Monday, May 19, 2014

Lệ thuộc Trung Quốc: đe dọa an ninh quốc gia

 Vận chuyển hàng hóa từ TQ qua VN bằng đường bộ qua biên giới Lào Cai

Trong hai thập niên vừa qua kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Quốc. Chính sách trải thảm đỏ ưu đãi nhà đầu tư Trung Quốc đang thực tế gây ra mối quan ngại về an ninh cho Việt Nam. Trong nguy cơ mất biển vào tay Trung Quốc chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, Nam Nguyên ghi nhận một số ý kiến chuyên gia về vấn đề liên quan.

"Lãnh địa" của TQ ở VN

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện sống và làm việc ở Hà Nội đặc biệt quan tâm về mối nguy của Việt Nam do lệ thuộc Trung Quốc quá nhiều lĩnh vực. Chủ quyền biển đảo đang bị xâm phạm, nhưng vị chuyên gia Việt kiều cho thấy một sự đe dọa cực kỳ lớn tiềm ẩn trong nội địa Việt Nam. Ông nói:
“Lệ thuộc Trung Quốc có nhiều điều đang xảy ra ở Việt Nam, ví dụ Trung Quốc thuê rất nhiều khu vực ở ngay biên giới Việt Nam và Trung Quốc, thời hạn 50 năm-70 năm các vị lãnh đạo các tỉnh vùng biên giới cho Trung Quốc thuê như thế nào? Được biết một dãy dài dọc theo biên giới đã cho Trung Quốc thuê, đấy là một cách lệ thuộc. Hai nữa, ví dụ đã cho Trung Quốc thuê vùng Hà Tĩnh gần cảng Vũng Áng thời hạn cũng 50-70 năm nơi có nguyên một khu cảng như thế dọc bờ biển Hà Tĩnh dài 15-17 km thì như vậy sẽ như thế nào?”
Từ những thông tin vừa nêu, chuyên gia Bùi Kiến Thành cảnh báo mối đe dọa an ninh quốc phòng rất nguy hiểm cho Việt Nam. Ông nói:
“Vùng Vũng Áng-Hà Tĩnh đó đối diện và gần với Hải Nam. Nếu ngày nào Trung Quốc xây dựng cảng Vũng Áng ấy mà bên Hải Nam chĩa qua ngay Vũng Áng, thì có thể nói Vịnh Bắc Bộ sẽ trở thành một ao hồ của Trung Quốc và nó ngăn cản sự vận chuyển giao thông hàng hải của Việt Nam từ Bắc vào Nam, sẽ ra sao đây? Ngoài ra nó có những nguy cơ về quốc phòng, từ cảng Vũng Áng đi qua Lào chỉ có 50 km thôi. Như vậy nếu có vấn đề gì thì làm sao có thể phòng thủ khi Trung Quốc từ bên Lào đi qua Vũng Áng, 50km chạy ô tô vài tiếng đồng hồ là có thể cắt đôi Việt Nam ra hai khúc.”
Hồi trung tuần tháng 3/2014 chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, người được biết như một nhà phản biện độc lập hiện sống và làm việc ở Hà Nội từng bày tỏ quan ngại:
“Sự lo ngại trong công luận của Việt Nam rất là lớn, tôi cũng không hiểu tại làm sao mà trên lãnh thổ Việt Nam lại có các đơn vị Trung Quốc kinh doanh đóng kín như người dân ở đấy nói lại, như ở Hà Tĩnh công an vào họ cũng không cho vào. Như vậy ở đấy thành ra lãnh địa của Trung Quốc rồi chứ còn gì nữa! Và nhân kinh nghiệm ở Ucraina làm người ta cũng liên tưởng đến, nếu như ông Putin đã lấy lý do để bảo vệ kiều dân Nga ở Ucraina, thì cũng rất có thể đến một ngày nào đấy Trung Quốc lấy lý do để bảo vệ những công nhân Trung Quốc ở đấy, họ cũng sẽ làm một đòn tương tự thì lúc ấy sẽ ra làm sao?”
Lệ thuộc Trung Quốc thiên hình vạn trạng, chuyên gia Bùi Kiến Thành phân tích là từ đầu năm đến nay Trung Quốc đầu tư rất nhiều ở Việt Nam, một phần khác đầu tư vào bất động sản. Trung Quốc đầu tư vào mua những dự án bất động sản với giá rẻ bèo của những người phát triển dự án mà bây giờ buộc phải bán tháo bán đổ đi.
Ông Bùi Kiến Thành đặt vấn đề:
“Đi xa hơn chút nữa, nếu Trung Quốc đổ vào Việt nam 100 tỷ đô hay 1.000 tỷ đô Trung Quốc sẽ mua đứt luôn đất nước Việt nam này thì sẽ ra sao? Tất cả những chuyện ấy lãnh đạo nhà nước phải suy nghĩ xem, chúng ta có nên trải thảm đỏ ra để mời mà rước Trung Quốc vào đầu tư ở Việt Nam hay không. Và nếu Trung Quốc đầu tư ồ ạt thì liệu các doanh nghiệp Việt Nam có đứng vững hay không. Hiện nay đầu tư nước ngoài đã chiếm 68% xuất khẩu rồi, cả cái nước Việt Nam bao nhiêu trăm ngàn doanh nghiệp mà chỉ xuất khẩu được có 32%. Liệu ngày nào Trung Quốc đổ vào đây để đầu tư như thế thì ngoại thương Việt Nam sẽ ra sao tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ.”

