Đại hội 18 Đảng Cộng
sản Trung Quốc sẽ bế mạc ngày thứ Tư 14/11 sau gần một tuần
họp, nhưng ban lãnh đạo mới sẽ ra mắt vào thứ Năm.
Khoảng 5 năm trước, khi các lãnh đạo đương
quyền ở Trung Quốc bắt đầu thảo luận về thế hệ kế cận trong
Bộ Chính trị trước thềm Đại hội 17, thì đã có đồn đoán rằng
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang vận động để cho người mà ông đỡ
đầu, Lý Khắc Cường, sẽ lên kế nhiệm ông trong tương lai.Lúc đó những người ủng hộ ông Hồ đã tin rằng sau 5 năm tại vị, ông có đủ quyền lực và vây cánh để biến điều này thành hiện thực.
Tuy nhiên, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ở Hong Kong nhận định rằng sự lạc quan kể trên đã tỏ ra là quá sớm.
Người tiền nhiệm của ông Hồ, Giang Trạch Dân, cùng với người lúc đó làm phó chủ tịch, Tăng Khánh Hồng, và một số lãnh đạo về hưu khác đã mở một cuộc vận động hậu trường phút chót và đưa ông Tập Cận Bình lên.
5 năm sau, khi ông Hồ Cẩm Đào đã đứng trước ngưỡng về hưu và Đại hội 18 đang diễn ra để thông qua một ban lãnh đạo mới, tình hình lại lặp lại như cũ.
Ông Giang Trạch Dân, năm nay đã 86 tuổi, trở lại tuyến đầu và dường như lại chi phối chính trường một lần nữa. Các nhân vật thân cận với ông được trông đợi sẽ lại chiếm đa số trong Thường vụ Bộ Chính trị, ra mắt vào thứ Năm 15/11.
Khi bảy ủy viên thường vụ mới xuất hiện trước báo chí tại Đại Lễ đường Nhân dân, sẽ có ít nhất năm người thuộc diện thân cận với ông Giang.
Hồ Cẩm Đào yếu thế?
Thứ nhất là hai nhân vật có xu hướng tạm
gọi là cải cách, đồng thời cũng theo Hồ Cẩm Đào là Uông
Dương, Bí thư Quảng Đông, và Lý Nguyên Triều, Trưởng Ban Tổ chức
Trung ương, sẽ không lọt vào Thường vụ.
Tuy nhiên bất ngờ lớn nhất sẽ là việc ông Hồ Cẩm Đào sẽ rút lui khỏi vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương, lãnh đạo tối cao của quân đội Trung Quốc.
Không giống như người tiền nhiệm, ông Hồ dường như muốn về hưu hoàn toàn và không tham chính nữa.
Ảnh hưởng của ông Hồ Cẩm Đào bị giảm sút đáng kể sau vụ bê bối liên quan Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Lệnh Kế Hoa. Ông Lệnh mất chức sau khi con trai ông tử nạn khi đang lái chiếc xe Ferrari đắt tiền.
Các 'bất ngờ' kể trên cho thấy ông Giang Trạch Dân đã khéo léo can thiệp và tận dụng thời cơ thế nào để bảo đảm vây cánh của ông còn tiếp tục gây ảnh hưởng trên chính trường Trung Quốc.
Thành phần thay đổi
Thực tế thành phần thế hệ lãnh đạo kế cận thay đổi qua từng giai đoạn, tùy thuộc ảnh hưởng của những người nâng đỡ cho họ.Đầu năm nay, giới chuyên gia từng trông đợi Thường vụ Bộ Chính trị sẽ có nhiều người của ông Hồ Cẩm Đào hơn.
Sau vụ bê bối gây chấn động liên quan Bạc Hy Lai, người trước đó đang tiến rất mạnh trên quan lộ, cho tới tháng Ba năm nay, Đoàn phái - tức phe xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản, thân ông Hồ, còn được dự đoán sẽ chiếm đa số trong Thường vụ Bộ Chính trị.
Các nhân vật đứng đầu bảng lúc đó là Uông Dương, Lý Nguyên Triều và Lưu Diên Đông, phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị.
Vào mùa hè năm nay, khi giới lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc tụ họp ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà, họ đã thảo luận về danh sách các nhân vật kế nhiệm.
Tuy nhiên, nhiều tuần thương lượng căng thẳng không mang lại kết quả rõ ràng, ngoại trừ con số ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ được giảm từ chín xuống bảy, để hạn chế bất đồng và đẩy nhanh việc đưa ra quyết định.
Sau các cuộc gặp ở Bắc Đới Hà, tin đồn bắt đầu lan truyền, rằng cựu Thủ tướng Lý Bằng và các bậc lão thành khác phản đối việc bổ nhiệm Bí thư Thượng Hải Du Chính Thành vì hai lẽ.
Lý do thứ nhất là ông Du đã 67 tuổi, quá già để đảm đương nhiệm kỳ 5 năm. Lý do thứ hai, một người anh của ông đã trốn sang Mỹ vào những năm 1980.
Tháng Chín vừa qua lại có thêm thông tin rằng Du Chính Thành quay trở lại danh sách ứng viên Thường vụ, trong khi Lý Nguyên Triều phải rút lui - nghe nói là có can thiệp của ông Giang Trạch Dân.
Hiện còn chưa ai rõ tại sao ông Giang lại vận động cho ông Du, nhưng nhiều người cho rằng ông Du có quan hệ thân thiết với gia đình Đặng Tiểu Bình, người đã đưa ông Giang Trạch Dân lên năm 1989.
Những năm 1980, ông Du Chính Thành làm việc bên cạnh ông Đặng Phổ Phương, con trai đầu của Đặng Tiểu Bình và hiện diện của ông Du được cho là biểu hiện của ảnh hưởng mà ông Đặng để lại trong Đảng.
Một nhân vật khác, ông Vương Kỳ Sơn, nay gần như chắc chắn sẽ phụ trách chống tham nhũng và điều này được bình luận nhiều ở Bắc Kinh những ngày này.
Ông Vương Kỳ Sơn được nhiều lãnh đạo phương Tây biết đến vì ông là người đại diện cho Trung Quốc tại các cuộc họp hành về kinh tế cũng như quan hệ kinh tế Mỹ-Trung.
Thoạt tiên ông được cho là sẽ trở thành phó Thủ tướng, vì tư duy kinh tế của ông, nhưng nay tin mới nhất là ông sẽ làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương.
Vị trí có thấp hơn trước, nhưng có lẽ điều này cũng cho thấy phần nào cam kết của Đảng trong việc đấu tranh chống tham nhũng, mà ông Hồ Cẩm Đào trong Báo cáo Chính trị Đại hội của mình đã gọi là "đe dọa cho sự tồn vong của chế độ".
Người lãnh trách nhiệm của ông Vương cần có kinh nghiệm và khôn khéo chính trị, vì làm không thành công sẽ dẫn tới đấu tranh nội bộ và chia rẽ.
Như vậy, kỳ vọng vào ông Vương Kỳ Sơn không hề nhỏ.
BBC
No comments:
Post a Comment