Chính phủ Việt Nam đề xuất phương án phát hành trái phiếu quốc tế khoảng 3 tỷ USD để giải quyết hàng loạt khó khăn trong nước.
Đề xuất được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra khi báo cáo trước Thường vụ Quốc hội sáng hôm 12/10.
Truyền thông Việt Nam nói Luật Ngân sách không cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển thừa nhận điều này mặc dù nói việc phát hành trái phiếu mới "gần như là cách khả thi nhất" khi mà phát hành trái phiếu trong nước từ đầu năm đến nay đang gặp khó, vẫn còn hơn 40% chưa thực hiện được.
“Chính phủ đang đề nghị phát hành trái phiếu quốc tế, tất cả đều giành cho đảo nợ. Nếu Quốc hội bảo không thì Chính phủ phải chấp hành, nhưng khi đó tình hình sẽ hết sức khó khăn,” ông Hiển nói.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng được dẫn lời nói đề xuất này là vì trong giai đoạn 2015-2016 "nguồn vay để bù đắp bội chi còn hạn chế" và "khối lượng trái phiếu đến hạn trong giai đoạn này là tương đối lớn (363.166 tỷ đồng) cần thiết phải thực hiện tái cơ cấu".
“Các nguồn tài chính trong nước khác đã được huy động tối đa nên không thể dùng để tái cơ cấu danh mục nợ này. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2015-2016 được phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu nợ trong nước”, ông Dũng nói.
Đề xuất khối lượng phát hành trái phiếu quốc tế khoảng 3 tỷ USD, kỳ hạn từ 10-30 năm, được nói là để tái cơ cấu các khoản nợ trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2015-2016.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng được dẫn lời mô tả điều ông gọi là việc đi vay bằng trái phiếu lần này sẽ "góp phần giảm áp lực về vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái và ổn định kinh tế vĩ mô."
Chín tháng đầu năm, nợ phải trả của Chính phủ khoảng 160.000 tỷ, trong khi huy động từ trái phiếu mới đạt hơn 127.000 tỷ.
Đầu tháng Chín năm nay, Bộ Tài chính công bố số liệu cho thấy nợ công của Việt Nam tăng lên hơn 2,36 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2014.
Mức này tương ứng với 59,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và cao hơn 5,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Hiện trần nợ công của Việt Nam được đặt ở mức 65%.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo con số này có thể sẽ sớm vượt ngưỡng an toàn vì chính phủ không có khả năng giảm nợ công xuống trong năm nay.
Báo điện tử VietnamNet hôm 10/6 dẫn báo cáo từ Bộ Tài chính trong đó nhận định rằng nợ công trong 4 năm qua "vẫn tăng nhanh chóng mặt," và phần tăng lên chủ yếu là nguồn vay trong nước.
Kinh tế gia Nguyễn Trần Bạt hồi giữa năm nay nói với BBC rằng Việt Nam đang đối mặt với khó khăn từ nhiều mặt.
"Khi nào kinh tế khu vực không có cải thiện đáng kể thì chính phủ vẫn phải tiếp tục sử dụng đầu tư để bù đắp suy thoái kinh tế", ông nói.
"Nợ công là một con ngựa khó cưỡi, nhưng lại có thể chở người Việt ra khỏi tình trạng suy thoái mấy năm vừa rồi."
"Tôi nghĩ rất khó để chính phủ có thể giảm nợ công xuống, nếu kinh tế thế giới không có cải thiện đáng kể."
Ông Bạt cho rằng việc Việt Nam không còn được hưởng các khoản vay ưu đãi của quốc tế và phải tiếp cận vốn vay thương mại nước ngoài nhiều hơn trong thời gian tới là một bất lợi lớn.
"Các chi phí dành cho các khoản vay nợ để đầu tư sẽ lớn hơn. Đi kiếm tiền ra để trả lãi sẽ là một gánh nặng thực sự", ông nói
"Tôi không biết là chính phủ sẽ dựa vào đâu để có thể đi qua gánh nặng hiện nay."
Ông cũng cảnh báo về việc tăng thu chỉ đủ để trả lãi nếu không giảm được nợ công.
"Đó là một nguy cơ có thật. Không có cách giải quyết khác. Nếu không làm ra tiền để trả nợ thì phải vay tiếp và càng ngày tỷ trọng đi vay để trả lãi sẽ càng lớn lên."
Hãng tin Bloomberg hôm 10/6 dẫn lời ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng nợ công đang tăng lên "quá nhanh".
Ông Kiên cho biết nợ công có thể tăng lên mức 64% vào cuối năm 2015.
"Nợ công đang tăng ở tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay, trong thời điểm mà nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất", ông nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
"Chúng tôi cần phải thận trọng hơn trong việc chi tiêu".
BBC
No comments:
Post a Comment