Friday, May 1, 2015
Tâm tình 30/4 với ông H.O Nguyễn Phú
Thưa ông, ngày 30/4/1975 ông đang ở đâu và làm gì?
30/4 nhắc đến đau lắm. Lúc đó tôi đang ở sân vận động Cộng Hòa. Trước đó, gia đình chúng tôi trong đoàn người triệt thoái khỏi cao nguyên từ Pleiku về hướng Phú Bổn đạp lên xác nhau mà chạy. Về đến Sài Gòn thì đúng là không còn chén đũa ăn cơm. Gia đình tôi gồm vợ chồng và 7 đứa con, nhờ Trời mà còn sống sót về đến Sài Gòn.
Về đến Sài Gòn không có bà con thân thích. Bỏ vợ con trong sân vận động Cộng Hòa, mà sau này gọi là sân Thống Nhất, tôi đi tìm đơn vị để trình diện, tiếp tục chiến đấu vì trên tỉnh lộ 7 tôi đã thấy Việt Cộng tàn ác quá. Việt Cộng truy sát đoàn người di tản, bắn xối xả vào đàn bà, con nít. Quân lính đi với vợ con không còn chiến đấu được nữa, chạy như đàn vịt. Trên đoạn đường đó biết bao nhiêu người chết.
Ông thuộc đơn vị nào trong quân đội Việt Nam Cộng hòa?
Đơn vị của tôi thuộc Sở Nhân lực tỉnh Pleiku. Chạy về Sài Gòn trình diện Nha Nhân lực của Tướng Bùi Đình Đạm. Tôi là đại úy của Sư đoàn 23 Bộ binh, bị thương, quân nhân loại 2 nên được biệt phái về Bộ Quốc phòng phục vụ tại Sở Nhân lực tỉnh Pleiku.
Sau đó ông và gia đình đi đâu?
Sau khi miền Nam đầu hàng, gia đình chúng tôi chui rúc dưới khán đài của sân vận động Cộng Hòa. Tôi thấy những anh bộ đội miền Bắc ăn mặc rất lôi thôi, lếch thếch. Lính hải quân của miền Bắc trông như những anh gác dan. Tôi tức lắm, như thế mà họ thắng và thời gian đó tôi rất quẩn trí. Nhà cửa ở Pleiku bỏ hết, không còn tiền, còn của để đi đâu nữa.
Sau đó có lệnh trình diện đi học tập cải tạo. Tôi trình diện ngày 23/6/75. Đêm đầu tiên trong một đại học ở đường Trần Hoàng Quân, Quận 10 có đồ ăn ngon lắm. Tối hôm sau thì có xe GMC bịt kín đưa chúng tôi đi, cứ còng tay hai người vào với nhau.
Theo ông thì nguyên do nào mà Việt Nam Cộng hòa đã thua?
Miền Nam thua vì đây là một trò chơi chính trị, các nước lớn đã dàn xếp và mình chỉ là nạn nhân thôi. Nguyên do kế là các lãnh đạo, tướng lãnh của Việt Nam Cộng hòa yếu về quân sự không giữ được nước, về chính trị không vận động cho toàn dân hiểu được về cộng sản.
Ông có thể kể về cuộc sống trong trại học tập như thế nào?
Sau khi trình diện tôi được đưa vào trại tập trung đầu tiên là Thành ông Năm, sau chuyển qua Z30-D ở Rừng Lá, Hàm Tân. Ở Thành ông Năm do quân đội quản lý thì ít khổ hơn là sau khi qua Z30-D là giao cho công an.
Tôi ở Thành ông Năm một năm, chỉ có sinh hoạt học tập. Mấy anh quản giáo đứng ra hướng dẫn học tập thì rất yếu về văn hóa. Hàng ngày học tập, có 10 bài học như: “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng bằng mười”, “Đế quốc Mỹ là kẻ thù số một của nhân dân ta” v.v... Đó là mấy chủ đề chính trong các bài học tập.
Qua trại Z30-D thì đời sống thê thảm. Phải nói là tù khổ sai. Đất rừng lá Bình Tuy cứng, họ bắt cuốc lên, đào lên để trồng khoai lang. Không có gạo mà ăn. Đi vào rừng sâu đốn gỗ về để họ bán gây quĩ nhưng tù cải tạo không được gì. Họ dùng cải tạo để làm ra tiền mà đói không cho ăn, đau không thuốc uống. Cái gì họ cũng cho “tam sinh” là thứ thuốc gồm 3 sinh tố. Aspirin cũng không có.
Thời gian ông đi học tập cải tạo là bao lâu?
Tất cả gần 8 năm.
