Mấy ngày nay, dư luận Việt Nam đang sôi
động về cái gọi là Hội nghị Thành Đô đã bí mật diễn ra giữa lãnh đạo hai
Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc vào tháng Chín 1990.
Thực ra thì từ vài năm trước đã có nhiều tin đồn về Hội nghị này, trong
đó phải kể đến Hồi ký của ông cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ
năm 2003, nhưng các thông tin có được còn quá mơ hồ, người ta có cảm
giác là Hội nghị này chủ yếu chỉ xoay quanh vấn đề Campuchia, và vì vậy
sự chú ý cũng như hồ nghi đã dừng ở mức giới hạn.
Trái lại, những kiến nghị công khai mới đây của thiếu tướng Lê Văn Mật và cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang với trích dẫn “Kỷ yếu Hội nghị Thành Đô” từ tờ Hoàn cầu Thời báo
của Trung Quốc đã làm chấn động Việt Nam. Nếu thật sự là tại Hội nghị
này, các nhà lãnh đạo cộng sản Hà Nội cao nhất đã ký vào những dòng chữ:
“Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản… Việt Nam
bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính
quyền trung ương tại Bắc Kinh” thì những tên tuổi như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng sẽ là nỗi kinh hoàng của người Việt, và kết luận của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch rằng “Hội nghị Thành Đô đã mở đầu một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm” là hoàn toàn có lý.
Cho đến hôm nay, các thông tin trên vẫn chỉ là điều đồn đoán. Người ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ những bài viết trên tờ Hoàn cầu Thời báo;
và cũng như hàng loạt Hồi ký của các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam
khác; những tâm sự, ghi chép của ông Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ chưa
chắc đã mang tải toàn sự thật. Mặc dù vậy, với nội dung vô cùng nghiêm
trọng của nó, với những sự kiện đã xảy ra trong quan hệ Việt-Trung gần
đây, những thông tin về Hội nghị Thành Đô xứng đáng là một quả bom trong
dư luận. Rất có thể, Hội nghị này đã là một cái mốc quyết định vận mệnh
dân tộc Việt Nam. Vì vậy, người Việt có quyền, và có trách nhiệm đòi
chính quyền phải nhanh chóng bạch hóa tiến trình cũng như nội dung Hội
nghị đó. Nhưng chính điều này lại chứa đựng hàng loạt vấn đề nan giải.
Thứ nhất, một chính quyền không nhất
thiết phải bạch hóa toàn bộ những thỏa thuận chính trị của mình với nước
khác. Chỉ cần viện cớ “an ninh quốc gia”, Hà Nội hoàn toàn có quyền
thoái thác việc công bố nội dung Hội nghị. Thêm vào đó, trong một xã hội
toàn trị như ở Việt Nam, dư luận quần chúng không bao giờ có đủ sức ép
để bắt chính quyền phải làm một việc mà nó không muốn. Nếu Hội nghị
Thành Đô đã diễn ra đúng, hoặc chỉ cần gần đúng với những thông tin hiện
nay, thì hành vi quỳ gối trước Bắc Kinh của các nhà lãnh đạo Hà Nội hồi
đó sẽ tước bỏ hoàn toàn tính hợp thức tự phong của chính quyền cộng sản
hiện nay. Tuy Hội nghị Thành Đô là sản phẩm của những nguời tiền nhiệm,
nhưng với nó, các nhà lãnh đạo hôm nay sẽ hoàn toàn phá sản trong lý
luận dùng “thành tích” quá khứ để biện minh cho vai trò cầm quyền duy
nhất và tuyệt đối của mình. Bạch hóa Hội nghị Thành Đô như thế đương
nhiên là tự sát, và chính quyền Hà Nội chắc chắn sẽ không tự nguyện làm
như vậy.