Làm thế nào để giảm lệ thuộc

image-250.jpg
Người dân biểu tình chống Trung Quốc hôm 11/5/2014. AFP photo

Viễn kiến và quan ngại của giới chuyên gia có đầy đủ cơ sở, nếu nhìn vào những diễn biến gần đây nhất, những vụ biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn chủ quyền biển đảo Việt Nam đã lan ra tới khu công nghiệp Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh. Bạo động giữa công nhân Trung Quốc và công nhân Việt nam làm 21 người chết gồm 15 Trung Quốc 6 Việt Nam, theo hãng tin uy tín của Anh Quốc Reuters. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho là chỉ có 1 người Trung Quốc chết còn Bộ ngoại giao Trung Quốc xác nhận 2 công nhân Trung Quốc bị thiệt mạng.
Ngoài những quan ngại về chính sách ưu đãi nhà đầu tư Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam dựa trên xuất khẩu nhưng phụ thuộc phần lớn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2013 Việt Nam nhập khẩu 39,6 tỷ USD hàng hóa và nguyên liệu Trung Quốc mà chỉ xuất khẩu qua Hoa lục được có 13,3 tỷ USD. Làm thế nào giảm lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định:
“Rất khó, vì nhập khẩu từ Trung Quốc còn có phần tiểu ngạch đi qua biên giới một cách không chính thức. Mỗi ngày người ta đưa hàng hóa từ Trung Quốc vào mà ở đây có hai, ba vấn đề. Một là về chất lượng hàng đấy có phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam hay không, nhiều báo cáo cho biết hàng hóa có chất độc trong đó, còn vấn đề đồ ăn bây giờ rất sợ có nhiều báo cáo cho thấy thực phẩm, hoa quả Trung Quốc đưa qua có nhiều chất độc, đồ dùng hàng ngày mà có nhiều chất độc thì sẽ ra sao.
Ngoài ra về vấn đề kinh tế thuần túy doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu Trung Quốc, mình nói xuất khẩu hai mươi mấy tỷ đô la hàng may mặc, nhưng những hàng may mặc ấy có hơn 60% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Tất cả những thứ đó cho chúng ta có cơ hội nhìn lại vấn đề ngoại thương với Trung Quốc và vấn đề khác là dưới chiêu bài kinh tế có vấn đề chính trị quốc phòng hay không thì Việt Nam phải thận trọng.” Thành quả kinh tế xuất khẩu của Việt Nam tuy là xây dựng trên nền móng không vững chắc, nhưng nhà nước rất tự hào về thu nhập bình quân đầu người đạt mốc 1.900 USD/năm; theo cách tính lấy Tổng sản phẩm quốc dân chia đều cho dân số. Sau âm mưu xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, giả dụ Trung Quốc leo thang một bước trừng phạt kinh tế, Việt nam sẽ chịu ảnh hưởng tức thì và rất nặng nề.
Cũng chính vì thế giới chuyên gia cho rằng, vấn đề giảm lệ thuộc nhiều mặt vào Trung Quốc cần được xem xét khẩn cấp và có những bước thực hiện nghiêm túc. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc không chịu rút giàn khoan khổng lồ hạ đặt bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam.

RFA

No comments:

Post a Comment