Friday, February 12, 2016

Bài học tranh chấp biên giới giữa Trung Cộng và Bắc Hàn



Ngoài Việt Nam, Trung Cộng chia sẻ biên giới với 13 quốc gia khác gồm India, Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Mongolia, Bhutan, Nepal, Miến Điện, Nga, Lào và Bắc Hàn.

Nếu chỉ nhìn sự phụ thuộc kinh tế của Bắc Hàn vào Trung Cộng, người ta dễ dàng đi đến kết luận Trung Cộng muốn gì được nấy, muốn đóng cọc chỗ nào đóng, muốn vẽ biên giới đâu thì vẽ, cần gì phải đưa ra bàn hội nghị, mà có đưa ra cũng chỉ là hình thức dàn cảnh ngoại giao. Không. Bắc Hàn tự cô lập khỏi thế giới văn minh, trong nhiều năm đã lệ thuộc vào Trung Cộng từng chén cơm manh áo, nhưng họ nhất định không nhượng cho Trung Cộng một tấc đất nào qua các hội nghị về đường biên giới giữa hai nước.
Mặc dù cai trị đất nước bằng một lý thuyết ngu dân hoang tưởng, bằng một chính sách độc tài sắt máu bị phần lớn nhân loại rẻ khinh, xa lánh, ba thế hệ họ Kim ít ra có một điểm mà giới lãnh đạo đảng CSVN không làm được, đó là quyết tâm giữ đất của tổ tiên họ để lại.
Vùng biên giới tranh chấp
Trung Cộng và Bắc Hàn chia sẻ biên giới dài 1,416 kilomet. Các vùng tranh chấp thuộc khu vực sông Yalu, sông Tumen và Bạch Đầu Sơn (Paektusan). Các hội nghị bí mật giữa hai nước diễn ra trước 1963 và đạt đến điểm đồng thuận vào 1963 với sự nhượng bộ từ phía Trung Cộng.
Khu vực bất đồng sâu sắc nhất là Bạch Đầu Sơn. Phía Trung Quốc cho rằng vùng núi lửa Bạch Đầu Sơn rộng 33 kilomet vuông trước đây là đất Mãn Châu, do đó ngày nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Phái đoàn Trung Quốc còn viện dẫn lịch sử khi cho đó là nơi dòng tộc Mãn Thanh bắt nguồn.
Bắc Hàn không đồng ý và cũng viện dẫn các dữ kiện lịch sử để chứng minh Bạch Đầu Sơn thuộc về Triều Tiên từ nhiều ngàn năm lịch sử. Đối với dân tộc Triều Tiên, Bạch Đầu Sơn là nơi Thần Hwanung kết duyên với một phụ nữ và hạ sinh con trai Tangun, và chính Tangun đã sáng lập nên Vương Quốc Choson đầu tiên trong lịch sử Triều Tiên. Một khu vực tranh chấp khác là vùng Hồ Chongji. Trung Cộng cho là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Hàn cũng không đồng ý.
Tuy nhiên, theo nội dung thỏa hiệp biên giới 1963, hai nước đồng ý phân chia Bạch Đầu Sơn từ đỉnh và ba phần năm vùng Hồ Chongji thuộc Bắc Hàn. Vùng đất Trung Cộng nhượng cho Bắc Hàn rộng đến mức chính quyền thuôc các tỉnh biên giới như Cát Lâm (Jilin) và Liêu Ninh (Liaoning) phản đối chính quyền trung ương.
Lý do Trung Cộng nhượng bộ Bắc Hàn
1. Bắc Hàn có chung ngã ba chiến lược với Trung Cộng và Liên Xô. Khu vực biên giới giữa Bắc Hàn, Liên Xô (hiện nay thuôc Nga) và Trung Cộng giữ một vai trò chiến lược vô cùng quan trọng đối với Trung Cộng. Đây là cửa ngõ Liên Xô dùng để qua Thái Bình Dương. Cách ngã ba không xa là thành phố Vladivostok, nơi đặt bộ tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Nhiều lần trong thế kỷ 19, thành phố cảng Vladivostok cũng là nơi diễn ra các đụng độ quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Sau cách mạng CS 1917, Vladivostok là điểm đổ bộ của các lực lượng đồng minh tình nguyện trong đó có Tiệp, Anh, Mỹ, Canada với ý định lật đổ chính quyền CS của Lenin vừa mới được dựng lên. Thành phố này bí mật đến nỗi không cho phép một người nước ngoài nào thăm viếng. Nếu hai mặt của khu vực tam giác chiến lược này thuộc về Liên Xô sẽ là một đe dọa quân sự nghiêm trọng với Trung Cộng.