Thông thường, trong một chính thể lành
mạnh, khi có những nghi vấn về hành vi khuất tất của chính phủ hoặc
thành viên chính phủ, thì đại biểu quốc hội với tư cách thay mặt cho cử tri sẽ có quyền chất vấn chính phủ, và khi cần thiết quốc hội sẽ có
trách nhiệm lập ra các uỷ ban điều tra làm sáng tỏ vụ việc. Với cơ chế
chính trị và với gương mặt quốc hội Việt Nam hiện nay, điều này hầu như
không có khả năng xảy ra.
Thực tế là hiện nay, trước xôn xao của
dư luận và đòi hỏi của nhiều người, trong đó có cả cán bộ và đảng viên
cao cấp, chính quyền Việt Nam vẫn hoàn toàn im ắng. Có vẻ như Hà Nội
muốn dùng sự im lặng của mình để chứng tỏ rằng các tin tức đã được đăng
tải về Hội nghị Thành Đô chỉ là những bịa đặt nhảm nhí không đáng quan
tâm, và dư luận cũng như sự bất bình của dân chúng rồi sẽ tự tiêu tan
như từ trước tới nay.
Nhưng cũng có thể, do tính chất cực kỳ
nghiêm trọng của sự việc lần này, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ
không được tiếp tục ngồi yên và phải lên tiếng về cuộc gặp gỡ bí mật
tại Thành Đô. Họ có thể sẽ thẳng thừng tuyên bố gạt phắt những thông tin
đồn đại. Họ cũng có thể đưa ra một cái gì đó giống như là “bạch hoá”
những thỏa thuận ở Thành Đô. Đáng tiếc là trong cả hai trường hợp, xác
suất nhìn được sự thật của người Việt chắc chắn sẽ rất gần với số không.
Trong lịch sử hoạt động chính trị và
điều hành đất nước của mình, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chưa
bao giờ chứng tỏ là họ có khả năng ngay thẳng và minh bạch. Ở vị trí
lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, họ không bao giờ bị bắt buộc phải công
nhận và chịu trách nhiệm về những sai phạm nghiêm trọng của mình. Rất có
thể là vào những ngày tháng tới, vì một lý do nào đó, nhà cầm quyền
Việt Nam sẽ đưa ra những thông tin chính thức về Hội nghị Thành Đô. Dĩ
nhiên là những thông tin này sẽ hoàn toàn không có khả năng được kiểm
chứng, nhưng một bộ phận cán bộ, đảng viên sẽ tạm yên lòng, còn những
người khác sẽ tiếp tục mỏi mòn trong nghi ngờ, bất bình và bất lực.
Điều dễ thấy là ở các nước theo hệ thống
đa đảng, khi thẩm tra hoạt động của chính quyền, tại các cuộc điều trần
trước quốc hội hoặc trong hoạt động của các uỷ ban điều tra do quốc hội
chỉ định, vai trò của phe đối lập là một điều bắt buộc phải có. Khi
điều tra, chính đại diện của các đảng đối lập mới là những người chất
vấn, truy tìm các sai phạm, khiếm khuyết của chính quyền. Trong chính
trường, không có đối lập sẽ không có khả năng tìm ra sự thật!
Khi chính quyền vẫn không công nhận đối
lập, vẫn đàn áp đối lập thì những hy vọng thực sự “bạch hoá” một sự kiện
chính trị rất quan trọng và có thể rất nguy hiểm như Hội nghị Thành Đô
là điều không tưởng. Đại đa số người Việt sẽ tiếp tục phải làm những con
tin trong một mê hồn trận của các tin tức mờ ảo, thất thiệt và gian
trá. Chính quyền vẫn hoàn toàn có khả năng “bí mật” tiến hành những hoạt
động của mình. Và nếu tình hình không thay đổi, có lẽ sẽ đến lúc chúng
ta phải đón nhận một kết quả không mấy tốt lành của một Hội nghị kín
mới, diễn ra không phải ở Thành Đô, mà ngay ở giữa Đông Đô Hà Nội.
12/8/2014
Phạm Việt Vinh
No comments:
Post a Comment