Monday, October 26, 2015
"Đất đai thuộc sở hữu toàn dân" là lừa bịp !
Vô tình hay cố ý Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Hà Nội khơi lại sự thất bại cay đắng về việc cải cách ruộng đất những năm 1946-1957.Dư âm của cuộc triển lãm cải cách ruộng đất còn chưa dứt, thiết nghĩ cũng nên điểm sơ qua quốc sách về đất đai ghi trong Hiến Pháp mới vừa được sửa đổi năm 2013. Luật đất đai tổng cộng có 212 điều.
Quan trọng nhứt là điều 4 nguyên văn như sau: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhứt quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất theo quy định của luật nầy”. Đúng là ngôn ngữ lập lờ đánh lận con đen. Dân là chủ sở hữu thì đâu cần ai trao quyền sử dụng đất của mình. Nhà nước ngang nhiên tự cho mình quyền đại diện toàn dân, và thống nhứt ý kiến để quản lý đất của toàn dân mà toàn dân không hề cho phép nhà nước đại diện, càng không thông qua bất cứ điều kiện, hình thức nào giao quyền quản lý cho nhà nước. Nghĩa là nhà nước tự đặt ra Hiến Pháp và tự cho mình cái quyền quản lý đất đai cũng đúng như điều 4 của Hiến Pháp đảng Cộng Sản tự cho mình cái quyền “lãnh đạo nhà nước và xã hội”.
Điều 16 viết: “Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng”. Tiếp theo là điều 18 viết như sau: “Nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể”. Đã nói đất đai là của dân mà nhà nước lấy quyền cho thuê sử dụng và quyền thu hồi, trưng dụng, mặc dù có bồi thường nhưng cụ thể nhà nước quyết định giá đất, thay vì giá thị trường, nhờ đó mà cán bộ lớn nhỏ nhanh chóng trở thành tư bản đỏ.
Trong khi điều 43 có viết: “Cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoach sử dụng đất có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Thế mà dư luận chưa từng nghe thấy giới cầm quyền tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Đáng chê trách hơn nữa là lấy đất của dân tộc thiểu số ở Cao Nguyên giao cho Tàu khai thác bauxite mà bất chấp ý kiến của các sắc tộc dân thiểu số, của trí thức, kinh tế gia, kể cả của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Điều 93 viết: “Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất…cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường, phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi. Trường hợp chậm trả thì... khi thanh toán tiền, ngoài tiền bồi thường... hỗ trợ tái định cư…còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức phạt chậm nộp thuế theo quy định... tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả”. Nhưng thực tế bao nhiêu năm qua các đảng viên có chức quyền từ xã, huyện, tỉnh, đến trung ương đã lợi dụng quyền “thu hồi đất” với những lý do có thật và không có thật, bịa đặt để thu hồi đất chia cho bà con bạn bè. Thu hồi với lý do chính đáng như phát triển kinh tế, không chính đáng như lập sân “gôn” (golf) có nơi lập rồi bỏ trống không có người chơi. Gian ác hơn cả là theo luật phải bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhưng khắp nơi xẩy ra tệ trạng tham nhũng bóc lột, hoặc không bồi thường, hoặc chỉ hứa hẹn kéo dài thời gian. Trong khi đó giới chức cầm quyền sang nhượng lấy tiền lời gấp mười, gấp trăm lần cao hơn, mà không hỗ trợ tái định cư, bỏ dân phải chịu cảnh màng trời chiếu đất trong số đó có những “gia đình cách mạng”, có phế binh mang mề đay đỏ ngực, những người đã từng hy sinh xương máu tạo dựng chế độ ngày nay. Dân oan bất mãn kêu cứu, khiếu kiện, khắp nơi từ Nam chí Bắc, nhà nước vẫn làm ngơ.
Cái gian và cái ác trong chính sách đất đai còn thể hiện trong trường hợp của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, người đã từng bỏ công phấn đấu với thiên nhiên, với biển cả để giành từng tấc đất, thậm chí đã hy sinh một đứa con vì công tác đối chọi với thiên nhiên. Điều 9 viết: “khuyến khích đầu tư vào đất đai... khai hoang, phục hóa, lấn biển…” Thế mà vì quyền lợi riêng tư huyện xã đã thu hồi đất của ông Vươn, bất kể công lao của một đồng chí đảng viên, làm cho cả gia đình phẫn uất nổi loạn bằng cách hai anh em họ Đoàn dùng vũ khí tự chế, chống lại công an bộ đội nên phải lãnh án tù, gia đình tan nát.
Cái sai lầm về cải cách ruộng đất ngày xưa vì học đòi đấu tranh giai cấp, dùng hận thù, ganh ghét làm vũ khí giết người. Cái sai lầm về chính sách đất đai ngày nay do độc tài độc đoán, phản lại bản chất tự nhiên của con người. Sự độc tài độc đoán của những kẻ bần nông khi họ nắm được cơ hội và quyền hành trong tay thì sinh lòng tham lam, vơ vét những gì họ chưa từng có được.