2. Đạo đức giả “Giết không được tha làm phước”. Trong giai đoạn 1965, quan hệ giữa Mao và Kim Nhật Thành trở nên căng thẳng vì thái độ nghiêng về phía Liên Xô của họ Kim. Mao nổi giận tuyên bố đòi 160 kilomet vuông chung quanh Bạch Đầu Sơn phải giao nộp cho Trung Cộng để trả nợ cho các khoản chi dùng kinh tế, quân sự mà Trung Cộng đã cung cấp cho Bắc Hàn trong chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên 1950-1953. Bắc Hàn chẳng những không chịu mà còn đánh trả các xâm phạm quân sự gây ra từ phía Trung Cộng. Tháng 11 1970, cần phải dồn nỗ lực giải quyết các bất ổn nội bộ sau Cách Mạng Văn Hóa, Mao rút lại đòi hỏi về lãnh thổ. Bắc Hàn, một lần nữa, đạt thắng lợi mà không phải chịu đựng một thiệt hại nào.
3. Lấy lòng Bắc Hàn trong tranh chấp Trung-Xô. Rạn nứt về cả tư tưởng chính trị lẫn đường lối bang giao quốc tế giữa Liên Xô và Trung Cộng bắt đầu sau khi Nikita Khrushchev nắm quyền lãnh đạo đảng CS Liên Xô. Khi mâu thuẫn Trung-Xô gia tăng, phong trào CS quốc tế chia làm ba cánh, một cánh đa số ủng hộ Liên Xô, một cánh đóng vai trò trung lập như Nam Tư, Việt Nam và một số nhỏ khác như Albany ủng hộ Trung Cộng. Trung Cộng hơn bao giờ hết cần sự ủng hộ của Bắc Hàn. Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Cộng, chỉ thị phái đoàn đàm phán Trung Cộng tránh xung đột và chấp nhận yêu sách của phái đoàn Bắc Hàn. Đáp lại, trong hội nghị các đảng CS quốc tế tổ chức tại Moscow vào tháng 10, 1966, Bắc Hàn không tham dự.
4. Nỗi sợ bị bao vây. Như người viết đã trình bày trong nhiều loạt bài về Trung Cộng, tất cả các yếu tố nêu trên đều phát xuất từ mối lo truyền thống của các lãnh đạo Trung Cộng, là mối lo bị bao vây. Toàn bộ biên giới phía Bắc Trung Quốc, bao gồm vùng Ngoại Mông đều thuộc quyền kiểm soát của Liên Xô. Trong chiến tranh biên giới giữa Trung Cộng và Ấn Độ 1962, Liên Xô đứng về phía Ấn. Ngay cả khi Khrushchev bị hạ bệ 1964, rạn nứt cũng không có cơ hội hàn gắn, mâu thuẫn không có cơ hội giải quyết mà còn sâu sắc hơn. Chu Lân Ai tố cáo Liên Xô dưới thời Leonid Brezhnev là một loại chế độ “Khrushchev không có Khrushchev”. Vùng độn quan trọng nhất Trung Cộng phải giữ là Bắc Hàn.
Bài học đàm phán biên giới giữa Bắc Hàn và Trung Cộng
- Nam Hàn ủng hộ Bắc Hàn trong tranh chấp biên giới với Trung Cộng: Như cả thế giới đều biết Nam và Bắc Hàn vẫn còn trong tình trạng chiến tranh nhưng có một lập trường họ luôn chia sẻ đó là bảo vệ lãnh thổ của tổ tiên. Khi Bắc Hàn và Trung Cộng tranh chấp biên giới Đông Bắc, Nam Hàn tuyên bố ủng hộ Bắc Hàn. Một lý do, vùng Bạch Đầu Sơn là chiếc nôi của dân tộc Triều Tiên và lý do khác, sự ủng hộ của Nam Hàn, một quốc gia dân chủ, sẽ gia tăng áp lực và đón nhận thêm cảm tình của khối tự do Tây Phương. Trung Cộng phải giải quyết xung đột nhanh chóng vì không muốn Nam Hàn liên quan sâu đến tranh chấp dù chỉ trên mặt trận ngoại giao và truyền thông. Điều mà Trung Cộng không muốn nhất là Bắc Hàn trở thành một nước dân chủ hay thống nhất dưới thể chế dân chủ.
- Khai thác yếu điểm của Trung Cộng: Chiến lược đàm phán biên giới của Trung Cộng bị chi phối bởi chính sách an ninh chung của cả nước trong từng thời kỳ. Theo tổng kết của M. Taylor Fravel trong biên khảo xuất sắc “Regime Insecurity and International Cooperation”, từ 1949, Trung Cộng tham gia 23 cuộc hội nghị về biên giới với các nước láng giềng; trong số đó, Trung Cộng đã 19 lần phải chấp nhận phần lớn các đòi hỏi của các nước tranh chấp. Nghĩa là, nếu có sự phân chia vùng lãnh thổ tranh chấp, Trung Cộng nhận ít hơn 50 phần trăm. Yếu tố an ninh của Trung Cộng được đặt lên thứ tự ưu tiên trong đàm phán. Tại Trung Quốc, người Hán chiếm 90 phần trăm dân số và chỉ 10 phần trăm còn lại thuộc các dân tộc thiểu số nhưng 10 phần trăm này kiểm soát các vùng đất bao la dọc biên giới. Giống như Liên Xô, quyền lực của Trung Cộng mạnh ở trung tâm nhưng rất lỏng lẻo tại các địa phương xa. Chọn lựa của Trung Cộng là chọn lựa của thế yếu chứ không phải để hòa giải với láng giềng. Trong trường hợp đàm phán với Bắc Hàn, sự ổn định của vùng độn Bắc Hàn quan trọng hơn vài trăm kilomet đất vùng Bạch Đầu Sơn.
- Nước nhỏ chưa hẳn là nước yếu. Bang giao quốc tế là một cuộc đấu tranh chính trị cân não. Trong thời đại toàn cầu hóa, sự phụ thuộc giữa các quốc gia sâu sắc hơn thời kỳ Chiến tranh Lạnh và hai cuộc thế chiến trước đây, do đó, cuộc đấu tranh lại càng khó khăn, phức tạp và có thể phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Cho dù theo đuổi bao nhiêu mục tiêu, đối với một quốc gia, tại mỗi thời kỳ nhất định, chỉ có một ưu tiên tối thượng. Bảo vệ sức mạnh trung tâm là ưu tiên tối thượng của Trung Cộng. Những nhân nhượng của Trung Cộng qua các tranh chấp về biên giới cho thấy rõ một điều quốc gia nào cũng cần ổn định để phát triển nhưng Trung Cộng cần ổn định hơn bất cứ quốc gia nào khác. Trong thời kỳ Liên Xô còn tồn tại, Bắc Hàn khai thác xung đột giữa hai đàn anh CS để có lợi cho mình và nay đang khai thác mâu thuẫn Mỹ -Trung để củng cố vị trí của Bắc Hàn trong bàn cờ địa lý chính trị vùng Nam Á.
Người viết không phân tích hay đối chiếu cách xử sự của lãnh đạo CS Việt Nam và Bắc Hàn bởi vì một người có hiểu biết chính trị căn bản nào cũng biết mục tiêu tối thượng của lãnh đạo CSVN là duy trì quyền cai trị trên đầu trên cổ nhân dân Việt Nam bất chấp đất đai, rừng, biển của tổ tiên để lại bị chiếm đoạt. Tập Cận Bình biết rõ gan ruột của lãnh đạo CSVN nên rất khinh thường họ. Sự kiện máy bay Trung Cộng vi phạm không phận Việt Nam không chỉ một lần mà mấy chục lần là một ví dụ điển hình. Nếu báo chí quốc tế không lên tiếng trước rồi lãnh đạo CSVN cũng tiếp tục “ngậm bồ hòn làm ngọt” như đã từng chịu nhục suốt 40 năm qua. 

Trần Trung Đạo

Tham khảo:
– M. Taylor Fravel (2005). Regime Insecurity and International Cooperation, Explaining China’s Compromises in Territorial Disputes, Belfer Center for Science and International Affairs
– Morse Tan (2015). North Korea, International Law and Dual Crisis, pp 81-88, Routledge, NY
– Bruce Elleman, Stephen Kotkin, Clive Schofield (2013). Beijing’s Power and China’s Borders: Twenty Neighbors in Asia, pp 110-124, NY
– Daniel Gomà Pinilla (2004). Border Disputes between China and North Korea, China Perspectives
– Conferences of the Communist and Workers Parties, The Great Soviet Encyclopedia (1979).
– Sino-Soviet Split. Wikipedia
– China–North Korea border Wikipedia

No comments:

Post a Comment