Vệ sinh an toàn thực phẩm hiện là mối lo lắng lớn đối với người tiêu dùng tại Việt Nam hơn bao giờ hết.
Tình trạng đó diễn ra thế nào và vai trò quản lý của nhà nước thực hiện ra sao?
Sử dụng hóa chất chế biến thực phẩm
Ở VN, bên cạnh tình trạng mất vệ sinh, thì việc sử dụng hóa chất bị cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm là hết sức phổ biến. Do chạy theo lợi nhuận, người sản xuất và kinh doanh thực phẩm vẫn sử dụng những biện pháp bảo quản, kích thích tăng trưởng không hợp lý, hoặc làm giả các hàng hóa thực phẩm.
Theo báo Nông nghiệp, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhiều người dân trồng rau dù biết rõ rau có thuốc trừ sâu là nguy hại, nhưng vẫn bán cho người tiêu dùng. Thống kê tỷ lệ dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm rau muống, cải, đậu… tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh mức thấp nhất là 15%, cao nhất 30%.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, mỗi năm ở VN có chừng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100 – 200 ca tử vong.
Điều đó đã khiến hầu hết các thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, bị nhiễm độc và đã gây nên sự lo lắng cho người tiêu dùng.
Chị Huệ ở Hà nội cho biết:
“Trước đây tôi thường chọn các siêu thị lớn để mua thực phẩm cho gia đình, tuy vậy với tình trạng mất vệ sinh và an toàn thực phẩm như hiện nay thì tôi cảm thấy không an toàn, dù rằng mình mua ở siêu thị hay ngoài chợ thì cũng vậy. Thực sự tôi đã mất niềm tin vào tình trạng mất vệ sinh và an toàn thực phẩm bây giờ.”
Trước tình trạng, đó nên nhiều cư dân ở các thành phố đã phải tự trồng rau sạch trên sân thượng để sử dụng cho gia đình. Ông Phú ở Gia lâm chia sẻ:
“Ở ngoài chợ thì rau họ dùng hóa chất hay thuốc sâu rất độc hại cho sức khỏe, vì vậy tôi nghĩ ra cách mình dùng thùng xốp để trồng rau ăn cho gia đình.”
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam
Đánh giá về tình hình chung trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Quốc Anh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học Viện Nông nghiệp nhận xét:
“Nhận thức của xã hội về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nâng lên rõ rệt, sự quan tâm của cộng đồng về vấn đề này đã được nâng lên rất cao. Các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến thực phẩm cũng đã ý thức được và thấy được trách nhiệm của mình. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của nhà nước thì có đôi chỗ, đôi nơi vẫn còn những điểm tồn tại. ”
Hiện nay, tình trạng các loại thực phẩm không an toàn vẫn ngang nhiên tồn tại và lưu thông trên thị trường là tình trạng khá phổ biến. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Anh nhận định:
“Chuyển thể từ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh hàng hóa thì chúng ta cần phải có giai đoạn thích nghi, cần có đầu tư về trang thiết bị cũng như các nguồn lực con người, cần có hệ thống pháp luật tân tiến hơn, đầy đủ hơn để đảm bảo quyền được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.”
Đa số nguồn cung ứng thực phẩm hiện nay đều xuất phát từ các vùng nông thôn và đưa thẳng đến chợ để tiêu thụ, trong điều kiện canh tác nhỏ và nông dân chưa có kiến thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệp hội KHKT An toàn thực phẩm Việt Nam nhận định:
“Trong điều kiện bà con ta vẫn phải tồn tại, phát triển sản xuất kinh doanh để nuôi sống gia đình và cho con cái học hành. Với số lượng gần 15 triệu hộ nông dân thì đây là vấn đề rất khó chứ không phải là đơn giản.”
Trước thắc mắc của chúng tôi khi cho rằng, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng ở các quốc gia khác đã làm khá thành công. Nhưng tại sao ở VN việc quản lý đã làm từ lâu, song không đạt được kết quả?
Các nước khác đa số là sản xuất với quy mô công nghiệp với số đầu các doanh nghiệp chỉ khoảng vài trăm, đó là điều khác cơ bản với VN. Ông Nguyễn Quốc Anh giải thích:
“VN có tới 9 triệu hộ tham gia vào quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm, với trình độ học vấn, ý thức chấp hành pháp luật, tập tục tập quán cũng khác nhau. Bây giờ nếu chúng ta lại mang cái phương thức quản lý cho máy trăm hộ của nước ngoài cho 9 triệu hộ, thì không bao giờ đúng cả. Vì 2 cái nó khác nhau. ”
Cách quản lý như hiện nay chỉ giải quyết được phần ngọn, nghĩa là chỉ kiểm tra quản lý khi thực phẩm đã bán ra trên thị trường, chứ không giải quyết từ gốc, nơi sản xuất. Vấn đề kiểm tra, kiểm soát và xử lý chưa đạt hiệu quả, các văn bản pháp luật hiện hành còn nhiều lỗ hổng, chưa chặt chẽ nên khó có thể xử lý người vi phạm. Ông Nguyễn Quốc Bình khẳng định:
“Có những hành vi là sai, nhưng chiếu vào văn bản pháp luật thì không xử lý được. Tôi nghĩ rằng đây là một thực tế cần phải được xem xét, để công tác kiểm tra xử lý của các cơ quan trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được nghiêm hơn, đúng hơn.”
Được biết hiện nay, việc tổ chức quản lý vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm được giao cho các bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp phối hợp với UBND các cấp để thống nhất quản lý.
Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Một cán bộ của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế không muốn nêu danh tính cho biết:
“Giải pháp cơ bản để đảm bảo an toàn thực phẩm là tuyên truyền vận động để thay đổi hành vi, thứ 2 là tuyên truyền thực hiện pháp luật và cái thứ 3 là việc thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó cần xây dựng các mô hình điểm để hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và cả kinh phí của nhà nước.”
Vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng các bệnh gây ra từ thực phẩm không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Việc các nông sản của VN khi xuất khẩu sang các nước khác bị trả lại, do không đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là bài học đắt giá.
Anh Vũ (RFA)
No comments:
Post a Comment