Tuyên bố muốn “TP HCM trở thành đặc khu như Thượng Hải”, và “giành lại vị trí số 1” của ông Đinh La Thăng đang gieo hy vọng trong công chúng.
Tại một cuộc họp mới đây tại thành phố, bí thư thành ủy này được báo chí trong nước trích lời nói rằng TP HCM “từng là số 1 khu vực”, và Singapore hay Thái Lan từng nhìn vào với một “sự ngưỡng mộ và khao khát”.
Nhưng theo ông Thăng, nay thành phố được coi là trung tâm tài chính của Việt Nam “lại tụt hậu không những so với khu vực mà còn thua một số tỉnh trong nước về chỉ số năng lực cạnh tranh chấp tỉnh”.
Ông Thăng nói thêm rằng TP HCM dẫn đầu nhiều thứ “không đáng dẫn đầu như tội phạm, ô nhiễm môi trường, giao thông”, và nói rằng “không thể chấp nhận TP HCM không đứng số 1”.
Về đề xuất này, kinh tế gia Lê Đăng Doanh nhận xét với VOA Việt Ngữ rằng nó thể hiện khát vọng của ông Thăng cũng như của thành phố. Tiến sỹ Doanh nói thêm:
“Đấy là một ý tưởng mạnh mẽ và cũng từng được đưa ra thảo luận một số lần. Tuy vậy, cho tới nay, ở nước Việt Nam, chưa có một đặc khu kinh tế nào theo đúng nghĩa của nó. Không biết rằng kỳ này, những nỗ lực của ông Đinh La Thăng, muốn có một đặc khu kinh tế ở TP HCM có được chấp thuận hay không. Việc xây dựng một đặc khu kinh tế trong bối cảnh đã hội nhập rất sâu rồi, thì nội hàm của đặc khu kinh tế nó là cái gì? Có chăng bây giờ có một số những quy định riêng cho TP HCM để có thể có được các quyền tự chủ cao hơn, có được các quyền giữ lại một tỷ lệ thuế cao hơn để phát triển. Điều đó liệu hiện nay có được chấp thuận hay không. Đấy là một câu hỏi.”
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Thăng để phỏng vấn, nhưng trả lời báo chí trong nước hôm nay bên lề kỳ họp quốc hội, Bí thư thành ủy TP HCM nói rằng “TP.HCM đã từng là số 1 rồi chứ không phải mơ về số 1, nhưng bị thành phố khác vượt lên”.
Khi được hỏi là khoảng cách của TP HCM so với các thành phố lớn trong khu vực đã quá xa, ông nói thêm rằng “không có gì là không thể”.
Ông Thăng được trích lời nói thêm: “Bây giờ phải xuất phát với mục tiêu là hướng đến vị trí số 1. Cơ chế nào để đạt được? Muốn thế thì cần góp ý hiến kế của mọi người”.
Trong khi đó, tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng con đường hướng tới việc lấy lại hào quang của “Hòn Ngọc Viễn Đông” còn dài. Ông nói thêm:
Sau khi được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực ở Việt Nam hồi tháng Một, ông Thăng đã được giao nhiệm vụ làm Bí thư Thành ủy TP HCM.
Với nhiều tuyên bố hùng hồn như “bộ trưởng là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền”, nhiều người kỳ vọng rằng ông Đinh La Thăng sẽ “quyết liệt” trên cương vị tân Bí thư thành ủy Sài Gòn.
Thậm chí, có người còn so sánh ông là một “Nguyễn Bá Thanh của Sài Gòn”. Ông Thanh từng làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng và được cho là có công lớn trong việc xây dựng thành phố này trở thành một thành phố đáng sống ở Việt Nam.
Hồi đầu tháng này, ông Thăng đã “lệnh” cho công an thành phố phải nỗ lực giảm tình trạng cướp giật, trộm cắp và tội phạm tràn lan ở Sài Gòn trong vòng 3 tháng.
Chỉ thị này được đưa ra sau khi công an thành phố công bố số liệu cho thấy trong năm 2015 đã xảy ra hơn 6 nghìn vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn, trong đó tội trộm cắp, cướp giật vẫn chiếm tỷ lệ cao, tới gần 85%.
VOA
No comments:
Post a Comment