Ngày 19/1 năm 2014 đánh dấu 40 năm ngày Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 40 năm qua, một phần lãnh thổ của Việt Nam bị chiếm đóng bất hợp pháp.
Không chỉ chiếm đóng các đảo, Trung Quốc còn tham vọng áp đặt quyền chủ quyền lên các vùng biển quanh Hoàng Sa. Từ đầu năm 2014, với “Biện pháp thực hiện Luật ngư nghiệp Trung Quốc của tỉnh Hải Nam”, các cơ quan chấp pháp trên biển của Trung Quốc đã liên tục bắt giữ, xua đuổi, đối xử vô nhân đạo với ngư dân Việt Nam hoạt động trong ngư trường truyền thống hàng trăm năm nay ở quần đảo Hoàng Sa. Và mới đây nhất là việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào trong vùng biển gần Hoàng Sa và ngay trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, càng khẳng định rõ tham vọng trên của nước này.
Nhiều ý kiến trong và ngoài Việt Nam gần đây nêu vấn đề Việt Nam cần thách Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra phân xử bởi một cơ quan trọng tài quốc tế[1]. Các lý do đưa ra là việc giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán song phương không mang lại kết quả, vì Trung Quốc không chấp nhận có tranh chấp trên quần đảo này. Nếu để lâu hiện trạng như vậy sẽ càng ngày bất lợi cho Việt Nam.
Một câu hỏi quan trọng mà chúng ta cần phải trả lời là: Trung Quốc sẽ trả đũa về kinh tế như thế nào nếu Việt Nam thách Trung Quốc ra trọng tài quốc tế về vấn đề Hoàng Sa nói riêng, hay rộng ra là nếu Việt Nam tham gia vào một tiến trình yêu cầu phán xử của một trọng tài quốc tế về các tranh chấp trên Biển Đông?
Bài viết góp phần trả lời câu hỏi trên bằng cách phân tích mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, dự đoán các phản ứng trả đũa có thể của Trung Quốc trong ngắn hạn cũng như dài hạn, vĩ mô cũng như vi mô. Bài viết cũng nêu lên ảnh hưởng của các trả đũa này đối với kinh tế Việt Nam, từ đó đề nghị những biện pháp chuẩn bị, đối phó.
1. Tác động đối với cán cân thương mại Việt Nam – Trung Quốc
Để dự đoán các trả đũa có thể của Trung Quốc về kinh tế, cần hiểu về quan hệ thương mại Việt-Trung.
Đối với Trung Quốc, từ năm 2001, Việt Nam liên tục nhập siêu và cán cân thương mại ngày càng thâm hụt lớn. Biểu đồ[2] trong hình dưới cho thấy, trong khi Hoa Kỳ và EU (Liên minh Châu Âu) là các đối tác mà Việt Nam liên tục xuất siêu, đối với Trung Quốc, Việt Nam liên tục nhập siêu.
Gần đây, chính phủ hai nước đã thống nhất tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 60 tỉ USD vào năm 2015[3]. Nếu cán cân thương mại không được cải thiện, vấn đề nhập siêu trong thương mại với Trung Quốc sẽ trở nên trầm trọng hơn, do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu. Đến nay, giá trị nhập khẩu gấp khoảng 2-3 lần giá trị xuất khẩu và không có dấu hiệu thu hẹp.
Khi nhìn vào các con số trên, có thể nhận thấy hai điều:
a. Đối với Việt Nam, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và quan trọng. Nếu Việt Nam thách Trung Quốc ra tòa, một kịch bản tưởng tượng và cực đoan là Trung Quốc sẽ giơ đũa thần làm ngưng trệ hoàn toàn giao thương giữa hai nước. Điều đó (nếu xảy ra) sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam, hay nói cách khác là công ăn việc làm, cuộc sống của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải là Trung Quốc không bị “đụng chạm” gì trong trường hợp đó, vì chính Trung Quốc, và người lao động của họ, hiện cũng đang xuất khẩu đến 36,94 tỷ USD sang Việt Nam (gấp gần 3 lần Việt Nam xuất sang Trung Quốc). Dĩ nhiên ảnh hưởng của 36,94 tỷ USD đối với thương mại Trung Quốc sẽ ít hơn của 13.26 tỷ USD đối với thương mại Việt Nam. Tuy nhiên không thể nói nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn không bị ảnh hưởng.
