Monday, July 23, 2012

Văn hóa bình dân Nam Hàn là mối lo ngại của Bắc Hàn

Nhóm K-pop trước ống kính các nhà nhiếp ảnh tại một nhà hát ở Seoul, ngày 18/06/2012.

Đó là nhận xét của báo Le Figaro về Bắc Triều Tiên, đất nước khép kín nhất thế giới hiện nay đang lo ngại việc các lọai băng đĩa về lối sống của người Hàn Quốc được nhập lậu và phổ biến ngày càng rộng rãi trong giới cán bộ của Bình Nhưỡng. Đây có thể sễ là mầm mống cho những tư tưởng phản kháng trong tương lai.

Theo tờ báo, tân lãnh đạo Kim Jong Un sau khi kế tục người cha Kim Jong Il vẫn luôn luôn ám ảnh với việc thiết lập quyền lực tuyệt đối lên 23 triệu người dân Bắc Triều Tiên. Bởi lẽ từ đầu những năm 2000 này, các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc như phim truyền hình nhiều tập và các đĩa nhạc « K Pop » đang thâm nhập ngày càng nhiều vào miền Bắc, làm sói mòm sự đô hộ độc tài của một chế độ vốn có thói quen « rèn dũa tinh thần của người dân ngay từ khi ra đời ». Dấu hiệu của sự lo lắng đó là, lãnh tụ vừa kế vị của miền Bắc đã phát động một chiến dịch trấn áp chưa từng thấy trên dọc tuyến biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn làn sóng đảo thoát của người dân và nạn buôn lậu đĩa DVD và CD. Loại sản phẩm văn hóa này đang trở thành một thú vui phổ biến trong các buổi hội hè kín của giới cán bộ quan chức ở Bình Nhưỡng.

Le Figaro trích ý kiến của giáo sư Kang Dong Wan thuộc đại học Dong-a , Busan cho biết việc dấm dúi xem các phim truyền hình, video clip về các ngôi sao tư bản Hàn Quốc giờ đây đã trở nên phổ biến trong giới cán bộ cao cấp miền bắc. Theo ông Kang thì « các cán bộ đảng và tầng lớp mới giầu do buôn bán với Trung Quốc là những người tiêu thụ chủ yếu » các sản phẩm giải trí Hàn Quốc, mà nội dung từ trước đến nay vẫn bị cấm tuyệt đối vì đi ngược lại những tuyên truyền của chế độ Bình Nhưỡng về chủ nghĩa tư bản, đế quốc và đặc biệt là về người anh em thù địch miền nam.

Theo tờ báo, các bà khá giả ở Bình Nhưỡng đặt hàng và người buôn sẽ mang hàng từ Trung Quốc về. Để trót lọt, họ phải hối lộ hải quan. Sau khi xem xong những đĩa mới nhất đang thịnh hành ở Hàn Quốc chủ nhân có thể thu hồi đầu tư bằng cách cho thuê lại các sản phẩm đã mua. Ở Bình Nhưỡng bây giờ đã bắt đầu xuất hiện các thanh niên chạy theo mốt của các ngôi sao Hàn Quốc như nhuộm tóc, cắt mí mắt hay con trai cạo trọc đầu.

Le Figaro nhận định : Việc phổ biến lậu các sản phẩm văn hóa như vậy đang làm chính quyền phải lo ngại. Sự thành công của văn hóa bình dân đang cạnh tranh với sự độc quyền tư tưởng do gia đình nhà họ Kim áp đặt. Đây sẽ là mầm mống của sự phản kháng và cũng là một thách thức lớn đối với Kim Jong Un, lãnh đạo một thể chế độc tài đang ngày càng khó sống tách biệt với thề giới bên ngoài.

Trung Quốc : Sữa pha tạp vẫn trong nỗi lo hàng ngày

Bốn 4 năm sau vụ tai tiếng sữa trộn melamin gây rúng động cả Trung Quốc, giờ đây tiêu chuẩn chất lượng sữa Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, trong khi chính quyền trung ương thì vẫn gặp không ít khó khăn trong việc thiết lập một hệ thống kiểm soát thực phẩm ngặt nghèo hơn. Đề cập đến chủ đề này, báo Le Monde có bài viết mang tựa đề « Sữa nhiễm bẩn vẫn còn trong thực đơn của người Trung Quốc ».

