Tuesday, February 16, 2016

Năm mới với những gia đình có người thân đi lao động nước ngoài


 Đường vào xóm có nhiều con đi lao động ở Nhật tại Quảng Xương, Thanh Hóa

Người ra đi mưu cầu cơm áo, người ở nhà trông ngắn trông dài và thấp thỏm mong đợi ngày người đi trở về… Đó là tâm lý chung của nhiều gia đình có con em đi lao động nước ngoài.
Đặc biệt, trong dịp Tết, dịp đại đoàn tụ gia đình của mọi nhà trên đất nước, cảm thức xa vắng và trống trải lại tăng lên gấp bội đối với những người ở nhà cũng như người đi xa. Tết về, hai tiếng ấy làm trống vắng và hụt hẫng với nhiều người làm cha làm mẹ có con đi lao động nước ngoài, nếp nhà trở nên đơn chiếc. Câu chuyện đón Tết của những gia đình có người thân đi lao động nước ngoài ở Thanh Hóa là một câu chuyện buồn.

Tết vắng con và thiếu gạo

Ông Mười, có người con trai duy nhất đi lao động ở Nhật, đây là cái Tết đầu tiên hai ông bà phải ăn Tết với nhau vì thiếu vắng bóng con, chia sẻ: “Nó ở bên đó không có Tết, nó ăn Tết Tây nên bây giờ có nhớ cũng phải đi làm bình thường thôi! Bây giờ nó bên đó đang đi làm chứ không có Tết gì đâu. Nói chung là vì kinh tế nên có nhớ cũng phải đi làm thôi!”
Ông Mười cho biết thêm là Tết năm nay gia đình ông không những không vui mà còn thấy rất buồn. Buồn vì thiếu vắng bóng đứa con yêu dấu trong mái ấm ba ngày Tết, mọi thứ trở nên lạnh lẽo, nhất là khi thời tiết cũng lạnh lẽo chẳng kém. Hơn nữa, buồn vì cảnh gia đình thiếu gạo, thiếu tiền để mua sắm Tết. Bởi vì hai vợ chồng nghĩ đến tương lai của con, muốn con có chút vốn liếng để làm ăn sau này nên đã thế chấp sổ đỏ để vay tiền cược cho con đi lao động ở Nhật.
Vì người con mới sang làm việc được vài tháng, chưa giúp đỡ gì được cho ông bà, vì ông phải lo đóng tiền lãi theo quí tiền đã vay để lo cho con đi. Ngày hết Tết tới, hai ông bà chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy năm trăm ngàn đồng trong túi, chẳng biết mua sắm thứ gì, thôi thì mua vài hộp bánh thờ cúng gia tiên và mua vài ký gạo, vài lạng thịt để ăn qua quýt ba ngày Tết, để gọi là có Tết.
Ông Mười cho biết thêm là không riêng gì gia đình ông, có rất nhiều gia đình vì kinh tế khó khăn, hy vọng đổi đời cho con nên đã thế chấp sổ nghiệp chủ đất đai để vay tiền cho con đi lao động nước ngoài. Và có nhiều trường hợp số tiền người con mang về sau nhiều năm làm thuê ở xứ người chỉ vừa đủ để trả cả lãi lẫn vốn cho ngân hàng mà chuộc cuốn sổ đỏ về, có giỏi lắm thì dư được vài ba chục triệu đồng, chẳng làm nên tấm nên mẻ gì được!

htld-400.jpg
Một xóm lao động nước ngoài ở Quan Hóa, Thanh Hóa. 

Và đây cũng là nỗi lo chung của nhiều gia đình có con đi lao động nước ngoài bởi thời gian gần đây, người đi lao động nước ngoài trở về nước với số vốn ít ỏi, đánh mất cơ hội phát triển trong nước ngày càng tăng. Trong khi đó, các loại chi phí mà một người lao động nước ngoài phải đóng là khá cao. Nhưng các chính sách cho người lao động trong nước cũng như người Việt Nam làm thuê ở nước ngoài có vẻ không có gì thay đổi sau nhiều năm. Mà người Việt lại mỗi ngày càng khó kiếm việc làm ở nước ngoài do mất uy tín.
Ông Mười nói rằng hiện tại, ông vừa buồn vừa lo bởi nếu như người con trai của ông sang Nhật làm việc không tốt hoặc thất nghiệp thì mọi tai ương sẽ đổ ập lên gia đình ông. Vì không biết sử dụng máy vi tính, không biết gì về internet nên ông ít có cơ hội trò chuyện với con trai mình, ngoại trừ những lúc tranh thủ, con trai ông gọi điện về thăm cha mẹ.
Cũng theo ông Mười, ông cảm thấy lo lắng sau mỗi lần nghe điện thoại bởi giọng nói của người con trai rất buồn và có vẻ mệt mỏi. Linh cảm của một người cha mách bảo với ông rằng con ông đang gặp nhiều khó khăn nơi xứ người. Chỉ riêng chuyện này thôi cũng đủ làm cho cái Tết gia đình ông Mười trở nên hiu quạnh hơn bao giờ hết.

