Wednesday, June 27, 2012

Bắc Hàn có đòi nợ được CS Hà Nội không ?



Để giải tỏa sự cô lập của thế giới, chính quyền Bình Nhưỡng dưới sự lãnh đạo của tân lãnh tụ Kim Chính Ân đã tung ra một chiến dịch vận động quốc tế ủng hộ Bắc Triều Tiên. Nhưng vận động quốc gia nào là điều rất khó ngoại trừ một số nước trong vùng như Trung quốc, Lào, Miến Điện và Việt Nam. Gọi là vận động chứ thật ra để đi xin tiền. Vì không thể xin tiền Trung quốc thêm được nữa nên ba nước Lào-Miến-Việt là đích nhắm của Bắc Triều Tiên. Một đoàn đại biểu do ông Kim Yong Il, tức Kim Anh Nhật, Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị, Trưởng ban Quốc tế Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, làm trưởng đoàn đã sang thăm hữu nghị 3 nước này từ ngày 5 đến ngày 20 tháng 6 vừa qua. Trong mấy ngày lưu lại Việt Nam, phái đoàn Bắc Triều Tiên của ông Kim đã được ông Lê Hồng Anh, ông Hoàng Bình Quân đón tiếp và sau đó phái đoàn đi thăm một số địa phương để gọi là tìm hiểu về chương trình ‘’Nông thôn mới’’ của Việt Nam.



Không mấy ai ngạc nhiên khi báo đài của Bình Nhưỡng và Hà Nội ca tụng hết lời cuộc gặp gỡ này. Phía Bắc Triều Tiên khẳng định lập trường nhất quán của mình tiếp tục phát triển mối quan hệ tốt đẹp với đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam. Ông Kim cũng  chuyển lời thăm hỏi thắm thiết của lãnh tụ trẻ Kim Chính Ân đến ông Nguyễn Phú Trọng. Phía Hà Nội ca tụng nhân dân Bắc Triều Tiên đã chọn được lãnh tụ trẻ anh minh và quả quyết rằng Đảng và nhân dân Triều Tiên nhất định sẽ xây dựng được một nhà nước xã hội chủ nghĩa thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Kim Chính Ân. Báo đài Việt Nam còn lên tiếng phản đối mạnh mẽ mọi hình thức phong tỏa, cô lập, cấm vận và can thiệp vào chuyện nội bộ Bắc Triều Tiên.

Nhưng bên dưới những lời ca tụng lẫn nhau trên bề mặt đó, theo giới quan sát quốc tế, thì cả hai bên đều lấy làm khó chịu về chuyến đi này. Phái đoàn của ông Kim hậm hực vì đi đòi nợ không được, còn giới lãnh đạo Hà Nội bực mình vì cho rằng họ đâu có nợ nần gì mà Bình Nhưỡng cứ gởi người sang đòi tiền hoài như thế. Vì vậy mà đoàn của ông Kim không được sắp xếp cho gặp người nào trong 3 ghế cao nhất đảng CSVN -- Nguyễn Phú Trọng, Truơng Tấn Sang hay Nguyễn Tấn Dũng.

Đây không phải là chuyến đòi nợ đầu tiên. Vào năm 2000, trong cơn cùng quẫn, túng thiếu, Bắc Triều Tiên đã gởi Ngoại trưởng Peak Nam Sun (Bạch Nam Thuần) sang Hà Nội đòi số nợ lên đến cả tỷ mỹ kim mà Bình Nhưỡng đã cho miền Bắc Việt Nam vay trong suốt thời kỳ chiến tranh từ năm 1955 đến năm 1975. Số nợ đó bao gồm lương thực, súng đạn và cả bằng cả sinh mạng binh lính Bắc Hàn. Phía Hà Nội thì cho rằng số lương thực và súng đạn mà Bắc Triều Tiên cho vay đó đã được Liên Xô trả hết rồi. Món nợ của Hà Nội, nếu có, thì chỉ là nợ Liên Xô thôi.

Thế là sau chuyến đi năm 2000 đó, ông Ngoại trưởng họ Bạch về tay không. Trong cơn hậm hực, giới lãnh đạo Bình Nhưỡng cho công bố một số bài viết và nhiều tấm hình về chuyện ông ta đi thăm và đặt vòng hoa tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Nghĩa trang này chỉ cách Hà Nội chừng 60 cây số. Kể từ đó cả thế giới mới biết được trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam đã có mặt lính Bắc Triều Tiên tại miền Bắc Việt Nam chứ không còn là chuyện tuyệt mật chỉ có những người lãnh đạo tối cao của hai nước biết và ra sức dấu kín. Và cũng từ chuyến đi viếng « liệt sĩ » tương tự của đại sứ Trung Quốc trước đó không lâu, người dân Việt mới kiểm chứng được nguồn tin rằng các lãnh đạo đảng CSVN đã mời rất nhiều lính Tàu, Bắc Hàn, và Cuba vào giữ miền Bắc để họ đẩy binh lính Việt xuống « giải phóng miền Nam khỏi ngoại xâm ».

Chưa hết, Bình Nhưỡng còn hăm dọa sẽ bật mí thêm nhiều chuyện nữa, nên năm 2001 các lãnh đạo Hà Nội đàng phải tìm cách bịt miệng Bắc Hàn bằng 5000 tấn gạo trị giá khoảng 1 triệu mỹ kim (tính theo thời giá vào lúc đó). Năm 2002 thêm 5000 tấn gạo khác. Và năm 2007, trong chuyến thăm Bắc Triều Tiên, ông Nông Đức Mạnh đưa qua thêm 2000 tấn gạo nữa.

Hiển nhiên, cả Trung Quốc và Cuba cũng đều đang chơi trò « tống tiền », « tống gạo », và « tống lãnh thổ » này với các lãnh đạo Hà Nội.
Trong tình trạng kiệt quệ gấp nhiều lần của Bắc Triều Tiên hiện nay so với thời năm 2000, sự hậm hực lần này có lẽ cũng cao hơn nhiều so với chuyến đi đòi nợ về tay không của Ngoại trưởng họ Bạch 12 năm trước. Chưa biết Bình Nhưỡng sẽ bật mí chuyện gì nữa. Hãy chờ xem.
Ngô Quảng (diendanCTM)

No comments:

Post a Comment