Trong thời gian đó ông có thấy ai bị đầy đọa, bị chết trong tù?
Ôi nhiều lắm. Hở một cái là nhốt vào conex box (loại thùng sắt). Nhiều người bị nhốt vào conex box, ngày nóng thiệt nóng, đêm lạnh thiệt lạnh, bị cùm hai chân hai tay, đái ỉa tại chỗ. Quản giáo cho là phản động là phạt nhốt trong đó, ăng-ten trong trại chỉ điểm ai nói linh tinh thì người đó cũng bị nhốt vào conex box.
Có người bị phạt như thế mà chết. Tôi nhớ anh Nguyễn Văn Bảo ở Hàm Tân hay la “Đả đảo Hồ Chí Minh” nên bị giam trong conex box và nó để cho chết.
Còn chết vì bệnh thì cả chục người, vì thiếu thuốc và họ mổ ẩu lắm. Tôi đã đi chôn nhiều người, đào lỗ rất cạn, bọc cái chiếu rồi chôn vội xuống đó, lấp đất lại cho nhanh. Mấy ngày sau không còn thấy xác đâu vì bị thú rừng bới lên.
Theo ông biết thì có bao nhiêu người trong trại học tập ở Thành ông Năm và Z30-D cùng với ông.
Thành phần bị giam ở Thành ông Năm đủ hạng, từ thiếu úy lên tới đại tá. Sau đó chia ra chuyển trại. Tôi biết một lán có 300, như thế có khoảng 1500 người nhốt ở đó trong những ngày đầu. Ở Rừng Lá thì đông lắm, vài nghìn người. Có Z30-A rồi B, C, D. Rất đông vì là chỗ tập trung những người trình diện học tập ở Sài Gòn.
Đời sống trại Z30-D, ngoài lao động thì cải tạo viên có những sinh hoạt gì nữa thưa ông?
Ngoài lao động cực nhọc vẫn học lại mười bài cũ, nào là “Tiến lên chủ nghĩa xã hội”, “Nhân dân ta anh hùng đánh bại đế quốc Mỹ”. Lâu lâu chiếu phim như “Thép đã tôi thế đấy” bắt mọi người ra coi. Công an ngồi gác trên chòi, có lúc mình ngồi ngủ.
Đến khi nào ông được ra khỏi trại học tập cải tạo?
Khi tôi được thả thì có nhiều người đã được thả trước rồi. Tôi thấy mình chả có học tập tốt gì, nhưng có lẽ do vận động từ quốc tế bên ngoài nên họ thả. Tháng 8 năm 1982 tôi được thả.
Về đến Sài Gòn với giấy ra trại tôi thấy gia đình thê thảm. Nhà tôi ra đời buôn bán. Trước đó họ nói nếu nhà tôi đồng ý đi kinh tế mới tôi sẽ được thả, nhưng nhà tôi cương quyết trụ lại. Nhà bảy đứa con thì làm sao đi. Tới bữa, cơm trong nồi chia ra từng chén, tôi khóc rất nhiều. Từ một gia đình con sĩ quan đầy đủ nay cơ cực. Khi đó tôi đạp xích lô để giúp cho gia đình đỡ kham khổ. Nhưng sức yếu sau thời gian đi học tập nên không đạp được xa. Nhiều bữa đạp xe ra đến bến xe đi Vũng Tàu mà không còn sức đạp về.
Ông và gia đình đã đến Hoa Kỳ định cư theo diện nào?
Tôi qua Mỹ theo diện HO8. Nộp đơn đi HO cũng phải nộp tiền để lập hồ sơ. Tôi vay mượn bạn bè được một triệu đồng để nộp cho công an, cán bộ. Sang Mỹ, tôi định cư ở San Francisco từ đó đến nay.
Trong sinh hoạt cộng đồng ở miền Bắc California, ông là người rất tích cực, nhất là trong công việc bảo vệ Cờ Vàng ở San Francisco. Xin ông cho biết vì sao đã tham gia vào những việc này.
Đến Mỹ cũng có những vui buồn. Vui vì đã lo cho con cái đầy đủ. Buồn vì không đáng để bỏ nước ra đi. Tôi thường nói với các bạn người Phi, người Hàn là nếu như các anh tôi không bỏ nước ra đi, vì nước tôi có nạn cộng sản nên mới ra đi.
Thoát khỏi rồi thì cũng muốn làm gì giúp cho bạn bè còn ở Việt Nam. Tôi tranh đấu theo dòng chính, cho nhân quyền tự do dân chủ ở Việt Nam, nhưng không ồn ào. Trước hết và trên hết, tôi muốn nhà nước Việt Nam phải theo tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền chứ không phải tiêu chuẩn của các ông ấy. Chúng tôi cũng tranh đấu cho Nghị quyết Cờ Vàng được thành phố thông qua năm 2005, cho việc thành lập khu Little Saigon ở San Francisco.
