Tuesday, May 12, 2015

"Đêm trước" đổi mới: Chiếc áo cơ chế mới (Bài 5)

  Võ Văn Kiệt (phải) trao đổi với giám đốc Dệt Thành Công Nguyễn Xuân Hà (trái)

Sài Gòn sau ngày giải phóng giữa lúc bộ mặt sản xuất ngổn ngang thì hai vợ chồng chủ Hãng dệt Tái Thành (tức Dệt Thành Công sau này) là Huỳnh Ngọc Thái và Đoàn Thị Mỹ đã hiến cho Nhà nước toàn bộ cơ ngơi một nhà máy lớn nhất nhì ngành dệt may thành phố lúc bấy giờ.

Khi kỹ sư dệt đi vỡ hoang
Ông Nguyễn Xuân Hà, vị giám đốc đầu tiên của Dệt Thành Công (sau giải phóng), còn nhớ: xí nghiệp có hơn 100 cỗ máy, gần 20.000 cọc sợi và 300 công nhân lành nghề luôn cho ra đời mỗi năm 2,4 triệu m2 vải dệt kiểu ôxpho - mặt hàng cao cấp nhất lúc đó. Thời gian đầu máy móc hoạt động bình thường nhưng đến cuối năm 1979 tình hình xấu dần. Ban đầu là máy hỏng vài con ốc.
Tiếp đến cái bánh răng, cuộn dây và cuối cùng là cỗ máy thứ nhất đắp chiếu, ba bốn dàn máy khác trục trặc. Theo qui trình kỹ thuật thì phải bảo dưỡng và thay thế định kỳ, nhưng nay không thể bởi dây chuyền này nhập khẩu từ Mỹ và Nhật - những quốc gia tư bản “ta không chơi”.
Nhưng khốn khổ nhất là kho nguyên liệu dự trữ của Tái Thành đã hết. 80% dây chuyền tạm ngừng sản xuất. Bộ phận nhỏ còn lại dệt may những sản phẩm phụ. Không thể xoay nghề khác vì thiếu vốn.
Về nguyên tắc Nhà nước cấp vốn theo kế hoạch từng năm, nhưng thực tế thì chưa năm nào Thành Công được cấp quá 20% nhu cầu. Công nhân không việc làm, đời sống ngày một quẫn bách. Nguồn thu nhập nhỏ nhoi nhất là vải vụn, tơ rối (phụ liệu) có thể làm găng tay, thú nhồi, mũ, túi cũng phải nộp lại Nhà nước.
Ban lãnh đạo công ty liên hệ với các tỉnh Sông Bé, Đồng Nai đưa công nhân đi trồng trọt, chăn nuôi cải thiện đời sống. Nhưng do không nghề, không vốn và không cả tinh thần làm việc nên sau hàng chục tháng lại về không.
Công ty ngày đó bố trí một bữa cơm ca trưa cho công nhân. Ai cũng cố ăn thật no để buổi chiều về có thể nhường cơm cho gia đình. Có người vì ăn quá no đi lại ì ạch như bà đẻ, không làm việc được trông vừa buồn cười vừa tội nghiệp. 

Ông Nguyễn Xuân Hà 

Tìm kẽ hở của chính sách
Lúc này chìa khóa của Dệt Thành Công là ngoại tệ. Có ngoại tệ sẽ có phụ tùng và nguyên liệu. Nhưng Nhà nước không có ngoại tệ cấp cho doanh nghiệp. Vậy đào đâu ra? Thì ra trong lớp lớp lưới tường ngăn, rào chắn vẫn có những khe ngoại tệ chảy vào VN.
Đó là những doanh nghiệp du lịch, bến cảng và xuất khẩu thủy sản. Ban lãnh đạo công ty quyết định tiếp cận những nguồn này. Gõ cửa các công ty: Du lịch Sài Gòn, Thủy sản Ramico, cảng Sài Gòn, giám đốc Nguyễn Xuân Hà bắt đầu “thuyết khách”: Tôi bán vải sợi cho anh để anh bán lại cho dân và mua cá. Cá xuất khẩu thu ngoại tệ thì xin anh trả vốn cho tôi bằng ngoại tệ.
Với du lịch và cảng biển thì anh cứ bày bán ở cửa hàng cho khách nước ngoài (nếu anh bán cho khách nội địa thì chạy hàng hơn đấy!). Tiền gốc anh trả tôi nhưng hãy làm ơn trả bằng ngoại tệ…
Không biết bởi may mắn, bởi tài “du thuyết” hay bởi đó cũng là khát vọng chung của những trái tim tâm huyết… mà các đối tác đều OK. Vấn đề tiếp theo là phải có hàng. Muốn có hàng phải có nguyên liệu. Nguyên liệu phải nhập. Nhập phải có đôla… Có nghĩa là phải có đôla trước thì mới đẻ được đôla sau. Đôla trước chỉ có cửa duy nhất là ngân hàng.
Tìm mãi, giám đốc Nguyễn Xuân Hà đã gặp được giám nhiên vay 180.000 USD thì phải làm phương án. Sau hai đêm, phương án ra đời: vay 180.000 USD. Trong số đó, 120.000 USD để mua 40 tấn sợi. Còn lại mua hóa chất, phụ tùng, thuốc nhuộm. Sợi này sẽ sản xuất được 80.000m2 vải. Vải bán cho hải sản, cảng biển và du lịch. Các cơ sở đó xuất khẩu thu ngoại tệ và trả vốn cho Thành Công bằng ngoại tệ. Tiền này thừa để trả ngân hàng, nuôi công nhân, cải tạo dây chuyền, tích lũy và nộp ngân sách. Thế nhưng theo qui định, phương án này phải được bộ chủ quản duyệt.
Chao ôi hồ sơ vay vốn, tự mua nguyên liệu giá ngoài, tự sản xuất theo kế hoạch riêng rồi tự bán ra ngoài… toàn những điều cấm kỵ này mà đưa ra Hà Nội không những không thể được duyệt mà có khi còn bị kỷ luật. Phải tính! Lãnh đạo Bộ Công nghiệp nhẹ có nhân vật đổi mới, thoáng nhất là thứ trưởng Vũ Đại.
Muốn thuyết phục được ông này thì phải gặp riêng và nhất định không phải ở bộ. Thế là đúng lúc thứ trưởng Vũ Đại vào Nam công tác, ông Hà đem một phương án “động trời”, một kế hoạch thu phục nhân tâm và một tấm lòng thành khao khát... đệ trình.
Cuối cuộc trao đổi, ông Đại hỏi: “Ừ, hay đấy! Nhưng tớ ký (phương án) có sao không?”. “Anh phải ký ngay thì cái hay mới thành sự thật. Chứ đem ra bàn thì hỏng!”. Roẹt! Thứ trưởng ký! Nhưng chưa có dấu. Không sao, chủ phương án sẽ ra Hà Nội lấy dấu.
Theo tình quên lý
Dệt Thành Công bàn nhau: mọi việc đã ổn. Bộ đã đồng ý. Trong kho còn một ít hàng cầm cự. Mình sẽ không bán cho nội thương (theo giá qui định) mà lén bán cho các công ty du lịch, thủy sản lấy ngoại tệ. Tháng 8-1980, họ âm thầm xuất lô hàng đầu tiên cho khách hàng mới.
Thật bất ngờ, người ta tranh nhau mua, có người còn đặt tiền trước, hẹn hò khăng khít lắm. Trong đầu ông Hà nảy ra một phép tính mới. Nếu theo đà này, 40 tấn sợi của phương án vay chỉ đủ dùng trong sáu tháng. Đằng nào cũng xin thì xin cho đủ.