b. Sự mất cân bằng trong thương mại Việt-Trung, với phần thiệt thòi cho Việt Nam, là rõ ràng và càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn nếu tiếp tục như hiện nay. Các trả đũa về thương mại dưới bất cứ hình thức nào của Trung Quốc, nếu có, cũng chỉ có thể làm Việt Nam nhập khẩu ít đi từ Trung Quốc. Điều đó, nếu xảy ra, có thể làm khó khăn cho sản xuất Việt Nam trong ngắn hạn, tuy nhiên về trung hạn và dài hạn sẽ hướng Việt Nam đến những bạn hàng bình đẳng hơn, với cán cân thương mại thăng bằng hơn cho Việt Nam, ví dụ như Hoa Kỳ và EU, và giảm sự phụ thuộc về kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc hơn.
2. Tác động lên cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc
Khi đi sâu vào phân tích các mặt hàng Việt Nam nhập từ Trung Quốc, chúng ta nhận thấy nhiều hàng nông sản, 40% là các hàng hóa cơ bản, thâm dụng tài nguyên và công nghệ thấp. Theo Báo Pháp Luật Online[4]:
“…nông sản Trung Quốc đang tràn ngập các chợ Việt Nam, trong khi Việt Nam có rất nhiều nông sản không chỉ phục vụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu. Số liệu từ các cơ quan xuất nhập khẩu cho thấy, các loại nông sản, rau, củ, quả như khoai tây, gừng, chanh, nho, lê, táo, tỏi… xuất xứ từ Trung Quốc tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái [2012]. Gần một nửa rau quả nhập từ nước ngoài vào Việt Nam là từ Trung Quốc.”
Vì sao các mặt hàng đó lại vào Việt Nam và tràn ngập thị trường? Có hai lý do chính: Các hàng rau củ quả Trung Quốc thuế nhập khẩu là 0%, không chịu VAT nên lợi thế về giá đã khiến hàng Trung Quốc vượt xa hàng Việt Nam. Việc kiểm dịch, kiểm tra chất lượng lại qua loa, dẫn đến chất lượng kém, gây hậu họa lâu dài về sức khỏe người tiêu dùng.
Rõ ràng hàng nông nghiệp và các sản phẩm hàng hóa cơ bản và công nghệ thấp là những sản phẩm mà Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động sản xuất được. Nếu Trung Quốc dựng hàng rào thuế quan để chặn các hàng nhập khẩu từ Việt Nam thì không có lý do gì Việt Nam không thể làm tương tự đối với các mặt hàng nông sản, cơ bản và công nghệ thấp của Trung Quốc. Sự khan hiếm các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc loại này chỉ có thể là điều tốt cho nền sản xuất Việt Nam trong trung và dài hạn.
Ngoài ra, Việt Nam có xu hướng nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm để phục vụ sản xuất và xây dựng như hóa chất, điện tử, máy móc thiết bị, sợi dệt, và sắt thép. Đây là yếu điểm lớn nhất trong thương mại Việt Nam-Trung Quốc và là điểm Trung Quốc có thể trả đũa để gây khó dễ cho nền sản xuất Việt Nam.
Để đối phó với khả năng này và giảm thiểu ảnh hưởng từ các trả đũa của Trung Quốc, Việt Nam cần phải đa dạng hóa nguồn nhập khẩu các sản phẩm loại này. Ngoài ra việc Việt Nam phải nhập các sản phẩm như sắt thép, máy móc thiết bị một phần lớn là do các nhà thầu EPC (Engnineering, Procurement, Construction) Trung Quốc hay các dự án FDI (Foreign Direct Investment) từ Trung Quốc không tuân thủ các chỉ tiêu sử dụng sản phẩm và nhà thầu Việt Nam. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể cải thiện và giảm thiểu nhập khẩu từ Trung Quốc các dạng sản phẩm này nếu quản lý nghiêm chỉnh các dự án FDI, các việc chấm thầu EPC. Điểm này sẽ được trình bày chi tiết hơn bên dưới.
3. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam
FDI Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam không nhiều như các nước khác. Ví dụ như trong năm 2013, năm FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến với gần 2 tỷ USD đầu tư mới để thành 2.3 tỷ USD[5], tuy thế vẫn xếp xa sau các nước Nhật Bản, Singapore, và Hàn Quốc với FDI cấp mới cho năm 2013 lần lượt là 5,875 tỷ USD, 4,76 tỷ USD, và 4,46 tỷ USD[6].
Tuy đầu tư vào Việt Nam không nhiều, hay nói cách khác đem đến Việt Nam không nhiều ngoại tệ, Trung Quốc lại có mức độ hưởng lợi cao hơn rất đáng kể so với các quốc gia khác[7]. Các dự án FDI từ Trung Quốc thường đưa nhân công Trung Quốc tràn lan thành cả làng, cả phố Trung Quốc ngay trên lãnh thổ Việt Nam[8]. Ngoài ra các công ty Trung Quốc lại kéo theo những máy móc thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu sang làm việc.
Đơn cử trong lĩnh vực xây dựng, do quản lý yếu kém và tham nhũng, các gói thầu EPC thường rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Khi đó các nhà chế tạo Việt Nam hầu như không có cơ hội tham gia như nhà thầu phụ, tỷ lệ nội địa hóa = 0%[9].
Điều này kéo theo việc nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị từ Trung Quốc vào Việt Nam, thay vì sử dụng nguồn nguyên vật liệu và nhân công tại chỗ, góp phần làm cho nhập siêu của Việt Nam tăng nhanh. Có thể điểm qua một số các dự án mà Trung Quốc đã trúng thầu tại Việt Nam theo hình thức EPC, như: Tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng, Alumin Nhân Cơ – Đăk Nông, Phân đạm Cà Mau…
Theo báo Đầu Tư (9):
"Các nhà thầu Trung Quốc xuất hiện tràn lan trong các dự án cung cấp thiết bị đồng bộ ở các ngành chính như nhiệt điện, xi măng, bô xít.
…các ngành nhiệt điện, xi măng, bô xít, tổng giá trị nội địa hóa cho nhóm sản phẩm thiết bị đồng bộ chỉ xấp xỉ 10%.
Trong lĩnh vực nhôm và bô xít, dù theo đánh giá của Công ty Hatch (Australia), Việt Nam có thể tự chế tạo 50-70% thiết bị. Nhưng ở cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, tỷ lệ nội địa hóa cũng chỉ vẻn vẹn 2%."
Do đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam không nhiều, chiếm tỷ trọng nhỏ, trong trường hợp Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa, thì việc Trung Quốc (nếu có) cắt giảm các nguồn đầu tư cũng không thể tạo thành một sức ép đối với kinh tế Việt Nam.
Thậm chí như đã phân tích, rõ ràng có nhiều vấn đề cần giải quyết đối với các dự án có yếu tố Trung Quốc. Và như bà Phạm Chi Lan đã nói trên báo Đầu Tư (9): “Riêng với lao động Trung Quốc, chúng ta còn quá nương nhẹ, do e ngại, cả nể một cách quá đáng. Không nên nhầm lẫn giữa quan hệ chính trị với quan hệ hợp tác kinh tế.” Nếu điều đó là sự thật thì một sự trả đũa kinh tế của Trung Quốc sẽ càng cho thấy Trung Quốc đang nhập nhằng quan hệ kinh tế và chính trị.
