Monday, June 2, 2014

Việt Nam: có làm mạnh như nói?


 

 Bành trướng chịu kéo lui?

Hôm thứ ba Trung Quốc đã dời giàn khoan về hướng đông đông bắc, đến vị trí cách đảo Lý Sơn 150 hải lý, cách đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa 25 hải lý hướng đông đông nam, tức là vẫn nằm trong lãnh hải đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung Quốc cũng tăng cường lực lượng hải cảnh, hải giám và tàu sắt quanh vị trí mới, sau khi tuyên bố hoàn tất giai đoạn 1 đạt kết quả khả quan về khảo sát địa chất.  Trước đó hôm thứ hai, tàu cá Trung Quốc đã đâm chìm nghỉm một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, gây thiệt hại tới 5-6 tỉ đồng.

Liệu có phải Trung Quốc muốn lui dần giàn khoan ra ngoài lãnh hải Việt Nam chăng?
Chắc chắn là không. Trước hết, Trung Quốc chẳng tìm dầu khí gì ở lô 143 của Việt Nam, là nơi mà Việt Nam chưa muốn thăm dò vì không có triển vọng có trữ lượng dầu khí đáng lưu ý, thậm chí không có gì đáng thăm dò. Trung Quốc chỉ hành động để cắm sào giành chủ quyền lãnh hải khu vực đó và khởi sự cho những hoạt động giành chiếm lãnh hải xa hơn về hướng tây và hướng Nam. Bắc Kinh bày ra chuyện di dời để tuyên bố đã khoan thăm dò và nghiên cứu, chứng tỏ đã có hoạt động, nhằm tạo đủ điều kiện xác định chủ quyền. Thế nhưng chưa di dời giàn khoan thì đã cho tàu sắt đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam, lần đầu tiên ở khu vực tranh chấp nóng bỏng này, chứng tỏ Trung Quốc muốn khẳng định nơi rời đi cũng như nơi dời đến tới đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Vị trí thứ nhì của giàn khoan HD-981 nhích về hướng đông, xa khỏi đảo Lý Sơn một chút, nhưng vẫn nằm trọn trong lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam, theo Công ước quốc tế mà chính Trung Quốc cũng ký kết.

Có tiếng nói mạnh mẽ

Về đối sách của Việt Nam, hôm thứ tư 21 tháng 5 trong văn bản trả lời phỏng vấn của các hãng thông tấn Reuters và AP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam không đánh đổi độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ lấy một thứ hòa bình viễn vông, lệ thuộc nào, dù rằng luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị. Ông nói thêm Việt Nam đang cân nhắc nhiều phương án tự vệ, kể cả phương án đấu tranh pháp lý dựa theo luật pháp quốc tế.
Đó là lời tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của một trong những cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, một Uỷ viên có thế lực trong Bộ chính trị, về vấn đề bảo vệ chủ quyền. Trong khi nói đến nhiều phương án tự vệ thì Thủ tướng Việt Nam cũng lưu lại Philippines lâu hơn thường lệ, để bàn thảo với Philippines về những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm, hiển nhiên nghị trình phải có vấn đề chủ quyền lãnh hải đang bị Bắc Kinh xâm lấn. Như vậy Thủ tướng Việt Nam hẳn phải bàn với giới lãnh đạo Philippines vấn đề đem Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế, là việc Manila đang làm.
Tuy nhiên người ta phải chờ xem Việt Nam có thực sự tiến hành vụ kiện hay không, và tiến hành như thế nào. Thủ tướng Dũng từng đưa ra những chính sách nội trị mang tính cách cải tổ và tiến bộ. Trong thông điệp đầu năm ông từng nói “dân chủ và pháp quyền là hai thành quả song sinh của nền chính trị hiện đại” nhưng thực tế cho thấy chính phủ chẳng hề cho người dân được tự do gì thêm trong những quyền được hiến pháp ấn định, và viên chức Nhà nước cùng công an vẫn cứ làm những việc trái pháp luật mà không bị kỷ luật gì.