Tờ báo nhắc lại, vụ bê bối sữa trộn melamin bị phát giác từ hôm 16/7/2008 nhưng chỉ được bung ra trên báo chí chính thức sau khi Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc. Tổng kết hậu qủa của vụ sữa bẩn này như đã công bố, có gần 300 nghìn em nhỏ bị ốm, 54 nghìn em đã phải nhập viện và 6 trường hợp tử vong. Thế nhưng 4 năm sau, vấn đề tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sữa Trung Quốc vẫn chưa có mấy cải thiện. Bằng chứng là mới hôm 27/6 vừa qua tập đoàn chế biến sữa Quang Minh đã phải ra thông báo thu hồi khỏang 300 bịch sữa bị cho là nhiễm chất tẩy rửa do sơ xuất trong khi bảo dưỡng máy móc. Trước đó không lâu, ngày 13/6, hãng Yili nhà sản xuất sữa hàng đầu Trung Quốc cũng đã thu hồi số lượng sữa bột của 6 tháng sản xuất vì phát hiện thấy có hàm lượng thủy ngân cao bất thường trong các lô sản phẩm này.

Theo Le Monde, chính phủ Trung Quốc vẫn tỏ ra lúng túng khi áp đặt tiêu chuẩn chất lượng sữa cho các trang trại cũng như các nhà chế biến sữa. Hiện nay tiêu chuẩn chất lượng sữa của Trung Quốc vẫn còn thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu hay Hoa Kỳ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sữa của người Trung Quốc ngày càng tăng. Năm 2011, Trung Quốc đã phải nhập thêm 100 nghìn con bò sữa từ Uruguay, Úc và New Zeland

Theo một phó chủ nhiệm khoa Kinh tế nông nghiệp Đại học Bắc Kinh thì « Trung Quốc hiện có 200 triệu trang trại nhỏ, vì thế không thể nào kiểm soát hết được. Một số trang trại đã cố tình pha thêm một số chất để tăng hàm lượng cho sản phẩm của mình và cuối cùng là để tăng lợi nhuận ». Theo ông, muốn quản lý được sản phẩm của các trang trại nhỏ thì phải tổ chức họ thành những tổ hợp tác quy mô lớn

Còn theo ông Peter Ben Embarek, chuyên gia về an toàn thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (OMS) tại Trung Quốc  nhận thấy chính quyền đã có quyết tâm thay đổi vấn đề an tòan thực phẩm nhưng các cơ quan thanh tra thường không làm tròn được nhiệm vụ của mình vì thiếu phương tiện. Các thanh tra y tế Trung Quốc phần lớn là những người thiếu chuyên môn, cần phải đào tạo. Trong lúc đó, theo chuyên gia của OMS này, vì lợi nhuận các nhà sản xuất vẫn cứ pha trộn thêm các loại chất khác nhau vào sản phẩm, nhất là khi họ biết khả năng bị phát hiện là rất thấp và thêm vào đó nhận thức về mối nguy hiểm từ việc pha trộn tạp chất vào sữa vẫn còn hạn chế.

Trung Quốc : Nạn nhân đầu tiên của cuộc trấn áp internet được phục hồi danh dự

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có bài « Phương Hồng, nạn nhân đầu tiên của cuộc trấn áp mạng được phục hồi danh dự ». Bài báo đề cập đến trường hợp một người dân tại một địa phương thuộc thành phố Trung Khánh Trung Quốc vừa được xử trắng án sau một năm bị đưa đi cải tạo lao động vì dám chỉ trích các lãnh đạo địa phương. Kết quả được đánh giá là một thắng lợi bất ngờ trong lĩnh vực pháp lý này có liên quan đến việc Bạc Hy Lai bị thất sủng.

Le Monde nhận thấy , ở Trung Quốc, việc bị đưa vào trại cải tạo lao động vì lên mạng chỉ trích lãnh đạo cộng sản thì không phải là điều gì bất ngờ cả, điều bất ngờ hơn nhiều đó là theo đuổi công lý không bị cản trở và lại còn thắng kiện. Đó là điều vừa đến với ông Phương Hồng, một người gác rừng về hưu 45 tuổi. Ông đã bị giữ trong trại cải tạo từ tháng Tư năm 2011 đến tháng Tư năm 2012. Hôm 29/6 vừa rồi tòa án tại huyện Phù Lăng, một địa phương thuộc thành phố Trùng Khánh, đã tuyên bố quyết định đưa ông đi cải tạo là « bất hợp pháp ».

Thắng lợi tư pháp này diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt. Năm 2011, ông Phương Hồng phải vào trại cải tạo vì chỉ trích trên mạng Vi Bác (Weibo) hai ông Bạc Hy Lai, khi đó là bí thư Trung Khánh và ông Vương Lập Quân, giám đốc công an của thành phố. Đến tháng 4 năm 2012 ông Phương ra khỏi trại thì cũng là lúc số phận của hai nhân vật lãnh đạo kia đã bị đảo lộn hoàn toàn, cả hai bị rơi vào vòng xóay của một vụ bê bối chính trị lớn. Chính ngay sau khi vụ bê bối Bạc Hy Lai nổ ra, một luật sư từ Bắc Kinh cùng một vị phó giám đốc công an Trung Khánh đã đến gặp ông Phương Hồng thuyết phục ông chấp nhận đền bù thiệt hại, với điều kiện không làm to chuyện thêm. Nhưng người gác rừng này đã từ chối mọi đề nghị và muốn đưa vụ việc ra xét xử công khai. Sau thắng lợi không ngờ tại tòa án Phù Lăng, ông Hồng đang tính đến chuyện đòi đền bù thiệt hại vật chất và tinh thần cho 367 ngày ở trong trại cải tạo. Cuối cùng ông đòi chính quyền công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã từng bôi nhọ ông hồi năm 2011.

Tác giả bài viết kết luận, dù gì thì cũng phải ghi nhận rằng trong những ngày hè năm 2012 này, Nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc cũng đã tiến được một bước nhỏ.

Động vật cũng biết đối phó với thợ săn

Trên trang khoa học của nhật báo Le Figaro có bài viết mang tựa đề « Khi những con gấu bị stress ». Một nghiên cứu mới đây chỉ cho thấy trước sức ép bị săn bắt, các loài động vật cũng biết phải xoay sở để sinh tồn. Các chuyên gia bảo tồn động vật ngày càng nhận ra một điều, đó là ngay khi những thợ săn rút súng ra thì các con mồi của họ cũng biết tìm cách thay đổi tập tính. Việc này có thể ảnh hưởng đến cả tập tính sinh sản của động vật. Đây là kết luận rút ra của một nghiên cứu do các nhà khoa học Thụy Điển và Na Uy về loài gấu nâu vừa mới được công bố trên tạp chí khoa học Biological conservation.

Ở các nước khu vực bán đảo Scandinavi, việc săn bắn gấu được cho phép nhưng nằm dưới sự kiểm sóat rát chặt chẽ. Các cuộc săn gấu chỉ được bắt đầu từ cưối tháng 8 và phải nghỉ một vài tháng khi số lượng gấu săn đạt hạn ngạch cho phép khỏang từ 45 đến 75 con mỗi năm. Nhóm nghiên cứu của Na Uy và Thụy Điển đã theo dõi trong vòng nhiều năm tập tính của lòai gấu nâu và nhận thấy ngoài mùa săn bắn, các loài động vật ban ngày vẫn ra kiếm ăn thường xuyên và chỉ về ngủ lúc nửa đêm. Nhưng khi mùa săn bắt đầu thì loài gấu đảo ngược tập tính sinh họat chỉ ra ngoài kiếm ăn vào đêm. Trong khi đây là thời điểm để gấu tích lũy năng lượng chuẩn bị cho mùa nghỉ đông kéo dài. Như vậy sư thay đổi tập tính để thích nghi với tình hình bị săn bắn lại diễn ra vào đúng thời điểm gấu cần phải tích lũy dự trữ mỡ rất nhiều chuẩn bị cho một mùa đông sắp tới. Hơn nữa khi phải kiếm ăn vào đêm, loài gấu không phân biệt được những loài quả chín, giàu dinh dưỡng. Thực tế này đã gián tiếp tác động lên khả năng sinh sản của các con cái. Từ đó, các nhà khoa học yêu cầu cấm săn bắn vào mùa đẹp trời, dễ kiếm thức ăn cho động vật.

RFI

No comments:

Post a Comment