Sunday, February 21, 2016

Sữa Kiều Liên và chuyện La Thăng



Ông Đinh La Thăng vừa nhậm chức Bí thư TpHCM, ngồi chưa nóng chỗ đã có những động thái tích cực. Thăm người nghèo, chỉ đạo xây đường cho bà mẹ VN anh hùng, tuyên bố ai làm hại thanh danh chính quyền sẽ bị “trảm”.

Lãnh đạo nên như thế thì mới mong thay đổi đất nước. Ngồi nhà nghe quân dưới báo cáo láo toàn chuyện chiến thắng, tô hồng rồi nịnh bợ, đút tiền, mới có chuyện Vinashin chìm nghỉm mà cha đẻ “quả đấm thép” không biết.
Sáng 18-2, ông Thăng thăm Củ Chi biết được đàn bò 40 ngàn con mà chỉ có 1/3 bán được sữa, nông dân ngao ngán. Ông lập tức muốn nối máy nói chuyện với TGĐ Vinammilk nhưng tiếc thay chủ tịch huyện không có số. Vinamilk là công ty sữa của bà Mai Kiều Liên sáng lập.
Ông Thăng ngao ngán nói với lãnh đạo UBND huyện Củ Chi “Không có số của TGĐ Vinamilk làm sao bán sữa?” và cho rằng, lãnh đạo huyện không liên lạc trực tiếp với Vinamilk thì làm sao giải quyết được vướng ở khâu nào.
Ngay sau đó đại diện Vinamilk cho biết, dù ông Đinh La Thăng có gọi điện thoại yêu cầu hỗ trợ nông dân Củ Chi thì Vinamilk sẽ phải đánh giá nhiều mặt, chứ “không thu mua ngay được”.
Giám đốc điều hành của Vinamilk, bà Bùi Thị Hương cho biết thêm “Nếu Bí thư Thành ủy yêu cầu Vinamilk hỗ trợ thì chúng tôi cũng phải kiểm tra thực tế. Những người dân không bán được sữa rơi vào những hộ nào, từ trước đến giờ có ký hợp đồng sữa với Vinamilk không hay đang bán cho doanh nghiệp khác? Hay họ chăn nuôi tự phát, quy trình chăn nuôi và chất lượng sữa có đảm bảo hay không?”.
Dù ông Thăng là bí thư thành ủy nhưng cũng coi là đại diện cho chính phủ vì ở nước mình đảng lãnh đạo…toàn diện. Việc ông yêu cầu chính quyền địa phương xem xét tại sao Vinamilk không mua sữa là hoàn toàn chính đáng.
Phía Vinamilk cũng khá chuyên nghiệp khi trả lời với công luận. Là công ty, lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu, không thể có chuyện vì nể bí thư thành ủy hay vì nhà nông mà cố mua sữa không rõ nguồn gốc. Hoặc gia đình nào phá vỡ hợp đồng thì không thể thương được.
Trách nhiệm của chính quyền đối với hoạt động doanh nghiệp và công ty như sau: (1) Cấp phép (Permission); (2) Chế tài hợp đồng (Contract Enforcement); (3) Bảo vệ người tiêu dùng (Consumer Protection); (4) Bảo vệ người làm thuê (Employee Protection); (5) Bảo vệ môi trường (Environmental Protection); (6) Thu thuế (Taxation); (7) và Bảo vệ nhà đầu tư (Investor Protection).

Bò ở Củ Chi. Ảnh nguồn từ SOHA
Bò ở Củ Chi

Trong trường hợp này, chính quyền huyện Củ Chi chỉ cần yêu cầu Vinamilk thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với từng gia đình. Nếu Vinamilk không thực hiện dù sữa đã đủ tiêu chuẩn thì Vinamilk phải đền bù như thỏa thuận. Đây chính là lúc chính quyền bảo vệ nhà đầu tư.
Nếu hộ nông dân nào hủy hợp đồng, bán sữa cho công ty khác thì chính quyền và Vinamilk không thể “thương” được. Kinh tế thị trường phải có chữ tín làm đầu nếu không muốn bị phá sản.
Hoặc nuôi bò không theo một qui trình để sữa không đảm bảo chất lượng thì cả chính quyền và Vinamilk nên mở các lớp đào tạo hướng dẫn cho nông dân làm thế nào cho đúng.
Về phía Vinamilk, đã đóng gói là sữa tươi thì nhất định phải là sữa tươi, không thể là sữa bột nhập từ Ba Lan, mang về Hà Nội pha nước đun sôi, đóng gói và gọi đó là sữa…tiệt trùng. Chính quyền phải mạnh tay nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Đạo đức kinh doanh cần cả hai phía, người cung cấp sữa và người sản xuất sữa. Trọng tài đứng giữa là chính quyền cần có luật pháp nghiêm minh và khách quan trong phán xét. Không thể chờ đợi đạo đức kinh doanh tự đến nếu quan tòa xử không công minh.
Người tiêu dùng cần nâng cao dân trí để đảm bảo “tiền nào của nấy”, không thể trả tiền mua sữa tươi bằng giá sữa bột pha nước sôi.
Làm được điều đó sẽ hết chuyện anh La Thăng phải ca bài sữa Mai Kiều Liên tại Củ Chi.

 HM. 20-2-2016

Blog HieuMinh

No comments:

Post a Comment