Bản chất tự nhiên của con người gắn liền với quyền sở hữu. Cái gì thuộc về của mình thì cố công bảo vệ, đầu tư vốn liếng và sức lao động. Khác hẳn với cái gì thuộc sở hữu của người khác hay do mình thuê mướn. Trường hợp của gia đình ông Đoàn Văn Vươn nếu ông ấy chỉ làm công cho nhà nước thì chắc chắn không khi nào ông ta hy sinh phí sức tối đa như vậy. Ông Vươn tin tưởng khai khẩn thêm diện tích thì đất nầy sẽ thuộc về của ông thật sự, cho dù do đó mà mất con ông vẫn tiếp tực cùng với gia đình lấn biển.
Trong sự phát triển kinh tế, đối với cá nhân hay công ty hùn vốn, yếu tố con người là quyết định. Sự hy sinh, chịu khó, kiên trì chỉ thúc đẩy con người phải chịu đựng để gặt hái quyền lợi cho chính mình và gia đình mà thôi. Nếu là công ty hay cơ sở kinh tế của người khác thì sự hy sinh kiên trì chắc chắn sẽ có giới hạn. Đối với chế độ cộng sản, yếu tố cá nhân hoàn toàn không có giá trị. Trong khi Việt Nam hãy còn là một nước nông nghiệp vì sự công nghiệp hóa chưa đạt thành, do đó vấn đề nhà nước quản lý đất đai, cho thuê sử dụng đất và thu hồi cưởng chế là những điều kiện ngăn chận sự phát triền ngành nông nghiệp. Đó là hiện tượng kinh tế gọi là “khớp chận” (goulot d’étranglement). Nó khiến con người không bỏ ra hết công sức lao động, không sử dụng hết óc sáng tạo bời vì kết quả lởi ích không thuộc về chính mình.
Chủ nghĩa cộng sản đặt lý thuyết trên sự sản xuất của cải vật chất như nước, chừng đó “mỗi người hưởng theo nhu cầu, làm theo khả năng” có nghĩa là khả năng tôi làm được ít mà nhu cầu tôi cần thật nhiều thì tôi vẫn được hưởng đầy đủ đúng theo nhu cầu của tôi. Như vậy phải giả định là của cải phải có thừa thãi như nước. Thực tế chứng minh Xã hội Chủ nghĩa không thề sản xuất được của cải vật chất thừa thải và nhiều như nước. Bằng cớ là sau 30 tháng 4 năm 1975 có 21 tổng giám đốc công ty quốc doanh ngoài Bắc vào Nam viếng công ty đóng tàu Caric do anh Nguyễn Tấn Nam làm Tổng Giám Đốc. Các ông quốc doanh rất ngạc nhiên thấy tại sao công ty nào trong Nam cũng có lời, kẻ ít người nhiều còn ngoài Bắc đại đa số công ty quốc doanh đều thua lỗ. Bởi vì lỗ lã thì có nhà nước gánh chịu, vốn liếng công ty không phải của họ, do đó người có trách nhiệm không đặt hết tâm trí tìm mọi cách làm cho có lời, bởi vì lợi ích không thuộc về cá nhân hay gia đình họ.
Giáo sư Keun Lee thuộc Đại Học Quốc Gia Hàn Quốc nói: Theo kinh nghiệm của chính ông “yếu tố có thể giúp các nước vươn lên thoát bẫy thu nhập trung bình là con người và sự đổi mới sáng tạo”.
Chính sách ruộng đất cần phải thay đổi, đất đai nhà cửa do ông cha để lại hoặc do chính sức lao động của mình tạo ra. Tại sao ngang nhiên đảng viên cộng sản cướp quyền quản lý. Công bằng xã hội ở đâu? Nhà nước càng thu hồi đất, càng xô đẩy dân oan vào cảnh đói rách không nhà, càng thúc đẩy họ liên kết nhau chống chọi với cường quyền.
Nếu một ngày nào đó nhà nước cho phép người cày có ruộng thật sự, đất đai không phải là của toàn dân do nhà nước quản lý nửa, mà là của từng cá nhân. Ngày nào nhà nước chấm dứt thu hồi trưng dụng đất, hoặc nếu có thì phải bồi thường xứng đáng, hỗ trợ tái định cư đàng hoàng, ngày đó không còn dân oan, xã hội sẽ hài hòa ổn định.
Tình hình kinh tế Việt Nam ngày càng lụn bại do nhà nước quản lý, nhà cầm quyền Hà Nội không thể nào chắp vá để tự gạt mình và gạt nhân dân. Nếu đảng Cộng Sản còn khăng khăng thực hiện “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì đất nước sẽ còn tụt hậu, nông dân sẽ còn bị bần cùng hóa, đảng viên cộng sản sẽ trở thành tư bản bóc lột. Chừng đó e rằng 3 triệu đảng viên khó chống chọi với sự oán hận bùng nổ của 90 triệu dân, dù đảng có hàng ngàn công an và súng đạn.
Võ Long Triều (VNTB)
Labels:
danoanvn,
thờisựvĩahè
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment