Monday, September 21, 2015

9.000ha rừng Đắk Nông biến mất vì doanh nghiệp và kiểm lâm

 Hàng trăm ha rừng bị tàn phá nằm la liệt tại Công ty Gia Nghĩa.

9.000ha rừng đầu nguồn ở Gia Nghĩa (Đắk Nông) bị “cạo trọc” vì doanh nghiệp quản lý là Cty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa “tắc trách”.

Sự nghiêm trọng, tắc trách và tiêu cực trong xử lý, quản lý rừng tại địa phương buộc Thủ tướng Chính phủ phải “giao Bộ Công An” chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan chức năng (bao gồm cả Thanh tra nhà nước) kiểm tra xác minh sự vụ và báo cáo lại trong tháng 9, báo Lao Động đưa tin.

Trước đó, báo SGGP cũng đưa tin về việc, từ năm 2010, 31.600ha rừng (trong đó có 14.300ha rừng tự nhiên) được chính quyền tỉnh Đắk Nông giao cho các doanh nghiệp thông qua 41 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp, tuy nhiên, chỉ sau vài năm giao rừng, đã có gần 4.800ha rừng tự nhiên bị tàn phá, 8.300 ha rừng và đất rừng bị xâm chiếm. 

Các doanh nghiệp chỉ làm tờ trình trả lại rừng, khi rừng đã bị “cạo trọc” gần hết. Điển hình là Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt Đắk Song, mất 86,3% diện tích rừng được giao đã gửi tờ trình trả… rừng.

Rừng Tây Nguyên, nơi từng được coi là vùng đại ngàn của bán đảo Đông Dương với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 5.600.000 ha; trong đó, diện tích rừng chiếm đến 3.140.000 ha, đang ngày càng bị thu hẹp về diện tích rừng.

“Không biết, không rõ, lực lượng mỏng, tắc trách” là câu trả lời thường xuyên nhất của các cơ quan liên quan khi đề cập đến nạn phá rừng ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, thực chất của sự biến mất số lượng lớn diện tích rừng khi đưa cho các doanh nghiệp “quản lý” gốc rễ chính là do sự tiếp tay có chủ ý của “các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị quản lý,” nói cách khác, một trong những nguyên nhân là suy giảm rừng Tây Nguyên nghiêm trọng là nằm trong sự cấu kết giữa doanh nghiệp nhà nước, tư nhân với hệ thống kiểm lâm.

Hay theo cách đề cập vấn đề của Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Đức Thanh thì đó là sự bất cập trong việc cho thuê, khoán, liên doanh liên kết thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp, chuyển đổi rừng nghèo, đất lâm nghiệp sang trồng cao-su, công tác giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ. Một trong sự bất cập đó là việc quản lý thả nổi, khiến các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước được cấp dự án đầu tư “thảnh thơi” khai thác rừng thông qua buông lỏng quản lý và lợi dụng dự án đầu tư để khai thác rừng trái phép,  trong đó sử dụng dự án trồng cây su và làm thủy điện, khi hai yếu tố này đã “góp phần” lấy đi Tây Nguyên 120.000ha. 

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011-2020) do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngày 9/4/2015, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Nguyễn Đức Luyện đã cho biết, khó xử lý nguyên nhân gốc rễ do khi rừng biến mất do “cán bộ” tiếp tay: “Những vụ phá rừng không xử lý được vì có cán bộ trong đó. Cán bộ có nhận đất, có nhận rừng, có buôn bán đất đai, có chỉ đạo bật đèn xanh cho phá rừng...”.

Trang tin báo Đắk Nông mới đây dẫn báo cáo của UBND tỉnh cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2015, tổng số vụ phá rừng trái phép đã được lập biên bản để xử lý trên địa bàn tỉnh là 203 vụ, làm thiệt hại 234 ha. So với cùng kỳ năm trước, diện tích rừng bị thiệt hại tăng 145 ha (tăng 162,4%). Tỉnh này cũng đang đối mặt nguy cơ sa mạc hóa và thiếu hụt nguồn nước khi độ che phủ rừng (bao gồm cả cây công nghiệp, cao su) chỉ còn 39%.
Lê Kiên (VNTB)

No comments:

Post a Comment