Vợ xa chồng và chồng xa vợ

Tình trạng phụ nữ có con nhỏ nhưng đã giấu nhẹm để đăng ký tham gia lao động nước ngoài không phải là ít, ngược lại, cánh đàn ông khai sụt tuổi để đi lao động nước ngoài cũng xảy ra khá nhiều. Sở dĩ có chuyện tréo ngoe như vậy bởi một phần do cái nghèo và mong muốn đổi đời của người lao động, và phần khác do sự chểnh mãng, thậm chí vô trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Và hầu hết những người lao động đang có con nhỏ nhưng giấu nhẹm này đều rơi vào những đường dây đưa người đi lao động không có uy tín, thậm chí bất hợp pháp. Những phụ nữ có con thường bị đưa sang Đài Loan để làm ô sin, gần đây có một số người được đưa sang Nhật  để làm ô sin. Vì luôn trong tình trạng thấp thỏm lo âu nên những người lao động giấu thông tin cá nhân thường chịu nhiều thiệt thòi, bị ép lương, ép giờ làm việc, thậm chí bị ép những chuyện tế nhị khác.
Anh Hương, quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, có vợ và con nhỏ chưa đầy ba tuổi. Hiện nay vợ anh đã làm việc tại Nhật Bản được hơn hai năm, cho biết: “Thì Tết đến mọi người, mọi nhà vui vẻ, sum họp. Còn mình thì vợ còn đang ở xa để đi làm, đôi khi mình cảm thấy có lỗi với vợ. Tết này, mình xin cầu chúc vợ được mạnh khỏe, bình an, làm việc vui vẻ để mau chóng về với chồng con, gia đình...”
Anh Hương cho biết thêm là nếu còn một cơ hội để lựa chọn trở lại, anh sẽ chọn để vợ ở nhà dù có nghèo như thế nào chăng nữa vẫn tốt hơn là vợ đi làm một nơi, chồng đi làm một nẻo, con nhỏ bơ vơ vì thiếu vắng cha mẹ, nhà thì bỏ hoang. Bởi anh Hương đang làm nghề thợ hồ quanh quẩn ở thành phố Thanh Hóa, cách Thọ Xuân chừng 30kilomet nên không phải ngày nào cũng có thể sáng đi chiều về với con. Con gái của anh phải sống với ông bà nội.
Những bữa trời quá lạnh hoặc mưa nắng thất thường, anh ngủ lại công trình qua đêm. Và những lúc như vậy, nỗi nhớ vợ, nhớ con dày vò anh khiến anh không thể chợp mắt. Trước đó vì do quá nghèo, có người quen môi giới và chỉ cách để sang lao động ở Nhật, nhưng anh thì đã quá tuổi, còn vợ anh vẫn trong độ tuổi, vậy là người môi giới đã tìm cách lập một bộ hồ sơ để vợ anh được đi lao động tại Nhật Bản với lý lịch chưa có chồng con gì.
Ban đầu vì muốn thoát nghèo, cả hai vợ chồng hăng hái trút hết số tiền dành dụm bấy lâu nay cộng với việc thế chấp sổ đỏ ngôi nhà của cha mẹ để vay tiền nhà nước. Chị đi được hơn hai năm nay, gởi về số tiền kha khá, anh cũng dành dụm được một ít tiền lương thợ hồ, vậy là quyết định xây nhà. Nhà xây xong càng thấy trống vắng hơn. Nhất là hai tháng nay chị không có liên lạc gì với anh, anh không hiểu chuyện gì đang xảy ra với vợ mình.
Tết về, căn nhà mới xây trở nên quạnh quẽ, đơn lạnh và thiếu vắng tiếng nói của người mẹ, đứa bé chưa đầy ba tuổi trở nên tội nghiệp đến lạ lùng trong bộ áo quần mới. Và năm mới, điều làm anh suy nghĩ nhiều nhất lại là tương lai, hạnh phúc của vợ chồng anh sau khi chị mãn hạn lao động trở về nước. Thậm chí, đôi khi anh mơ hồ không biết có còn ngày ấy như anh chị đã hứa với nhau nữa hay không?! Một cái Tết vắng vẻ nữa đang ghé đến nhà nhiều gia đình có người thân đi lao động nước ngoài!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam (RFA)

No comments:

Post a Comment