Tương quan giữa “nói” với “làm”

Thủ tướng Dũng cũng từng có những quyết sách táo bạo về kinh tế, như gom quyền chủ đạo các tập đoàn sản xuất và tổng công ty quốc doanh, hệ thống ngân hàng Nhà nước vào tay Thủ tướng, nhưng ông đã thực hiện một cách thất bại. Nhắc đến điều này để nói về việc ông Dũng thường có những quyết định táo bạo và chính sách cấp tiến nhưng lúc thi hành thường chẳng mấy thành công .
Tuy nhiên, xét kỹ, người ta thấy ông Dũng không thành công ở các chính sách kinh tế tài chính là vì chính sách không đúng, lại không chịu nghe ý kiến của các chuyên gia, cố vấn thông thạo về kinh tế thị trường, mà còn muốn họ im tiếng. Thêm vào đó, không thành công cùng còn vì lý do một vị Thủ tướng của chính phủ phải chịu trách nhiệm thực hiện chính sách của đảng cầm quyền. Đó là chính sách bảo thủ, giữ chặt lấy nền kinh tế gọi là theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể bị quy trách về việc thực hiện không thánh công một chính sách kinh tế, nhưng chính Bộ chính trị mới phải chịu trách nhiệm về chính sách sai lầm.
Dù vậy, làm kinh tế thất bại không có nghĩa là không thể thành công trong những chính sách khác về ngoại giao, quốc phòng chẳng hạn. Trong lãnh vực ngoại giao và quốc phòng dường như giới lãnh đạo Việt Nam dễ đồng thuận với nhau hơn là trong lãnh vực kinh tế, tài chính, tuy rằng mọi chính sách đều do quyết định tập thể của bộ chính trị.

Áp lực quân sự?

Thủ tướng Dũng tuyên bố là Việt Nam cân nhắc nhiều phương án tự vệ. Thì qua ngày 23 tháng 5 báo mạng Arirang News của Hàn quốc trích tin của báo Đài Loan China Times cho biết 300 ngàn quân Trung Quốc đang được điều động về hướng biên giới Việt Nam. Báo China Times còn nói tỉnh Quảng Đông đang chuẩn bị cho nguy cơ khả dĩ xung đột quân sự với Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng tăng cường lực lượng ở vùng biên giới phía bắc. Tuy nhiên báo này cũng nói ngay là cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều chưa xác nhận những hoạt động này. Trên internet xuất hiện nhiều hình ảnh nói là của “dân mạng” ghi nhận hình ảnh chuyển quân đông đảo của quân đội Trung Quốc. Sự kiện này có thể được nhận định ra sao?
Trước hết chưa có nhiều nguồn tin độc lập với nhau loan tải việc này để có thể đối chiếu và tìm sự xác thực của tin. Có ý kiến cho đây là cuộc thao dượt bình thường của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên nếu giả định là việc chuyển quân đang xảy ra, có thể nói hành động này không khác gì so với việc Nga cho tập trận quy mô ở biên giới phía đông Ukraine lúc diễn ra vụ Crimea đòi độc lập rồi đến cuộc biến động miền Đông. Tuy nhiên chiến sự sẽ không xảy ra ở vùng biên giới phía bắc cũng như ở biển Đông.

Diễn đàn này từng khẳng định Trung Quốc không cần đến biện pháp quân sự để giành chiếm biển Đông, mà vẫn xâm lấn thành công, trong khi Việt Nam cũng không muốn chiến tranh. Chúng ta cũng đã dự đoán Trung Quốc sắp sửa bố trí “vài lộ quân” ở vùng biên giới để gây áp lực tinh thần về mặt quân sự. Thì đây chính là lúc Trung Quốc đang làm việc đó.
Tin điều động quân đội Trung Quốc đến cùng lúc với tin Ngoại trưởng Mỹ mời người tương nhiệm của Việt Nam sang Washington để tham khảo toàn diện những đề tài song phương và khu vực. Nên nếu đúng là Trung Quốc đang điều binh thì đó là hành động để gây áp lực quân sự với Việt Nam.

RFA

No comments:

Post a Comment