộng sản với lời tuyên bố ngắn gọn rằng để trở thành một người tự do.
Đầu năm 2014 lại thêm một đảng viên giữ chức vụ cao cấp khác là ông Đặng Xương Hùng, lãnh sự Việt Nam tại thành phố Geneva, Thụy sĩ tuyên bố rằng ông đã rời đảng cộng sản vào năm ngoái. Ông viết trong một thư ngỏ,
“Tháng 10/2013 tôi từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam và chức vụ Vụ phó Bộ Ngoại giao, xin tị nạn chính trị tại Thụy sĩ để bắt đầu cuộc đấu tranh đòi dân chủ và tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam.”
Thực ra việc rời bỏ đảng này đã có từ lâu. Ngay sau thời điểm 1975, giai đoạn mà chủ nghĩa cộng sản lên cao nhất tại Việt Nam, nhiều đảng viên nổi tiếng đã rời bỏ lý tưởng thời thanh xuân của họ, như bà Dương Quỳnh Hoa, ông Nguyễn Hộ,…Và trong những năm đầu thế kỷ 21 này, tốc độ thông tin nhanh chóng đang làm mọi thứ dần trong suốt hơn, không đợi đến vài năm sau một đảng viên bỏ đảng mới được biết đến.
Phản ứng trước những thông tin bỏ đảng lan truyền nhanh chóng này, trên trang mạng của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt Nam, ngày 9/1 đăng một bài viết của tác giả Hồ Ngọc Thắng được cho là viết từ nước Đức, mang tựa đề “Họ đã tự mình loại khỏi đội ngũ.” Trong bài viết tác giả đề cập đến nhiều đảng chính trị ở phương Tây và cho rằng việc ra khỏi đảng như vậy là bình thường, không có gì ồn ào.
Tác giả Hồ Ngọc Thắng có lẽ quên mất một điều là khác với các đảng chính trị phương Tây, là đảng cộng sản Việt Nam được Hiếp pháp của họ qui định rằng họ là những người duy nhất lãnh đạo tại Việt Nam. Và như vậy việc rời bỏ đảng này là một điều không bình thường đối với một đảng được qui định là cầm quyền mãi mãi, vì rằng người ta phù thịnh chứ chẳng phù suy.
Sự quan ngại của ông Tổng bí thư được thấy rõ qua hai từ nhận thức và tư tưởng trong thông điệp đầu năm của ông.
Những nhân vật đảng viên có tiếng trong hệ thống quyền lực dĩ nhiên là sẽ được truyền thông quan tâm. Nhưng theo như lời ông Phạm Chí Dũng mà chúng tôi đã dẫn ở phần đầu bài viết, thì còn nhiều đảng viên bình thường âm thầm rời bỏ đảng.
Chúng tôi hỏi chuyện một đảng viên là giảng viên đại học tại Sài Gòn. Anh cho biết là đã nộp đơn ra khỏi đảng cách nay chín tháng sau những băn khoăn và suy nghĩ,
“Khi gia nhập một tổ chức về tư tưởng, có định hướng về đường lối và liên quan đến công việc hàng ngày của mình, lại cảm thấy sự định hướng đó là không ổn, thì việc chia tay, hay không muốn sinh hoạt với nó nữa là chuyện đương nhiên. Mấy anh em có ngồi nói với nhau là không thể cứ nhụt dần dần với chính mình được, mình không dám nói gì, mình càng ở lâu thì mình càng cảm thấy khó chịu.”
Trong lúc ấy, không biết có trùng hợp với thời điểm mà ông Đặng Xương Hùng công khai quyết định từ bỏ đảng của ông hay không, một ngày trước giờ giao thừa, trang web của đảng cộng sản Việt Nam đăng bài viết của ông Lê Dân, Bí thư đảng ủy ngoài nước, tức là bộ phận đảng quản lý những đảng viên như ông Đặng Xương Hùng. Ông Lê Dân viết ca ngợi đảng bộ do ông quản lý như sau,
Công tác chính trị tư tưởng góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, có nhiều đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới của đất nước; đấu tranh chống các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới.
Như vậy, mặc dù lo ngại về nhận thức và tư tưởng như lời ông Tổng bí thư, đảng cộng sản vẫn có tham vọng giữ vững đội hình của họ, ngoài ra còn mong muốn tác động đến cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Vẫn chưa biết là liệu việc rời bỏ đảng có tiếp tục nhiều hơn nữa hay không, nhưng theo lời một người ở tuổi trung niên vừa nộp đơn xin bỏ đảng nói với chúng tôi rằng điều ông để ý thấy trong những giờ phút này của ngày 3/2, nhằm ngày mùng ba Tết năm Giáp Ngọ, là đảng cộng sản vẫn cho treo khắp nơi những khẩu hiệu mừng đảng mừng xuân nổi tiếng của mình, dường như để tương thích với lời ông Lê Dân trên kia là bảo vệ đảng rồi bảo vệ đất nước.
RFA
....Chúng ta hãy giử vửng niềm tin váo sự lảnh đạo của đảng. Quí vị thấy không , nhờ sự lảnh đạo của đảng ta yên tâm quảng chế đất của lớp dân lành, chỉ cần hổ trợ chút ít , ta có đất vàng ngay. Quí vị thấy không, hồi giửa năm lực lượng ta đã diển tập chống bạo loạn, phe loạn là những người dân lành tay không tấc sắt mà bài điều chống lại lực lượng quảng chế vủ khí tận răng, với lý do là tiền thu hồi đất quá thấp. Quí vị thấy không , miền trung ngập lục khi chúng ta xả nước ồ ạt làm chết mấy chục người, hàng ngàn căn nhà bị cuốn trôi, dân trở thành trắng tay. Có hề gì đâu, chúng ta xả lủ đúng qui trình. Nhà ai bị cuốn trôi, thân nhân có ai bị chết, chuyện nhỏ, có hề gì đâu. Tại nước chớ đâu phải tại ta, đúng qui trình mà lị. Trẻ em chích ngừa bị chết, năm bảy em nhằm nhò gì với dân số khoảng 90 triệu, dăm bẩy em có thấm vào đâu. Điều này có thể do thuốc, Nếu do thuốc, xử lý thuốc là xong. Còn như với dân quyền, hãy yên tâm. Cần gì những cái đó, cứ theo đúng luật lệ do nhà nước đưa ra, bảo đảm mọi người cư yên tâm thụ hưởng, cứ bằng mọi cách kiếm tiền, đồng tiền có sức mạnh vạn năng mà, có tiền trong túi ,ta phấn khởi hồ hởi đi nhậu bia ôm em chân dài thoải mái. Đâu càn để ý làm chi tới nhân quyền, có tiền là nhậu nhẹt là karaoke, có em cùng hát dui dẻ lắm. Thấy chưa hở quí vị
ReplyDeletecứ thụ hưởng, cứ kiếm tiền rồi cứ hưởng thụ là sung sướng như tiên rồi.
Vậy đi nhé, hãy tin tưởng vào sự lảnh đạo của đảng .
Xin lổi,
ReplyDeletequảng chế = cưởng chế.