Và đó sẽ là bài học quý giá, là cơ hội để Việt Nam có thêm động lực và ý chí để giải quyết các vấn đề: xử lý nghiêm minh các vụ việc người Trung Quốc tràn lan ở Việt Nam, tuân thủ cơ chế đấu thầu minh bạch, loại bỏ các nhà thầu Trung Quốc và các dự án FDI hạ giá bất kể chất lượng và không tôn trọng các chỉ tiêu nội địa hóa của Việt Nam. Nói cách khác, tình hình cho thấy Trung Quốc đã và đang “trả đũa” Việt Nam ngay hiện tại chứ không phải đợi lúc Việt Nam đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trọng tài quốc tế.
4. Cần mở rộng quan hệ thương mại để tránh phụ thuộc
Nếu như năm 1986 Việt Nam mới chỉ có quan hệ trao đổi hàng hóa với 43 quốc gia trên thế giới, năm 1995 là 100 quốc gia, năm 2000 là 192 quốc gia thì đến hết năm 2013, con số này đã lên tới gần 240 quốc gia và vùng lãnh thổ[10].
Việt Nam là bạn hàng và đối tác của nhiều nước, tham gia nhiều tổ chức kinh tế như WTO, và sắp tới là TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN. Việt Nam với dân số 90 triệu dân là một thị trường lớn, là một nhà sản xuất tiềm năng.
Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, nhưng không phải là đối tác thương mại duy nhất, và khó có thể là một đối tác tốt, ổn định, bình đẳng và tuân thủ các giá trị công bằng, bảo vệ môi trường, ít nhất nếu tình hình tiếp tục diễn tiến như hiện nay.
Trong khi đó, tư duy phát triển của cả thế giới đã thay đổi[11], với những quan điểm tăng trưởng mới như xanh, bền vững, sáng tạo, Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với những cải cách lớn, như môi trường, biến đổi khí hậu, hay an sinh xã hội. Việc này bắt buộc chúng ta phải chuyển dịch theo dòng chảy chung của thời đại, của thế giới. Để làm điều đó, Trung Quốc không thể là đối tác, là người động hành chiến lược, và có vị trí quá quan trọng như hiện nay.
Là láng giềng của Việt Nam, là nhà xuất khẩu số một thế giới, việc Trung Quốc có ảnh hưởng tương hỗ đối với kinh tế Việt Nam là điều dễ hiểu. Tuy nhiên Trung Quốc không thể (hay chưa thể) dùng ảnh hưởng đó để chi phối hoàn toàn đời sống kinh tế Việt Nam và từ đó lung lạc các quyết sách chính trị. Ít nhất Việt Nam may mắn không lệ thuộc năng lượng vào Trung Quốc, điều mà Ukraina có thể đối với Nga. Lưu ý là 1/3 khí đốt của Ukraina đến từ Nga; giá khí đốt và nhiệt độ sưởi cho mùa Đông của Ukraina có thể là kết quả của các cuộc mặc cả chính trị mà phần thua thiệt chỉ thuộc về nước yếu hơn.
Để tránh viễn cảnh đáng buồn đó, Việt Nam cần nỗ lực hướng đến những đối tác kinh tế bình đẳng và ổn định hơn.
5. Các trả đũa tức thì và ngắn hạn
Ngay sau khi Việt Nam tuyên bố yêu cầu Trung Quốc ra tòa về Hoàng Sa, có thể Trung Quốc sẽ có các trả đũa tức thì và ngắn hạn như việc ngưng nhập một số sản phẩm nào đó trong một khoảng thời gian.
Một ví dụ tiêu biểu cho kiểu phản ứng này là trả đũa của Trung Quốc khi có căng thẳng giữa hai nước này và Philippines trên vùng biển quanh Scarbourough Shoal[12].
Sự việc diễn ra vào giữa tháng 4/2012 khi tàu của Philippines nhắc nhở các tàu cá Trung Quốc hoạt động tại Scarbourough Shoal, thay vì rút lui, Trung Quốc đã cử tàu hải giám ra và gia tăng đe dọa. Lập luận họ đưa ra là Philippines xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc, trong khi vùng đó nằm chỉ 124 hải lý từ đảo Luzon của Philippines. Căng thẳng dâng cao và nhiều va chạm ngôn từ diễn ra từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 6/2012 thì cả hai nước dịu dần và rút tàu của mình ra.
Vào đỉnh điểm của căng thẳng, tức giữa tháng 5/2012 và sau ngày bắt đầu căng thẳng một tháng, Trung Quốc tuyên bố ngưng nhập 1200 containers trái cây của Philippines, đang đậu ở các cảng. Đồng thời Trung Quốc cũng khuyến cáo ngừng du lịch vào Philippines. Việc này đã gây một số khó khăn cho nông dân Philippines và chính quyền tổng thống Philippines.
Tuy nhiên một điều thú vị là suốt thời gian căng thẳng này, mức độ ủng hộ của người dân và các đảng phái chính trị đối với tổng thống Philippines đã lên cao. Toàn nước Philippines như đoàn kết lại một khối sau tổng thống Aquino. Sau sự kiện này Philippines đã đệ đơn thưa Trung Quốc ra trọng tài lập bởi Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Các trả đũa kiểu như trên là các điều mà Việt Nam từ chính phủ đến người dân phải chuẩn bị. Lịch sử sống bên cạnh láng giềng phương Bắc có lẽ cũng làm người dân Việt Nam quen thuộc và có cách phản ứng tương ứng với các kiểu cách trả đũa hay hành xử tương tự từ Trung Quốc: mua móng trâu[13], ốc bươu vàng, bán hàng rẻ va kém chất lượng, thỉnh thoảng ách hàng tại biên giới…
Những đặc điểm bình thường là hạn chế của nền sản xuất công, nông nghiệp Việt Nam như nhỏ lẻ, hay xáo động, lại phần nào trở nên tích cực trong “thời chiến”, ví dụ như có khả năng thích ứng cao và tự điều chỉnh linh hoạt trong nhiều tình huống khó khăn. Và cũng như Philippines, người dân Việt Nam, một khi được đặt trước vấn đề chủ quyền dân tộc thường có phản ứng kiên cường và chấp nhận hy sinh. Vấn đề là chính phủ phải phản ứng rõ ràng, minh bạch và tạo được niềm tin trong dân chúng.
Tuy nhiên khác với căng thẳng Philippines và Trung Quốc diễn ra trong vòng hai tháng, việc Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa là một việc có thể diễn ra khá dài, vài tháng thậm chí vài năm. Do đó các trả đũa như trên chỉ có thể là thời đoạn và gây những ảnh hưởng tức thời. Tiếp sau đó có thể là các trả đũa kinh tế vĩ mô liên quan đến cán cân thương mại, hợp tác, đầu tư như đã trình bày ở trên.
Điểm thú vị đáng lưu ý là từ khi Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Luật Biển vào tháng 1 năm 2013 đến nay, hầu như chúng ta không ghi nhận được một trả đũa kinh tế rõ ràng nào của Trung Quốc đối với Philippines.
Một ví dụ khác là phản ứng của Trung Quốc sau khi Việt Nam thông qua Luật Biển vào ngày 21/6/2012. Theo Carl Thayer[14], Trung Quốc đã biết về việc Việt Nam soạn thảo Luật Biển và đã nhiều lần can thiệp đề nghị Việt Nam dừng lại. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam thông qua Luật Biển, các phản ứng của Trung Quốc là: phản đối ngoại giao; Quốc Vụ viện Trung Quốc nâng cấp chính quyền “Tam Sa” từ cấp huyện lên địa khu; Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc cũng đã mời thầu chín lô dầu khí trong đường chín đoạn. Tất cả các hành động trên đều gặp phải phản ứng chính thức của Việt Nam, và không có một động thái “trả đũa” kinh tế rõ ràng nào của Trung Quốc được ghi nhận.