Thượng nghị sĩ Tiểu bang Leland Yee đi Việt Nam công tác, gặp Đại sứ Lê Văn Bàng và ông có hỏi thượng nghị sĩ có biết Nguyễn Phú ở San Francisco không. Ông Yee nói có biết và xác nhận ông Phú là một người tốt, ông tranh đấu theo Hiến pháp Hoa Kỳ chứ không có gì sai và cái đó là có lợi cho các ông để thay đổi. Sau này Thượng nghị sĩ Yee nói là người Việt ở Mỹ có hai cộng đồng thì tôi không đồng ý. Người Việt có hai khuynh hướng, nhưng chỉ có một cộng đồng tị nạn thôi chứ. Ông Yee đã ngâm Nghị quyết Cờ Vàng ở Sacramento sau khi ông ấy đi Việt Nam về. Từ đó tôi không còn ủng hộ ông ấy nữa. Mới đây thì Thượng nghị sĩ Yee đã bị mất chức, đang chờ ra tòa vì tham nhũng, nhận hối lộ.
30/4 năm nay kỉ niệm 40 năm ngày chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, dịp này trong và ngoài nước lại nói đến vấn đề hòa giải, ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Hòa giải. Tôi nghe thấy chữ “hòa giải hòa hợp” tôi rầu lắm. Tôi thí dụ nhá. Anh ở Hà Nội, tôi ở Sài Gòn. Tôi đem quân ra chiếm miền Bắc, đến nhà anh tôi đuổi anh ra khỏi nhà, giựt nhà anh, giết cha anh. Như vậy tôi là kẻ sai trái. Cũng như người miền Bắc vô, chiếm đất, chiếm nhà tôi thì tôi đánh lại kẻ đó. Vậy thì chính nghĩa về ai. Khi nói về hòa hợp hòa giải thì kẻ đi chiếm đất, chiếm nhà phải có tinh thần hướng thiện chứ. Còn nói tôi phải hòa hợp hòa giải với kẻ ăn trộm, ăn cướp đến nhà của tôi à.
Cho nên tôi nghĩ Hà Nội chỉ đưa ra chiêu bài. Thêm thí dụ thứ hai như thế này. Chẳng hạn có người Việt nói rằng thôi bây giờ mình hòa hợp hòa giải với mấy ông đó đi. Họ đang nắm chính quyền, nắm quân đội thì đâu có tư cách gì mình hòa hợp hòa giải với họ được. Cho nên chính sách phải bắt đầu từ phía Hà Nội, không phải từ mình.
Theo ông, nhà nước Việt Nam cần làm gì cụ thể để chứng tỏ tinh thần hòa giải?
Họ phải biết lỗi, xin lỗi dân tộc Việt Nam tại vì họ đã đưa chủ thuyết Mác-Lê vào Việt Nam và đã nhận viện trợ của các nước cộng sản để xâm chiếm miền Nam.
Như Nam Hàn không bị cộng sản chiếm nên giờ họ giàu có biết bao. Hà Nội lỡ chiếm rồi, quá say chiến thắng mà không có tinh thần quân tử như sau cuộc nội chiến Mỹ, lại đày đọa nhiều người khiến họ bỏ nước ra đi, vùi thây trên biển cả, nên phải biết lỗi như thế. Chúng tôi bị hành hạ, chúng tôi không căm thù chuyện đó, nhưng lãnh đạo Hà Nội không biết hướng thiện.
Ông nghĩ sao về Nghị quyết 36?
Tôi không đề cao tinh thần Nghị quyết 36. Nhưng ngay cả chuyện người hải ngoại về Việt Nam đầu tư, đã có biết bao người phải bỏ của chạy lấy người.
Trong dịp 30/4 này ông có những suy nghĩ gì về đất nước Việt Nam hiện nay.
Tôi muốn Đảng Cộng sản xin lỗi dân tộc, bỏ Điều 4 Hiến pháp để cùng nhau xây dựng đất nước, làm sao cho Việt Nam được độc lập tự do. Bây giờ mà đất nước vẫn còn bị ám ảnh bởi mất nước thì buồn và đau đớn quá. Ám ảnh cờ vàng ngày nay nhà nước vẫn còn sợ. Có anh bạn trẻ ở Hà Nội tham gia biểu tình, mới mặc quần áo có cờ vàng mà họ đã bắt nhốt, đánh đập. Như thế làm sao mà hòa hợp hòa giải được.
VOA
Labels:
thờisựvĩahè
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment