Xuân Lộc ngày 13/4/1975
Trong cuộc chiến 12 ngày đêm ở Xuân Lộc đã diễn ra một cuộc tàn sát thường dân tại xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai và câu chuyện này được Hạ sĩ Trần Đức Thạch, phân đội trưởng trinh sát bộ đội miền Bắc, người tham gia trận đánh đã chứng kiến cuộc tàn sát man rợ đó kể lại với Mặc Lâm của đài chúng tôi sau đây.
Mặc Lâm: Thưa anh, chúng tôi được biết anh là một bộ đội miền Bắc tham gia trận đánh 12 ngày đêm tại Xuân lộc. Trong những ngày ấy anh chứng kiến nhiều sự việc đau lòng xảy ra cả thường dân nữa. Xin anh cho biết anh thuộc đơn vị nào và tham gia trận chiến vào lúc nào?
Ông Trần Đức Thạch: Lúc ấy tôi đang ở Quảng Bình chúng tôi ăn tết vội vã trong cái tết đó và chúng tôi hành quân từ năm 1974 cho đến 1975 tôi là cái trung đoàn trước của sư đoàn 341 riêng tiểu đoàn tôi sau khi ăn tết ở Quảng Bình xong chúng tôi vào chỗ Xuân Lộc Long Khánh thì có đụng độ và đụng độ dai dẳng. Hồi đấy người ta không gọi là chiến dịch Hồ Chí Minh mà gọi nó là chiến dịch Mô tô.
Ngày nổ súng có một đơn vị đáng lẽ nổ súng vào 6 giờ nhưng 4 giờ 15 phút thì họ đã tiếp cận một đơn vị 12 ly 7, hai bên đụng nhau và quyết định lấy giờ đó làm giờ nổ súng.
Trong ngày đầu tiên đơn vị tôi tràn hết khu vực của thị xã Long Khánh và sau đó chúng tôi bị vây. Như thế là các đơn vị của VNCH ở trong là quân đội Bắc Việt bân ngoài rồi VNCH rồi quân Bắc Việt cứ như thế người ta bao vây nhau toàn vùng Long Khánh. Sau này người ta nói thu hút lực lượng VNCH ra để tránh đổ máu nhưng tôi nghĩ là không phải mà thực ra người ta bao vây nhau ở đấy lúc đầu để giải quyết trong một ngày nhưng cuối cùng thì kéo dài tới 12 ngày đêm.
Mặc Lâm: Trong 12 ngày đêm ấy anh có chứng kiến một điều gì đặc biệt trong các trận đánh giữa hai bên mà anh vẫn còn ghi nhớ tới ngày nay hay không?
Ông Trần Đức Thạch: Đấy là chuyện ở Bàu Cá. Khi Xuân Lộc bị vỡ khi tôi đến Bàu Cá có hai người tên là anh Xuân và anh Tâm. Lúc ấy tôi là trinh sát nên nói chung cũng rất xông xáo, tay đại đội trưởng bảo tôi bắn chúng đi nhưng mà tôi không bắn. Tôi hỏi ông Tâm có suy nghĩ gì trước khi chết thì ổng chỉ khóc thôi nhưng còn ông Xuân thì ông ấy bảo: bây giờ số phận chúng tôi nằm trong tay các ông thich giết thì cứ giết. Tôi rất cảm phục câu nói của ông Xuân.
Lúc ấy tôi mới nói cho bọn lính (bộ đội) ở đấy nghe thế này. Bây giờ ta chết thì họ cũng chết bây giờ đưa ông này lên tháp canh cùng với chúng ta. Nhưng tay đại đội trưởng bảo không được, tôi lại bảo thế thì để tôi đưa anh ta vào chỗ Bàu Cá.
Thực tế thì lúc đó tôi cũng bị vây, tôi bị một trung đội của VNCH vây và tôi nói với anh em như thế này: cái chuyện nó như thế rồi tôi không thấy ai khác lạ, tất cả là người Việt mũi tẹt da vàng, bây giờ anh em giết tôi thì người ta cũng giết anh em thôi. Tốt nhất là anh em đồng ý với tôi chúng ta còn vài ngày nữa còn sống, có giết tôi thì cũng vô ích và anh em cũng chết thôi. Người ta nghe tôi và sau đó tôi đưa hai người lính VNCH này vào trong ấy.
Sau khi anh em đồng ý với tôi như thế thì thu vũ khí tất cả chung quanh khu vực Bàu Cá và bọn tôi ra đó gọi hàng, nhưng họ cương quyết bắn trả lại. Trong tốp người của tôi bị thương một người. Bên kia thì sau đó họ ôm lựu đạn họ nổ tung xác phải nói rất là cảm thương và phải nói rất là oanh liệt. Tôi nghĩ ai được chứng kiến cảnh ấy thì rất tuyệt vời vì đó là những anh hùng thật sự. Lúc đó tôi không nhìn ra chuyện ấy chỉ có cảm phục thôi nhưng tới sau này tôi mới thấm được.