Các ví dụ trên cho thấy Trung Quốc không dễ dàng, hoặc không thể sẵn sàng sử dụng các biện pháp trả đũa kinh tế. Trung Quốc đang có những ràng buộc kinh tế nhất định với các nước liên đới để không thể muốn ra tay là làm được. Các mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa các quốc gia và giữa quốc gia và các tổ chức kinh tế ngày càng gắn kết, chặt chẽ, và đòi hỏi một sự ổn định, hợp lý, và nhất quán trong cư xử. Nhất là Trung Quốc hiện giờ đang là nước với kim ngạch thương mại đứng đầu thế giới, một động thái nào của họ cũng đều được theo dõi và chỉ trích nếu “quá đáng” và kéo dài. Đó là lý do Trung Quốc thường chọn cách tiếp cận gây sức ép chính trị ngấm ngầm, và cố gắng giữ sự việc trong tầm mơ hồ, xử lý nội bộ với nhau.
Hiểu được điều này, Việt Nam hơn bao giờ hết cần sớm đưa vấn đề ra ánh sáng, ra công lý quốc tế, bằng cách chính thức yêu cầu Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra xử lý bởi một trọng tài quốc tế. Vì chủ quyền của Hoàng Sa và vì tương lai của đất nước.
6. Kết luận
Từ 40 năm nay, Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến nay Trung Quốc thậm chí không chấp nhận có tranh chấp Hoàng Sa và liên tục mở rộng yêu sách của họ trên khắp Biển Đông. Trước thực tế đó, việc Việt Nam yêu cầu chính thức Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra phân xử bới một cơ quan trọng tài quốc tế là một hành động văn minh, thể hiện tinh thần thượng tôn công pháp quốc tế và hòa bình. Đó là một điều bình thường, một cách cư xử đúng đắn giữa các nước láng giềng với sự tôn trọng tối thiểu dành cho nhau.
Tuy nhiên, kinh nghiệm đối với láng giềng phương Bắc cho thấy khi thực hiện công việc lành mạnh đó, Việt Nam có thể gặp phải các trả đũa về kinh tế của Trung Quốc.
Các trả đũa này có thể tức thì và thời đoạn như ngừng nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam hay cấm xuất khẩu cho Việt Nam các sản phẩm cần thiết cho sản xuất. Điều này có thể gây các khó khăn cho người dân, cho sản xuất của Việt Nam. Và đó là điều Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần.
Tuy nhiên về trung hạn và dài hạn, các trả đũa này nếu kéo dài sẽ là liều thuốc quý để Việt Nam giải quyết dứt điểm các vấn đề, các điểm yếu trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Thứ nhất, thương mại hai nước sẽ đi đến cân bằng hơn, Việt Nam sẽ hướng đến việc quay về với các sản phẩm nông sản và cơ bản và của chính mình. Thứ nhì, Việt Nam sẽ và phải xử lý các vấn đề liên quan đến FDI từ Trung Quốc hay của các nhà thầu EPC Trung Quốc: công nhân Trung Quốc tràn lan ở Việt Nam, công trình kém chất lượng và không tôn trọng các chỉ tiêu nội địa hóa của Việt Nam.
Sẽ có thể có khó khăn, tuy nhiên các khó khăn đó là động lực, cơ hội để Việt Nam cải tổ cơ cấu, sản xuất, và tiêu dùng, và hướng đến các đối tác thương mại bền vững hơn, thậm chí đạt được một mối quan hệ kinh tế thương mại bình đẳng hơn với Trung Quốc. Chúng ta có thể làm điều này hiện giờ, khi các dự án FDI của Trung Quốc vào Việt Nam còn hạn chế, và mặc dầu con số thâm hụt mậu dịch khủng lồ đối với Trung Quốc, Việt Nam vẫn duy trì vị thế tương đối độc lập về kinh tế và năng lượng. Dĩ nhiên thời gian sẽ không đứng về phía người không hành động.