Lập tức ông hoãn ngày xin dấu, viết lại phương án 2. Phương án này xin vay số tiền gấp chín lần phương án cũ: 1,7 triệu USD. Không chỉ thế, ông Hà còn biến phương án 2 thành bản thuyết trình xin cơ chế riêng để Dệt Thành Công thoát khỏi cơ chế chỉ tiêu, để tự cân đối vốn, nguyên liệu, lương nhân công; được mở tài khoản tại VCB; được giao dịch và trực tiếp xuất nhập khẩu; được khoán quĩ lương.
Phương án này động đến chủ trương, chính sách, một mình thứ trưởng Vũ Đại không thể tự quyết. Hơn nữa đây là cơ hội cần thẳng thắn lên tiếng cho phương thức mới. Thay vì kín đáo tỉ tê, Thành Công chọn cách ra Hà Nội trực tiếp thuyết trình trước hội nghị của bộ về phương án của mình.
Thứ trưởng đồng ý. Nhưng hình như có mệnh. Cắp cặp ra sân bay, ông Hà nhận một tin mật báo: có một lô hàng 200 tấn sợi giá rẻ bất ngờ (500.000 USD). Chủ hàng đang rất cần tiền. Không mua ngay e muộn. Tiền chưa có. Vay thì chưa biết khi nào được lấy. Nhưng cơ hội ngàn năm có một này cũng không thể bỏ qua.
Quay trở về, ông Hà gặp giám đốc VCB thành phố trình bày. Nghe thì rất hiểu, tâm rất muốn nhưng thủ tục chưa có mà xuất hẳn 500.000 USD cho khách thì...
Chuyện này có thể đi tù chứ không đùa. Nhưng lẽ nào… Giám đốc VCB TP.HCM nắm chặt tay đối tác: “Thôi được, dù phải hi sinh chúng ta cũng vì sự nghiệp!”. Thế là nửa triệu đôla được hai ông tiền trảm hậu tấu.
Chuyển hàng về kho, “hậu phương” của giám đốc Nguyễn Xuân Hà làm ông thêm vững tâm khi xách cặp ra Bắc. Đã được tính toán trước, hội nghị tiến hành đúng thời điểm những nhân vật “nguyên tắc”... đi vắng. Ông Hà đọc phương án và bảo vệ như luận án tiến sĩ. Thứ trưởng Vũ Đại chủ trì đồng thời đóng vai trò người hướng dẫn luận án.
Sau bốn tiếng vã mồ hôi bởi sự chất vấn, ông Hà thật sự được giải thoát khi ông Đại đứng lên kết luận: “Đây là mô hình mới, rất tiến bộ nhưng chắc chắn có khó khăn. Các vụ có trách nhiệm giúp đỡ doanh nghiệp chứ quyết không được xỏ ngang, xỏ dọc!”. Liên hiệp Dệt được phép soạn hẳn một qui chế cho Dệt Thành Công.
Tiền sắp về đến công ty thì 200 tấn sợi trong kho ngày một lên giá. Sản phẩm bán ra theo giá mới. Riêng tiền chênh lệch đã đủ ăn cả năm. Có tiền, công ty áp dụng phương thức khoán sản phẩm, lương cán bộ công nhân cao gấp 5-6 lần năm trước. Không khí lao động hưng phấn cao độ.
Tiền, hàng, lợi nhuận ra vào như nước. Cuối năm đó không những trả hết vốn vay, Thành Công còn lãi gần 1 triệu USD. Đến năm 1981 quĩ ngoại tệ của Thành Công đã là 1,3 triệu USD, lương lao động cao gấp sáu lần doanh nghiệp khác.
Và quan trọng hơn Thành Công đã minh chứng cho một cơ chế kinh tế mới cực kỳ ngoạn mục. Kế hoạch sản xuất do doanh nghiệp tự cân đối theo thị trường và thực lực. Tự mua nguyên liệu, tự kiếm vốn lưu động. Sản phẩm bán theo giá thị trường.
Người luôn ủng hộ và theo dõi từng bước đột phá của Dệt Thành Công là Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt lúc đó. Ông hiểu rằng bước đột phá này sẽ đẩy tới những đột phá khác. Quả thật sau đó thuốc lá, bột giặt, cơ khí, rượu bia… cũng rùng rùng chuyển động. 

Báo Tuổi Trẻ

No comments:

Post a Comment