Tuesday, December 15, 2015

Lừa gạt dân nghèo thất đức lắm



 Bà Mang Thị Củi (thôn Núi Ngỗng) bức xúc bên con bò già rụng hết răng

"Nhớ mùa bão năm nào dân Ninh Thuận được cứu trợ gạo mốc, bây giờ người nghèo phải mua bò bệnh! Thôi xin chính quyền đừng "tốt" với dân như thế nữa!".
Trên đây là bình luận của bạn đọc Lê Thanh Trung xung quanh việc chính quyền xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận Ép dân mua bò già, bò bệnh, giúp người nghèo vậy sao?

Như đã thông tin, nhằm tạo điều kiện cho dân nghèo chuyển đổi nghề, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo hai thôn Núi Ngỗng và Lương Tri (xã Nhơn Sơn) với số tiền 20 triệu đồng/hộ, bao gồm tiền hỗ trợ 5 triệu đồng và vay 15 triệu đồng lãi suất 1,2%/năm, thời gian vay 5 năm.
Tuy nhiên thay vì giúp họ cần câu cơm để hi vọng thoát nghèo, một số cán bộ xã Nhơn Sơn đã ép dân mua bò già, gầy, mắc bệnh với giá từ 18,5-20 triệu đồng/con.
Bức xúc trước cách làm dối trá nhằm đẩy dân nghèo vào bước đường cùng, những ngày qua bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã liên tiếp gửi các ý kiến bình luận, đề nghị phải có biện pháp đích đáng trừng trị những kẻ vô lương tâm trục lợi.
Bạn đọc Thao Pham viết: "Buồn thay. Hỗ trợ người nghèo hay làm họ đã nghèo còn nghèo hơn... Mong cơ quan chức năng điều tra và phạt nặng để làm gương chứ đừng kiểm điểm rút kinh nghiệm nữa. Khổ và tội cho bà con lắm".
Thêm vào, bạn đọc Dương Văn Tuấn bày tỏ: "Một chính sách nhân đạo, xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước còn bị trục lợi, thật không hiểu nổi. Bò bệnh, bò già mà bắt dân nhận. Đề nghị kiểm tra làm rõ chủ trương kiếm chác này từ đâu, do ai chỉ đạo".
Có phải vì đồng tiền mà tình người ngày càng bị đánh mất? Một số bạn đọc đặt vấn đề như vậy!
"Em đã khóc khi đọc bài này, bà con dân tộc đã khổ lắm rồi. Cán bộ đừng hành bà con nữa" - bạn đọc tên Nguyên tha thiết!
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Văn Thanh viết mà như van xin: "Nếu đã giúp dân xóa đói giảm nghèo thì phải giúp bằng cái chân thật của tình người, chứ đừng mang tiếng giúp rồi chỉ để lấy cái tiếng lừa dân thì thà rằng đừng làm còn hơn".
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tiêu cực này, bạn đọc Hoàng Sa đặt vấn đề: "Vậy vai trò của lãnh đạo ở đâu, từ cấp xã cho đến cấp huyện, trong khi người dân nghèo lại chịu cảnh bị ép như vậy? Tại tỉnh Ninh Thuận còn bao nhiêu huyện, xã ép dân như thế nữa trừ hai huyện này? Vai trò của tỉnh ở đâu, quản lý kiểu gì mà để trong tỉnh xảy ra những chuyện sờ sờ và mất mặt như thế?".
Ở một góc nhìn khác, bạn đọc ký tên Người Saigon viết: "Tôi có một suy nghĩ mà không thể nào lý giải được, sao trong xã hội bây giờ một số người không còn yêu thương nhau nữa? Vì cơm áo gạo tiền hay vì lý do nào khác tôi không biết, cán bộ cũng là những người chung thôn chung làng, hàng xóm với mọi người, sao lại đối xử như vậy được, có lẽ vì tiền nên đánh mất tất cả?".

Tuổi Trẻ

No comments:

Post a Comment