Mặc Lâm: Đài phát thanh Hà Nội lúc đó cáo buộc VNCH đã thả hai trái bom CBU-55 để giết quân miền Bắc còn theo Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh sư đoàn 18 Bộ binh thì xác định không phải bom CBU-55 mà là hai trái BLU 82 bỏ trên chiến trường Định Quán, anh có ý kiến gì về việc này?
Ông Trần Đức Thạch: Không! thực ra đó là sự la lối thôi! tôi là người trực tiếp ở đó và sau này về Sài Gòn thì người ta triển lãm hai trái bom CBU ấy. La lối là vì lúc ấy cả hai lực lượng đều dồn về đấy và quây nhau biết bao nhiêu vòng nếu thả CBU thì chết tất cả, thực ra thì không có như vậy đâu. Ở Xuân Lộc không có quả CBU nào vì người ta cứ đồn tức là đài Tiếng nói Việt Nam lúc ấy cứ la làng vậy thôi kỳ thực không có chuyện như vậy bởi vì tôi là người trực tiếp chiến đấu ở Long Khánh, tôi hiểu tất cả mọi chuyện, không có chuyện đó đâu.
Mặc Lâm: Chúng tôi được biết trong trận đánh đó tại xã Tân Lập một số lớn thường dân bị giết vì sau ngày 30 tháng 4 tôi có dịp về lại Long Khánh và nghe người dân cho biết có hàng trăm người bị bắn và chôn tập thể, anh có biết vụ này không?
Ông Trần Đức Thạch: Tôi trực tiếp chứng kiến vụ tàn sát tại Xuân Lộc, người ta tàn sát do sự hoang mang này khác. Lúc đó còn sư đoàn 18 đang đóng ở đấy và thực ra mà nói thì tôi không hiểu được chuyện này. Riêng vụ Tân Lập người ta tàn sát trên dưới 200 người và tôi phải giải quyết tất cả các hậu quả ở đấy rồi đưa người bị thương ra bệnh viện Suối Tre cho đến buộc lòng phải chôn tập thể trong một cái hố ở sau ấp Tân Lập ấy mà người tàn sát thì chính là bộ đội Bắc Việt.
Sau khi giải quyết vụ chôn người xong tôi nghĩ vừa là lương tâm lúc ấy tôi rất bức xúc vì được tuyên truyền là anh bộ đội cụ Hồ mà sao bộ đội cụ Hồ lại tàn nhẫn độc ác đến như vậy? Một điều làm tôi rất băn khoăn ở chỗ là tại sao người ta giết người rồi không có trách nhiệm gì cả?
Tôi chỉ làm trong cương vị một con người thực ra là con người thôi vì người lính lúc đó không là cái gì cả, đấy là một kỷ niệm cực kỳ đau xót và nó ám ảnh tôi cho đến mãi tận sau này.
Thực tế sau khi ở Xuân Lộc người ta đổi chiến dịch Mô tô thành chiến dịch Hồ Chí Minh thì dọc đường từ đấy vào tới Sài Gòn tôi đã chứng kiến bao nhiêu cảnh người ta coi con người không ra gì. Thích bắn thì bắn thích giết thì giết và xác người rải rác từ Xuân Lộc tận tới Sài Gòn mắt tôi từng chứng kiến thấy đau đớn quá và cảm thấy rằng không biết rồi nó sẽ như thế nào, nhưng từ đấy trở đi trong người có cái gì đấy rất là nản và rất ghét chiến tranh.
Mặc Lâm: Anh vui lòng kể lại cụ thể chi tiết điều mà anh gọi là tàn sát dân lành ở Tân Lập được không ạ?
Ông Trần Đức Thạch: Khi tôi vào đến nơi thì đạn nó còn nổ còn chồng đống xác người chết lẫn bị thương. Tôi rất lấy làm lạ toàn là dân lành không, cả người già lẫn trẻ, gái trai chồng đống một chỗ tạo thành một suối máu. Máu lênh láng mà người thì chồng đống lên nhau. Người bị thương nằm chen với người chết trông tởm lắm, trông kinh lắm!
Lúc đấy tôi là phân đội trưởng trinh sát tôi lên tôi bảo các ông đừng có bắn nữa toàn là dân lành có thấy địch đâu mà các ông bắn? Thế rồi suốt cả một ngày sau bọn kia (bộ đội) nó bảo đó là lệnh, tôi hỏi lệnh lệnh cái gì bây giờ không thấy địch ở đâu cả? Phải nói rằng đấy là một cuộc thảm sát rất là kinh khủng, lần đầu tiên tôi thấy nó là như vậy.
Lúc ấy mình chỉ là thằng phân đội trưởng trinh sát, cấp bực chỉ là hạ sĩ cho nên mình không là gì cả. Riêng với mấy ông lính trẻ thì tôi quát: lệnh cái gì, các ông đừng bắn nữa có gì tôi chịu trách nhiệm.
Thật ra mình là dân đầu đinh cuối cán không có vai trò gì lắm đâu! thấy họ chết cơ man như thế nên đau lòng bảo thôi đừng bắn nữa và suốt buổi chiều hôm đó cho tới ngày hôm sau tôi chả thấy ai ngó ngàng gì đến cho nên tôi mới phải trực tiếp cùng với những người còn sống giải quyết vụ đó thôi.
Mặc Lâm: Tân Lập chỉ cách bệnh viện Suối Tre ba cây số anh có chuyển những người bị thương ra bệnh viện để cứu chữa họ hay không?
Ông Trần Đức Thạch: Sau khi tôi gặp được một số anh em du kích trong đấy tôi mới bảo giải quyết cái này. Người bị thương thì phải đem cấp cứu trước còn người đã chết thì tính sau. Phụ nữ trẻ em tôi cho ra rừng hết để các cháu, các chị khỏi nhìn thấy những cảnh tang thương như thế này thì về sau họ có thể thế này thê kia. Hai nữa những người bị thương cần đem cấp cứu thì bà con có bảo rằng xe thì có đấy nhưng mà ra thì sợ mấy anh giải phóng bắn. Tôi mới nói vụ chuyển người bị thương thì tôi đứng đầu cho, tôi mới xé một mảnh vải đỏ tôi bảo đeo lên rồi đưa ra bệnh viện Suối Tre cấp cứu. Phải nói đấy là công việc rất là to lớn nhưng hồi đấy tôi không nhìn thấy, không hiểu như thế nào mà trời giúp cho nên đã giải quyết công việc ổn thỏa.
Mặc Lâm: Trong lúc lo chôn cất nạn nhân anh có tập trung giấy tờ tùy thân của họ để sau này thân nhân của người chết tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn hay không?
Ông Trần Đức Thạch: Những người chết thì rất phức tạp. Tôi mới nghĩ ngay đến huy động mọi người thanh niên có sức khỏe cho tới 45 tuổi ra đào cho tôi một cái hố sau ấp. Huy động hết toàn bộ phương tiện chở xác chết ra chôn. Tôi nhờ người thu tất cả căn cước giấy tờ để sau này có chuyện để liên hệ nhưng rất tiếc là ông Nghê, tôi còn nhớ tên ông ấy là Nghê, ổng giúp hộ nhưng sau đó có một tay nào đó nó lừa mất, nó lấy hết tất cả giấy tờ, tư trang của những người bị chết.
Sáng hôm sau tôi ra chỗ tập trung người sau đó quay trở lại cái hố mà tôi ra lệnh đào thì xác bà con nằm đấy nhưng chỉ phơi nắng thôi. Tôi nghĩ không biết làm thế nào cả, tôi quyết định chôn chung bà con vậy. Đấy là diễn tiến của sự việc hôm ấy đó anh.
Mặc Lâm: Thưa anh chỉ còn vài ngày nữa là kỷ niệm đúng 40 năm ngày thống nhất đất nước, là người chứng kiến sự tồi tệ của chiến tranh và cái chết oan khuất của hàng trăm người ngay trước khi cuộc chiến chấm dứt. Anh nghĩ sao về dịp kỷ niệm này?
Ông Trần Đức Thạch: Thật ra mỗi lần kể chuyện ấp Tân Lập thì mỗi lần tôi đau đớn, đó là việc của lịch sử nó xảy ra rồi nhưng tôi nghĩ cả đất nước này, cả dân tộc này thì đại nạn cộng sản nó tác động lên từ năm 1945 khi họ cướp được chính quyền và họ đưa đất nước dân tộc này đến chỗ điêu linh và tan nát.
Điều này thì kể cả miền Nam lẫn miền Bắc đều là nạn nhân của cái đại nạn cộng sản này. Tôi mong rằng chúng ta đều là người Việt Nam, đều là nạn nhân thì nên thương yêu nhau, biết đoàn kết. Chín mươi triệu người Việt Nam và đồng bào hải ngoại đã rất đau đớn trong cuộc di tản. Đồng bào miền Nam chạy trốn bị mất mát, bị chết nên khi nhìn lại chúng ta biết yêu thương nhau thì cái nỗi đau ấy nó cũng được hàn gắn lại và nó dần dần sẽ liền da. Nó làm cho chúng ta yên tâm hơn, yêu thương nhau hơn để tương lai của chúng ta tốt đẹp.
RFA
No comments:
Post a Comment