Hiểu rõ các khả năng trả đũa của Trung Quốc, dự đoán và chuẩn bị thực lực kinh tế để đối phó và ít bị ảnh hưởng nhất là điều cần làm. Tuy nhiên, Việt Nam không nên để những quan ngại về các trả đũa đó ngăn chúng ta có những quyết định vì lợi ích dân tộc và chủ quyền đất nước.
Lê Trung Tĩnh (Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông)
Tác giả gửi BoxitVN.
[1]
Các ý kiến trong và ngoài nước về việc Việt Nam cần thách Trung Quốc
đưa tranh chấp Hoàng Sa ra phân xử bởi một cơ quan trọng tài quốc tế:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/01/140124_duongdanhdy_unrealistic_solutions.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/03/120331_danhhuy_hoangsa.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/03/140314_vietnam_role_scs_conflict.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/01/140112_vn_china_sea_disputes_solution.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/01/140110_vn_paracels_legal_action.shtml
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140116/quyen-ke-thua-cua-nha-nuoc-va-chu-quyen-hoang-sa-truong-sa.aspx
http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/03/14/viet-nam-can-dua-tranh-chap-hoang-sa-ra-trong-tai-quoc-te/
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/01/140124_duongdanhdy_unrealistic_solutions.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/03/120331_danhhuy_hoangsa.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/03/140314_vietnam_role_scs_conflict.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/01/140112_vn_china_sea_disputes_solution.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/01/140110_vn_paracels_legal_action.shtml
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140116/quyen-ke-thua-cua-nha-nuoc-va-chu-quyen-hoang-sa-truong-sa.aspx
http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/03/14/viet-nam-can-dua-tranh-chap-hoang-sa-ra-trong-tai-quoc-te/
[2]
Cải thiện cán cân thương mại Việt – Trung, nhóm nghiên cứu DEPOCEN (TS.
Nguyễn Ngọc Anh, Trần Anh Vũ, Trinh Nhung, Phạm Văn Long)
http://kinhtevadubao.com.vn/dinh-huong-phat-trien/cai-thien-can-can-thuong-mai-viet–trung-2082.html
Hồ sơ thị trường Trung Quốc 4/2014, tài liệu của Ban Quan hệ Quốc tế-VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
http://img.vcci.com.vn/Images/Uploaded/Share/2014/04/08/7cfHSTT-Trung-Quoc-42014.pdf
http://kinhtevadubao.com.vn/dinh-huong-phat-trien/cai-thien-can-can-thuong-mai-viet–trung-2082.html
Hồ sơ thị trường Trung Quốc 4/2014, tài liệu của Ban Quan hệ Quốc tế-VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
http://img.vcci.com.vn/Images/Uploaded/Share/2014/04/08/7cfHSTT-Trung-Quoc-42014.pdf
[5] http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140317-nguy-co-tu-viec-trung-quoc-gia-tang-dau-tu-vao-viet-nam
[7] http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/fdi-trung-quoc-lo-lach-luat-chen-ep-doanh-nghiep-viet-3032584/
[10] http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/2850/27-thi-truong-xuat-khau-va-17-thi-truong-nhap-khau-cua-viet-nam-dat-kim-ngach-tren-1-ty-usd-trong-nam-2013.aspx
[12]
Renato Cruz de Castro, 2012. China’s Realpolitik Approach in the South
China Sea Dispute: The Case of the 2012 Scarborough Shoal Stand-Off. International Confenrence on the Sovereingity of Hoang Sa and Truong Sa at Pham Van Dong Univeristy, Vietnam, 2012.
[13] http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Thi-truong/10-ngon-don-hiem-ac-cua-thuong-lai-TQ-khien-dan-Viet-Nam-dieu-dung-post7321.gd
[14]
Carlyle A. Thayer, 2013. The Philippines’ Claim to the UNCLOS Arbitral
Tribunal: Implications for Viet Nam. Presentation to international
workshop on the sovereignty over Paracel and Spratly
archipelagos–historical and legal aspects’, Pham Van Dong University,
Quang Ngai City, 27–28 April 2013.
No comments:
Post a Comment